Làm gì để phát triển cá nhân và Tổ quốc?
Tôi đã đọc qua những bài viết và nhận định của bạn đọc trên VnExpress về cách định hướng cho tương lai của mình. Phần đông có khuynh hướng thiên về cách làm ra tiền dựa trên nền tảng đột phá cá nhân trong kinh doanh, hơn là căn cứ vào kiến thức phổ quát theo nguyên lý người Việt thà làm chủ hơn làm công.
Theo thiển ý của tôi, cách thứ nhất nếu thành công thì thành công đó có giới hạn nhỏ, tầm mức tiểu nông và trên hết là không có tầm nhìn vĩ mô và lẽ đương nhiên không thể có một sự cạnh tranh toàn diện, lành mạnh có tầm mức khu vực và chỉ là kỹ, tiểu xảo cạnh tranh. Nguy hiểm hơn vì không tiếp cận, học hỏi được luật lệ kinh doanh bài bản nên thường không tôn trọng luật lệ và dùng con đường ngắn nhất để đạt được mục đích. Và nếu có sự thành công thì đó là thành công cơ hội khác với cơ hội thành công, và nó chứa đầy rủi ro bất trắc và không có tính bền vững, vì thế thường không được khách hàng tin cậy về lâu dài. Phương cách điều hành chỉ có một mục đích là sinh lợi thật nhiều cho người chủ và dành những mẩu vụn của miếng bánh cho nhân viên vì thế nó tạo nhiều mâu thuẫn và công ty thiếu vắng sự đoàn kết và cả kỹ thuật lẫn kỷ luật trong kinh doanh.
Cách thứ hai dành cho những người theo truyền thống giáo dục. Tự họ đầu tư, đam mê dấn thân học hỏi kiến thức kỹ thuật và phát triển nó qua kinh nghiệm tích lũy trong mọi môi trường công việc. Nói chung họ làm công trước khi làm chủ. Ít ra cơ hội thành công nhiều hơn vì việc thực thi bài bản hơn sau khi nghiên cứu kỹ hệ lụy cũng như tiềm năng cho sản phẩm kinh doanh của mình trên thương trường.
Những yếu tố quan yếu trong kinh doanh không phải dựa vào kỹ thuật độc đáo và tân tiến mà phải bắt đầu từ tính minh bạch rõ ràng trong tài chính và thuế khóa, nắm vững và tuân thủ nghiêm túc luật lệ kinh doanh, không ngừng đầu tư tốt nhất cho phát triển đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật cũng như tạo quan hệ bình đẳng, trung tín, cơ hội học hỏi đồng đều cho nhân viên, cũng như không ngừng dành cho họ phần lớn phúc lợi lương bổng cao nhất của công ty, mọi thành công trong đời sống công nhân sẽ là thành công của tập đoàn công ty.
Những ngành kỹ thuật có cơ may tạo nhiều phúc lợi và công việc làm hiện nay là kỹ thuật dùng trong công nghệ hybrid, năng lượng tái tạo và phải bằng mọi cách phát triển ngành đóng tàu tân tiến hiện đại cung ứng cho dân dụng và quốc phòng của một đất nước có bờ biển dài hơn 2.500 km cũng như xuất khẩu ra thế giới... Từ thành công này sẽ mở ra nhiều công ty vệ tinh và vô hình trung nó tôi luyện và hình thành nên những đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân lành nghề và nhiều nhà quản lý tài giỏi khác. Thành công trong kinh doanh sẽ mang lại phúc lợi và lương bổng cao cũng như trù phú hóa khu vực dân sinh. Nó nâng cao nhận thức và hành xử trong mọi quan hệ xã hội theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, trong thế giới phẳng hiện nay, mọi phương tiện kinh doanh đều có nguyên tắc và chế tài bởi luật lệ minh bạch và đó là nền tảng cho sự thành công của doanh nghiệp và đất nước phát triển thịnh vượng lâu bền. Ai soạn thảo ra những nguyên tắc như vậy mà không cần kinh nghiệm cũng như học vấn chuyên ngành? Nếu họ không là những chuyên gia nhiều năm nghiên cứu giảng dạy có uy tín và trực tiếp điều hành những công ty thành công trong nước cũng như trên thế giới sau nhiều năm phấn đấu trên thương trường để tồn tại trong thành công?
Hơn lúc nào hết, các bạn cần dấn thân vào công cuộc kinh doanh phải trang bị hành trang hội nhập cuộc chơi của thế giới bằng nỗ lực học hỏi và có tính kỷ luật, tính cao thượng và hay chia sẻ và tính thượng tôn pháp luật. Thương trường là chiến trường song kẻ thắng phải dìu kẻ chiến bại lên, chu cấp công việc cho họ, cưu mang họ thì đó mới là một chiến thắng vẻ vang trên thương trường. Còn không thì nói như bạn Danny Nguyễn: “Đừng tự hào tôi nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi tại sao mình giỏi mà vẫn nghèo!”.
Vài dòng thiển ý chúc các bạn luôn gặt hái mọi sự thành công trong năm mới.
Ý kiến: Làm gì để phát triển cá nhân và tổ quốc
Chào bạn! Trước đây tôi cũng có nghĩ về vấn đề này.
Tôi đã từng đặt câu hỏi: Tại sao đất nước Nhật phát tiển? Và tôi nghĩ đúng là họ có tầm nhìn xa hơn chúng ta. Nhất là mỗi sinh viên khi ra trường nếu bạn hỏi họ, thì hầu như câu trả lời sẽ là đi làm công sau đó làm chủ. Mình đã định đưa ý kiến này cho thầy giáo giảng dạy. Có lẽ, vấn đề này cần phải nhìn ở một góc độ nghiêm túc khi nghiên cứu, vì trong đầu mỗi SV (đối tượng nhiều nhiệt huyết, kiến thức), hay theo quan điểm: luôn nhìn ở góc độ vi mô.
Ho vẫn chỉ la làm giàu cá nhân rồi mới đến đất nước. Tất nhiên điều đó không sai. Nhưng có vẻ lối tư duy vẫn chưa đủ.
Dù sao mình cũng thấy vui khi đọc bài viết của Huy Nguyễn.
Duy Tien
Tôi bước từ trường học ra trường đời thế nào?
Danny Nguyễn, Thợ Nails
Trước hết xin "trân trọng cảm ơn" tất cả phản hồi của các bạn. Do gần năm mới nên công việc tương đối bận rộn và vài hôm nữa tôi về Việt Nam ăn Tết nên càng bận rộn hơn, vì vậy tôi hồi âm các bạn hơi muộn, mong các bạn thông cảm.
Kính thưa quý vị, tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục. Ông nội quá cố của tôi vừa là thầy thuốc vừa là thầy chữ nho tại gia. Ba tôi hiện 85 tuổi, đã hoạt động trong ngành giáo dục 38 năm, từng là giáo viên, hiệu trưởng, trước lúc nghỉ hưu ở tuổi 58, là người đứng đầu trong ngành giáo dục của một huyện, chắc không có bằng đại học nên phải nghỉ hưu sớm.
Bản thân tôi thì rất tầm thường, nhưng cũng đã đầu tư không ít tuổi xuân cho việc học hành. Xin nêu một số bằng cấp sau lớp 12 của tôi mà các bạn ở Mỹ cho là vĩnh viễn nằm ở thùng rác:
#1: bằng tốt nghiệp trường Truyền thanh truyền hình, cấp ngày 3/6/96 do hiệu trưởng Nguyễn Quang Hồ ký, nhưng bỏ ngành chạy lấy người, vì sợ ảnh hưởng... sức khỏe sinh lý, vì thời đó công nghệ chưa cao nên sóng FM ở đài truyền thanh truyền hình quá mạnh.
#2: chứng chỉ Anh ngữ A, B, C, (học đêm) trường Đại học sư phạm Vinh mang tên J.Nehru, cấp ngày 27-6-1991, GS PTS Hoàng Minh Châu ký.
#3: chứng chỉ tốt nghiệp tin học (học đêm), do Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam cấp ngày 24/6/1996, PTS Hà Hùng ký.
Tháng 9 năm 1996 nhập học Đại học sư phạm Vinh, ngành luật, khóa 36, nhưng bỏ học vì xin được visa du học Mỹ, với tham vọng trở thành một luật sư ở Mỹ. Nhưng sau 4 tháng vừa học ở trường Garfield Community School Cali vừa bưng phở mới nhận ra là tham vọng của mình thật là điên rồ. Ai sẽ mướn một luật sư người nước ngoài nói không chuẩn tiếng Anh đi bào chữa cho họ?
Ngày 15/9/1998 nhập học trường Ivy Tech State College, địa chỉ 3800 N Anthony blvd Fort Wayne In, 46805, chuyên ngành Electronic Technology. Vừa học vừa làm một thời gian tôi mới nhận ra, cái tôi cần không phải là kiến thức chuyên môn mà là "làm sao trả lương cao cho những người có bằng cấp cao", cái này ở trường không dạy nên tôi đã bỏ học làm nghề, làm chủ và thành công chút xíu.
Và tất nhiên là giấc mơ của tôi không chỉ dừng lại ở đó, mà giấc mơ của tôi bây giờ là làm sao chồng nhiều viên gạch thật cao, để đón chào những em bé chào đời trong căn nhà đó, và trả lương cho giám đốc, bác sĩ, y tá, lương càng cao càng tốt. Lẽ ra tôi không nói điều này vì nói trước bước không tới, và sợ nhiều người cho tôi là khoe khoang.
Và có một người tôi muốn khoe với các bạn là bố vợ của tôi, 52 tuổi, là chủ nhân của nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam. Hiện ông là chủ đầu tư của một chung cư, sàn giao dịch bất động sản, công ty công nghệ ẩm thực, khách sạn... Mà ông chỉ là người tốt nghiệp cấp 3, nhưng nhân viên của ông gồm có mấy tổng giám đốc, đa phần đã tốt nghiệp cao học, đại học, và hơn 500 nhân công đang ngày đêm làm việc cho ông. Mỗi lần tôi về Việt Nam tham gia cuộc họp của các công ty, tôi luôn thấy ông càu nhàu vì mấy tổng giám đốc "slow pepper" (chậm tiêu) quá. Chắc sẽ có người hỏi tôi, tại sao không về Việt Nam làm việc cho bố vợ? Xin thưa, tôi muốn có sự nghiệp của riêng tôi, nếu tôi làm thuê cho bố vợ thì đến bao giờ mới được như ông ấy.
Trở lại bài viết của tôi, không biết một số bạn vô tình hay cố ý đã bóp méo nội dung của bài viết để gửi nhiều ý kiến chỉ trích. Ngay cả đầu đề và câu đầu tiên của bài viết cũng đã bị hiểu nhầm. Rõ ràng là tôi đã nhấn mạnh, lấy một bằng đại học là hết sức cần thiết, và mở đề là câu "khi các bạn đã tốt nghiệp đại học trong nước..." thì bài viết chủ yếu chỉ xoay quanh thành phần đã tốt nghiệp đại học trong nước ra nước ngoài học lại đại học. Nhưng nếu như qua Mỹ để học lên thạc sĩ đúng chuyên môn của các bạn thì điều này trên cả tuyệt vời.
Còn ý chính của tôi là không nên học lại đại học khi đã tốt nghiệp trong nước, nếu qua Mỹ và các nước khác khi mình đã lớn tuổi, chứ không phải khuyên lớp trẻ bỏ học về mở quán bán thịt chó như các vị đã nói. Vấn đề giữa học lên cao và làm giàu thì có viết cả chục cuốn sách cũng không thể giải quyết hết mâu thuẫn, huống chi trong phạm vi một bài báo. Nhưng các bạn cũng đã thấy, có rất nhiều người nổi tiếng mà không học hành gì cả. Tôi không muốn đưa ví dụ cụ thể các vĩ nhân ở nước ta và các nước, vì sẽ làm mất thời gian quý báu của các bạn. Nhưng các bạn hãy tự tìm hiểu, ngài lãnh đạo nào của Việt Nam ta trả lời phóng viên nước ngoài rằng: "Tôi không có bằng đại học nào cả, nhưng tôi lại là người ký cấp bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ".
Nói tóm lại, theo tôi đã tốt nghiệp đại học trong nước, sang Mỹ học lại đại học thì vô cùng lãng phí tuổi xuân và còn thời gian đâu để lập nghiệp nữa. Vì cuộc đời mỗi người chỉ sống có mấy chục năm thôi. Xin các bạn cân nhắc kỹ nhé.
Và xin trả lời một số câu hỏi.
Tại sao lấy bằng thạc sĩ ở Mỹ mất 7-9 năm?
Cụ thể: Vợ đứa em kết nghĩa của tôi, là giáo viên dạy Văn trường cấp 3 ở Việt Nam, sang Mỹ lúc 28 tuổi. Học từ lớp ESL đến khi lấy được bằng y tá chương trình 4 năm thì mất thời gian 7 năm, và hiện tại làm việc 48.000 USD/năm chưa trừ thuế. Bạn thân của tôi là luật sư ở Việt Nam sang Mỹ sau 9 năm mới lấy được bằng thạc sĩ tin học, đi làm 95.000 USD/năm, thất nghiệp 2 năm nay, đang khóc hu hu vì đang là chủ của một căn nhà 860.000 USD ở bang Cali, và đang xin viện trợ ba mẹ ở Việt Nam thường xuyên, vì ba mẹ bạn tôi ở Việt Nam rất giàu.
Nếu bạn có cô con gái rượu đến tuổi lấy chồng, và có hai ứng viên. Một là tiến sĩ, hai là triệu phú trình độ tiểu học thì bạn sẽ ưng gả con gái cho người nào?(Richard Nguyễn)?
Câu hỏi như vậy mà cũng yêu cầu tôi trả lời. Người thông minh nhất là người làm ra nhiều tiền nhất. Trong xã hội không có triệu phú nào dốt cả, "người thông minh không bao giờ có thời gian để đến trường" mà tự nghiên cứu. Đừng tự hào tôi nghèo mà học giỏi, hãy tự hỏi sao mình giỏi mà vẫn nghèo. Nếu tiến sĩ thất nghiệp, không có nhà, không nuôi nổi vợ con thì anh có gả con gái cho tiến sĩ không?
Xin các bạn trả lời tôi câu hỏi này nhé. Nếu tôi xài hết của bố mẹ 100.000 USD và 4 năm tuổi xuân của mình để học lấy một tấm bằng ra trường đi làm thuê lương 50.000 USD/năm, hay đầu tư làm chủ doanh nghiệp có thu nhập trên 100.000 USD/năm, tôi nên chọn phương án nào?
Thật lòng thì tôi là một người hết sức tầm thường, tầm nhìn thì lại hẹp, hiểu biết thì kém, nên mục đích chính của tôi là làm sao lo cho bản thân và vợ con có cuộc sống sung túc đầy đủ, nếu có thể thì giúp đỡ người nghèo chút thì tốt. Không như các bạn đam mê khoa học, nghiên cứu phát minh này nọ...
Và rất nhiều người góp ý rất đúng, ai cũng như tôi thì không biết đến bao giờ loài người mới có thể đặt chân tới mặt trời, hay tìm ra sự sống ở ngoài trái đất, những con người dám nghĩ tới chuyện lớn như vậy thì tôi đành chịu thua, vì kiến thức của tôi quá bé không thể tranh luận được. Và thật lòng chúc các bạn thành công nhé, để tên tuổi các bạn lưu danh thiên cổ, đó mới là tài sản lớn nhất của con người, nhưng với một con người kém như tôi thì không dám nghĩ tới.
Tôi còn nợ một số câu hỏi của các bạn nhưng xin trả lời sau.Bài viết hơi vội, mong các bạn thông cảm.
Trân trọng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015