Văn hóa đọc trong bối cảnh bùng nổ truyền thông
Trong nửa sau của thế kỷ 20, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhất là sự bùng nổ thông tin với sự xuất hiện của vô tuyến truyền hình, video và các phương tiện nghe nhìn khác, đã khiến người ta tập trung vào số phận của sách: Liệu có phải sách đang mất dần vị trí độc tôn của nó trong nền văn hóa hay không?
Mặc dù vài chục năm trở lại đây, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học và kỹ thuật - nhất là kỹ thuật in ấn - đã cho phép người đọc rộng rãi có được những cuốn sách hay, sách đẹp, có chất lượng tốt. Nhưng ngày nay, người ta cũng đang nói tới một cuộc cách mạng về sách dưới dạng sách báo điện tử. Có thể sẽ là một triển vọng tốt và biết đâu nó cũng hết sức thuận lợi cho người đọc trong tương lai? Chẳng hạn ở nhiều nước phát triển, người đọc hôm nay có thể ngồi tại nhà hay tại công sở, chỉ cần vào mạng internet là có thể tìm đọc những cuốn sách mình muốn, không cần phải tới thư viện. Song chính điều đó cũng hàm chứa và tiềm ẩn một nguy cơ làm thay đổi hẳn diện mạo của cuốn sách truyền thống.
Vấn đề chính có lẽ là ở chỗ những hạn chế trong khuôn khổ vật chất tạo nên bản thân cuốn sách truyền thống. Hiểu một cách thuần túy, sách chỉ là những tờ giấy, trên đó bằng cách này hay cách khác, thông qua ngôn ngữ được coi là những hệ thống tín hiệu, những ý nghĩ, thông tin được truyền đạt cho một đối tượng và đối tượng ấy sẽ nhận thức được vấn đề.
Còn khi truyền một tin tức hay một thông báo bằng hình ảnh, âm thanh thì phương tiện truyền tin sẽ có ít nhiều ảnh hưởng đến bản thân nội dung thông báo đó, tùy thuộc vào các phẩm chất ưu việt của phương tiện nghe nhìn ấy. Trong trường hợp này thì cuốn sách dẫu hay và đẹp đến mấy cũng không thể sánh nổi với màn hình ti vi màu hay băng video, VCD về sự hấp dẫn.
Thêm vào đó, các phương tiện nghe nhìn (tivi, video, đài phát thanh…) ít làm tốn sức trí óc và thời gian hơn cho mọi người so với việc đọc sách báo. Và nói chung đọc sách thường phải tập trung tư tưởng, trí óc, còn thưởng thức nghệ thuật nghe nhìn, con người vẫn có thể kết hợp với những việc khác theo một hình thức và mức độ nào đó. Làm việc hay ăn uống, hai việc chính của con người, vẫn có thể phần nào kết hợp xem tivi hoặc nghe nhạc, nghe đài. Rõ ràng là so với việc đọc sách báo, phương tiện nghe nhìn có những lợi thế hơn và phù hợp, thuận tiện hơn với nhịp sống hiện đại, khi mà đối với con người hiện nay, quĩ thời gian cho việc nghỉ ngơi, giải trí sau những giờ lao động, làm việc căng thẳng còn quá ít ỏi.
Nói như vậy không có nghĩa là sách đang đánh mất dần vị trí của nó trong đời sống xã hội. Nói một cách công bằng, sách vẫn có những ưu thế tuyệt vời của nó. Bởi ngoài đặc tính vật chất, giá trị văn hóa, sách còn có những đặc tính tinh thần to lớn. Nếu những họa tiết, trang trí ở ngoài bìa mỗi cuốn sách thu hút tâm trí và sự tò mò của người đời bao nhiêu, thì cái cốt lõi nội dung tư tưởng và những kiến thức và cuốn sách đang chứa đựng bên trong mới đích thực là nguồn nam châm mạnh mẽ thu hút tâm trí của người đọc bấy nhiêu.
Chúng ta thừa nhận rằng trong thời đại bùng nổ thông tin, sách và ấn phẩm báo chí thì nhiều, nhưng quyền hưởng thụ văn hóa của nhân dân thì vẫn còn khoảng cách khá xa giữa nông thôn và thành thị, đặc biệt là với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trước tình hình đó, nhiều tờ báo đã tìm cách hạ giá bán để báo có thể đến tay bà con nghèo. Nhưng đối với sách thì còn khó khăn hơn vì giá giấy, công in tăng mà sách lại in ít bản nên giá sách không thể hạ. Từ đó dẫn đến hệ quả dễ thấy là thị trường sách bị thu hẹp chưa từng có.
Cách đây vài năm, thông thường một cuốn tiểu thuyết hoặc truyện ngắn còn được in với số lượng từ 2000 - 3000 cuốn, nay thì trừ những cuốn sách có dư luận, còn hầu hết đều được in với số lượng trên dưới 1000 cuốn. Với các tập thơ thì số lượng in càng ở mức khiêm tốn hơn: chỉ chừng 500- đến 800 cuốn. Chỉ số xuất bản đó không thể xem là bình thường với một đất nước có hơn 80 triệu dân, có truyền thống ham học và ham đọc sách như nước ta. Vậy thì có phải văn hóa đọc trong thời đại bùng nổ thông tin đang đi xuống?
Tôi xin bày tỏ mấy suy nghĩ về những nguyên nhân trước mắt làm suy giảm sự đọc hiện nay ở nước ta.
Một là, mặc dù lượng sách báo xuất bản ngày một nhiều nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người đọc. Vắng sách trên giá các thư viện và cửa hàng sách - nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa - không hoàn toàn do thiếu người cần. Nhiều sách báo không đủ số lượng để phát hành, thậm chí có khi hết ngay ở trong thành phố, thị xã. Mặt khác, sự không đáp ứng được một phần quan trọng là do giá cả quá cao so với túi tiền eo hẹp của số đông độc giả. Là giáo viên, bác sĩ, kỹ sư… (tức đội ngũ trí thức) ở nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi xa xôi mà nhiều người vẫn nằm mơ sách báo!
Hai là, từ ngày văn hóa nghe nhìn phát triển mạnh, nhiều người từ già đến trẻ ngại đọc sách báo (kể cả tầng lớp sinh viên, học sinh). Ban ngày bận biết bao công chuyện, tối đến về nhà, sau khi cơm nước xong là cả nhà lại dán mắt vào xem các chương trình ti vi… rồi đi ngủ. Vậy còn thời giờ đâu cho việc đọc sách báo. Chẳng cứ gì ở vùng sâu, vùng xa, mà ngay ở một số vùng nông thôn quê tôi (chỉ cách Hà Nội hai, ba chục cây số), khi được hỏi về văn hóa đọc, vẫn còn có những người quan niệm thế này: "Xưa kia thời bao cấp chỉ có cái loa, cái đài bé tí tẹo để nghe thời sự, ca nhạc. Giờ đây có cả ti vi màu để nhòm tận mắt toàn thế giới rồi, vẫn còn chưa đủ sao?". Xin thưa lại rằng: Bản thân các phương tiện nghe nhìn hiện đại ấy không giành cái việc đọc của con người, nhưng nó lại làm cho con người ta lười cái việc đọc.
Trong xã hội thông tin hiện đại, đã bắt đầu tình trạng tràn ngập thế giới âm thanh và hình ảnh qua các phương tiện nghe nhìn, trong đó một số chức năng của việc đọc đã được các màn hình và thùng loa đảm nhận. Thời gian đọc sách và độc giả hình như đang bị co hẹp lại, dù chỉ là tương đối. Tuy nhiên, điều quan trọng là sách vẫn có những tính năng không thể thay thế được bằng các phương tiện nghe nhìn và chúng ta cần tạo ra một nhận thức rộng rãi trong xã hội về sách và thư viện như một bộ phận hữu cơ của hệ thống thông tin và giao lưu xã hội.
Hiển nhiên là hàng ngày, trên tivi, nhất là trên các băng video, VCD, DVD… chữ vẫn xuất hiện khá nhiều và do đó mà việc đọc vẫn diễn ra như con người vẫn thở mà không quan tâm đến việc thở. Nhưng chất lượng của việc đọc ấy mang tính ngẫu nhiên, bị động. Còn việc đọc sách là một hành động có động cơ rõ ràng, có ham muốn đọc và là một quá trình thông tin. Người đọc là người tiếp nhận thông tin một cách chủ động trong quá trình tự phân tích, chọn lọc, ghi nhận, một quá trình "đối thoại ngầm" ngay cả với chính tác giả của cuốn sách. Trước thềm thiên niên kỷ mới, nhà văn hóa Hữu Ngọc có nên một câu hỏi: "Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không, đến văn hóa đọc nữa không?" và ông tự trả lời rằng" Có! dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng". Còn đối với văn hóa đọc thì ông cũng khẳng định: "Bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại, đọng lại lâu bền…".
Cho dù mai sau, khi xã hội sẽ phát triển cao hơn, con người có thể đọc sách trong thư viện điện tử hay qua mạng internet thì vẫn chắc chắn một điều là: sách vẫn không hề mất đi giá trị văn hóa truyền thống lâu đời vốn có của nó. Cái cảm giác khi ta được lật từng trang sách, tờ báo, tạp chí vẫn còn tươi nguyên mùi mực in và thơm tho mùi giấy với những trang trí, họa tiết đẹp đẽ - chứ không phải căng mắt ra để đọc chúng trên các trang màn hình máy tính - có lẽ mãi mãi vẫn là một điều thú vị vô cùng. Đơn giản bởi sách đã gắn bó với con người qua hàng ngàn năm lịch sử và cho đến tận hôm nay nó vẫn là nguồn sống quí giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể sánh được.
Còn nếu quả thật, tivi, video và các phương tiện nghe nhìn khác đã và đang vươn lên để đáp ứng tối ưu mọi nhu cầu hưởng thụ tinh thần, tình cảm, thẩm mỹ của con người, của thời đại, thì đó cũng là niềm vui không chỉ của riêng ai mà của chung tất cả chúng ta. Nói hết sức thanh thản như thế để thấy rằng: Sách và văn hóa đọc lo mà không lo trước sự bùng nổ và lấn át mạnh mẽ của phương tiện nghe nhìn. Vấn đề còn lại chỉ là mối tương hợp giữa đặc trưng các loại hình với nhu cầu thực tế luôn luôn biến độ trong xã hội.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường