A còng, A móc, những thành viên ưu tú và tính ì của cả một thế hệ
Đã là dân sành điệu thì phải sao cho giống phong cách của các minh tinh, ca sĩ Hô-li-út hay Hàn Quốc, phải đến với những chương trình ca nhạc xập xình nhảy nhiều hơn hát, ai lại đi xem ba vở tuồng chèo, cải lương với những câu chuyện lịch sử và những diễn viên hoá trang theo truyền thống? Rồi thời gian đâu mà tham quan các bảo tàng hay đọc sách trong thư viện? Có mà ra ông cụ non à? Tất cả là một logic. Tôn trọng hay không tuỳ ở mỗi người.
Vấn đề là khi được chu cấp đầy đủ về phương tiện để sử dụng và tiền bạc để tiêu xài cho hiện tại, được bảo đảm một sự yên ổn cho tương lai thì tuổi trẻ đồng nghĩa với hưởng thụ. Mà hưởng thụ không thôi thì sinh ra vị kỷ. Khi người ta dành nhiều thời gian cho vỏ bọc bên ngoài thì bên trong cằn cỗi. Sự thể hiện văn hóa ở tầm cao do đó cũng thiếu vắng. Khi học hành và giá trị lao động bị xem nhẹ thì làm gì có chỗ cho những ưu tư, trăn trở để Đất nước bớt lạc hậu, nghèo nàn? Quả là một điều đáng buồn, đáng tiếc và nguy hiểm. Vì dù chiếm thiểu số, bộ phận này cũng có thể có những tác động tiêu cực lên những lớp đàn em bằng cách tạo ra những mơ ước què quặt. Trách nhiệm này trước hết thuộc về gia đình. Thuộc về những ông bố bà mẹ làm quản lý, như cây dù cây ô, như pít tông #đòn bẩy mà lại "buông lỏng", mà lại cố tình bao che.
Ngược lại với những @ nêu trên, theo nghĩa rộng nhất, là rất nhiều, rất nhiều những người con gái, con trai gian nan cực khổ, quanh năm vất vả trong các công xưởng ở thành thị hoặc lam lũ trên các cánh đồng ở nông thôn. Nhìn vào các xưởng dệt may, xưởng chế biến thuỷ sản, xưởng nhựa, xưởng gỗ, xưởng cơ khí ta thấy những gì? Ta thấy nam nữ công nhân trẻ, lặng lẽ bên những giàn máy vô hồn. Nhìn lên những ngọn đồi, nhìn xuống những đồng ruộng hình ảnh gì đập vào mắt ta? Đó là những nam nữ nông dân trẻ áo quần ướt đẫm mồ hôi. Họ bị xem là lao động phổ thông, lao động thời vụ, rằng hàm lượng chất xám trong các sản phẩm của họ làm ra chẳng có là bao! Tất nhiên thu nhập thấp lè tè. Nghĩa là họ chỉ có khả năng thoả mãn những nhu cầu thiết yếu nhất và chỉ thế mà thôi. Có lẽ trong lòng họ cũng mơ đến một chỗ làm tại các toà cao ốc với những trang thiết bị hiện đại và những đồng nghiệp lịch lãm. Có lẽ trong lòng họ cầu sao cho mưa thuận gió hoà, mong sao cho giá cả nông sản đừng trôi nổi bấp bênh. Có lẽ trong lòng họ muốn được làm sinh viên hoặc bước chân vào những lớp học vi tính, ngoại ngữ. Có lẽ trong lòng họ thích được thường xuyên thưởng thức các vở nhạc kịch, hay xem các buổi triển lãm nghệ thuật, kiến trúc hoặc có một PC kết nối tại nhà. Đó không phải là những điều kiện cần để họ có thể tiếp cận với thông tin, với những trào lưu tư tưở#ng tiến bộ, với những biến chuyển của xã hội vốn là những yếu tố căn bản giúp định hình và phát triển tư duy đó sao?
Bộ phận này của "thế hệ a móc" có đáng trách về sự đóng góp đối với tiền đồ của Dân tộc không? Có đáng trách về ý thức và thái độ chính trị không? Hay họ đáng thương quá? Trách nhiệm này trước hết thuộc về tất cả các tác giả của chính sách vĩ mô.
Cuối cùng, tôi muốn đề cập tới giới sinh viên, trong nước hoặc đang du học, và những người trẻ đã ít nhiều thành danh trên con đường lập nghiệp - là phân khúc quan trọng nhất của chuỗi "thế hệ @". Đối với sinh viên trong nước, tâm lý chung là cố mà lấy cho được mảnh bằng đại học, một tấm giấy thông hành cho tương lai (hoàn toàn đúng với trường hợp VN!) và thường là chọn một ngành thời thượng bất chấp khả năng của mình. Hậu quả chính là sự mất cân đối, chắp vá trong các "sản phẩm" giáo dục mà ai cũng có thể suy tiếp về ảnh hưởng của nó đối với toàn xã hội. Ngoài ra, nhiều người cho rằng dân ta học cần cù nhưng thiếu sáng tạo, tức là rập khuôn, là không dám "cãi". Có phải do cái câu "ở bầu thì tròn ở ống thì dài" nó ám không mà ở trường ít có feedback, ra ngoài xã hội cũng ít có feedback, hay là do... cơ chế nó như thế? Đã ngoan ngoãn và thiếu phản hồi tích cực thì làm sao mà phát triển, tiến bộ? Cũng cần lưu ý thêm về mô hình, lý tưởng chính trị mà một nước nào đó đang đeo đuổi, bởi nó có tính quyết định trong việc đề ra nội dung và kéo theo là phương pháp giảng dạy. Riêng về chuyện thể hiện ý chí làm chủ, có quá lời không khi nói rằng cả một thế hệ sinh viên chỉ biết hùa theo và tung hô đả đảo những #điều xảy ra tận đẩu tận đâu, còn ngoài ra không biết đồng một lòng lên tiếng chò những quyền lợi cụ thể khác, thiết thực cho đồng bào ruột thịt và cho bản thân? Còn nữa, ở VN, các phương tiện truyền thông thường loan những tin hết sức tốt đẹp về chỉ số thông minh, chỉ số phát triển kinh tế, chỉ số an sinh xã hội, khiến ai cũng cảm thấy phơi phới tự hào, không lo toan gì cả. Trong những dịp gặp gỡ, một số bạn bè và các sinh viên đàn em quen biết lúc nào cũng nói với tôi là rất lấy làm thỏa mãn về tình hình Đất nước. Khó mà làm cho họ hiểu rằng có một khoảng cách rất lớn giữa những kiến thức họ được bơm cho và thực tế công việc trong các doanh nghiệp. Khó mà thuyết phục họ rằng VN đang lẽo đẽo theo sau khá xa các nước trong khu vực, chứ chưa nói đến các nước phát triển khác ở Âu Mỹ. Một khi bạn thấy nhà mấy ông hàng xóm làm ăn phát đạt, của cải dồi dào, nhà mình còn kém thì lòng của bạn sẽ nóng, đầu của bạn sẽ tính, tay chân bạn sẽ động đậy và mọi chuyện khả quan ngay. "Nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu" để cho Đất nước trì trệ, trách nhiệm này chính là bản thân sinh viên, những người trên nguyên tắc được giáo dục để biết phân định, để biết tiến về phía trước.
Đối với các bạn đang du học, hay đã định cư ở nước ngoài, các bạn chính là những người có nhiều thuận lợi để phát triển cá nhân và giúp ích cho quê hương. Đó là điều chắc chắn. Dù các bạn là những người giỏi giang được nhận học bổng hoặc đi theo diện tự túc, các bạn đều đang được đứng xa Đất nước để nhìn về Đất nước, để hiểu Đất nước hơn và được mất ăn mất ngủ vì Đất nước. Các bạn thật sự bay bổng khi được thoát khỏi cái vỏ ốc, nhảy khỏi đáy giếng. Nhất định các bạn đang được sống và học hành tại những quốc gia hoàn toàn tự do, văn minh và tân tiến. Các bạn đang may mắn có cơ hội để tiếp thu những cái hay, đẹp, hữu ích cho sự phát triển quê nhà sau này. Trách nhiệm của các bạn vì thế sẽ nặng nề hơn.
Còn những ai đã bước đầu có những thành công trong tác nghiệp, tôi nghĩ rằng họ đang đóng góp rất nhiều bằng cách tạo công ăn việc làm, tạo ra những dịch vụ, sản phẩm. Công việc sẽ không cho họ có nhiều thời gian rỗi. Việc tham gia gián tiếp hoặc trực tiếp vào các hoạt động khác sẽ khó khăn. Vả lại để làm những điều mà diễn đàn mong muốn, thiết nghĩ cần có một tấm lòng bao la, sự can đảm, hy sinh quên mình - điều mà không phải nhà doanh nghiệp trẻ nào cũng có thể đáp ứng trong bối cảnh hiện nay.
Thưa các bạn, năm nay tôi 30 tuổi, hãy còn độc thân. Gốc gác là "Hai Lúa" 100% và mồ côi cả bố lẫn mẹ khi mới lên 10. Biết đâu các bạn không còn xem tôi là một thành viên cuả thế hệ @ nữa. Nhưng xét theo tinh thần bản thân và ý nghĩa rộng nhất của cụm từ "thế hệ @", tôi vẫn thấy mình có những liên hệ chặt chẽ, thậm chí có thể nói được là đang còn hoàn toàn thuộc về nó. Tất nhiên, những đặc trưng của một thế hệ được cấu thành bởi nhiều cá nhân và sự thể hiện chúng không nhất thiết là giống nhau nơi mỗi người. Từ 10 năm qua, vì muốn thoát cảnh nghèo khổ nơi làng quê, ruộng vườn, tôi đã lăn lộn vừa học vừa làm tại nhiều thành phố khác nhau. Hiện nay tôi sống và làm việc tại Sài Gòn. Di chuyển cá nhân bằng một chiếc xe đạp cà tàng. Không có a còng a móc gì cả. Nhưng đi làm việc cho công ty thì thường ngồi Mercedes đời mới với ông sếp. Ngoài chuyên ngành đã sở đắc để kiếm tiền, ngoài những kiến thức về thực tế chính trị, kinh tế, xã hội của VN, tôi nói được tiếng Anh, tiếng Pháp (trong đó, một thứ ở trình độ phiên dịch hội nghị - dịch ca-bin), sử dụng thành thạo vi tính, chơi đàn ghi ta, piano (tự học thôi, có thể tặng các bạn vài bản cổ điển), hiểu biết về một số hệ thống chính trị tiêu biểu trên thế giới, đã đọc qua lịch sử triết học, lịch sử các nước Trung Hoa, ấn Độ, Hy Lạp, Ai Cập, Anh, Mỹ, Pháp (sách của các tác giả người nước ngoài). Kể ra nữa thì còn nhiều thứ khác. Tôi xin nói rõ đây chỉ là những mảng kiến thức tôi quan tâm và đọc, có hệ thống, chủ ý nhưng không chuyên sâu.
Sở dĩ tôi phải nói về mình nhiều - một điều không nên, nếu không muốn nói là phản tác dụng trong đối thoại - là vì tôi muốn xuất phát từ chính bản thân để góp vài nhận định về những vấn đề mà các bạn quan tâm. Đồng thời muốn xác định với các bạn "thế đứng" của tôi trước các vấn đề này. Chẳng phải các bạn đã nhắc tới những kiến thức lịch sử, xã hội, triết học, nghệ thuật... đó sao? Tôi nói về mình như thế để đi tới những điều sau: tôi đã cố gắng không mệt mỏi để trước hết tạo cho mình một situation tốt hơn. Tôi đã vượt qua nhiều thử thách với ý nghĩ góp phần kiến tạo Đất nước. Và tôi luôn nung nấu tâm nguyện này. Phần nào tôi cũng thấy được tình trạng của Đất nước và tôi đau nỗi đau nghèo nàn, lạc hậu của Dân tộc. Phần nào tôi cũng hiểu được những hoài bão và ý chí vươn tới của rất nhiều những thành viên của thế hệ @. Bây giờ với những phương tiện truyền thông hiện đại, các biên giới thông tin bị xoá bỏ, hiểu biết về sinh hoạt chính trị xã hội tại các nước khác nhau không còn là độc quyền của ai nữa. Thế hệ @ nắm bắt được chứ, biết chứ. Vấn đề là cần phải có thời gian và sự xúc tác của những thành viên ưu tú để xoá bỏ tính ì của cả một thế hệ. Mà không chỉ một mà thôi.
Tôi nghĩ rằng diễn đàn này là một ví dụ điển hình để tạo sự biến chuyển. Phải có nhiều diễn đàn hơn nữa. Thực tế không cho phép thì qua mạng cũng có hiệu quả tương tự. Nội dung phài phong phú hơn chứ, thảo luận phải tích cực, sôi nổi hơn chứ. Chì có các diễn đàn hoặc mít tinh của Đoàn TNCS không thôi thì e rằng đâu lại vào đẩy.
Chúng ta có thể không đủ tiền để mua một chiếc @, nhưng chúng ta có dư khả năng để tiếp nhận những bài học cơ bản về cung cách thể hiện là người có văn hoá, có tinh thần trách nhiệm với chính mình, với Quê hương, Đất nước. Chúng ta có thể học để biết cổ xuý những giá trị như Nhân ái, Can đảm và Trí tuệ đồng thời tiễu trừ những bất công, những lừa phỉnh, những cố bám vì tư lợi. Chúng ta có thể lắm chứ. Why not? Pourquoi pas? Tại sao không?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý