Cảm hứng của sự phát triển
Tham gia vào cuộc đua toàn cầu mà ở đó không hề có sự ưu tiên, ưu đãi nào, WTO mở ra cánh cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới, và rộng hơn nữa, với các thể chế phát triển của thế giới. Có một chuyên gia đã từng cho rằng từ “chợ” nhà ra “chợ” WTO, doanh nghiệp, doanh nhân phải làm rất nhiều...
Ông Nguyễn Trần Bạt khẳng định: “Với tư cách là một thương nhân, tôi muốn qua các bạn bày tỏ sự cảm ơn đối với Chính phủ của chúng ta trong thành công này. Cảm ơn đoàn đàm phán vì tất cả những sự vất vả họ phải vượt qua để có được thành công này. Tôi cũng muốn nói với rất nhiều người rằng chúng ta sẽ rất vất vả trong tương lai gần khi chúng ta gia nhập WTO”.
- Theo ông, chúng ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn gì?
Khi chúng ta hội nhập, mỗi một hành vi của chúng ta được chiếu sáng và được truyền đi mọi góc của thế giới. Chúng ta buộc phải suy ngẫm, buộc phải làm tất cả các công việc chuẩn bị một cách hết sức cẩn thận trước khi chúng ta hành động. đó là cái vất vả thứ nhất đối với mọi người VN.
Cái vất vả thứ hai là chúng ta phải cạnh tranh. WTO không phải là một thể chế mà ở đấy mọi cái được phân công. WTO là một thể chế ở đấy mọi người phải cạnh tranh bình đẳng và hoàn toàn tự do đối với nhau. ở đấy người ta không ưu tiên người giàu và cũng không nâng đỡ người nghèo. Phần cuối cùng của cuộc đàm phán gay go giữa chúng ta với Hoa Kỳ là vấn đề Chính phủ chúng ta định trợ giá hay trợ cấp phát triển cho các Cty dệt may. điều đó có nghĩa WTO là một trong những thể chế chống lại sự trợ cấp đối với tất cả các khu vực sản xuất từ phía chính phủ. Nói cách khác, WTO là nơi chống lại sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, tức là khi vào cuộc chơi ấy, vào cuộc đua ấy, vào cuộc cạnh tranh ấy, con người chỉ có một mình thôi.
Chúng ta phải tái cấu trúc tất cả các DN VN trên rất nhiều khía cạnh của đời sống kinh doanh. Phải tái cấu trúc hệ thống chính sách, hệ thống các quyền thương mại bình đẳng, hệ thống công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh và tái cấu trúc tâm lý và lực lượng lao động.
Người lao động cũng phải tái cấu trúc và phải được dịch chuyển tự do. Từ xưa đến nay, chúng ta trói con người vào trong một khái niệm hết sức quan trọng là biên chế. Người lao động VN phải chuẩn bị cả tâm lý rằng chúng ta không phải chỉ lao động ở những khu vực kinh tế khác nhau mà còn phải lao động trong cả những vùng địa lý và văn hóa khác nhau. WTO là như thế!
- Ông từng nói, lợi ích khi gia nhập WTO không chỉ là những lợi ích thương mại cụ thể mà cái lợi ích lớn nhất là nó sẽ thúc đẩy cả nền kinh tế phát triển?
Nó sẽ là động lực và tạo ra cảm hứng của sự phát triển. Còn các lợi ích thương mại không phải đến cùng với WTO mà đến cùng với bản lĩnh của mỗi người VN và nó gia tăng cùng thời gian khi chúng ta hội tụ đủ bản lĩnh, khi chúng ta hội tụ đủ những sự đúng đắn. Ví dụ, khi gia nhập WTO anh không còn có thể lần chần trong việc cải cách giáo dục như hiện nay được nữa. Anh không thể có kiểu thể chế y tế giống như hiện nay được nữa. Tất cả những sự lần lữa đó phải chấm dứt. WTO đòi hỏi những bộ trưởng hành động ngay lập tức để thỏa mãn các nhu cầu chứ không thể khất lần được nữa.
- Với tư cách là một người theo dõi nhiều về hội nhập, ông có thể đưa ra phán đoán về quá trình gia nhập WTO của VN sẽ diễn ra như thế nào trong giai đoạn trước mắt và trong tương lai xa hơn?
Tôi xem WTO như một lớp học vĩ đại. Bài học đầu tiên có vẻ chỉ là về thương mại, nhưng chính bài học thương mại ấy truyền tải cả những bài học toàn diện về văn hoá, về chính trị, về cách mà con người phải sống trong thời đại toàn cầu hoá. WTO là một nơi vừa huấn luyện vừa đào tạo, vừa rèn luyện, vừa tổ chức để cho con người có được tương lai mà độ tin cậy của nó, chất lượng của nó không khác nhau xa lắm giữa các quốc gia. Vì thế có thể nói rằng chắc chắn khi gia nhập WTO, người VN chúng ta sẽ có tương lai tốt hơn nhiều lần so với tương lai của một nước VN biệt lập với thế giới.
- Liệu có cú sốc nào có thể xảy ra đối với nền kinh tế không, thưa ông?
Khi có một trận động đất khoảng 3 độ richte thì chỉ có nhà địa chấn học mới thấy thôi. Khi có trận động đất 5 độ richte thì có một số người ở đô thị thấy nhưng những người ở nông thôn thì không thấy được. Nhưng khi có trận động đất 7-8 độ richte thì tất cả mọi người đều thấy. Chúng ta không nên chờ những trận động đất mà tất cả mọi người đều thấy, vì những trận động đất ấy là trận động đất hủy diệt, còn những cú địa chấn trước đó chính là dự báo. Cho nên khi chúng ta nghiên cứu về liệu pháp sốc, hiện tượng sốc là chúng ta nghiên cứu về tính ổn định của đời sống kinh tế - xã hội. Chờ đợi một cú sốc, tôi e rằng rất khó trở thành một tâm lý tích cực. Khi chúng ta đã thấy sốc rồi thì chúng ta không khắc phục được hậu quả nữa đâu. Đấy là sự thật. Sự khủng hoảng kinh tế, tài chính Châu Á năm 1997 là một thể hiện về tính không có tầm nhìn của thế giới cũng như của các nhà lãnh đạo châu Á về các cú sốc. Cách đây mấy hôm, giá USD ở VN tăng lên 17.500 đồng đã gây ra hoang mang trong xã hội và sau đó người ta giải thích rằng sự thay đổi tỷ giá nào đó của ngân hàng tạo ra chuyện ấy. Tôi cho rằng, một nền tài chính mà chỉ cần một thay đổi nho nhỏ, một động tác kỹ thuật nho nhỏ của ngân hàng đã tạo ra một cú sốc như thế thì có nghĩa là nền tài chính ấy mong manh. Mọi sự bất cẩn đều có thể dẫn tới những những cú sốc và rất có thể dẫn đến những phản ứng dây chuyền “đôminô” chứ không phải chuyện đùa. Nếu kéo dài thêm 3 tuần tỷ giá USD vẫn vậy thì tôi e rằng khó khăn cho VN.
- Nhiều người cho rằng việc gia nhập WTO đem lại cơ hội để tiếp nhận làn sóng đầu tư lớn từ nước ngoài. Theo ông, việc đó đúng không và khả năng tiếp nhận của chúng ta như thế nào?
Chúng ta cứ nghĩ rằng người ta mang tiền vốn vào VN mới là hợp tác với VN hoặc mới có ích cho VN. Đấy là một quan niệm sai lầm. Cho nên rất nhiều người hi vọng sau khi gia nhập WTO thì làn sóng đầu tư nước ngoài vào VN sẽ tăng mà quên mất rằng làn sóng đầu tư nước ngoài vào VN cũng như làn sóng nợ gia nhập vào VN. Bởi vì chỉ có khoảng 30 % các dự án đầu tư là có vốn của nhà đầu tư thôi, còn 70% là họ đi vay. Một DN đầu tư nước ngoài là một DN VN mà một DN VN nợ tới 70% cấu trúc kinh doanh thì tức là VN nợ. Cho nên tâm lý chờ đợi đầu tư nước ngoài như chờ người ta bỏ tiền vào túi mình là một tâm lý hoàn toàn sai. Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài sẽ tăng lên sau khi chúng ta gia nhập WTO dưới rất nhiều hình thức hữu ích. Giá cổ phiếu của các DN VN trên thị trường chứng khoán sẽ đắt lên, giá trái phiếu kho bạc của chính phủ cũng sẽ tăng lên ở thị trường New York, thị trường London, thị trường Tokyo. Giá lao động VN sẽ tăng lên. Và tất cả sự tăng lên ấy tạo ra lợi ích của nhà nước cũng như lợi ích của xã hội. Và đấy chính là những hình thức mới của đầu tư nước ngoài. Hàng hoá có chất lượng cao sẽ xâm nhập vào thị trường VN, làm đẩy lùi những hàng hoá chất lượng thấp và hàng giả. Hiện tượng đó sẽ làm trong sạch hoá nền thương mại VN, tức là làm lành mạnh hoá nền kinh tế VN.
- Ông đánh giá như thế nào về khả năng tiếp nhận của các DN VN trước cơ hội này?
Không chỉ có các DN VN mà các DN ở tất cả các quốc gia khi mới gia nhập WTO đều không chuẩn bị. Trừ những tập đoàn lớn, trong bộ phận đầu não, trong công nghệ mũi nhọn thì họ có những chuẩn bị nhưng đối với khu vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng thông thường thì người ta không chuẩn bị. Người ta đều có một giai đoạn ban đầu hơi bối rối.
- Ông đánh giá thế nào về sức cạnh tranh của DN VN?
Tất cả mọi người đều lo lắng cho con mình khi con đi thi, kể cả những người có con có thể đỗ thủ khoa lẫn những người có con học dốt đều lo lắng cả. Sự lo lắng ấy là một tâm lý thông thường của chúng ta đối với các DN. Các DN sẽ tự trưởng thành, sẽ tự có đầy đủ kinh nghiệm. Sức ép của đời sống hội nhập, đời sống cạnh tranh sẽ thức tỉnh các khả năng. Ông giám đốc này mà không làm được thì họ sẽ chọn ông giám đốc khác, người này mà không làm được thì có người khác. Tức là các DN bắt đầu biết rằng họ phải mua các khả năng để hội nhập chứ không phải trông chờ vào các khả năng có sẵn. Việc mua những khả năng hội nhập được thể hiện dưới dạng đầu tư để phát triển, để mở rộng công nghệ, để nâng cao chất lượng công nghệ, để mở rộng khả năng quản lý hoặc là thuê cán bộ. Hàng chục nghìn con em của chúng ta đang du học ở nước ngoài, năm nào cũng chỉ có một vài chục người về thôi. Nếu chúng ta gia nhập WTO, nếu tiền lương của một giám đốc điều hành vào khoảng 30.000 đô la một năm, thì rất nhìều người sẽ về chứ không lang thang ở nước ngoài nữa. 30.000 đô la thu nhập một năm ở VN thì tương đương khoảng độ 100 ngàn USD ở nước Mỹ hoặc ở Châu Âu. Có 30.000 USD mà được sống gần vợ gần con, để sống gần bố mẹ thì người ta sẽ về. Và vì thế chúng ta không sợ thiếu năng lực.
- Theo ông, các DN cần phải làm gì để gia nhập WTO?
Các DN cần phải làm lại từ đầu. Các DN của chúng ta phải làm lại từ đầu về quan niệm xây dựng tổ chức thương mại. Quan niệm về nhiều vấn đề lắm, ví dụ hợp đồng thương mại, không thể làm như cũ được. Ví dụ độ nghiêm túc của hoạt động kinh doanh có ảnh hưởng quyết liệt đến độ ổn định cũng như sự rủi ro của các DN. Khi chúng ta sản xuất hàng hoá đơn giản, chỉ huy động tiền vốn của 5-7 hộ kinh doanh thôi thì vẫn an toàn. Nhưng khi chúng ta huy động tiền vốn của cả xã hội tham gia vào việc kinh doanh của chúng ta thì ta không có quyền làm bừa bãi.
Rồi các bạn sẽ thấy khi hệ thống các chuỗi bán lẻ vào VN, thì lần lượt nó cuốn sạch những hiệu bán đồ lặt vặt ở ngoài phố. Khi những hiệu bán đồ lặt vặt ở ngoài phố không còn làm ăn được nữa thì giá đất mặt tiền sẽ giảm xuống và người ta bắt đầu đi tìm một chỗ yên ổn trong ngõ để sống. Mặt tiền trở thành nơi không tiện cho đời sống và sẽ được gom góp lại trở thành các cao ốc phục vụ cho những mục tiêu thương mại lớn hơn, với quy mô bán hàng lớn hơn. Hội nhập sinh ra nhiều tình huống làm thay đổi xã hội chúng ta.
- Xin cảm ơn ông!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015