Đàn ông đọc sách
Ở những đàn ông đã trót biết chữ, thì việc đọc sách là một thói quen, cũ kỹ hơn cả truyền thống và ở mức nào đấy nó gần như một bản năng gốc. Họ chẳng cần đợi có hội chợ sách hay triển lãm sách mới vội vàng hấp tấp ngồi đọc.
Ngày xưa, đàn ông biết đọc sách khi du sơn ngoạn thủy thì thường cầm theo hai thứ, bầu rượu và túi thơ. Rượu là để thăng hoa ngạo khí những lúc một mình buồn bã xót xa nhìn mưa rừng gió núi. Còn túi thơ thì công năng không hẳn như cặp sách hay laptop bây giờ, nó thanh bạch đựng vài ba thi tập hoặc của mình hoặc của người. Vào thuở ấy, văn nhân cao khí ít khi chịu đọc tiểu thuyết, bởi đơn giản họ cho rằng, tiểu thuyết là thứ nôm na "câu chuyện đường phố lời nói ngõ làng, vào lỗ tai ra lỗ miệng" (Lỗ Tấn - Sơ thảo lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc - trang 22).
Đọc sách là phải đọc những thứ "đại thuyết" ví như Kinh, Sử, Tử, Tập. "Kinh" thì đại loại như Kinh Dịch Kinh Lễ. "Sử” thì đại loại như Tả Thị Xuân Thu, như Tư mã Thiên sử ký. “Tử” là ghi lại những thuyết pháp của bậc thầy lớn, đại loại như Luận Ngữ. Còn “Tập" thường là thơ, đại loại như Thanh Hiên thi tập của văn hào Nguyễn Du chẳng hạn. Bậc quân tử không mất công đi đọc những thứ in ấn ba lăng nhăng, sau đấy phấn hứng tiểu khí bới lông tìm vết vạch ra chỗ sót chỗ sai, cốt chỉ để khoe mình là hay là giỏi. Cũng giống như tình yêu, đọc sách là cho mình chứ chẳng phải cho đời.
Nơi đắc địa nhất cho đàn ông đọc sách thì không đâu bằng thư viện. Ở đấy, người ta có thể trong trắng đọc “cọp” một cách văn hóa nhất. Và cũng chỉ ở đấy mới có cái gọi là chân chính “mọt sách". Thư viện Quốc gia hồi chưa có điều hòa nhiệt độ, chưa có mấy em sinh viên năm thứ hai thứ ba nhí nhảnh váy ngắn, thì người ta hay gặp vài ba trung niên hoặc lão niên kính cận đeo "đúp" hai cải thanh thản mê dại sùng kính ngồi giở sách. Khả năng ngồi đọc của họ là vô bờ, kiến văn của họ hình như không giới hạn, do dung tục áo cơm đôi lúc họ cũng dịch kiếm ăn hoặc viết sách khảo cứu. Giống như tuyệt thế cao thủ Lão ngoan đồng Châu Bá Thông trong chuyện “chưởng” thích võ, các "mọt sách" cũng vậy. Họ đọc chỉ vì được ngồi đọc là một hạnh phúc. So với họ, tất cả các độc giả khác bỗng dưng trở thành một thứ thực dụng hao hao vụ lợi.
Bây giờ, có rất nhiều lý do đàn ông phải đọc sách. Hoặc sắp đi dự hội thảo, hoặc sắp phải làm luận văn. Hoặc đang đeo đuổi một mỹ nhân mà cô nàng thì đầy vẻ đàn bà thích chữ. Cô ta xem phim thì thích phim có chất thơ, xem đá bóng thì thích những trận đấu có chất văn học, và khi xem văn học thì thích tác giả đạo mạo trả lời phỏng vấn uyên bác. Đàn ông đang yêu phải gồng lên miệt mài mà đọc. Rồi khi đã đọc được in ít, những nam độc giả này vênh vang a dua theo các Giáo sư, Tiến sĩ cho rằng chỉ nên đọc các sách hay. Hỡi ơi, đã là sách thì làm quái gì có sách dở. Rất nhiều người trong bọn họ ngấm ngầm khoe, đọc sách là một thao tác sang trọng để rèn luyện nhân cách. Thực ra, nếu muốn rèn nhân cách thì không biết bao nhiêu là điều luật giới răn nhằm duy trì sự trưởng thành của cả hồn và xác. Còn đọc sách, nó giản dị riêng tư như việc ăn việc ngủ việc bài tiết, nó chẳng cao chẳng thấp chẳng lợi chẳng hại. Trang Tử miễn cưỡng gọi nó là Dưỡng Sinh (nuôi cái sống).
Bởi thế, người biết đọc sách nhìn bề ngoài trông nhếch nhác vô học, còn trong nhà tuyệt nhiên không có tủ sách. Đã là kiếm khách cao thủ thì chẳng hề vướng víu đeo kiếm. Theo chuyện kể của Kim Dung lão gia, hành tẩu trên giang hồ người võ lâm sợ nhất ba loại. Mấy ông hiền lành tu hành, mấy tay yếu ớt thư sinh và mấy cô yểu điệu thục nữ. Đám này thoạt nhìn thì vớ vẩn, nhưng khi đã tụ khí vung tay là ra toàn hiểm trở sát chiêu, phong độ luôn nhàn nhã kín đáo hao hao giống quan chức nhận phong bì hối lộ.
Đọc sách là nghiêm cẩn thinh lặng suy tư, không khác gì một tín đồ ngoan đạo cầu nguyện. Đấng Tối Cao đâu có nghễnh ngãng mà phải gân cổ vất vả gào to. Ngày nay, đàn ông biết đọc sách trông lộ liễu quá. Họ thường leo lên tivi kể lể là mình đang chăm chỉ nằm đọc cái gì. Hoặc hiếm hơn thì như một tay đạo diễn đẹp giai đã đoạt Cánh diều vàng, khét tiếng với thói quen là hay cô đơn sáng tác bên laptop chỗ tấp nập thời thượng cà phê. Lúc mệt mỏi thư giãn bỗng sang trọng rút ra một quyển tiểu thuyết dầy cộp trầm ngâm sâu sắc láo liên đọc. Rất nhiều nữ giảng viên đại học trẻ, khi dạy sinh viên về văn hóa đọc, luôn hớn hở đem đạo diễn này ra minh họa làm gương.
Độc giả đàn ông như thế mới xứng đáng là thật độc.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân