Ai đọc sách nghiêm túc?

09:47 SA @ Chủ Nhật - 19 Tháng Năm, 2013
Chưa bao giờ văn hóa đọc lại gióng nhiều hồi chuông báo động đến vậy. Đâu đâu cũng thấy xuất hiện tràn lan các tiểu thuyết diễm tình, những tác phẩm dành cho giới trẻ với ngôn từ gây sốc, sex không loại trừ cả chuyện dành cho thiếu nhi… Những tác phẩm kinh điển được cho là sống mãi với thời gian như: “Cuốn theo chiều gió”, “Ruồi trâu”… lại chỉ có thể sống “thoi thóp” trong tủ sách. Giờ đây, thật hiếm những người đọc sách nghiêm túc, càng hiếm hơn những thanh niên cầm trên tay những cuốn sách quý mà một thời từng được cho rằng làm thay đổi tư tưởng của cả một thế hệ!

Thực trạng buồn

Dễ nhận thấy xu thế chung đọc sách hiện nay đã khác xưa quá nhiều. Những tác phẩm kinh điển của văn học thế giới như “Ruồi trâu”, “Thép đã tôi thế đấy”, “Đồi gió hú”, “Sông Đông êm đềm”, “Chiến tranh và hòa bình”… không còn mấy ai tìm đọc. Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà Văn Trần Quang Quý cho biết ngày xưa, thời những năm 70-80 của thế kỷ trước, các tác phẩm văn học kinh điển luôn là niềm mơ ước của biết bao thanh niên. Thời kỳ đó sách hiếm, việc tìm đọc sách rất khó. Ở thời điểm đó sở hữu một cuốn sách là rất đáng quý nên thanh niên say mê tìm đọc, rồi truyền tay nhau, mượn nhau để đọc. Giá trị cuốn sách được đề cao, còn có những quyển sách được gối đầu giường. Đời sống văn học được yêu mến và trân trọng. Sách không chỉ đơn thuần để đọc, giải trí mà người ta còn tìm thấy ở đó lý tưởng sống...

Cũng theo nhà văn thời kỳ đó cũng có nhiều khó khăn nên việc in ấn xuất bản khó hơn. Các nhà xuất bản chọn những tác phẩm tiêu biểu, là những tác phẩm xuất sắc của thế giới để in ra. Ngày trước, sách xuất bản ít nhưng bù lại có những tác phẩm có giá trị rất lớn đối với người đọc. Điển hình như “Thép đã tôi thế đấy” đã làm thay đổi cả một thế hệ”. Còn bây giờ, xã hội hiện đại, có quá nhiều thứ phân tán giới trẻ: truyền hình, Internet, games online…

Giới trẻ ngày nay từ lâu đã không còn quan tâm tới những tác phẩm kinh điển trước đây ông bà, cha mẹ say mê đọc nữa. Thay vào đó là hàng loạt những tác phẩm văn học hiện đại với xu hướng “sến, sốc, sex”. Những câu chuyện yêu đương diễm tình, khổ đau tình hận, rồi những tác phẩm mà yếu tố tình dục xuất hiện nhan nhản và còn được miêu tả chi tiết, tỉ mỉ trong từng câu chuyện. Những truyện giải trí, tìm đọc những vấn đề liên quan đến tâm linh, làm đẹp, ăn uống… Thanh niên giờ đọc cũng gần như kiểu họ sống, nhanh, gấp gáp. Còn trẻ em thì phần lớn là mê truyện tranh có xuất xứ từ nước ngoài.

Tìm hiểu một số nhà sách lớn như nhà sách Minh Thắng trên đường Láng, nhà sách Fahasa, những con phố sách Nguyễn Xí, Đinh Lễ hay những cửa hàng sách cũ ở đường Láng, người tìm mua những quyển sách đã từng là sách gối đầu giường lác đác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo chủ các nhà sách và nhân viên bán hàng, đối tượng mua những cuốn sách này thường ở độ tuổi trung niên, giới trẻ là học sinh, sinh viên hoặc công chức tìm mua rất ít, nếu không muốn nói là khá hiếm. Tác giả đã hỏi một bác tuổi trung niên đang hỏi mua cuốn “Không gia đình” và “Chiến tranh và hòa bình” thì được bác cho biết cuốn “Chiến tranh và hòa bình” mua về để thay thế cuốn sách cũ ở nhà đã bị nhàu nát, còn cuốn “Không gia đình” bác mua về để cho đứa cháu đang đi học cấp 2 đọc. Tuy nhiên, bác lại thở dài vì không biết mua về cháu có chịu đọc hay không?

Hỏi đến các bạn sinh viên đang chọn sách thì có bạn thẳng thắn cho rằng giới trẻ thờ ơ với những tác phẩm kinh điển thế giới là vì nhiều người ỷ lại vào việc những tác phẩm này đã được dựng thành phim, xem phim là được rồi, không cần mất thời gian đọc cả một tác phẩm đồ sộ như vậy. Nếu có thời gian rảnh rỗi họ sẽ tìm nhiều cách giải trí khác hoặc đọc những sách, truyện đọc giải trí vừa thoải mái, được cười, lại không phải nghĩ nhiều. Đặc biệt bản thân họ thường xuyên muốn mua những cuốn sách có đề tựa ướt át về một câu chuyện tình như mơ, không có thực trong cuộc sống, hoặc những cẩm nang làm đẹp, dạy bí quyết chinh phục…

Ngay khi tìm đến những thư viện như Thư viện quốc gia Hà Nội, Quân đội, thì thực trạng cũng không có gì khác. Người đến đọc sách ngày một ít đi và quan trọng nữa, nếu có thì cũng không phải là những cuốn truyện đã từng vang danh một thuở. Chính các cô thủ thư cũng chia sẻ rằng, chuyện đọc sách nghiêm túc đã qua cách đây 10 năm rồi, giờ nếu có thì rất ít và chủ yếu là bắt buộc phải đọc để phục vụ mục đích gì đó của họ, chứ không còn mấy ai đọc vì say mê, vì muốn đọc.

Bao giờ trở lại thời hoàng kim?

Theo Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà Văn Trần Quang Quý, lứa tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường đã bắt đầu nên đọc những tác phẩm này. Như vậy trách nhiệm này có thể thuộc về ngành giáo dục, nhà trường. Đó là bằng các cuộc thi đọc, cuộc thi kể chuyện về những chi tiết trong truyện để lại ấn tượng, suy nghĩ… Để lớp trẻ khám phá những điều hay, bổ ích trong những cuốn sách đó, làm sao những tác phẩm kinh điển phải trở thành nhu cầu bắt buộc cần phải đọc đối với các em. Ông Quý cũng cho rằng không thể đòi hỏi nhiều hơn ở các nhà xuất bản, vì lý do lợi nhuận, vì sự tồn tại của chính họ nên nhiều lúc họ bắt buộc phải gạt các giá trị văn học sang một bên, chạy theo những gì giật gân, câu khách, có thể thu hút công chúng, dư luận.


Số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã gây sốc cho xã hội, một người dân Việt Nam một năm chưa đọc nổi một cuốn sách. Đem con số này ra so sánh với thế giới thì người Trung Quốc là 4,23 cuốn/người/năm; Thái Lan, Malaysia đều cao hơn so với Việt Nam.

Thế nên, thật khó để những tác phẩm kinh điển trở lại thời hoàng kim, được người ta say mê tìm đọc. Bởi tỷ lệ đọc sách, tìm đọc sách đã quá ít, đang báo động chứ đừng nói đến việc tìm đọc những tác phẩm văn học đồ sộ như vậy.

Trong một buổi giao lưu về sách “Quyển sách thay đổi cuộc đời”, nhân vật có thâm niên trong ngành xuất bản của Việt Nam - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó giám đốc Công ty Văn hóa Phương Nam Nguyễn Hữu Hoạt đã nhận định: Sách nghiêm túc ngày càng ít người đọc. Còn đối với giới trẻ thì bao giờ họ đọc sách nghiêm túc có lẽ rất khó trả lời. Còn ai đọc sách nghiêm túc khi mà ở thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, giới trẻ bị phân tán bởi quá nhiều thứ nên việc cầm một quyển sách đồ sộ nói không quá thì là điều không tưởng.

Dù xã hội có thay đổi thế nào thì những giá trị của các tác phẩm văn học kinh điển sẽ luôn tồn tại, những giá trị đạo đức, nhân văn cơ bản trong những tác phẩm luôn sống mãi với thời gian. Thực tế cho thấy, đọc một cuốn sách hay cũng làm cho con người ta có thể tốt lên, có thể học hỏi được nhiều điều. Đó cũng lý giải vì sao mà trẻ em Việt Nam luôn ghét Lý Thông, cô Cám… Ranh giới giữa tốt - xấu đã hình thành ngay từ những trang sách cổ tích của các em nhỏ…

Chỉ tiếc rằng, ngày nay với sự du nhập ồ ạt của công nghệ số, chúng ta đã không duy trì được thói quen đọc, vô hình trung đã làm mất đi không ít những “liều thuốc bổ” tinh thần cho thế hệ thanh niên Việt. Một câu hỏi đặt ra là làm sao để giới trẻ ngày nay tìm đọc những tác phẩm bất hủ, kinh điển của thế giới. Có lẽ, làm được điều này cần rất nhiều cái bắt tay của nhiều nơi, nhiều người, nhưng trước hết là nhà trường và trong mỗi gia đình nên cần bắt đầu rèn lại văn hóa đọc.
Nguồn:Petro Times
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sách "sến Tàu" ru ngủ giới trẻ Việt?

    19/05/2018Hồ Hương GiangTừ lứa tuổi 14-15, không ít các em nữ đã bắt đầu đọc truyện ngôn tình và dần dần mê đắm...
  • Tại sao người Nhật mê đọc sách?

    19/03/2017Nguyễn Xuân Xanh2Những lý do nào khiến dân tộc Nhật đã có một văn hoá đọc có thể nói vào bậc nhất thế giới? Văn hoá đọc này không phải chỉ bỗng dưng bùng nổ vào thời Minh Trị Duy Tân 1868 khi đất nước được mở cửa, hướng về phương Tây, mà có gốc rễ sâu xa từ thời Tokugawa 1600-1868, từ lúc dân tộc chỉ có văn hoá võ sĩ trên chiến trường, từ lúc thầy tu khoẻ mạnh cũng muốn ra trận để thi thố tài năng đi tìm hạnh phúc. Cách đây 300 năm Nhật Bản đã có những con số “khủng” về giáo dục và văn hoá đọc. Những lý do nào khiến cho một dân tộc võ sĩ lại trở thành mê đọc sách như thế? Và đọc sách để làm gì?
  • “Mỗi quyển sách hay là một cơ hội thay đổi cuộc đời”

    21/01/2016Nguyễn TúCó ba yếu tố mà tôi cho là ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến suy nghĩ của một con người là: những quyển sách bạn đọc, những người bạn xem là bạn và cách bạn tư duy. Trong đó, sách là một cách tiếp cận tuyệt vời để thay đổi nhân sinh quan và thế giới quan của chúng ta...
  • Sách, người bạn tuyệt vời

    22/09/2015Thủy PhạmKinh nghiệm sống là người thầy mà chúng ta chỉ có thể học được bằng cách tự trả học phí. Và cách khác là đọc sách. Tất cả những người thành công đều phải đọc sách. Tỷ phú, chính trị gia nổi tiếng, nhà diễn thuyết, nhà văn… Nói có sách, mách có chứng rồi nhé. Vấn đề bây giờ chỉ là chúng ta đọc sách gì, khi nào thì thích hợp nhất mà thôi...