Những di sản sống của đất Thăng Long

01:11 SA @ Thứ Ba - 20 Tháng Giêng, 2009

Quả thực, có nhiều lúc người ta như không còn tìm thấy những vẻ đẹp của cảnh và người của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến nữa. Đô thị hóa và đời sống hiện đại hầu như đã xóa đi tất cả. Nhưng có một lúc nào đó, khi đang chen chúc giữa những dòng người và xe máy hối hả trên phố cùng với sự hỗn loạn của kiến trúc Hà Nội, bạn bỗng phát hiện ra một Hà Nội xưa còn sót lại với một lý do nào đó khiến bạn nao lòng: Đó có thể chỉ là một cây hoàng lan già, một cái cổng nhà rêu phong, một mái ngói đặc trưng phố cổ, một ô cửa sổ gỗ mòn bạc... Đó là một phần những di sản còn lại của đất Thăng Long. Những di sản đó hiện ra như những cái vẫy tay vĩnh biệt. Bạn biết vậy nhưng bạn không thể nào giữ lại được. Bởi có quá ít người mang nỗi tiếc nuối và dày vò như bạn.

Nhà cổ giữa Hà Nội hiện đại

Nhưng trong chốn ồn ã và hỗn loạn của một Hà Nội trong thời đại đô thị hóa ít chiến lược này, có một di sản khác mà chúng ta hầu như không để ý: di sản người. Đến một ngày nào đó rất gần, chúng ta không bao giờ tìm thấy những di sản này nữa. Tôi đang nói đến những con người mang trong mình cách sống và văn hóa của một Hà Nội cổ xưa. Đó là những người già trên dưới 90 nổi. Họ sống như những di sản đang bị bỏ quên trong những ngõ phố sâu, hay trong một chung cư cũ kĩ của Hà Nội.

Không gian sống của người Hà Nội xưa

Mấy năm trước, tôi đến thăm một người bạn vong niên ở làng Ngọc Hà vào một ngày tết. Một làng hoa nổi tiếng, nhưng giờ đây tôi không thể nào tìm ra cái làng xưa cũ và hào hoa nhất ở Hà Nội nữa. Mỗi gia đình trong cái Làng xưa ấy bây giờ là một “pháo đài” riêng biệt và phong thái thanh lịch của con người ở đó cách đây hơn nửa thế kỷ giờ không còn nữa. Và tại đây tôi đã gặp một người già, cụ bà thân sinh ra người bạn vong niên của tôi.

Cụ tiếp tôi trong một ngôi nhà được xây hơn 100 năm trước. Một thế giới của những nét đẹp tinh tế và thẳm sâu của một người Hà Nội xưa còn nguyên vẹn. Cách ăn, mặc, cách đọc sách, cách cụ nói về con người, cách ứng xử với họ hàng làng xóm, cách dạy bảo con cháu cho đến cách tặng cho tôi một gói trà sen... tất cả đều ướp đầy hương thơm của Hà Nội văn hiến: tinh tế và huyền ảo thẳm sâu và giản dị. Cũng như ngôi nhà với dãy bờ tường thấp rêu phong, những chậu hoa đặc trưng cho tính cách và tâm hồn người Hà Nội. Đó là những chậu địa lan, một cây mộc đại thụ thân phủ rêu mốc, một khóm hồng bạch tỏa hương thơm mà lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy, một chậu cúc vạn thọ, một khóm đỗ quyên đỏ, một cây mận nở hoa trắng muốt nơi góc vườn nhỏ...

Phòng khách của nhà cổ Hà Nội

Tuy đã 91 tuổi, nhưng cụ vẫn còn nhanh nhẹn và tinh tường. Chúng tôi ngồi uống trà trên bộ bàn ghế cũ, giản dị nhưng hết sức nho nhã. Trong nhà vẫn có đủ những đồ dùng của thời hiện đại như tủ lạnh, tivi, quạt điện, điện thoại bàn... nhưng tại sao đời sống hiện đại và chủ nghĩa đô thị hóa không xóa được một không khí thanh lịch và ung dung của ngôi nhà này? Bởi lan tỏa trong ngôi nhà ấy là một con người, một di sản văn hóa Hà Nội xưa.

Cụ có hai người con trai. Bạn tôi là con trai cả nên ở với cụ. Anh là một tiến sĩ từng du học nhiều năm ở nước ngoài. Các con anh cũng đều tốt nghiệp đại học. Nhưng tất cả những con người của nhiều thế hệ vẫn sống cùng nhau hạnh phúc trong một văn hóa đồng nhất - văn hóa của Thăng Long. Điều này đã làm thất bại quan niệm cho rằng không thể giữ được phong cách sống của người Hà Nội xưa trong một Hà Nội thời hiện đại.

Bạn tôi nói, mẹ anh vẫn là người chi phối lối sống của toàn bộ các thành viên trong gia đình. Anh kể, mỗi độ xuân về, gia đình anh chuẩn bị đón Tết như ông bà anh đón Tết ngày xưa: quét dọn nhà cửa, lau đồ thờ, chuẩn bị mâm ngũ quả, chuẩn bị các món ăn Tết truyền thống. Cụ vẫn chỉ đạo con dâu và các cháu làm mứt sen, mứt gừng, gói bánh chưng, làm giò xào, làm chè lam, nấu chè kho, nấu thịt đông, ngâm bóng, măng khô, mua hoa giấy, câu đối đỏ... và chuẩn bị cây mùi già để tắm tất niên. Đêm giao thừa, tất cả các thành viên trong nhà quây quần nói chuyện với nhau về gia đình mình với những kỷ niệm đẹp, ấm áp và tự hào rồi cúng tổ tiên ông bà.

Lối sống đó cùng với thiên nhiên gần gũi trong khu vườn nhỏ đã tạo lên một thế giới khác biệt với cuộc sống xô bồ bên ngoài. Tôi nghĩ, gia đình cụ cũng chính là một xã hội thu nhỏ. Bởi mọi người vẫn phải làm việc, phải sống, phải trao đổi thông tin và tham gia mọi hoạt động xã hội. Nhưng họ vẫn giữ được những nét đẹp của văn hóa Hà Nội ngàn năm văn vật trong chính đời sống hiện đại này. Vậy vì sao một gia đình làm được điều đó mà cả xã hội lại không làm được? Thi thoảng tôi lại gặp một người già như cụ bà thân sinh ra bạn tôi trong một Hà Nội hiện đại. Và mỗi lần như thế, họ lại đưa tôi trở về những vẻ đẹp giản dị, nhưng thẳm sâu bền vững nhưng không hề lỗi thời. Bởi những vẻ đẹp đó là văn hóa - năng lượng sống vĩnh hằng cho một đời sống thực sự có ý nghĩa của một con người và của một xã hội. Tôi có cảm giác những người già chứa trong con người họ những vẻ đẹp đích thực của Hà Nội ngàn năm như những hạt giống quý hiếm mà chúng ta đã và đang quên lãng.

Một người bạn của tôi là họa sĩ nói, chỉ cần bỏ ra cho anh ấy một tỷ thì trong sáu tháng, anh ấy có thể dựng lên một ngôi nhà nhỏ trong Làng Ngọc Hà giống như một ngôi nhà đã xây ở đó từ 100 hay 200 năm trước, kể cả những mảngrêu bám ở góc tường. Nhưng để có một con người sống với phong thái của Hà Nội văn hiến, có khi phải mất hàng thế kỷ. Người ta có thể làm nhái mọi thứ nhưng không làm nhái được văn hóa. Bởi văn hóa là tinh thần lan tỏa như khí thiêng trong mỗi con người.

Chúng ta từng đưa ra quá nhiều phương án để bảo tồn phố cổ và các di tích văn hóa, lịch sử của Hà Nội văn hiến. Nhưng chúng ta ít nói đến việc bảo vệ một hồ nước, một ngõ làng trong phố hay một cái cây đặc trưng của đất Thăng Long này. Và chúng ta càng không nói đến việc bảo vệ những di sản sống, những minh chứng sống động nhất của văn hóa Thăng Long. Không ai có thể sống mãi. Nhưng sự hiện thân của thế hệ này ở những thế hệ sau đó là điều ai cũng hiểu. Người bạn vong niên của tôi chắc chắn sẽ là hiện thân của mẹ anh, một di sản sống của Hà Nội văn hiến, sau khi cụ bà đi về cõi Phật. Anh là hạt giống mang đầy đủ gien của cái cây văn hóa trước đó để tiếp tục được gieo giống tốt bên cạnh vô vàn những hạt giống đã thoái hóa. Chính thế mà một Hà Nội văn hiến đang mỗi ngày một chìm sâu trong những ngôi nhà nhỏ bé và dần dần biến mất.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sức sống Việt

    28/01/2015Nguyễn Bỉnh QuânTa có năm đặc điểm văn hóa Việt để đi sâu nghiên cứu có thể thấy những nét bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó chính là sức sống Việt, sức sống của dân tộc, quốc gia. Bản sắc ấy, sức sống ấy sẽ chuyển hóa như thế nào, đưa chúng ta tới đâu, giúp chúng ta tới đâu trong cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa trong tình cảnh toàn cầu hóa... câu trả lời sẽ trở thành sức sống Việt thời mới.
  • Nhận diện con người Hà Nội qua lăng kính văn hóa Thăng Long - Hà Nội

    17/10/2019GS.TS. Trần Văn BínhCon người sáng tạo ra văn hóa, là chủ thể của văn hóa, đồng thời con người cũng là sản phẩm của văn hóa. Vì vậy, thông qua con người có thể hiểu văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc, và ngược lại, qua văn hóa cũng có thể hiểu rõ về con người...
  • Hà Nội, di sản nghìn năm và tốc độ của đời sống hiện đại

    09/02/2015Nguyễn Trương QuýBắt đầu câu chuyện về Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến kho "di sản gạch ngói" hay là những thứ "văn vật", thời thượng hơn thì dùng từ "văn hoá vật thể" để chỉ những cấu trúc xây dựng của đô thị, trong đó chủ đề phố cổ luôn nóng hổi và dù nghe đã nhàm tai, đã biết quá rõ những gì gọi là đẹp đẽ, những gì trầm kha của một khu phố luôn được nhắc đến hằng đầu trong những nghị quyết về văn hoá xã hội thủ đô hay những hội thảo chuyên đề về Hà Nội, nhưng hình như vẫn chưa ra được đáp số.
  • Một vài suy nghĩ về văn hóa Việt Nam

    10/12/2005Là một nhà nghiên cứu văn học, GS Hà Minh Đức rất quan tâm đến sự phát triển của nền văn hoá dân tộc vì theo ông văn hoá gắn với sự phát triển chung của đất nước, với mỗi con người, mỗi cuộc đời. Dưới đây, Tạp chí xin giới thiệu đôi điều suy nghĩ của GS về văn hoá Việt Nam.
  • Tính truyền thống và yêu cầu đổi mới trong thiên niên kỷ tới

    10/10/2005Lê Đăng Doanh"Truyền thống của dân tộc ta đâu chỉ có chiến đấu. Sao không thấy trình diễn các truyền thống sáng tạo văn học nghệ thuật, khoa học, cách tân của ông cha ta?" Đó là một câu hỏi nghiêm túc cần được suy nghĩ và phân tích, khi chúng ta bước vào thiên niên kỷ của tiến bộ khoa học công nghệ và toàn cầu hoá với quy mô và mức độ sâu rộng chưa từng có. Không có dân tộc nào có thể tự cho mình là hoàn hảo trong mọi thời đại để quên mất học tập và tiếp thu cái tốt, cái đẹp của các dân tộc khác...