Khi 'đất nước' lười đọc
Thị trường sách Việt đang phát triển như vũ bão với nhiều đầu sách ra trong một tháng. Sách là kho tàng tri thức mà ở đó, thông qua ngòi bút, tác giả muốn truyền tải một thông điệp nào đó đến với người đọc.
Văn hóa đọc sách trong nước
Ngày xưa, đọc sách là một cái thú. Với người xưa, đọc sách chính là thưởng thức, cả về nội dung lẫn hình thức. Bởi trước kia, kỹ thuật in ấn còn hạn chế, mỗi cuốn sách được ra đời là cả một công trình tâm huyết. Chính vì việc ra sách khó khăn nên các tác giả càng chăm chút nội dung, người làm sách cũng cẩn thận trong công việc của mình, đặc biệt là khâu biên tập. Còn ngày nay, sách ra nhan nhản, đến độ những người làm trong ngành kiểm định xuất bản cũng không thể nào nhớ hết số lượng sách được cấp phép trong một tháng.
Việc cấp phép xuất bản ngày nay đơn giản hơn, điều đó có cả lợi lẫn hại. Điểm lợi là các tác giả dễ dàng đưa tác phẩm của mình đến với công chúng. Hại là đã có không ít cuốn sách có những nội dung phản cảm, nhảm nhí, khi ra thị trường thì độc giả mới tá hỏa về nội dung lẫn hình thức. Nhiều cuốn sách chỉ mới ra thị trường được vài tháng rồi bị đình chỉ phát hành, thu hồi cũng vì vậy.
Thường thì độc giả chọn sách theo sở thích của mình. Nhưng chẳng mấy ai có đủ thời gian để dạo các nhà sách, đọc thử và tìm một cuốn sách phù hợp. Do đó, hầu như việc mua sách đều dựa những bài review (phê bình) sách trên báo chí.
Ở Việt Nam ngày nay, người ta thích đọc báo hơn đọc sách. Nhất là trong những năm trở lại đây, người ta chuộng báo mạng hơn báo giấy. Và dù vô tình hay hữu ý thì chuyên trang văn hóa - văn nghệ của các tờ báo chính là trang điểm sách dành cho những người thích đọc.
Tôi để ý thấy các tựa sách bán chạy trên thị trường đều là những cuốn sách được chăm chút kỹ về truyền thông, nói theo thuật ngữ chuyên ngành là PR. Những cuốn sách ấy được hậu thuẫn bởi các công ty sách, được quảng bá ầm ĩ, thậm chí có không ít scandal đi kèm. Tin bài về văn hóa - văn nghệ của mỗi tờ báo trong một số đều có hạn mức nhất định, mà các tin bài có “dấu hiệu” PR kia thì rất nhiều, khiến cho các bài review sách chân chính càng ít đi.
Tôi thấy không thiếu những cuốn sách về khoa học, khảo cứu, lịch sử, văn hóa, học làm người… được xuất bản nhưng tin bài về những cuốn sách như thế thường vắng bóng trên các báo, hoặc nếu có cũng chỉ xuất hiện dưới dạng tin ngắn.
Những người từ trung niên trở lên thường bận bịu với công việc và gia đình, có nhiều người còn kém thị lực nên họ cũng ít đọc dần theo độ tuổi. Báo chí lại càng ít giới thiệu các tựa sách mới thuộc thể loại họ quan tâm, nên lớp độc giả này càng ngày càng ít đi. Còn giới thanh niên hiện nay, tôi thấy họ chuộng các loại sách ngôn tình, diễm tình... Có lẽ loại sách này phù hợp với lứa tuổi họ. Tuy nhiên, sở thích này theo tôi cũng bị ảnh hưởng không ít bởi việc truyền thông quá tập trung về loại sách này.
Thanh niên chính là đối tượng có sức đọc mạnh nhất. Việc truyền thông quá tập trung vào một loại sách nào đó đã vô tình định hướng thói quen đọc sách của họ. Bởi trong văn hóa đọc, người ta cũng nên đa chiều, đọc nhiều loại sách để mở mang kiến thức, mà theo tôi truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn người đọc.
Đến các cây bút cũng lười đọc!
Việt Nam được xem là một xứ thơ, bởi đa số những người có một vốn chữ nghĩa nhất định đều có thể làm thơ, đặc biệt hơn vì nước ta là nơi xuất phát của thể thơ lục bát. Nhưng tôi để ý thấy nhiều cây bút rất lười đọc. Thường thì họ chỉ lo viết. Còn việc mua sách để đọc thì càng ít hơn. Họa may, năm ba dịp, khi bạn bè xuất bản tập thơ hay tập truyện mang tặng thì họ mới dành thời gian để đọc.
Tôi có nhiều người bạn nước ngoài, họ rất chú trọng vào việc đọc sách. Họ thường mang theo sách bên mình và khi có thời gian là đọc. Đối với họ, đọc sách là một thói quen, và họ rất coi trọng thói quen này. Bởi theo họ, càng đọc nhiều thì càng biết nhiều, càng mở mang kiến thức.
Quay lại các cây bút trong nước, việc ít đọc mà chỉ tập trung sáng tác theo tôi có một cái hại. Đó là họ sẽ bị bó cứng trong tư tưởng của mình, lâu dần sẽ dẫn đến thói bảo thủ trong cách viết, cách nghĩ. Thật ra, vừa viết vừa đọc mới là điều tốt cho các tác giả. Điều này khiến họ đón nhận được nhiều tư tưởng khác biệt, học hỏi thêm nhiều kỹ năng viết, nảy sinh nhiều ý tưởng hay.
Như các bạn bè trong giới văn nghệ, tôi cũng sáng tác. Nhưng tôi cũng thường có thói quen review sách trên trang facebook cá nhân của mình. Tức là mỗi khi đọc xong một cuốn sách hay thì tôi sẽ viết một bài để giới thiệu về cuốn sách đó. Nếu nhiều người cũng làm việc này thì sẽ góp một phần không nhỏ cho việc tiếp cận sách hay của độc giả thêm dễ dàng.
Khi xã hội ngày càng phát triển, con người càng có ít thời gian để đọc, thì báo chí chính là nơi cần có những bài viết review sách chuyên nghiệp với đa dạng các thể loại để độc giả dễ dàng tiếp cận hơn.
Một khi văn hóa đọc của mỗi cá nhân, suy rộng ra là của toàn dân tộc, càng phát triển thì văn hóa của dân tộc mới phát triển vững chắc được. Bởi càng đọc, người ta càng suy nghĩ chín chắn hơn, càng quyết định kỹ càng hơn trong công việc cũng như cuộc sống.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn