Hà Nội ơi!
Ngày mới về thủ đô, sống và công tác ở Hà Nội, tôi thực lòng không có khái niệm gì về nếp sống đô thị.
Để được hòa nhập cùng dân Hà thành ngàn năm văn hiến, tôi tìm sách viết về thủ đô, đọc và tìm hiểu nếp sống thanh lịch của người Tràng An, tìm hiểu cảnh đẹp, danh lam thủ đô ta và tôi rất mê đọc sách của nhà văn Tô Hoài tả cảnh Hà Nội xưa sao mà thơ mộng, sao mà dễ thương…
Xưa, chờ dòng nước "linh thiêng"
Thế rồi cuộc sống cũng cho phép tôi hòa nhập. Tới thành công dân của Hà Nội hơn ba chục năm rồi.
Nhớ lại thời thập niên tám mươi của thế kỷ trước, Hà Nội thân yêu của chúng ta sống trong một không gian chật hẹp, lam lũ từ các khu phố cổ đến các dãy nhà tập thể cấp bốn dài ngoẵng, đầu dãy là bể nước công cộng, cuối dãy là khu vệ sinh, cũng công cộng, thực ra chẳng vệ sinh chút nào. Bây giờ nhớ lại khung cảnh ấy, lứa chúng tôi ai cũng rùng mình.
Không một bạn trẻ thế hệ 8X nào bây giờ hình dung nổi, đêm đêm các bậc phụ huynh của mình hồi ấy phải đem xô đem chậu ra bể nước xếp hàng. Vòi nước chảy ri rỉ, thỉnh thoảng sôi lên từ bên trong lòng đất, bất thần vọt ra một dòng nước linh thiêng, nhưng chỉ được một lúc thôi, nó lại tự nhiên ngưng đọng, tự nhiên rỉ ra như thể may rủi . Người ngồi chờ nước chuyện vãn đủ thứ trên đời, rồi ngáp vặt, nhưng ý chí vẫn bền, lòng kiên nhẫn vẫn không suy giảm dù mặt mũi hốc hác. Chưa kể nỗi lo điện mất, nỗi lo xếp hàng mua gạo, mua thực phẩm...
Nền văn minh xếp hàng được du nhập từ xứ sở nào về mà khiến dân ta đêm ngày canh cánh!
Nay, đâu nét thanh lịch người Tràng An
Đùng một cái, ngọn gió đổi mới cơ chế, đổi mới tư duy ào về, tạo nên một sức sống mới.
Sổ gạo, tem phiếu nhanh chóng được xếp lại. Người người bung ra. Nhà nhà bung ra. Phố cổ phố mới thi nhau mở mặt tiền. Hàng hóa như có phép tiên - xưa kia hiếm hoi, xếp hàng cả buổi mới mua được cân thịt, cân cá - bây giờ tràn phố, ngợp hè. Chỉ cần gọi điện thoại một cái, lập tức người bán đem hàng như ý đến tận nhà.
Hà Nội gần hai chục năm nay biến thành công trường, biến thành cái chợ, người bán kẻ mua tấp nập, hè phố thành chợ. Dây điện dây cáp phát triển thành từng búi. Đường vừa làm xong lại đào lên là chuyện thường tình. Sông Tô, sông Nhuệ xưa kia thơ mộng bây giờ thành ra cống lộ thiên bốc lên phố xá mùi xú uế. Cả cái công viên Thủ Lệ nhỏ xinh xưa kia bây giờ trở thành quán ăn bình dân, quán lẩu, nhậu đêm nhậu ngày, các chú khỉ chú hổ hiếm hoi tha hồ thưởng thức cảnh ăn uống linh đình ngay cạnh "nhà" của mình. Hà Nội ta có bao nhiêu hồ thì có bấy nhiêu hồ bị ô nhiễm. Bụi Hà Nội bây giờ chỉ có thể sánh ngang Sài Gòn và ngược lại.
Hai thành phố lớn nhất nước "có quyền" có mật độ bụi cao nhất nước, có lẽ nhất cả Đông Dương và nhất thế giới luôn? Bụi ở đâu về mà lắm thế bụi ơi! Tất nhiên bụi trả lời ngay: "ở đâu có xây dựng, có công trình, rằng thì mà là "chúng cháu có mặt ngay”! Công trình thì ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là nhất rồi. Vâng, dù các nhà quy hoạch có quy hoạch thì việc xây dựng không phép vẫn là chuyện thường ngày.
Ôi Hà Nội! Hà Nội thân yêu! Bao giờ người hết bụi, hết cảnh đào đường, hết cảnh hè phố bị lấn chiếm? Bao giờ công viên được làm công viên, là nơi cho dân mình nghỉ ngơi, thư giãn? Hà Nội ơi, khi nào người được sống bình an thanh lịch như ngàn năm văn hiến, đã từng có nhiều lúc nhiều thời sang trọng nhất trong thiên hạ!
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan Đăng