Nét đẹp của phụ nữ Hà Nội
Cứ dăm năm lại có một lớp con gái trẻ Hà Nội lớn lên, đẹp hơn trước. Phụ nữ Hà Nội đi đâu cũng không lẫn vì nhiều vẻ. Đó là một điều thật đẹp, thật vui. Ngay giữa lòng thành phố, có thể nhận ngay ra người phụ nữ có cốt cách Hà Nội, bất kể tóc đã hoa râm, bạc trắng hay còn tóc thề để xoã ngang vai bất luận họ đang vội vã, đang ngồi trên xe máy, đang trong rạp hát, đang ăn quà hay đang thả bộ ung dung trên vỉa hè.
Phụ nữ Việt Nam vốn đôn hậu, dịu hiền, đoan trang, ý tứ. Phụ nữ Hà Nội hình như còn bình phương chất ấy lên trong tính cách, từ trong gia đình đến ngoài xã hội.
Có thể bà mẹ lớn tuổi, bước đi khoan thai, không gõ guốc cồm cộp, không kéo lê đôi dép quèn quẹt, ngay gót chân đã nhăn nheo cũng không bao giờ chịu để lem luốc đất cát. Tà áo chỉ là vải thường cũng phẳng phiu, gọn ghẽ, kín đáo, nhất là sạch sẽ. Lâu nay ít người mặc áo vá, hoạ chăng mặc trong nhà, còn ra đường, nét tề chỉnh là đặc trưng cho phụ nữ Hà Nội. Sang mà không loè loẹt, đẹp mà không lố lăng.
Xưa nay phụ nữ thường mang tiếng là hay ăn quà vặt. Có phần đúng. Nếu đàn ông hay ngồi quán cà phê, bia rượu lai rai, thì mọi hàng quà khác phụ nữ đông hơn, từ bún chả, xôi chè, cuốn, thang, đến ốc luộc, nộm chua cay... Nhưng cách ăn của phụ nữ Hà Nội dễ nhận ra ngay: ý tứ, ngồi một góc, khép chân, không gác chân co lên ghế, không gục mặt xuống mà ăn, vẫn thẳng thắn đàng hoàng, không liếc ngang liếc dọc. Không nhồm nhoàm, không xì xụp, không tóp tép, không ừng ực, không nói cười hô hố trong khi ăn. Ăn xong kín đáo rút khăn tay lau miệng chứ không dùng đũa dựng đứng mà quệt miệng như phù thuỷ niệm thần chú, bắt quyết.
Một thời, xe đạp là phương tiện đi lại chính. Con gái Hà Nội đi xe bao giờ cũng khép chân, đầu gối gần sát vào khung xe, đầu ngón chân đặt trên bàn đạp, không khuỳnh tay, dạng chân, không phóng nhanh. Ngồi đằng sau thì không ôm choàng người đèo, không đặt tay lên đùi hay sờ bụng người đằng trước, vì làm thế là không đứng đắn.
Thời đại thay đổi. Xe máy là chính. Chấp nhận. Nhìn cô gái đi xe máy ngồi ngả ngốn, nói cười oang oang, ôm eo lơi lả, phóng như điên nhiều người thấy buồn cho con gái Hà Nội. Từ cái ngả ngốn này đi đến cái ngả ngốn khác, khoảng cách chỉ là hạt thóc. Người ta cũng có thể nhìn một cô gái như thế mà biết cô sinh ra trong một gia đình như thế nào và được giáo dục ra sao, nhất là bà mẹ cô có nề nếp hay buông tuồng ra sao.
Quần áo là cái lồ lộ ra trước mắt mọi người trước tiên. Các thứ váy cửa võng, quần chân què phải mất đi là đúng. Cái thắt lưng mớ ba mớ bảy, một thời là kín đáo, gió bay cái này còn có cái khác che kín phía dưới bụng...Mất đi là đương nhiên
Nay, thời đại của giao lưu quốc tế, tối tối các thứ váy lạ mắt được phô ra trên màn ảnh nhỏ, nhất là các chương trình gọi là Ca nhạc quốc tế, hát cái gì không ai hiểu, chỉ thấy nhảy như điên, tốc các thứ lên... cho nên không lạ, con gái Hà Nội cũng bắt đầu bắt chước, mặc đủ các thứ váy, lộ cả những chỗ cần che đậy... Những bà mẹ Hà Nội nề nếp đành chỉ lắc đầu vì không bảo được đứa con bị nhiễm bệnh thời đại, bắt chước, nhố nhăng. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều cô gái con nhà, nghe lời cha mẹ, ăn mặc kín đáo, nhẹ nhàng, nề nếp dễ coi, không tốn kém và rất hay là chính các cô này mới là đối tượng chính của các chàng trai tìm vợ.
Cô gái Hà Nội cũng không bao giờ ngồi xổm trên vỉa hè, dạng hai chân đến hơn 120 độ, hắt nước ào ào, khiến khách đi đường không biết đâu mà tránh.
