Ký sự Cafe
1. Cafe Hàng Hành- 1 sáng đầu tuần
Bình minh ở đây như đến muộn. 10h sáng, góc phố râm mát. Ly cafe nâu đắng nhẹ mà ngọt dịu. Một góc Hà Nội - không Hà Nội - mà rất Hà Nội. Một anh chàng diễn viên điển trai chăm chú xem một bộ phim truyền hình. Một nhóm các ông già nghệ sĩ thảnh thơi ngồi nói chuyện xưa, chuyện nay, chuyện thời tiết, chuyện chính trị. Không hẳn là yên tĩnh, nhưng rất yên bình…
2.Cafe cô Bích- Đinh Tiên Hoàng- 1h30p chiều
Quán nhỏ, nằm trên gác 2 của một của hàng bán túi xách. Đường lên là một cầu thang nhỏ và cũ kĩ. Quán ko có biển hiệu, cũng chẳng có một dấu hiệu gì để nói lên đây là một quán cafe. Nếu như không có sự mách nước của một ai đó đã từng là khách quen của quán, cam đoan rằng chẳng bao giờ bạn biết được ở đối diện Hồ Gươm có một địa điểm thú vị đến thế. Quán có một ban công rất hẹp, chỉ để được một bộ bàn ghế nhỏ xíu theo kiểu quán cóc đủ cho hai, ba người ngồi. Nhưng bù lại ngồi ở đây lại là một view tuyệt vời cho một buổi chiều hồ Gươm diệu vợi. Cây xanh, nước xanh và dưới kia là phố xá tấp nập. Cái ban công như một cái tổ chim nhỏ xíu, chon von.
Khách của quán hầu hết là cánh thanh niên trẻ, có vẻ hơi bụi bặm 1 chút, và đặc biệt mê rock. Muốn lên quán, họ phải gửi xe ở bờ hồ và đi bộ lên nhờ qua nhà bán cặp. Có điều gì ở quán mà thu hút họ đến thế?
- Quán không nổi tiếng, không phô trương?
- Quán không phục vụ các loại giải khát, mà chỉ có cafe, có chăng cũng chỉ là món nước sấu ngâm?
- Cafe ở đây do cô chủ quán tự rang, xay, pha chế?
- Cô chủ quán dễ tính và hiếu khách, thậm chí xu hướng tự phục vụ ở đây được đánh giá rất cao?
- Chỉ có rock và rock, nhạc ở đây có thể vặn to đến mức chát chúa?
- Quả là một view lý tưởng để ngắm Hồ Gươm?
- Hay đây là một góc khuất? Góc khuất của Hà Nội? Hay của riêng một ai đó? Là trốn chạy, hay để gặp gỡ? Để xa rời, hay để kiếm tìm?
Tôi cũng không biết nữa…
3.Cafe Nuôi- 34 Lương Văn Can- 3h chiều
Nothing!
Khách không đặc biệt
Chủ không đặc biệt
Đồ uống không đặc biệt
Không gian quán không có gì…
Nothing!
4. Cafe Thái- 27 Triệu Việt Vương- 1h chiều t7, 5h chiều chủ nhật
Đất nước thời mở của, Hà Nội với dáng vẻ tĩnh mịch cổ xưa cũng vươn mình đón những thay đổi mới. Nền kinh tế thị trường làm sôi động đất Hà Thành với hàng hoá tràn ngập, đáp ứng những nhu cầu mới, thị hiếu mới. Người Hà Nội bận rộn hơn, ít có giây phút lãng đãng hơn; nhà cao hơn, cửa rộng hơn; xe cộ đi lại đông hơn, không khí thành phố trở nên khẩn trương… và các quán café cũng ít nhiều thay đổi theo cơ chế mới. Xuất hiện những quán trà mới kiểu phương Tây, (trước là Lipton, rồi đến Dilmah, Qualitea…); rồi trà Đài loan, trà Singapore, trà Nhật Bản … với trang trí mang tính thẩm mỹ, nội thất cầu kỳ, khá ấn tượng với không gian rộng và trang thiết bị nghe nhìn hiện đại. Càfê theo kiểu phương Tây cũng du nhập vào Việt Nam, phục vụ phổ biến tại khách sạn, quán bar với các style nổi tiếng như Esperranso, Capucino… nhưng xem chừng dân Hà Nội không mấy mặn mà với những style này cho lắm: nhạt, nhiều, cafein tách đến mất hết cả vị đắng truyền thống kiểu Việt Nam. Cafe Trung Nguyên vốn là gu Sài Gòn cũng ồ ạt tràn ra thử chiếm lĩnh thị trường miền Bắc. Công nhận là hãng này chịu khó tìm tòi điều chỉnh công thức pha chế sao cho phù hợp với gu của dân xứ lạnh, nhưng cũng chỉ đáp ứng phần nào, chủ yếu là phục vụ giới trẻ và những người tiêu dùng theo thị hiếu. Còn thì đa số dân ghiền cafe vẫn trung thành tìm đến những quán café quen thuộc nổi tiếng xưa kia. Một điều thú vị là một số quán cũ này, dù rằng dến nay không còn nhiều nữa, vẫn không thay đổi phong cách chạy theo thị hiếu mới. Bạn vẫn có thể bắt gặp những gian nhà với khung cửa thấp, hẹp, bàn ghế gỗ giản dị xỉn màu thời gian như Café Lâm ở Nguyễn Hữu Huân, Café Năng phố Hàng Bạc , Café Nhĩ số 3 Hàng Gà, Café Giảng đầu Hàng Gai, Café Nuôi ở Lương Văn Can, Café Nghĩa ở Hàng Da , Café Nhân ở Nguyễn Thái Học. Café Thái là một trong những thương hiệu như thế.
Ra đời từ năm 1926, khởi đầu của café Thái, cũng như café Hà Nội xưa nói chung, đó là café gánh. Ông nội của chủ cửa hàng café Thái bây giờ khi ấy lập nghiệp ở đất Hà Thành với 1 gánh café gánh đi khắp 36 phố phường Hà Nội… Hòa bình lặp lại, con trai ông thuê một căn nhà của nhà nước là số 27 Triệu Việt Vương bây giờ, bày bán trên vỉa hè… và bây giờ nó trở thành café Thái nổi tiếng trong giới sành café Hà Nội. Café được cầu kì đặt từ Nghệ An, Buôn Mê Thuột đem ra, và cửa hàng tự rang, xay, pha chế để có được một hương vị riêng. Niềm tự hào của café Thái đó chính là hương vị mộc của café, ko hề có một chút hóa chất hay nguyên phụ liệu nào khác.
Không biết từ bao giờ, café đã trở thành một phần của cuộc sống người Hà Nội. Ở bất cứ con phố nào, ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những quán café giải khát với đa dạng các tên gọi khác nhau. Có quán café có cái tên thật kêu, có những quán ấn tượng bởi cách bài trí, không gian thưởng thức, có quán lại thành công bởi một menu đồ uống thật lạ tai… Nhưng cái không hề thay đổi hàng chục năm nay, giống như cái thói quen ăn sáng lưng lửng dạ rồi làm một ly café cho tỉnh táo đầu óc trước khi bắt đầu một ngày mới của người Hà Thành, đó chính là những quán café quen thuộc đã nổi tiếng từ xưa kia. Café Thái là một trong số đó. Không gian nhỏ hẹp, bàn ghế nhỏ liêu xiêu, menu đồ uống ngoài café không có gì đặc sắc… nhưng nếu là một người sành café và yêu café Hà nội, nói đến café Thái, hẳn bạn sẽ nhận được một cái gật đầu.
Một không gian đặc quánh café. Quán có vẻ cũ kĩ, đồ uống cũng không có nhiều loại. Nổi bật chỉ có café và mọi người đến đây hầu như chỉ để uống café. Đây không phải không gian lý tưởng cho việc hẹn hò, nhưng lại là một địa điểm đáng đến của những người yêu café Hà Nội đích thực. Café thái là một thương hiệu café lâu đời của HN. Café do quán tự rang, xay, chế biến để có những mùi vị rất riêng. Đặc biệt nhất là hương thơm. Mùi café thơm lựng, vấn vít quanh ta, không hẳn là từ ly café mà ta đang uống mà còn bởi cả không gian này đã quện đều hương thơm lạ lùng ấy tự bao giờ.
Café lấy từ đâu
Rang café như nào
Pha chế ra sao…
Tất cả đều là bí quyết gia truyền để làm nên một thương hiệu
Mỗi một quán café lại có những đối tượng phục vụ khác nhau. Và chừng nào còn có những người yêu café Hà Nội đích thực, chừng nào còn có người phân biệt được sự khác nhau của café trung nguyên với café Hà Nội, trong café Hà Nội thì thích café Lâm, hay café Nhân, café Thái… thì chừng đó, văn hóa café còn được giữ gìn và tồn tại, như cái thanh lịch của người Tràng An xưa và nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh