"Tôi sống nhạt từ đấy và đậm đà hơn từ đấy..."
Đọc những dòng chia sẻ về cái sự "nhạt" trong cách sống, trong hành động, suy nghĩ của nhiều người hiện nay; lần đầu tiên tôi thấy mình phải góp chút gì đó, vì tôi cũng từng có những năm tháng sống "nhạt nhòa"...
Tôi chẳng sợ ai, chẳng yêu mến ai, chẳng khen ngợi ai...
Tôi xuất thân trong một gia đình gia giáo, cha mẹ, cô dì chú bác trong họ hàng nhà tôi đều được học hành đầy đủ, tối thiểu là tốt nghiệp Đại học, người cao thì làm Viện sĩ.
Bản thân tôi cũng xin tự đánh giá là không đến nỗi quá tồi tệ: sau khi hết phổ thông, tôi học hai trường đại học một lúc và hoàn toàn trái ngược về ngành nghề, một trường đi theo hướng khoa học tự nhiên và công nghệ, trường kia theo khoa học xã hội. Kết quả học tập cũng không kém bạn bè anh em.
Ra trường, tôi bắt đầu đi tìm việc với niềm tin ghê gớm vào khả năng bản thân và cơ hội sẽ dành cho những người dám đương đầu với thử thách như tôi. Kết quả là hơn một năm trời, tôi tiếp tục sống nhờ chu cấp của gia đình. Không một nơi nào tỏ ý muốn nhận tôi với câu trả lời sòng phẳng khi người ta hỏi về kinh nghiệm: "Em chưa có kinh nghiệm làm việc vì chưa đi làm ở đâu bao giờ. Máy fax, máy phô tô copy em không biết sử dụng".
Còn nhiều thứ đại loại như vậy. Họ chẳng bao giờ và không bao giờ biết rằng, sau này, để hiểu nguyên lý và sử dụng được cái gọi là máy fax với phô tô copy ấy, tôi mất chưa đầy 10 phút đồng hồ.
Cuộc sống "nhạt" của tôi bắt đầu từ đấy. Tôi tự hỏi phải chăng những gì mình được giáo dục từ nhỏ, được đào tạo và học hành đều là sai lầm? Tôi không còn chút ít lòng tin nào vào khả năng của mình.
Bỏ qua tất cả những tự hào về thành tích từng đạt được, ném vào sọt rác những kỹ năng đáng quý có được chủ yếu nhờ tự đào tạo bản thân, tôi co rúm lại và cư xử như những con chim non ngờ nghệch hoảng loạn mất định hướng sau phát tên bắn vu vơ.
Tôi vẫn đi đi về về với công việc gia sư như khi còn ngồi trong giảng đường và không nộp đơn hay đến tìm xin việc ở bất kỳ chỗ nào nữa. Bạn bè không biết tôi ở đâu và tôi cũng chẳng biết họ đang làm gì. Khi nào không có việc gì làm, tôi lại vùi đầu vào máy tính ở nhà, và game. Không chat, không Yahoo messenger, không Skype, tóm lại là không giao tiếp dù những giao tiếp mạng cũng nhạt nhẽo như tôi vậy.
Phải chăng tôi đang bước bên cạnh cuộc đời này chứ không phải đang ở trong nó, đi cùng nó? Phải chăng trái tim tôi đang đập nhịp đập lạc loài? Tại sao tôi lại không làm được như người khác, những người đang làm việc, đang đưa cả xã hội này đi lên?
Tôi không trả lời nổi.
Khi người ta trẻ là khi người ta không ngừng khán phá, hoàn thiện bản thân và đôi khi mắc "bệnh" thờ ơ, chán chường (Minh họa: Anhso.net |
Tôi đâm ra thù ghét nhiều thứ, không dám nói là tất cả. Tôi quay sang tìm hiểu và thích giải nghĩa rõ ràng những điều thuộc về mặt trái của cuộc sống, của con người, của xã hội. Và tôi làm điều ấy rất tốt.
May mắn thay, tôi chưa đến nỗi bi quan, nhưng cũng chẳng lạc quan gì. Chỉ đơn giản là không có cảm giác. Tôi chẳng sợ ai, chẳng yêu mến ai, chẳng khen ngợi ai và cũng chẳng ai biết tôi là thằng nào.
Tôi vẫn đang đi khẳng định giá trị bản thân mình...
Không thể nhìn tôi ăn không ngồi rồi như vậy, cha mẹ xin cho tôi vào làm việc trong một cơ quan nhà nước, một cơ quan thuộc loại bao cấp và mang nặng phong cách hành chính, công quyền bậc nhất.
Cũng không hiểu là may mắn hay đen đủi nữa, những hoài bão, những ước vọng từ năm tôi 16 tuổi lại bùng cháy, và cháy mỗi lúc một mãnh liệt.
Như người chết đuối bấu vội vàng vào cái cọc chẳng biết có mục ruỗng hay không, như hạt giống khô hạn hút đến sạch sanh tí chút nước để nảy mầm dù là nước thừa nước cặn, tôi làm việc, tự học, tự mày mò chẳng kể ngày đêm.
Lúc đó không nói ra, không chia sẻ với ai nhưng tôi muốn mình phải tạo ra cái gì đó, phải sản sinh ra một sản phẩm nào đó, không phải để giàu có, không phải để vênh vang, nhưng sau này, trong lịch sử của ngành, của chuyên môn mà tôi đang làm việc sẽ phải có một cột mốc trên có gắn tên tôi.
Ngông cuồng quá phải không? Viển vông quá phải không? Chính sự ngông cuồng, viển vông ấy đã cho tôi đủ sức mạnh và kiên nhẫn bỏ qua mọi đàm tiếu, bước qua nhiều ngăn trở, hết sức tự rèn luyện, tự đào tạo, tự bồi dưỡng cho mình những gì tôi cho là cần thiết để sau này có dịp dùng đến.
Tôi học, bổ sung đủ thứ ngoài chuyên môn của mình: từ ngoại ngữ, lập trình C/C++, Visual Basic, viết Web, xử lý ảnh... đến cả thứ chẳng biết sẽ để làm gì như viễn thám, hệ thông tin địa lý, định vị...
Nhưng cũng chính những gì tôi làm khiến tôi không như nhiều người khác xung quanh. Tôi bị xếp vào loại thiếu hòa đồng, bị đánh giá là có thái độ coi thường người khác. Bạn sẽ ra sao, sẽ làm gì nếu đồng nghiệp đánh giá bạn như vậy?
Một lần nữa, lần này không phải 1 năm mà là gần 5 năm trời, tôi sống một cuộc sống khác ở cơ quan, giống như một bài thơ Nhật tôi dịch từ khi 16 tuổi.
Xa xa núi tím mờ mây bay
Tê tái từng cơn tuyết vãi đầy
Cây liễu bên sông màu tang phủ
Chồi non vẫn mọc, biết ai hay !
Tôi sống "nhạt", nhưng là nhạt có chủ đích. Tôi không mặn mà với những gì không phục vụ cho sự phát triển của công việc, sự đi lên của nơi tôi làm việc, những gì mang hơi hướng cá nhân nhiều hơn là vì tập thể.
Một năm ru rú ngồi nhà để cố hiểu cái nhiều mặt của sự việc xung quanh, đến lúc này tôi lại càng thấy rõ thêm nhiều điều. Tôi chờ đợi, tôi cúi mặt để chờ đợi.
Người ta đi sau tôi, rồi đi qua, ngoái nhìn lại sau vẫn chỉ thấy tôi đang cắm mặt bước. Lúc mới vào làm thì tôi hăng hái đi trước, sau đó thì người ta vượt qua tôi, nhìn tôi với ánh mắt thương hại rồi đưa tay kéo tôi theo sau. Đấy là mặt trái của cái gọi là sự hòa đồng và công bằng, hiểu đúng ra phải là sự kết bè (không phải bạn) và cào bằng.
Không khác gì năm 24 tuổi, tôi ít giao thiệp, ít lại qua, ít tán chuyện, không ngồi lê và không đàm tiếu. Tựa như miếng mút xốp khô, mọi sự đổ vào tôi đều nhận được một phản ứng y sì nhau: im lặng và lại khô queo như cũ. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy điều đau đớn nhất lúc ấy là không thể biết được mình sẽ tiếp tục như thế cho đến khi nào.
Năm năm chờ đợi, tôi có cơ hội đầu tiên đáng kể. Người ta buộc phải nhìn đến tôi khi ở cơ quan không còn ai khác có thể làm được lúc ấy. Và tôi đã làm việc xuất sắc. Nhưng sự viển vông đã nói ở trên kéo tôi lại, không đi theo con đường người ta mở ra dành cho tôi. Tôi lại nhạt nhòa trước tất cả giống như bạn nhìn tôi qua cửa sổ kính trong cơn mưa.
Mưa mãi cũng phải tạnh, còn cái cửa kính ấy được rửa sạch, sáng trong như chưa bao giờ bám bụi. Bạn nhìn thấy mọi việc thật rõ ràng và sự vật lại đứng đúng vào chỗ mà nó đáng phải vậy. Tôi được nhìn nhận và trọng dụng, cơ hội thăng tiến đang ở rất, rất gần. Mức thăng tiến mà tôi chưa bao giờ nghĩ có thể đến với người như tôi.
***
Ngay lúc chia sẻ với các bạn qua những dòng này, tôi vẫn đang đi tìm kiếm và khẳng định giá trị của bản thân mình, để không còn phải một ngày nào sống lại quãng thời gian nhạt nhẽo như trước kia tôi từng trải qua.
Với nhiều người, giá trị ấy là vị trí trong cơ quan công tác, là sự yêu mến của anh em bạn bè đồng nghiệp, với người khác là sự công nhận của giới chuyên môn về đẳng cấp và đóng góp của bạn cho xã hội, là mức lương người ta phải bỏ ra để thuê bạn về làm việc, là số tài sản bạn có được quy ra USD, hay thậm chí là trị giá món quà bạn mua cho người khác nhân dịp nào đó, là số vàng bạn đang có trong tài khoản của nhân vật game online đang chơi...
Tôi chưa xác định được mình sẽ dừng lại ở cách đánh giá nào, tôi muốn thử tất cả nếu có thể. Nhưng có một điều tôi chắc chắn, không bao giờ vì cách đánh giá của người khác mà tôi thay đổi đường hướng của mình: vì sự phát triển chung của nơi đang làm việc, của tập thể và lớn hơn, của xã hội.
Lúc này là cuối Đông. Chờ đón mùa Xuân về, trong tôi không khỏi bật lên đôi câu của người xưa, sao thật thấm thía: "Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai..."
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh