Thư gửi bí thư đảng ủy

06:35 CH @ Thứ Ba - 14 Tháng Ba, 2006
Thưa anh! Ngày ấy, tốt nghiệp đại học, về làm trợ lý cơ quan, tôi được giao ngồi ngay cái “ghế” bí thư Đoàn cơ sở.

Trong tim đang “bừng nắng hạ”, tôi lao vào làm mọi việc: phát động những phong trào xung kích, tổ chức những đêm giao lưu, diễn đàn, tọa đàm. Bí thư đảng ủy ghi nhận: Được đấy! Cố gắng lên!

Tôi vui vui. Nhưng sau các hoạt động, khi đoàn viên... về hết rồi thì chỉ còn mình tôi với... một đống sổ sách. Hoạt động hằng tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay mà có tới hơn một chục cuốn sổ công tác. Mỗi tháng một lần ngồi viết nghị quyết trên bốn mặt công tác, dù có cô đọng lắm thì cũng “đi đứt” gần 10 trang A4 cho một nghị quyết. Còn nội dung trong ấy có gì?

Vẫn là những “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “phát huy”, “xung kích”..., những cụm từ nghe thì có vẻ “vĩ mô” nhưng hiệu quả thực tế xa vời như mây ở trên trời. Người ta vẫn nói Đoàn là hành động, mà cán bộ Đoàn thay vì có mặt ở những phong trào thanh niên lại thành cái máy sản xuất nghị quyết thế này ư? Tôi “vi hành” thầm lặng theo dõi thái độ đoàn viên sinh hoạt thì thấy: khi các bí thư đọc nghị quyết chẳng mấy ai nghe, ai bàn, toàn “thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý”.

Chỉ khi nào có các chương trình như: tọa đàm, giao lưu, dã ngoại thì họ mới sôi nổi, bàn bạc. Phải làm một cái gì đó. Tôi “đổi mới” từ chính cách viết nghị quyết của mình. Trước đây “tăng cường, đẩy mạnh, quyết tâm” dài mươi trang, nay tôi “chọc thẳng” vào tháng này làm những đầu việc gì: tọa đàm cái gì, sinh hoạt ở đâu, giao lưu picnic mấy bận? Tất cả tinh gọn chỉ hơn trang giấy, đọc loáng cái xong. Thời gian còn lại để bàn bạc cách làm cụ thể. Các buổi sinh hoạt Đoàn tự nhiên sôi nổi hẳn lên! Phong trào lên! Tôi nổi lên như một cán bộ xông xáo, có năng lực.

Nhưng rồi câu ngạn ngữ “Đom đóm chết vì sáng” đã đến với tôi. Cấp trên thấy chúng tôi làm tốt đã tổ chức kiểm tra kết hợp tìm hiểu mô hình hoạt động. Và “công cụ” đầu tiên để kiểm tra là... hệ thống sổ sách của Đoàn. Cầm trên tay cuốn dự thảo nghị quyết của tôi, một cán bộ Đoàn thuộc dạng “cây đa cây đề” lắc đầu:

- Sao nghị quyết lại sơ sài thế này? Sao chỉ viết một, hai mặt giấy?

- Cần gì phải dài. Luận án của Einstein chỉ có bảy trang mà vẫn làm rung chuyển cả thế giới! - Tôi thẳng thắn đáp.

- Sổ kiểm tra, kỷ luật Đoàn sao có tháng anh không viết gì cả, vô nguyên tắc quá? - Lại một cán bộ khác chất vấn.

- Những tháng ấy tổ chức Đoàn của chúng tôi không có ai vi phạm kỷ luật nên tôi không viết...

Cuối cùng đoàn kiểm tra đánh giá tôi tuy cố gắng tổ chức nhiều hoạt động nhưng việc ghi chép sổ sách công tác Đoàn tùy tiện; dự thảo nghị quyết sơ sài; cần phải nghiêm túc kiểm điểm... Bí thư đảng ủy cảm thông nhưng anh vẫn bắt tôi phải còng lưng viết bổ sung sổ sách vì “nguyên tắc là nguyên tắc”...

Một thời gian sau, tôi chuyển khỏi công tác Đoàn đi làm công việc khác. Thưa bí thư đảng ủy! Hơn năm năm đã trôi qua từ ngày ấy. Và tôi cũng đã tham gia nhiều buổi sinh hoạt Đoàn khác.

Không tự bào chữa cho mình song thú thật, tôi và nhiều đoàn viên vẫn không mấy hứng thú với những cụm từ “tăng cường, đẩy mạnh, quán triệt...” từ những trang nghị quyết dài lê thê của Đoàn. Chúng tôi vẫn thích nghe, thích bàn về những công việc cụ thể một cách thoải mái như ai đó vẫn nói “làm hết sức, chơi hết mình”...

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Gửi Đoàn của tôi

    17/01/2016Thảo Hảo... đến cái bản báo cáo công việc của đoàn viên cả nước không thôi, mà thanh niên bình thường, nếu không quen với từ ngữ hội nghị, cũng không hiểu được...
  • Tổng kết thực tiễn: Một bài học của Bác Hồ

    03/02/2006Thái DuyThành công hoặc thất bại, Bác Hồ đòi hỏi trước hết lãnh đạo các cấp phải xác định trách nhiệm cá nhân của mình thì mới tổng kết thành công...
  • Để trình bày ngắn gọn, súc tích

    22/10/2005V.AnhTrình bày là một kỹ năng quan trọng trong giao tiếp và kinh doanh hiện đại. Bài viết này giới thiệu một số điểm cần chú ý để trình bày ngắn gọn, xúc tích