Riêng khuôn mặt, phụ nữ Hà Nội xưa nay vẫn hấp dẫn lạ lùng trong mọi con mắt, mọi trái tim từ người thợ đến nhà thơ. Ngay từ bé thơ, người mẹ đã biết làm cho khuôn mặt thơ ngây của bé thành đáng yêu, lớn thành thiếu nữ rồi thanh nữ, khuôn mặt vẫn là sự tự hào của nhiều cô gái. Son phấn là cần, mái tóc là quan trọng. Nhưng son phấn không phải là chủ yếu, không thể lấn át cái cốt lõi của khuôn mặt, như có nhiệm vụ tôn lên chút ít chứ không phải cái làm hỏng khuôn mặt như một số cô gái hiện nay đã quá lợi dụng, thành loè loẹt, biến khuôn mặt mình thành cái mặt nạ - và cũng là mặt lạ - thật dại dột. Đã trắng rồi còn trát một lớp phấn dày, môi đã tươi còn tô đỏ choét, son loang cả vào răng. Lông mày thanh thoát đem nhổ đi tô bút chì như lông mày Trương Phi lên sân khấu. Mắt nhung kỳ ảo lại đem tô xanh tô đỏ như vẽ hề. Các bà mẹ khôn ngoan biết dạy con, không thể nào để con mình dùng cái mặt thành ngáo ộp ấy ra đường. Không có cái đẹp nào bằng tự nhiên, thanh nhã, kín đáo... Có duyên hay không, hấp dẫn hay không chính là ở đó và một phần là sự uốn nắn của bà mẹ trong nếp sống gia đình hằng ngày. Nhìn một khuôn mặt quá nặng nề phấn son, tưởng như húp phải bát canh quá mặn, nhiều muối quá, không nuốt được, có muốn ăn cũng đành phải nhổ ra thôi.
Phụ nữ Hà Nội biết cách trang điểm hơn ai hết. Chỉ phớt qua một chút phấn, phủ một lớp son mờ, kín đáo một giọt nước hoa nơi bàn tay, trong khăn mùi xoa hoặc dưới mang tai, có món tóc mềm phủ lên, để chỉ đủ thoảng nhẹ như một hương nhài thơm xa, đủ khiêu khích một cách mơ hồ chứ không quá nồng quá hắc. Tiếc sao các bà phụ nữ này không còn nhiều và thương thay cho không biết bao nhiêu cô gái đang quá yêu son phấn làm hỏng bộ mặt của mình, bộ mặt đáng yêu của con gái Hà Nội. Phụ nữ Hà Nội trang điểm chứ không làm đỏm, làm dáng. Thế đấy.
Không thể gọi là bảo thủ khi người mẹ dạy con từ một lời ăn tiếng nói. Cấm kỵ là nói trống không, lô bô lô bốp, lỗ mãng ngoài đường, cười hô hố, gọi nhau ơi ới. Vì vậy phụ nữ đích thực Hà Nội không thể nói bậy, chửi thề, không nói tục chứ đừng nghĩ đến con gái mà chửi như con trai, cũng đèo, cũng văng ra đủ thứ. Họ nói câu gì, hỏi gì bao giờ cũng có chữ "ạ" đằng sau.
Có bà rùng mình, có bà đứng như trời trồng khi thấy mấy cô gái khá xinh đẹp mà khi nói chuyện lại văng ra đủ thứ không ngượng mồm như là cái ấy nó dính vào môi vào lưỡi rồi, không văng ra không chịu được.
Có bà tự hỏi, không biết mấy cái vòi nước hỏng khoá ấy, luôn tuôn ra thứ nước bẩn thỉu ấy, là con cái nhà ai, mẹ nó là người thế nào, có dậy dỗ họ không, họ có đi học ngày nào không... Họ có còn là con gái, nhất là con gái Hà Nội không? Biết trả lời sao đây?
Có nhà văn nói: Không có phụ nữ thì không có nhà văn nhà thơ, cũng không có cả tướng lĩnh. Đúng quá. Nhưng để có người phụ nữ vẻ vang như thế, đáng kính trọng như thế, lẽ nào mấy cô gái lỗ mãng kia có thể giáo dục con mình trở thành nhà thơ, anh hùng được? Đất lề quê thói, Hà Nội cũng chỉ là một địa phương, phụ nữ Hà Nội cũng chỉ là phụ nữ Việt Nam. Bao nền nếp, bao tinh hoa nét sống, bao phong cách đẹp... lẽ nào mai một hết. Chắc chắn không.
Chỉ tính đến công việc gia chánh, người phụ nữ Hà Nội cũng không chịu thua kém bất cứ đâu, nếu không nói là phấn đấu để hơn hẳn bởi tài hoa của mình và truyền lại cho con gái mình. Nay, khối cô gái coi thường gia chánh. Cơm bụi là xong. Nhưng các cô biết đâu rằng người chồng tương lai của các cô sẽ yêu quý các cô biết chừng nào khi cô biết nấu một món ăn ngon, hợp sở thích của chàng, biết nuôi dậy con cái ngoan ngoãn, khoẻ mạnh, có khi chỉ là biết cắm một bông hoa trên bàn của chàng ngày chủ nhật. Phụ nữ Hà Nội đứng tuổi chính là những người đàn bà khéo tay hay làm, tài hoa như thế. Phụ nữ Hà Nội hôm nay vẫn còn không ít những người đáng kính trọng. Con gái họ cũng tiếp thu được cách sống,nếp sống của mẹ, cũng mềm mỏng, ý nhị, cũng tươi tắn, lịch sự... Họ đúng là bông hoa nhài của bất cứ thời nào bởi thời nào thì cũng không ai có thể yêu cô gái không biết làm ăn, chỉ biết làm đỏm dong chơi, lố lăng kệch cỡm... Người Hà Nội được ví với bông hoa nhài. Phụ nữ Hà Nội còn là hoa nhài của hoa nhài. Chí lí lắm.
Phụ Nữ Hà Nội chắc chắn vẫn là bông hoa đẹp để Hà Nội tự hào về họ chứ không xấu hổ vì họ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu Đổng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành