"/>"/>

Giá trị đích thực của lẽ sống tuổi trẻ VN

09:24 SA @ Thứ Tư - 07 Tháng Chín, 2005

Nguyên Tổng bí thư LÊ KHẢ PHIÊU cho biết: "Khi trên báo Tuổi Trẻ trích đăng nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, tôi đã đọc, cắt và đóng lại theo tập. Sau đó, tôi chuyển cho vợ, các con và các cháu tôi cùng đọc. Vợ tôi nói “hay quá, cảm động quá”. Chuẩn bị chuyến đi công tác miền Trung khá dài ngày, tôi cứ Io sẽ không được đọc tiếp.Nhưng trước khi đi, tôi được tin nhà xuất bản đã cho in cả hai tập nhật ký của hai liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc."

Tôi đã tìm mua đến bốn cuốn để cả nhà cùng đọc. Đây cũng là tập sách tôi mang theo và đọc kỹ trong chuyến công tác.

Đọc đi đọc lại tập sách in nhật ký của hai liệt sĩ, càng đọc tôi càng cảm động, càng suy nghĩ nhiều và bồi hồi nhớ lại nhiều đồng bào, đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mang theo cả công tích của mình mà đến nay chúng ta cũng chưa biết, thậm chí chưa tìm được cả thi hài của họ. Khi trên các phương tiện thông tin đại chúng còn phát những dòng tin “nhắn tìm đồng đội” thì lòng chúng ta vẫn chưa vui.

Bởi ở đâu đó trên mảnh đất của Tổ quốc thân yêu vẫn còn những người con yêu quí của chúng ta thầm lặng ngã xuống cho Tổ quốc thống nhất và yên bình nhưng chúng ta chưa tìm được, chưa tỏ được lòng tri ân của mình trước anh linh của họ.

Tấm gương của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc là hình ảnh sinh động của một thế hệ trong cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất của Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu oanh liệt đó, những tấm gương hi sinh như Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc còn rất nhiều.

Họ là những người đã tình nguyện đi vào nơi ác liệt nhất của cuộc chiến đấu, đứng chân, trụ lại dưới bom đạn quân thù để chiến đấu, phục vụ chiến đấu và bình thản dành những giờ phút hiếm hoi giữa hai trận đánh để ghi lại những dòng nhật ký sống động, chân thực, khẳng định tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh và bản lĩnh vững vàng của những người chiến đấu có mục đích, có lý tưởng, biết rằng có thể hi sinh, đau buồn trước sự hi sinh của đồng đội nhưng không vì thế mà chùn gan, nhụt chí.

Tôi vừa nhận được cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc do chị Phạm Như Anh, người yêu của anh, gửi tặng. Càng đọc kỹ, tôi càng tự hào và khâm phục chí khí của lớp thanh niên trong thời đại Hồ Chí Minh. Hai liệt sĩ Thùy Trâm và Văn Thạc, hai thanh niên cùng vào chiến trường khi cuộc chiến đấu ở miền Nam vào giai đoạn ác liệt nhất. Họ đều là những người trí thức trẻ được rèn luyện, đào tạo ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đọc nhật ký của họ, chúng ta càng thấy rõ và tự hào về thế hệ thanh niên của chúng ta trong hai cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Họ đã sẵn sàng hi sinh cả tuổi trẻ, cả tính mạng của mình vì độc lập của đất nước, tự do của dân tộc. Đây là hình ảnh cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sáng tuyệt vời.

Như Đặng Thùy Trâm đã viết: “Trong chiến tranh ai còn, ai mất, khi nước nhà được độc lập nếu như mình có chết thì cũng được hưởng những ngày xã hội chủ nghĩa rồi. Còn trăm nghìn vạn người lớn lên chỉ biết cái đau thương, gian khổ và còn nhiều người ngã xuống mà chưa hề hưởng được một ngày hạnh phúc, đau xót biết chừng nào”.

Chúng ta, những người còn sống nghĩ gì qua câu so sánh này để mà thấy ta được hưởng hòa bình, hưởng độc lập, thống nhất hôm nay không thể quên và không được quên những người đã hiến dâng cả cuộc đời của mình cho nền độc lập và thống nhất đất nước. Bởi vì đó là sự hi sinh, cống hiến vô giá, không phải chỉ một vài người mà là cả một thế hệ.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã gửi thư cho tòa soạn và bạn đọc báo Tuổi Trẻ đề nghị học tập, noi gương hai liệt sĩ Thùy Trâm và Văn Thạc, Tôi thấy tinh thần đó phải được thể hiện rõ trong sự gắn bó giữa lòng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, xây dựng con người mới, con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong trang nhật ký ghi ngày 27-9-1968, ngày Đặng Thùy Trâm được kết nạp vào Đảng Cộng sản VN tại chiến trường, cô viết: “Cảm giác rõ nét nhất của ngày hôm nay là phải phấn đấu để sống xứng đáng với cái tên Một người cộng sản”.

Vậy thì hiểu người cộng sản như thế nào? Vào Đảng với mục đích gì và phải làm gì để xứng đáng với cái tên ấy? Các bạn thanh niên và ngay cả các đảng viên cộng sản hãy tổ chức những cuộc tọa đàm, trao đổi với nhau về điểm này để chúng ta cùng nhau học tập, cùng nhau phấn đấu, từ ý nghĩ cho đến hành động sao cho xứng đáng với người cộng sản.

Thùy Trâm còn nêu yêu cầu cho mình khi đã là người cộng sản: “Hãy rèn giũa phẩm chất của một người đảng viên, hãy hứa trước tòa án lương tâm sẽ giữ tròn tất cả những gì cao quí nhất của một người đảng viên, một người trí thức”. Đó là những yêu cầu mà Thùy Trâm đặt ra cho bản thân mình, yêu cầu chính mình phải thực hiện cho được để mãi mãi xứng đáng với vinh dự là một người cộng sản.

Đặng Thùy Trâm còn nói: “Từ trong gian khổ mới hiểu rõ hơn giá trị của những người cách mạng. Ai đứng vững trong lửa đỏ và nước sôi, người đó là người chiến thắng”. Câu này được Thùy Trâm viết trong thư gửi em gái Phương Trâm khi Thùy Trâm chuẩn bị ra chiến trường.

Tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh đã cống hiến xứng đáng cho cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập. Khi Tổ quốc gọi, thanh niên sẵn sàng, miền Nam gọi, miền Bắc sẵn sàng. Tôi đọc câu mà Đặng Thùy Trâm viết cho em gái từ chiến trường: “Không ở đâu giá trị đích thực của con người được thấy rõ như tại chiến trường miền Nam lúc này, nơi đó chị sẽ làm được nhiều việc có ích... đem ánh sáng cho những đôi mắt tật nguyền, đem niềm vui và chút hiểu biết đã thu nhận được suốt 15 năm qua dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.

Trong gian lao chị sẽ tìm được hạnh phúc chân chính”. Sự suy nghĩ thật sâu sắc cả lý trí và tình cảm cách mạng. Đó là sự dấn thân hoàn toàn tự giác của một con người khi họ đã hiểu thế nào là lẽ sống có lý tưởng. Thùy Trâm còn viết: “Người cộng sản rất yêu cuộc sống nhưng khi cần có thể nhẹ nhàng mà chết được”.

Nghĩ như thế và hành động như thế tôi cho là vĩ đại. Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc cũng như bao anh hùng, liệt sĩ khác, họ cũng nghĩ và hành động như thế, họ cũng xứng đáng là những người con vĩ đại, tên tuổi họ còn mãi mãi được các thế hệ tôn vinh. Lớp lớp tuổi 20 hiện nay hãy thể hiện lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ của mình với những người đi trước, những anh hùng, liệt sĩ bằng hành động và trái tim của tuổi trẻ.

Đó là sự cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng của mình cùng cả dân tộc đưa VN bước vào một kỷ nguyên mới, đưa vinh quang, hạnh phúc cho mọi người, của mọi người. Nối tiếp truyền thống anh hùng của cha anh, góp phần vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho dân tộc ta bước lên lâu đài hạnh phúc. Đó chính là giá trị đích thực của lẽ sống tuổi trẻ VN trong thời kỳ mới.

Nguồn:Thanh Niên
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm

    03/08/2005Nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, tiếp theo cuốn nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" của Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - Mỗi ngày một cuốn sách xin trân trọng được giới thiệu đến bạn đọc, những người yêu thích sách tập "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" của tác giả Liệt sĩ Bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm, vừa được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.
  • Nguyễn Văn Thạc - Tình yêu và hạnh phúc

    06/07/2005Chưa đầy 20 tuổi, Nguyễn Văn Thạc khoác ba lô vào chiến trường, chỉ mười tháng tuổi quân, chàng sinh viên khoa Toán - Cơ, đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là học sinh giỏi văn nhất miền Bắc một thời đã viết hàng trăm trang thư, nhật ký và nhiều bài thơ có giá trị về chuyện đời, chuyện người… Quãng thời gian ngắn ngủi ấy, Nguyễn Văn Thạc đã viết lên đời mình và mãi để lại cuộc sống này một dấu ấn đẹp về tình yêu và hạnh phúc...
  • Mãi mãi tuổi hai mươi - một cuốn nhật ký đáng đọc

    05/07/2005Nhật ký "Mãi mãi tuổi hai mươi" - của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc 1952-1972 (viết từ ngày nhập ngũ 2.10.1971 đến ngày 24.5.1972) do NXB Thanh Niên vừa giới thiệu (ảnh) chiều 4.5.2005 là cuốn nhật ký dày dặn và khá hoàn chỉnh đầu tiên được xuất bản. Nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng cùng với việc biên soạn "Những lá thư chiến tranh", đã làm được một việc tốt đẹp - nhiều khi còn có ích hơn cả việc sáng tác - khi sưu tầm giới thiệu tập nhật ký này..

Nội dung khác