Bẻ hoa và văn hóa đọc
Nếu có chút hiểu biết, không ai lại nỡ bẻ hoa của các nghệ nhân. Ngắt trộm bông hoa cho đứa con thơ của mình, người cha đã dạy con thói quen ăn cắp ngay từ nhỏ. Sếp cầm phong bì không thể tìm được nhân viên trong sạch...
Câu chuyện bông hoa đường làng
Những năm 1980, anh bạn có người yêu trong Liễu Giai (quận Ba Đình, Hà Nội), thuở còn “làng lúa làng hoa”. Bố mẹ nàng có một tủ sách choán hết cả phòng khách. Đến chơi lần nào cũng được hỏi, cuốn sách em đưa, anh đọc thế nào. Vốn lười đọc, chàng lướt qua phần giới thiệu, trang đầu trang cuối qua loa. Quả thật, đọc sách đối với anh là tra tấn.
Thuở ấy, Liễu Giai về mùa hoa nở với bao loại cúc, thược dược, violet, layơn nở rực rỡ. Lối vào nhiều nhà thường trồng hồng bạch, hoa nhỏ nhưng thơm đến lạ lùng.
Một lần đến chơi, anh ngắt vài bông hồng bên đường mang vào nhà. Nàng không cười tươi như mọi khi vì biết hoa kia ở đâu rồi.
Tối đó đi chơi, khi đi qua chỗ hoa bị mất, nàng nói nhẹ nhàng “Ngày nào cũng đi qua đường đầy hoa, em thấy yêu cái làng nhỏ này biết bao. Em ước mơ bọn mình lấy nhau, anh sẽ trồng thật nhiều hoa trước nhà cho em ngắm. Nhưng hôm nay em hiểu, anh không phải là người quí hoa như em tưởng...”.
Chia tay không bao giờ gặp lại, nàng không quên nói thêm “trong anh, không có hình hài của những trang sách dù đã cho anh mượn rất nhiều truyện để đọc”.
Nghĩ rằng, ngắt bông hoa bên đường thì có làm sao, lãng mạn chứ, anh thú nhận. Không đọc nhiều sách nên đã không hiểu hết những nét văn hóa rất cơ bản, anh tự đánh mất tình yêu quí giá.
Sau này, khi thành giám đốc, phụ trách hàng nghìn người, anh thấm thía chiêm nghiệm lời người xưa. Với anh, gia tài lớn nhất của người đàn ông có ba thứ: một người vợ đảm, cô con gái xinh và thông minh, và một tủ sách. Mọi thứ trên đời kể cả danh vọng và tiền bạc của anh đều là phù phiếm.
Trộm hoa có phần do… không đọc sách
Xem phóng sự ảnh về Phố Hoa Hà Nội và nhớ lại lễ hội anh đào Nhật Bản tại Giảng Võ hồi đầu năm, có thể nhận ra cách hành xử phi văn hóa đó có nhiều nguyên nhân.
Ngay khi Hội hoa anh đào Nhật Bản ngày 6/4/2008 tại Triển lãm Giảng Võ chưa kết thúc, 3 cây hoa anh đào tươi chuyển từ Nhật Bản sang đã bị đám đông vặt trụi đến trơ gốc. Ảnh : Phan Kiền. |
Giáo dục trong nhà trường, pháp luật, sự gương mẫu của người lãnh đạo hay cách dạy dỗ con cái trong gia đình và nhiều lý do khác.
Có thêm một nguyên nhân nữa, là thói quen không đọc sách.
Cầm bút viết bài này, đã biết rất thừa vì “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Độc giả có học thức và có trình độ có thể lướt qua xem bài viết có gì mới. Nhưng chắc chắn họ không bao giờ làm những việc vô văn hóa, thậm chí rất đau lòng khi nhìn những hành vi giẫm đạp, ngắt và trộm cướp trong lễ hội hoa.
Nếu ai có dịp đến công viên hoa tulip ở Hà Lan, trong Hyde Park với muôn ngàn loài hoa bên London (Anh) hay đi giữa mùa anh đào của Washington DC (Mỹ), sẽ thấy hàng vạn người chiêm ngưỡng rừng hoa đẹp như trong cổ tích nhưng không ai ngắt dù chỉ một cánh hoa. Cũng chẳng có ai bảo vệ.
Tôi từng chứng kiến, hai anh em chạy chơi, chợt thấy nhành hoa bị gió làm gẫy rơi xuống, cô bé nhặt lên thì cậu anh nhắc “Don’t touch, it’s not yours – Em đừng cầm, có phải của mình đâu”. Cô bé không nhặt hoa nữa.
Lễ hội hoa Anh đào ở thủ đô Washington, D.C với hàng triệu người tham dự mà không cần bất cứ một nhân viên bảo vệ nào. Ảnh : Hoa Lư |
Không cần so sánh với văn hóa phương Tây vì xa lạ quá. Độc giả Thái Sơn từ thành phố Hồ Chí Minh viết về phố Nguyễn Huệ trên Tiền phong Online.
"Đường phố hoa rực rỡ, người đông đúc nhưng không nhành hoa nào bị bẻ, bị chà đạp. Ai đó nói, cuộc sống Sài Gòn nhộn nhạo, xô bồ. Nhưng trong họ có cung bậc yêu hoa thánh thiện. Ngược lại, Hà Nội ta tự hào về sự thanh lịch lại bị ô nhiễm bởi thứ văn hóa 'nhộn nhạo xô bồ'."
Sau sự kiện hoa anh đào Nhật Bản lại đến Phố Hoa Đinh Tiên Hoàng và bao vụ việc văn hóa đau lòng khác, không thể nói đây là vài việc đơn lẻ. Đó là cảnh báo về nét văn hóa đang xuống cấp trầm trọng trong khá đông người, nhất là lớp trẻ, cần được các nhà quản lý văn hóa, giáo dục và chính trị để mắt tới.
Giáo dục thế hệ tương lai bằng văn hóa đọc
Bên phương Tây có văn hóa ứng xử nơi công cộng khá văn minh phải chăng liên quan đến văn hóa đọc của họ. Các cháu nhỏ đến trường từ mẫu giáo được cả gia đình và nhà trường hướng dẫn cách đọc sách.
Có lẽ vì đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả khi trưởng thành không ai vặt hoa giữa thanh thiên bạch nhật.
Thế hệ trẻ không biết đến văn hóa đọc sau này thành nhà quản lý đất nước cũng lười đọc. Họ sẽ để ngoài tai những phản biện xã hội, lời trái chiều. Con cháu cũng vì thế quên mất trên đời này, ngoài những điều học trong nhà trường, còn phải tìm tòi thêm từ hàng triệu cuốn sách.
Vào trong nhà các giáo sư, trí thức, nhà văn hóa hay chính trị gia sẽ thấy sau bàn làm việc của họ là những tủ sách. Thử phỏng vấn giáo sư Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, nhà văn hóa Nguyên Ngọc là họ giàu có rồi mới mua sách hay vì có sách giúp họ giàu (chữ giàu ở đây không nhất thiết phải theo nghĩa đen).
Tiếp xúc với một người có thể đoán những cuốn sách người đó đã đọc vì hình hài mang dáng dấp của những trang sách. Đọc nhiều thì số từ vựng nhiều hơn và số tiền cũng nhiều hơn. Có thể tiền của trong nhà không dư dật, nhưng tri thức chia sẻ cho người khác mới là vô giá.
Không đọc thì tri thức nghèo nàn và dễ thành kém văn hóa. Từ văn hóa hạn chế dễ trở thành thô lậu. Một bộ phận thậm chí thoái hóa thành ăn cắp. Người hèn kém ăn cắp vật tư, kẻ quyền cao chức trọng tham nhũng, ăn cắp của hàng triệu người. Người không có gì để thó thì ăn cắp thời gian hoặc ra đường trộm cây, bẻ hoa.
Để cho thế hệ này không trộm cắp hoa có lẽ vẫn còn kịp, pháp luật nghiêm minh sẽ giúp họ thay đổi. Nhưng giáo dục cho thế hệ sau tránh lỗi lầm mà không cần nhiều đến luật pháp có thể làm từ bây giờ.
Đừng nói đến dạy đạo đức cao siêu, hãy tạo ra nền giáo dục dạy cho thế hệ tương lai có văn hóa đọc, một chìa khóa cho đất nước phát triển. Đi tầu hỏa, trên máy bay, trong xe buýt hay ngồi ở phòng đợi, số người cầm sách báo nhiều hơn đám tán chuyện vô bổ thì trộm cắp cũng ít đi.
Trong metro của Moscow và trên bến xe bus bên Jakarta sẽ thấy hai nền văn hóa đọc khác nhau nên cách hành xử nơi công cộng cũng khác nhau.
Những người rẻ rúng sách vở còn tồn tại thì văn hóa còn méo mó. Tham nhũng, thói vô cảm, trộm cắp, vặt hoa sẽ vẫn còn tiếp tục đến lễ hội mùa sau.
Cho đến một hôm, người đời sẽ ghé vào tai chúng ta “anh là kẻ không có hình hài của những trang sách” như anh bạn tôi nghe cô người yêu xinh đẹp nhắn nhủ khi chia tay thuở nào. Khi đó, quá muộn để làm lại một nền văn hóa bị đánh mất.
Chiều 5/1, bà Nguyễn Thị Hoa- Phó BTC Lễ hội Phố hoa 2009 cho biết, một dự án tổ chức lễ hội này hàng năm vào dịp Tết Dương lịch được trình lên thành phố.
Tuy nhiên, bà Hoa cũng khẳng định Lễ hội Phố hoa năm nay chính là cuộc diễn tập cho năm sau, để Hà Nội có một vườn hoa lộng lẫy hơn, quy mô hơn đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm tuổi.
Bà Hoa nói: “Lễ hội hoa về cơ bản thành công. Mặc dù xảy ra sự cố đáng tiếc do một số du khách thiếu ý thức, tổng kết lại, chúng ta được vẫn nhiều hơn mất.
Với sự cảnh báo kịp thời của các phương tiện truyền thông, tình trạng phá hoa giảm đi rất nhiều trong những ngày tiếp theo.
Trong kỳ lễ hội năm tới, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để có cách thức tổ chức sát với thực tế hơn và sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ban ngành chức năng”. Được biết, địa điểm tổ chức lễ hội năm sau sẽ vẫn trên các khu phố viền quanh hồ Gươm.
NMH
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015