Tại sao có người thành công, có người lại không?
Liêntự nhận mình là một trong số những sinh viên thuộc nhóm đứng đầu lớp quản trị kinh doanh. Thế nhưng qua ba, bốn lần thay đổi công việc (thư ký, kế tóan kho, kế toán công nợ, bán máy vi tính), đầu năm nay, cô lại phải tìm công việc mới. Liên bức xúc: “Sao nhiều bạn trong lớp hồi đó học cũng xoàng thôi nhưng ra đời chúng nó lại thành công nhỉ?”.
Thu là một trong những sinh viên xuất sắc của lớp. Sau khi tốt nghiệp, anh được trường giữ lại để bồi dưỡng trở thành cán bộ giảng dạy. Thế nhưng, sau hai mươi lăm năm, gặp lại bạn học cũ, anh tỏ ra bất đắc chí khi thấy mình chỉ là chuyên viên của một sở nọ, sau khi đã kinh qua nhiều ngành khác nhau như bưu điện và quan hệ quốc tế.
Luân là một giáo viên tiếng Anh giỏi. Từ ngày ra trường đến nay, không ngày nào anh ngừng trau dồi khả năng Anh ngữ. Không những thế, anh còn giành được suất học bổng tu nghiệp hai năm ở nước ngoài. Mặc dù mọi người công nhận anh giỏi chuyên môn nhưng không mấy ai thích làm việc với anh vì ngại tính khép kín của Luân.
Tuấn mồ côi cha từ lúc bảy tuổi, những năm 1960 từ Long An lên Sài Gòn thi vào trung học, đậu vào trường Petrus Ký, một trường nổi tiếng miền Nam thời ấy. Anh cho rằng để có được vị trí như ngày nay - trưởng khoa thương mại quốc tế của một trường đại học - anh luôn luôn trau dồi kiến thức để theo kịp yêu cầu công việc. Anh nói: "Tôi luôn sợ thua kém bạn bè nên đã cố gắng học hỏi để không bị tụt lại phía sau".
Không ai muốn mình là Liên hoặc Thu và tất nhiên, chúng ta đều mong muốn thành công, chí ít cũng như Tuấn. Vậy đâu là bí quyết để có được thành công trên đường đời?
Phải hiểu chính mình và tự học
Binh pháp Tôn Tử có câu "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Chúng ta cần phải biết rõ các mặt mạnh, mặt yếu của bản thân. Nhưng hãy hết sức thận trọng!
Thông thường, ai cũng dễ dàng nhận biết những điểm mạnh và điểm yếu của chính mình. Thật ra, phần lớn những điều nói ra đều sai (vì nếu hiểu đúng bản thân mình thì làm sao vẫn có người thất bại, có kẻ thành công). Vì thế, chúng ta cần có phương pháp để hiểu đúng bản thân mình. Đó là tạo thói quen phân tích thành quả công việc của bản thân.
Giáo sư Peter F. Drucker ứng dụng phương pháp này trong quản lý như sau: để tránh ngộ nhận về bản thân, mỗi khi ra một quyết định hay thực hiện một công việc quan trọng, hãy viết ra dự kiến kết quả mình mong đợi. Chín hay 12 tháng sau, hãy so sánh thành quả thực sự với kết quả dự kiến. Cứ lặp đi lặp lại như thế một cách kiên định; sau một thời gian ngắn, có thể một hoặc hai năm, bạn sẽ nhận ra đâu là các điểm mạnh, điểm yếu thật sự của mình.
Sau khi biết được điểm mạnh và điểm yếu, bạn hãy tập trung khai thác những mặt mạnh vào công việc của mình để biến chúng thành những kết quả có ý nghĩa, cụ thể và có thể đo lường được. Hãy nỗ lực cải thiện hơn nữa các điểm mạnh bằng cách học hỏi thêm để bổ sung kiến thức và kỹ năng mới.
Ngoài ra, cần khám phá đâu là cái "gót Achille" của mình, và tìm cách vượt qua nhược điểm ấy.
Peter Drucker cho rằng hãy dành hết "năng lượng, các nguồn tài nguyên và thời gian tập trung đầu tư vào các điểm mạnh để đưa con người từ một cá nhân xuất sắc trở thành một ngôi sao! Còn nếu tập trung khắc phục các điểm yếu, may ra chỉ biến một người chậm phát triển trở nên một cá thể bình thường".
Trở lại chuyện của Luân. Tại sao anh luôn biết khai thác những điểm mạnh của mình nhưng vẫn không thể trở thành một người thành công? Trường hợp này, lời dạy của Tôn Tử trở nên rất hữu ích - Biết người. Trường hợp của Luân, anh thích làm việc đơn độc hơn là hòa mình vào tập thể.
Vai trò giáo dục của nhà trường
Trường học ở nước nào cũng thế, đều được tổ chức dựa trên giả thuyết chỉ có một phương pháp học tập chung, đúng cho tất cả mọi người. Hiện nay nhiều học giả đề nghị thay thế lối học từ chương bằng phương pháp tư duy lý luận. Tuy nhiên, cho dù ứng dụng phương pháp nào chăng nữa, việc dạy bao giờ cũng sẽ thích hợp với người này mà không phù hợp với người kia.
Thực ra có nhiều cách học khác nhau. Có người học bằng cách viết. Có người học bằng cách ghi chép. Có người học bằng cách nghe chính mình nói. Có người học qua cách làm thực tế. Có người rất thành công khi là một thành viên làm việc cùng nhóm, nhưng có người chỉ có thể làm việc tốt nhất khi chỉ một mình.
Ngoài việc học thế nào để thành công, nhiều người cho rằng thành quả công việc còn tùy vào vai trò của mỗi người khi làm quyết định. Có một câu chuyện chẳng hay ho nói về giới học thức, rằng những người học cao chưa hẳn đã làm kinh doanh giỏi. Họ nên làm cố vấn hơn là lãnh đạo doanh nghiệp. Một tiến sĩ kinh tế chưa chắc lãnh đạo thành công một doanh nghiệp nhỏ... Vì sao vậy?
Chẳng có gì khó hiểu, mỗi người chỉ làm tốt vai trò thích hợp cho bản thân mình. Nhiều người ở vị trí phó rất thành công, nhưng khi đề bạt lên chức trưởng, họ lại đưa doanh nghiệp đến chỗ thua lỗ. Nhiều người rất thành công ở doanh nghiệp lớn nhưng khi nắm một doanh nghiệp nhỏ lại trở nên tệ hại.
Một chủ doanh nghiệp bình thường hay một tiến sĩ ở một trường danh tiếng hàng đầu thế giới, không làm đúng vai trò thích hợp cũng đều thất bại như nhau.
Vậy lời khuyên là gì? Đừng cố gắng làm những việc mình không thể làm hay làm một cách gượng gạo.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Cơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn