Góc nhìn người trẻ
Một cô gái lứa tuổi "8X", tốt nghiệp Đại học Sư phạm nhưng lại đang là biên tập viên của website chungta.com, đã trò chuyện cuối tuần cùng chúng tôi về vấn đề khoảng cách và vai trò của thế hệ dưới góc nhìn của một người trẻ tuổi. Và tôi đã hơi bất ngờ, khi Nguyễn Thị Hà trả lời câu hỏi đầu tiên...
* Bạn có coi mình là một người trẻ không? Theo bạn, tư chất quan trọng nhất của người trẻ là gì?
Năm nay tôi 25 tuổi. Về mặt tuổi tác, có thể tôi được xếp vào lớp người trẻ trong xã hội. Nhưng nếu tự coi mình vẫn còn trẻ, đồng nghĩa với việc tôi còn nhiều thời gian ở phía trước, còn thời gian để chơi, để hưởng thụ hơn là lo lắng cho tương lai của mình. Trên thực tế, ngay khi tốt nghiệp đại học, tôi đã không coi mình còn trẻ nữa. Nghĩa là tôi phải tự nuôi bản thân, tự chọn con đường lập thân, lập nghiệp cho mình. Tôi đã suy nghĩ, thử nghiệm và lựa chọn nhiều con đường khác nhau. Mọi sự đúng, sai đều dẫn đến hệ quả là cuộc sống hôm nay và ngày mai của mình. Điều quan trọng là tôi đi bằng đôi chân của tôi, làm những việc tôi muốn, và chịu trách nhiệm về những gì tôi đã quyết định. Bằng tuổi tôi, các bạn tôi hoặc đã thành công ở một số lĩnh vực nhất định, hoặc đã gánh vác cả một đại gia đình gồm những người yếu và đuối. Ngay cả các bạn ít tuổi hơn tôi, còn đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng thể hiện một bản lĩnh hoặc một tầm hiểu biết mà tôi phải khâm phục. Như vậy, tôi đã từng là một người trẻ. Còn hiện nay, tôi là một người đã trưởng thành, sắp bước tuổi "tam thập nhi lập".
Đối với một người trẻ, điều quan trọng là phải có lý tưởng và ý thức trách nhiệm. Hai vấn đề này song hành với nhau, giúp con người ta làm chủ được chính mình và cuộc đời của mình. Có lý tưởng mà không có trách nhiệm, thì mãi mãi chỉ làm những việc vô bổ, không gia tăng giá trị cho bản thân, gia đình, xã hội... Ngược lại, có trách nhiệm nhưng không có một lý tưởng để theo đuổi, để soi đường, thì mãi mãi dù tận tụy, trách nhiệm đến đâu cũng chỉ phục tùng lý tưởng của người khác, đôi khi trở thành nô lệ trong chính lối tư duy của mình.
* Dường như là một quy luật, giữa hai thế hệ luôn có một khoảng cách về cách tư duy. Lại nữa, khoảng cách “thế hệ” đó ngày càng rút ngắn lại về mặt thời gian (chẳng hạn thế hệ 7X đã khác so với 8X...). Có đúng là như vậy không và vì sao?
Khoảng cách thế hệ là một thực tế khách quan không thể phủ nhận. Khoảng cách này không đơn thuần do sự cách biệt về tuổi tác giữa các thế hệ trong cùng một cộng đồng, một xã hội. Nó bắt nguồn từ sự khác biệt về bối cảnh văn hóa, xã hội, về hệ giá trị, ... giữa các thời đại, trong các giai đoạn lịch sử cụ thể. Ví dụ, cũng với khoảng cách 30 năm, song sự cách biệt giữa các thế hệ cùng trưởng thành trong thế kỷ XIX (cùng chịu sự chi phối của ý thức hệ phong kiến) chắc chắn sẽ ngắn hơn, khoảng cách giữa hai thế hệ trưởng thành vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỷ XX (có sự giao thoa giữa nhiều ý thức hệ: phong kiến, dân chủ tư sản...). Ngược lại, giữa thế hệ 7X và 8X, chỉ cách nhau 10 năm, song sự khác biệt về tư duy, lối sống, thế giới quan, nhân sinh quan của họ lớn hơn nhiều so với khoảng cách giữa các thế hệ trưởng thành từ năm 1945 đến 1975.
Nói như vậy để thấy, sự rút ngắn hay gia tăng về khoảng cách thế hệ không phụ thuộc độ dài của thời gian vật lý, cũng không theo một quy luật nhất thành bất biến, mà nó có sự co giãn tương đối, phụ thuộc vào biến động của thời đại, gia tốc phát triển của xã hội. Ví dụ, trong khi điểm đặc trưng trong lối tư duy của 8X là tính năng động, thực dụng, đề cao cá nhân (theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực), thì thế hệ 7X đa phần rơi vào trạng thái hoang mang và sụp đổ niềm tin. Một mặt 7X vẫn không ngừng truy cầu lý tưởng, mặt khác, họ cảm thấy bị phản bội và bơ vơ trong chính lý tưởng của mình. Trong khi đó, 9X kế thừa được sự nhạy bén và thức thời của thế hệ đàn anh, họ nắm bắt và hòa nhịp với cái mới, với bên ngoài nhanh hơn nhưng cũng đồng thời mất phương hướng trong chính sự dư thừa về các tài sản tinh thần và vật chất mà mình được hưởng thụ. Có thể nói, nếu giữa 7X và 8X là sự thay đổi hoàn toàn về lối tư duy, thì giữa 8X và 9X là sự tiếp nối và kế thừa.
* Có cần thiết phải xoá nhoà khoảng cách tư duy đó không, theo bạn? Và nếu vậy thì các thế hệ sẽ phải làm gì?
Xóa nhòa khoảng cách tư duy là nhu cầu tất yếu của mỗi thế hệ, nếu cha mẹ muốn hiểu con, anh chị muốn hiểu em, người già muốn hiểu lớp trẻ... hoặc ngược lại. Tuy nhiên, việc mong muốn có sự hòa đồng tuyệt đối là không thể, vì xã hội vận động và phát triển không ngừng, lối tư duy và hệ giá trị của hai thế hệ chỉ có thể tiệm cận, mà không thể trùng khít với nhau.
Để có được sự tiệm cận gần nhất, cần có sự chuyển giao và tiếp nhận các giá trị văn hóa giữa các thế hệ. Mỗi thế hệ đều phải học cách lắng nghe để thấu hiểu nhau một cách vô điều kiện, không thành kiến, sau đó mới bàn chuyện đánh giá đúng sai, tốt xấu; nghĩa là dùng bản năng và trái tim của mình trước khi dùng lý trí để soi xét. Đồng thời, phải chấp nhận khoảng cách thế hệ như một câu chuyện có thật, không thể cố tình né tránh hoặc vờ phủ nhận nó, mà cần hướng tới một thái độ đồng thuận thay vì đối đầu, gia tăng giá trị thay vì triệt tiêu lẫn nhau giữa hai thế hệ.
* Ý tưởng chính theo bạn đến xuất hiện web chungta.com? Đây có phải là một diễn đàn chia sẻ của những người trẻ? Chungta.com được đối tượng nào hưởng ứng?
Tôi tìm đến với chungta.com, ban đầu xuất phát từ nhu cầu được đọc, được hiểu và được chia sẻ. Chungta.com cung cấp cho bạn đọc những tri thức bổ ích, những thông tin đa chiều, những mối quan tâm trăn trở có ý nghĩa phản tỉnh của các trí thức trong và ngoài nước trước những vấn đề của cuộc sống thực tại. Chungta.com đã tận dụng những tiện ích và giá trị tích cực của văn hóa mạng để trở thành nơi gặp gỡ và chia sẻ của nhiều thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, bởi tính trung dung, đa chiều, không cực đoan.
Tuy nhiên, tiếng nói phản tỉnh chỉ có ý nghĩa ở một chừng mực nhất định, nếu quá đà, nó khiến người ta nhìn đời quá hiện thực, quá tỉnh táo. Con người trở nên bơ vơ, mất điểm tựa về niềm tin, về giá trị sống, dễ sa vào vực thẳm của sự cô đơn và tuyệt vọng. Vì thế, chungta.com không chỉ cần lên tiếng cảnh tỉnh về cái xấu, cái khuyết tật, mà còn cần lưu giữ, duy trì và nhân lên những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, xã hội, con người; chungta.com không chỉ là lời tâm sự hay giáo huấn của một nhóm tinh hoa trong xã hội, mà cần tạo ra sự đồng vọng của đông đảo độc giả, đúng như tên gọi của website.
Chungta.com cũng không nên là sân chơi riêng của những người trẻ. Ai cũng từng có một thời tuổi trẻ và cũng phải lo lắng cho tương lai, cho cái đích cuối cùng của cuộc đời mình. Nếu đã đặt vấn đề về khoảng cách thế hệ, tại sao không làm cho chungta.com trở thành điểm tiệm cận giữa các thế hệ trong cùng một xã hội, để tìm kiếm sự đồng vọng và gia tăng giá trị?
Tất nhiên, cho đến nay, đa phần bạn đọc của chungta.com vẫn là các bạn sinh viên. Điểm đặc biệt là các bạn ở khối ngành khoa học tự nhiên - kỹ thuật lại biết tới chungta.com nhiều hơn các bạn học khoa học xã hội. Đối với tôi, đó là dấu hiệu đáng mừng, vì nó chứng tỏ, các sinh viên khoa học tự nhiên – kỹ thuật đang có nhu cầu tự cân bằng về thông tin và tri thức cho mình chứ không đơn thuần chấp nhận tình trạng “học lệch” như chúng ta vẫn nói tới trước đây. Ngoài sinh viên, bạn đọc của chungta.com còn bao gồm những người đi làm, có quan tâm đến các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội (có thời gian tương đối rộng rãi) và nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn. Đối tượng người đọc của chungta.com, nhìn chung, xét về số lượng, chưa phải là đông, nhưng xét về diện, khá rộng; xét về tần suất và thời gian truy cập, tương đối cao; có nhiều độc giả lâu năm, “trung thành”. Điều này cho thấy, nội dung website hướng tới việc đọc sâu, đọc chậm, đọc hiểu, thay vì chỉ lướt web và tìm kiếm thông tin tức thời.
* Được biết bạn tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Hà Nội. Tôi không cảm thấy sự khập khiễng giữa ngành học mà tôi được đào tạo và công việc hiện nay?
Nhiều người thường đặt câu hỏi liệu tôi có bỏ phí 4 năm học Đại học hay không, khi chọn công việc hiện nay. Đa số chúng ta thường mặc định với nhau rằng, nếu bạn chọn học ngành đào tạo nào thì khi ra trường, bạn phải làm nghề đó hoặc có liên quan đến ngành nghề đó. Nhưng thực tế cho thấy, có rất nhiều sinh viên Ngoại thương đã chọn ngành truyền thông để lập nghiệp, có nhiều sinh viên khối ngành kỹ thuật khi ra trường lại đi làm kinh tế… Và không ít người trong số họ đã khẳng định được tài năng của mình. Xã hội ngày nay đang bắt đầu quen với thực tế “trái ngành, trái nghề” như vậy. Tuy nhiên, quan niệm sinh viên Sư phạm làm trái nghề vẫn chưa được nhiều người chấp nhận. Đối với tôi, học Đại học Sư phạm không đồng nghĩa với việc tôi chỉ có một lựa chọn trở thành giáo viên dạy văn. Tốt nghiệp Sư phạm Văn nghĩa là tôi được rèn luyện các phương pháp, kĩ năng và phẩm chất cần thiết của một người làm nghề giáo, đồng thời được cung cấp những tri thức về văn học nghệ thuật, được bồi dưỡng năng lực cảm thụ thẩm mĩ… Tất cả những tố chất đó, đều trở thành hành trang quý giá để tôi bước chân vào đời và hiện thực hóa những ước mơ, lý tưởng của mình. Những điều còn thiếu ở môi trường sư phạm như tính thực tiễn (môi trường sư phạm vốn được coi là môi trường “vô trùng”), sự năng động, chuyên nghiệp, hiện đại… tôi sẽ phải tự trang bị trong quá trình va chạm với thực tế làm việc của mịnh.
Mặt khác, bước sang thế kỷ XXI, ba trong số bảy xu thế lớn của giáo dục là xã hội hóa giáo dục, học tập suốt đời và áp dụng sáng tạo công nghệ thông tin và truyền thông mới vào quá trình giáo dục.Nghĩa là không chỉ nhà trường mà tất cả các lực lượng trong xã hội đều tham gia vào sự nghiệp giáo dục, thực hiện các mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục an toàn. Không chỉ những người đang ở độ tuổi đi học, mà mọi đối tượng trong xã hội, ở mọi lứa tuổi đều có nhu cầu học tập và trau dồi tri thức, dưới nhiều hình thức khác nhau, theo nhiều con đường khác nhau. Và tôi lựa chọn môi trường website cho những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp của mình, với mong muốn thông qua một môi trường rất quen thuộc của giới trẻ hiện nay, có thể góp phần tác động vào hành trình nhận thức của xã hội nói chung, và quá trình giáo dục ở Việt Nam nói riêng.
* Cảm ơn bạn và chúc bạn thành công.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn