Văn hóa Tràng An trong chuyện đặt tên đường phố
2008 là một năm chính quyền thủ đô nhiều lần được báo chí nhắc tới để phê phán: Từ việc mở rộng gây tranh cãi, sự lúng túng trong đối phó với trận lụt lịch sử, dự định xây TTTM ở chợ 19/12, tới vụ để sứt mẻ thương hiệu "Tràng An" khi người dân vặt hoa ở lễ hội v.v. Dù vậy, trong chuyện đặt tên đường phố, thì Hà thành có một nét văn hóa đáng ca ngợi, ít nhất cũng đáng để các nơi khác tham khảo.
Người ở các địa phương khác mới về Hà Nội không để ý đã đành, nhưng ngay cả người sinh sống đã lâu ở thủ đô cũng ít ai chú tâm tới cách đặt tên đường, phố nơi đây. Nói một cách vắn tắt thì phố phường Hà Nội cũ (khu vực chưa mở rộng) được đặt theo từng cụm, mỗi cụm tương ứng với một thời, một triều đại nhất định trong lịch sử.
Ví dụ, có thể xem mạn quanh Hồ Gươm - trung tâm thủ đô - là "khu vực" của nhà Đinh và Tiền Lý. Đi về hướng Cung Văn hóa Hữu nghị là "địa phận" của nhà Trần với các phố Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng, Đỗ Hành, Vũ Lợi.
Những phố phía hồ Tây được mang tên các văn nghệ sĩ nổi tiếng: Xuân Diệu, Đặng Thai Mai. Những phố mới mở thuộc quận Đống Đa lấy tên các nhà văn hiện thực thời 1930-1945: Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng…
Tất nhiên, sự sắp xếp này chỉ là tương đối. Tuy vậy, kể ra cũng thú vị khi mà, nếu đang ở phố Yết Kiêu, người ta có thể đoán biết rằng phố Dã Tượng cũng ở đâu đó gần nơi mình đứng. Như vậy, cách đặt tên đường phố của Hà Nội có thể giúp một bộ phận dân chúng - chủ yếu là những ai có sự quan tâm nhất định tới lịch sử - dễ tìm đường đi lối lại.
Quan trọng hơn là nó cho thấy một tính toán tương đối khoa học và rất có văn hóa của những người đứng đầu một thành phố.
Tản mạn về lịch sử của sáng kiến đặt tên
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, trước khi bị thực dân Pháp chiếm đóng, thời xưa, phố phường Hà Nội được đặt tên theo các dải đất hoặc công trình mà phố đi qua, hoặc các sản vật mà người phố đó buôn bán, ví dụ Hàng Điếu, Hàng Đường, Hàng Gà, Hàng Mắm, Hàng Muối… Phố Hàng Ngang đông người Quảng Đông sinh sống nên được gọi là phố Việt Đông (tên gọi khác của tỉnh Quảng Đông).
Việc lấy tên danh nhân để đặt cho đường phố là một tập tục ở nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Nga, và Việt Nam tiếp nhận cách đặt tên đó từ chính quyền thực dân Pháp.
Phố Tràng Tiền cũ |
Thời thuộc Pháp, dĩ nhiên các "danh nhân" được chính quyền bảo hộ lấy tên để đặt cho đường phố Hà Nội đều là người Pháp, như phố Paul Bert (Tràng Tiền ngày nay). Phố Đinh Tiên Hoàng ngày trước mang tên Francois Garnier - viên đại úy đánh thành Hà Nội và bỏ mạng năm 1873. Tương tự, phố Ngô Quyền có tên cũ là Henri Rivière, hay phố Trần Hưng Đạo tên Pháp là Gambetta…
Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngày 20/7, bác sĩ Trần Văn Lai nhậm chức Đốc lý Hà Nội. Tới ngày 19/8 thì Cách mạng tháng Tám nổ ra ở thành phố, nên nhiệm kỳ của ông Trần Văn Lai kéo dài chưa được một tháng.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian cực kỳ ngắn ngủi như vậy, chính quyền Trần Văn Lai đã kịp thực hiện một công việc quan trọng cho Hà thành: sửa đổi và hệ thống lại tên đường phố.
Việc đầu tiên là Thị trưởng cho kéo đổ một loạt tượng đài thực dân, như tượng "bà đầm xòe" ở vườn hoa Cửa Nam, tượng Sĩ Nông Công Thương ở vườn hoa Canh Nông (nay là vườn hoa Lênin), tượng Toàn quyền Paul Bert ở vườn hoa Paul Bert (vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay).
Bên cạnh đó, chính quyền của cụ Trần Văn Lai tiến hành thay hết những tên phố của Pháp để đổi thành tên các danh nhân Việt Nam. Và, chính ở đây, tầm nhìn và tầm văn hóa của một nhân vật lịch sử - thị trưởng người Việt đầu tiên, người đầu tiên ký vào bản kiến nghị đòi hòa bình của Hà Nội vào năm 1954 - đã thể hiện rõ.
Nét văn hóa của Hà thành cũ…
Bác sĩ Trần Văn Lai (bên trái) |
Phố chính Lê Thái Tổ nối với các phố thứ Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ - những viên tướng tài của vua Lê xưa. Mạn sông Hồng vinh danh các tướng thủy chiến nổi tiếng đời Trần: Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Nguyễn Khoái.
Cách đặt tên đường phố của Thị trưởng Trần Văn Lai không chỉ thể hiện tầm văn hóa của chính quyền, nó còn là một sáng kiến độc đáo ít nơi có. Ngay ở một đô thị lớn và hiện đại như TP HCM hiện nay, các đường cũng được đặt tên… không theo một quy tắc nào, xét trên phương diện sử học. Chẳng hạn, Đinh Tiên Hoàng có thể nối với Võ Thị Sáu, cũng như Hai Bà Trưng đâm thẳng vào Lê Lợi.
Tầm nhìn của cụ Trần Văn Lai thật đáng nể, khi cách đặt tên có tính khoa học của cụ khiến đường phố ở Hà Nội được hệ thống lại, những tên phố chính thì giữ ổn định, như chúng ta vẫn dùng cho đến nay. Nhà văn Tô Hoài cho biết, hầu hết tên đường và phố Hà Nội đều do cụ Trần Văn Lai đặt. Cụ cũng là người định tên gọi "Quảng trường Ba Đình" cho khoảng đất rất đẹp trước Phủ Toàn quyền mà nay là Phủ Chủ tịch.
… để Hà thành bây giờ tiếp nhận
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, trong việc đổi hoặc đặt tên mới cho đường phố hiện nay, Sở Văn hóa - Thông tin thành phố có thành lập một hội đồng tư vấn riêng để tham khảo ý kiến, gồm nhiều nhà sử học, Hà Nội học tên tuổi. Có lẽ vì vậy mà công việc này đang dần đi vào quy củ hơn, sau một khoảng thời gian rơi vào tình trạng lộn xộn, "có phố mới mở, thích tên gì thì đặt tên ấy, thích đổi tên thế nào thì đổi, không hỏi ý kiến ai cả". (Vì sự "thoải mái" đó nên mới có chuyện đường Lê Duẩn tiếp giáp phố Nguyễn Khuyến như ngày nay).
Cách làm khi xưa của cụ Trần Văn Lai giờ đang được Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố của Hà Nội thực hiện theo: Các phố mới của thủ đô được đặt tên theo một cụm có ý đồ khá rõ, ví dụ loạt "phố nhà văn" ở quận Đống Đa - Thanh Xuân, gồm Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng…; "phố văn nghệ sĩ" Văn Cao, Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân…; phố "tướng quân đội" Vương Thừa Vũ, Nguyễn Ngọc Nại, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái…
Tuyến phố mang tên nghệ sĩ Văn Cao |
Ngay cả đoạn phố nhỏ Vũ Thạnh, mới có tên cách đây chưa lâu, cũng được xếp một cách hữu ý bên phố Hào Nam: Trại Hào Nam vào thế kỷ 17 là nơi ở của nhà sư phạm nổi tiếng - Thám hoa Vũ Thạnh.
Hà Nội nay đã mở rộng gấp 3,5 lần, số lượng đường phố sẽ tăng ít nhất là gấp đôi, đòi hỏi một sự sắp xếp, hệ thống lại và đặt mới rất nhiều tên gọi hành chính. Ông Nguyễn Vinh Phúc khẳng định: "Tên thì không thiếu. Chúng ta đâu có thiếu danh nhân, nhà văn hóa, anh hùng cách mạng... Vấn đề chỉ là đặt thế nào cho hợp lý".
Một khi tên đã đặt sai thì việc sửa chữa sẽ rất khó, gây phiền phức cho dân và tốn kém cho ngân sách Nhà nước. Vì thế, việc chọn tên cho đường phố luôn cần được làm nghiêm túc, có tính toán ngay từ đầu, tốt nhất là có sự tư vấn của các chuyên gia - như những gì chính quyền thủ đô đang thực hiện.
Đặt sang một bên những hạn chế, sai lầm hay thiếu sót mà chính quyền có thể mắc phải (và đã mắc không ít trong năm qua), chúng ta có thể thấy Hà Nội - cả xưa và nay - đã thể hiện một nét văn hóa độc đáo trong một chuyện không hề nhỏ: đặt tên đường phố.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh