Nên tập nghe những lời trách cứ
Người lãnh đạo quốc gia, suy cho cùng, cũng là một con người, và theo cách nhìn tích cực, luôn luôn trong quá trình hoàn thiện phẩm chất mà không bao giờ đạt đến sự hoàn thiện tuyệt đối. Bởi vậy, mắc sai lầm, một trong những thuộc tính nhân văn, là điều người lãnh đạo không thể tránh khỏi.
Người lãnh đạo có thể tự mình ngăn chặn, phát hiện và khắc phục sai lầm của mình bằng cách tự phê bình, kiểm điểm. Người dân cũng có thể giúp người lãnh đạo làm việc đó, bằng cách lên tiếng góp ý trước khi người lãnh đạo quyết định hoặc phê phán sau khi người lãnh đạo có một quyết định sai. Phê phán tích cực, người dân không chỉ chê trách, mà còn đề xuất các ý tưởng, giải pháp cụ thể để sửa sai.
Góp ý, phê phán của người dân về hoạt động của người lãnh đạo quốc gia là các giao tiếp đặc trưng của nền dân chủ. Đó là cách người dân phản biện đối với chính sách, cả đối với công việc cụ thể của người lãnh đạo trong khuôn khổ thực hiện chức năng lãnh đạo. Tất nhiên, không phải sự phản biện nào của người dân cũng hoàn toàn đúng, hợp lý. Tuy nhiên, việc lắng nghe và tiếp nhận ý kiến phản biện khách quan cho phép người lãnh đạo có điều kiện nhìn nhận, đánh giá hoạt động của mình ở nhiều góc độ, theo nhiều quan điểm khác biệt. Trong mọi trường hợp, sự phản biện khách quan của người dân có tác dụng như một tấm gương soi: nhìn vào đó, người lãnh đạo càng biết rõ, hiểu rõ về bản thân, cũng như về người dân và điều đó có tác dụng tích cực cho việc hoàn thiện năng lực, phẩm chất lãnh đạo.
Ở Việt Nam, chưa bao giờ những người lãnh đạo quốc gia phải đương đầu với một lời trách cứ hoặc một nhận xét, đánh giá mang tính phê phán, một cách công khai, trực tiếp, chính thức và đích danh, từ phía người dân. Chắc chắn không thể giải thích điều này bằng cách lập luận rằng đó là do người lãnh đạo không bao giờ mắc sai lầm hay, nói cách khác, người lãnh đạo luôn có những quyết sách hợp lòng dân, luôn lắng nghe ý kiến của dân và luôn hành động đúng theo ý nguyện của dân.
Việc người dân chưa được tạo điều kiện để góp ý, phê phán chính thức đối với hoạt động của người lãnh đạo quốc gia thể hiện ở hai điểm nổi bật.
Thứ nhất, người dân dù có muốn cũng thực sự không biết trách cứ, phê phán ai. Trong cơ chế lãnh đạo, quản lý nhà nước hiện hành, không có vị trí nào tỏ ra có quyền tự quyết định và tự mình chịu trách nhiệm. Chủ thể ra những quyết định tối hậu quan trọng luôn là một cơ quan, một tổ chức, một định chế, chứ không phải một con người cụ thể giữ một cương vị cụ thể; bởi vậy, tác giả của những sai lầm có thể có trong hoạt động lãnh đạo luôn là một chủ thể trừu tượng, là tập thể, cơ chế, hệ thống. Người dân chỉ có thể trách móc, phê phán tập thể, cơ chế, hệ thống chứ không trách móc, phê phán được cá nhân người lãnh đạo.
Và một điều nghịch lý đến như một tất yếu: tập thể, cơ chế, hệ thống đã và đang chịu sự phê phán, bị mổ xẻ để tìm ra khuyết tật, căn bệnh; còn các vị trí lãnh đạo cụ thể của bộ máy nhà nước vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, thậm chí còn thường xuyên nhận được những lời khen ngợi.
Thứ hai, trong việc góp ý, phê phán, cả khi đối tượng góp ý, phê phán chỉ là những cái gì đó trừu tượng, người dân thường xuyên đối mặt với nhiều chướng ngại, rào cản hữu hình và vô hình. Thực ra, việc phân định ranh giới giữa phê phán tích cực (được hiểu là phê phán với tinh thần xây dựng) và phê phán đả phá (được hiểu là phê phán mang tính chất bài xích, phá hoại) không hề đơn giản. Tuy nhiên, tôn trọng quyền phê phán của người dân, như một trong những quyền tự do, dân chủ cơ bản của công dân, người lãnh đạo quốc gia có trách nhiệm làm rõ ranh giới đó bằng cách xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ và minh bạch để tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền phê phán của mình. Trong một hệ thống pháp luật lành mạnh, mọi trách cứ, phê phán của người dân đối với người nắm quyền lực công được suy đoán, trên nguyên tắc, là phê phán tích cực; người cầm quyền, muốn buộc người dân vào tội đả phá với ý định xấu thì phải chứng minh điều đó.
Một khung pháp lý như thế, đến bây giờ, vẫn mới chỉ là đề tài bàn luận.
Làm rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân trong hoạt động lãnh đạo và luật hóa quyền phê phán của người dân đối với hoạt động của cá nhân người lãnh đạo, đặc biệt là người lãnh đạo quốc gia, là công việc bức bách trong khuôn khổ dân chủ hóa đời sống chính trị, xã hội. Phải làm thế nào để những lời trách cứ, phê phán của dân đối với cá nhân người lãnh đạo không là nỗi ám ảnh, là điều đáng ngại, mà thực sự là những điều cần thiết, là tấm gương soi mà người lãnh đạo cần có, cần sử dụng thường xuyên như một trong những công cụ để tự hoàn thiện mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường