Vì sao người Việt không mê đọc sách?
Xác định khái niệm
Đối tượng chúng tôi muốn nói tới trong bài này, không phải là một vài người Việt đặc tuyển, mà là người Việt nhìn bao quát, người Việt nói chung;
- Hành động “đọc” không đơn giản là việc ngồi vào bàn, mà là cả văn hóa đọc với cơ cấu phức tạp của nó;
- Sự say mê không phải sự bốc đồng lửa rơm chốc lát mà là biểu hiện của một hoạt động tinh thần vững chắc được trí tuệ bảo đảm rồi thăng hoa;
Sau nữa, “sách” nói ở đây không phải là một vài tác phẩm văn chương mùi mẫn gây cười hoặc ít ra cũng du dương êm ái dễ đọc dễ bỏ mà bao gồm - nếu không chủ yếu là - cả các công trình nghiên cứu, các loại chuyên khảo, được viết đạt đến những chuẩn mực của tư duy.
Xét như thế thì chắc chẳng ai phải còn một chút phân vân gì nữa mà có thể thẳng thắn nói không, khi đối diện với câu hỏi “Người Việt có mê đọc sách ?”
Nhưng còn vì sao có hiện tượng đó? Xin tạm nêu ra mấy lý do:
- Ở ta không có văn hóa làm sách; các hoạt động xuất bản trước kia gần như chưa có.
- Con người nặng về tình mà nhẹ về lý, thường thích sống trong đám đông hơn là đơn độc với chính mình – tức là thiếu những phẩm chất mà việc đọc sách đòi hỏi.
- Xã hội không coi trọng kiến thức, người trí thức không được đánh giá đúng mức. Khi bản thân người làm nghề trí thức cũng đang còn lười đọc sách, thì đông đảo người dân có xa lạ với sách cũng là dễ hiểu.
Lấy đâu ra sách mà ham?
Có một khái niệm chưa thông dụng lắm, nhưng có lẽ trước sau chúng ta phải dùng tới là văn hóa sách của một dân tộc.
Ở nhiều nước, người ta biên soạn cả những bộ Bách khoa toàn thư về sách để ghi nhận mảng văn hóa sách này. Tức là họ thường xuyên tổng kết về công nghệ làm sách ở dân tộc mình: sách bắt đầu có từ thời nào, quan niệm về sách thay đổi ra sao, các dạng tồn tại của sách phong phú tới đâu vv…
Giả sử lúc này đây ở ta có ai muốn làm một cuốn sách như thế cũng không biết xoay xỏa thế nào. Tài liệu nghèo nàn, ngay tài liệu lưu trữ tối thiểu cũng không có. Và cái chính là số lượng sách in ra quá thấp, quan niệm về sách của chúng ta thì đơn sơ cổ lỗ.
Để làm ra sách cho cả xã hội, các nước cũng đã hình thành nên hoạt động xuất bản và thị trường sách. Ở ta, các ngành này - theo đúng nghĩa của nó - chỉ có từ thế kỷ XX, do sự du nhập từ nước ngoài. Còn trước đó, tất cả ở dạng sơ khai, sách ra đời theo cách thức tự phát, và việc nhân bản hết sức hạn chế, sách gần như chưa biến thành hàng hóa.
Một chỉ số nữa, cần tính tới mỗi khi định đánh giá một ngành văn hóa phát triển đến đâu, đó là khả năng của ngành đó trong việc vượt ra biên giới và giao lưu với các hoạt động cùng loại ở nước ngoài. Có lần tôi còn đọc thấy là thời trung đại, giữa Nhật và Trung Hoa có cả một con đường sách, tương tự như con đường tơ lụa nối Trung Hoa với thế giới A rập. Trong khi đó thì đọc lịch sử ta, chỉ thấy nói là những ông quan đi sứ mang về vài quyển sách loại ngẫu nhiên được tặng.
Sách đã in ra lại còn phải được tổ chức để đưa đến với người cần. Các tập Lịch sử văn hóa Trung Quốc tôi đọc gần đây thường có một phần nói về thư viện, Đường Tống thế này Minh Thanh thế kia. Bảo rằng ở chỗ này các nhà nghiên cứu làm công việc trở về văn hóa VN sẽ không có việc gì để làm cũng không hẳn đã đúng, song như chỗ tôi đọc được, trong một bộ sử cổ như Đại Việt sử ký toàn thư, số lần hai chữ thư viện xuất hiện chưa được một chục.
Cho đến đầu thế kỷ XXI, trong hoạt động văn hóa nói chung ở ta, thư viện vẫn là một hoạt động kém cỏi bậc nhất - ở vào một tình trạng suy thoái chứ không chỉ lạc hậu.
Những yếu tố trên, khi tổng hợp lại làm thành một hoàn cảnh bất lợi cho văn hóa đọc phát triển. Giá có ai đó bẩm sinh ham đọc sách chăng nữa, cũng không có sách để đọc, có không khí để bàn luận.
Xa lạ với lý trí và thói quen nghiên cứu
Chữ viết là một chỉ số của văn hóa. Trong xã hội ta, từ ngàn năm nay, tồn tại một tình trạng nước đôi dang dở. Chữ Hán vẫn là công cụ giao tiếp giữa nhà nước và người dân. Các cuộc thi cử sử dụng chữ Hán, sách vở quan trọng (ví dụ lịch sử) viết bằng chữ Hán. Một cách tổng quát, thứ chữ ngoại nhập này lại là công cụ để người ta nghĩ những điều nghiêm chỉnh. Còn chữ Nôm chỉ để ghi cái đời sống tình cảm hàng ngày, hoặc kêu than, hoặc đùa bỡn. Vả chăng chữ Nôm chưa hình thành như một hệ thống chặt chẽ hợp lý. Nó khó học do đó không phổ biến.
Tình trạng chữ viết ở Việt Nam như trên níu kéo văn hóa đọc với hai nghĩa:
Thứ nhất, ở dạng trực tiếp, nó làm cho sách vở khó viết, viết xong khó xuất bản, xuất bản xong khó đến với người đọc.
Thứ hai, ở dạng gián tiếp, nó ảnh hưởng tới tư duy của con người.
Với một thứ chữ thuận tiện, người ta có thể ghi chép và hoàn thiện dần những suy nghĩ của mình và giao lưu với nhau làm cho tri thức ngày càng phong phú. Ngược lại, như ở ta, do thiếu phương tiện (chữ và sách) hợp lý để ghi lại những vận động trong đầu óc, sự suy nghĩ của người ta dễ dừng lại ở tình trạng manh mún rời rạc. Gần đây nhiều người đã công nhận là dân ta làm việc gì thường theo lối chụp giật, mà thiếu thói quen nghiên cứu sự vật; sự nghĩ ngợi hay chắp vá nửa vời, đầu óc người ta không chăm chú theo đuổi cái gì tới cùng. Trong một cá nhân cũng như trong một tập thể, hành động được đề cao hơn suy nghĩ. Ta sống tùy tiện dễ dãi, “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Tất cả những bệnh trạng đó trong tư duy bắt nguồn một phần từ một văn hóa đọc lom đom, một đời sống tinh thần thiếu sách.
Đến lượt mình, kiểu tư duy này lại quay trở lại, cản trở người Việt đọc sách.
Đứng ở góc độ tâm lý học cá nhân mà xét, với sự đọc sách, con người phải trưởng thành như một nhân cách. Khi đọc sách, người ta phải có thói quen đơn độc trong suy nghĩ và làm việc. Sự hình thành loại người này đòi hỏi bệ đỡ của một nền văn hóa chắc chắn.
Tác động của việc kiếm sống
Ca dao tục ngữ truyện cười ở ta thường có thái độ chế giễu với người đọc sách. Dưới những con mắt thế tục, việc đọc sách có vẻ như là một cái gì vô bổ của loại người “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Đấy là hình ảnh người đọc sách trong tâm thức dân gian từ thời trung đại tới nay.
Cố nhiên trong thực tế, lại có một tình trạng tế nhị khác, là các làng xã thường đánh giá nhau bằng số lượng kẻ cắm đầu vào sách. Có gì mâu thuẫn ở đây chăng? Không. Học trò xưa ham học để có ngày lều chõng đi thi và trở thành quan chức (từ đây khái quát lên người ta vẫn tự hào người Việt ham học). Nhưng không thể bảo họ, - đám người “nghiền” sách cốt đi thi kia - là những người đọc sách với đúng nghĩa của nó. Người học để đi thi tự giới hạn trong kiến thức của người chấm cho họ đỗ. Ngược lại đặc trưng chủ yếu của người đọc sách là một tư duy độc lập và một khao khát bất tận với sự hiểu biết. Loại sau ở xã hội ta quá hiếm, lại còm cõi ít ỏi và chưa thành một lớp người ổn định.
Giải thích sao về hiện tượng này? Suy cho cùng ở xã hội nghèo, mọi việc vẫn do miếng cơm manh áo quyết định . Khi có thể dùng sách để lập thân thì người ta đọc sách. Khi có nhiều con đường khác lập thân mà ít tốn sức lực hơn – kể cả lối giả vờ đọc sách, gian lận thi cử - thì người ta bỏ sách khá dễ dàng. Và đó chính là tình trạng của xã hội hôm nay .
Tốn công tốn của để đọc mà thu nhập chả hơn là bao so với người không đọc, thì cha bảo con vợ bảo chồng từ giã sách vở, ngồi xem tivi cho nhẹ thân. Sách không còn là nhân tố tất yếu trên đường mưu sinh, và việc đọc sách thường ngả sang một thứ trò chơi, - lý tưởng làm người có vì vậy mà có vẻ bị hạ thấp thì người ta cũng chẳng lấy làm hối tiếc.
Một giải pháp lâu dài
Mục đích của cuộc hội thảo này là thúc đẩy mọi người mọi tầng lớp công chúng hôm nay đọc sách, tôi tin nhiều sáng kiến rất hay đã được nhiều người đề xuất.
Về phần mình, tôi cho rằng cần lùi xa một chút, nhìn rõ một thực trạng kéo dài, nó cũng là tiền đề để có những biện pháp tổng quát hơn có ý nghĩa lâu dài hơn. Vì thế nên có nghiêng nhiều về việc đọc sách của tầng lớp trí thức.
Chính họ, theo tôi, là đầu tầu để thúc đẩy một xã hội hợp lý mà chúng ta phải xây dựng, ở đó sách là động lực thúc đẩy mọi tiến bộ, nên sự ham đọc sách không còn bị rẻ rúng .
Hồi nhà đạo diễn Nguyễn Đình Nghi còn sống, ông hay nói với tôi về công chúng của sân khấu. Là con trai và người kế nghiệp Thế Lữ, ông Nghi khá thạo sân khấu trước 1945 và trong kháng chiến chống Pháp. Ông bảo, qua sự sa sút của công chúng thời nay, càng thấy công chúng thời trước rất nghiêm chỉnh. Họ đến với sân khấu thiêng liêng như đến với nhà thờ. Và Nguyễn Đình Nghi cắt nghĩa, sở dĩ trước 1945 người đến với sân khấu nói chung khá tốt, mặt bằng khá cao, vì hồi đó, có một lớp công chúng chọn lọc là các trí thức xuất thân từ các nhà trường Pháp - Việt. Họ tạo nên những chuẩn mực trong thưởng thức và lôi cuốn công chúng rộng rãi nói chung.
Tình hình đọc sách gần đây cũng có nhiều nét tương tự như bên sân khấu, nên cách giải thích sự sa sút là gần nhau, từ đó cách tổ chức lại công chúng cũng không thể khác. Phải trở lại với cái đúng cái tốt đã có trong quá khứ./.
Cần phải xây dựng một nền văn hoá đọc
(Lý Kỳ Khôi, [email protected] )
Tôi rất tán thành bài viết của nhà văn Vương Trí Nhàn và cám ơn ông đã có những phân tích ban đầu rất xác đáng cho thấy rằng một truyền thống mà chúng ta vẫn thường hay nói tới đã không phải như chúng ta vẫn nghĩ.
Tôi cũng đã từng suy nghĩ và phân vân về cái mà chúng ta thường nghe nói, rằng dân ta rất hiếu học, hiếu đọc. Vừa rồi tôi cũng có đọc ở đâu đó phân tích cho thấy rằng không phải vậy. Tôi nhận thấy điều đó là đúng. Có một điều là dường như mọi người rất khó chấp nhận luận điểm này. Người ta chỉ thích nói (và nghe) rằng dân ta giàu cái nọ, đầy truyền thống về cái kia, vân vân và vân vân. Nếu nói khác đi lại cho rằng như thế là không yêu nước, không yêu dân tộc mình, rằng mình là con dân của nước Việt thì phải “đậy lại” những “thói hư tật xấu” của người Việt mình, chỉ “phô ra” những cái tốt cái hay thôi. Tôi cứ nghĩ nếu quả thực chúng ta có tất cả những phẩm chất như đã từng và đang nói đến với kiểu như thế, chắc hẳn xã hội ta đã ở một trình độ phát triển khác bây giờ rất nhiều rồi. Nhưng tôi cho rằng nếu ta không thấy được bản chất thật của ta, cả những mặt xấu lẫn những mặt tốt để ta sửa chữa và phát huy, ta sẽ không có động lực để phấn đấu hoàn thiện mình (đã tốt hết rồi còn có gì phải làm nữa???). Và do đó ta sẽ không thể đạt tới được những gì tốt đẹp đích thực, những giá trị thực sự, đặng có thể ngẩng cao đầu cùng góp mặt với nền văn minh của nhân loại.
Khi đề cập đến vấn đề này với các bạn bè đồng nghiệp của tôi, có người đã nêu một ví dụ để minh chứng cho điều mà tác giả Vương Trí Nhàn nêu ra là đúng. Đó là ở các nước phương Tây, các thư viện mở cửa suốt 24/24 (cơ quan tôi là một viện nghiên cứu khoa học nên các tiến sĩ ở đây phần lớn đều tốt nghiệp ở các nước đó, như Hà lan, Pháp, Đức chẳng hạn). Kể cả ban đêm nếu cần người ta có thể vào được các thư viện lớn để đọc, để tra cứu. Mà sách, tài liệu ở đây thì khỏi phải nói. Và thực tế vào ban đêm ở các thư viện này vẫn có người ngồi đọc, tra cứu. Còn ở ta? Có lần cô con gái khi còn chưa đầy 10 tuổi của tôi hỏi rằng “con có thể vào được thư viện không hả bố”. Tôi nói là về lý thuyết thì được, mà con cũng chỉ vào được các thư viện dành cho thiếu nhi thôi (như trước đây, những năm 1970-80, các phường thường có tủ sách cho thiếu nhi, nhưng dĩ nhiên các sách có tính nâng cao hiểu biết, tri thúc nói chung rất hiếm, chủ yếu là những sách kiểu “người tốt việc tốt”). Tôi chợt nhớ tới thư viện Hà nội ở góc phố Trần Hưng Đạo và Bà Triệu đang xây dở dang mà tôi đã hứa hai năm trước rằng đến hè sẽ làm thẻ cho cháu. Tôi nghĩ (chưa thử làm) giả sử cháu có mong muốn vào Thư viện Quốc gia ở phố Tràng thi chắc sẽ không thể được, vì tuổi. Tìm hiểu tri thức có hạn chế tuổi? Hơn nữa cách làm thẻ cũng góp phần hạn chế nhu cầu muốn trau dồi tri thức và học tập của xã hội.
Tôi cũng từng đọc ở đâu đó trên báo mạng, rất gần đây, cho thấy rằng dân ta chưa hẳn đã ham học và ham đọc như từng được nói đến. Ở bài đó tác giả nói trong một dịp công tác ở Nhật có ghé vào những sạp bán sách trên phố. Sau khi tìm hiểu và so sánh những điều mắt thấy tai nghe với hiện trạng ở nước ta đã đi đến kết luận như vậy. Tác giả này cũng đề cập đến hệ thống thư viện lèo toè và nghèo nàn của ta để dẫn giải. Những ai đã từng đi ra nước ngoài có thể nhận thấy và hay bắt gặp cảnh có nhiều người đọc sách ở những nơi chờ đợi, những nơi công cộng như công viên, vườn hoa, bến xe, trên xe buýt, trên tàu cao tốc,... Còn ở ta, các sạp sách chủ yếu là bán những sách rẻ tiền, thiếu tri thức nghiêm túc, và gần như rất hiếm thấy ai đọc sách ở những nơi như kể ở trên.
Cơ quan tôi là một viện nghiên cứu khoa học thuộc một trường đại học nằm trong số ít các trường đại học lớn cỡ hàng đầu của nước ta, trước đây viện trực thuộc Bộ GD&ĐT, và chỉ đào tạo ở bậc sau đại học, cũng có một thư viện khá khá các sách chuyên môn. Chỉ được vài năm đầu sau khi thành lập viện các học viên cao học và các nghiên cứu sinh còn mượn tài liệu để đọc hoặc đọc tại chỗ. Thư viện lúc nào cũng thấy tấp nập. Khoảng chục năm gần đây thư viện gần như bỏ hoang, chủ yếu dùng làm “hội trường lớn” của cơ quan (một năm vài lần họp và liên hoan), và để các đơn vị khác trong và ngoài trường thuê làm lớp học hay hội họp. Tất nhiên một phần cũng vì không được đầu tư bổ xung, cập nhật một cách đều đặn, thậm chí còn bị cắt bớt đi, cho đến nay thì “tịnh” hẳn, nhưng tôi nhận thấy các sinh viên, học viên bây giờ rất lười đọc sách nói chung, sách báo tài liệu chuyên môn nói riêng. Thậm chí các tài liệu sử dụng cho việc học tập và nghiên cứu của nhiều sinh viên, học viên cao học cũng chỉ là vài ba quyển sách hay độ chục bài báo do thầy đưa cho, chứ hầu như không tự mình tìm tòi, mở rộng thêm ra.
Tôi không thuộc thế hệ trước năm 1945, tôi sinh ra và sống ở Hà Nội và thuộc thế hệ sau đó một chút, nhưng vẫn cảm nhận được, hình dung được, thậm chí vẫn còn “được hưởng” một chút những “hơi thở” của thời kỳ này (qua cha mẹ tôi và những tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng những năm trước cách mạng mà tôi được đọc). Không biết có võ đoán không, quả thật tôi cảm thấy tri thức thời đó có vẻ chuẩn mực hơn ngày nay, xã hội văn minh hơn, con người có văn hoá hơn. Tuy không nói ra, nhưng tôi biết nhiều người cũng cho rằng ngay cả sau năm 1975 khá lâu, người Sài gòn vẫn còn giữ được những nét văn minh đặc trưng mà những người bắc vào đã rất lấy làm ngạc nhiên (như lễ phép, chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, v.v...). Còn bây giờ? Ai cũng biết Sài gòn như thế nào rồi.
Một thời còn cách đây chưa lâu, sau giải phóng miền nam, hiện tượng “chảy máu sách” đã từng diễn ra và điều đó cũng đáng được chú ý. Chính bản thân tôi cũng đã từng vận chuyển “lậu” sách theo các chuyến tầu Thống nhất từ Hà nội vào TP HCM (vì lúc đó vẫn còn chế độ “ngăn sông cấm chợ”). Tôi ngạc nhiên về nạn “đói” sách thời kỳ ấy ở Sài gòn vừa mới giải phóng được ít lâu. Sách càng có “chất lượng”, như các tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng trong nước (ngoài bắc) và trên thế giới, tiền lợi chên lệch bán sách càng cao. Tất nhiên cũng có dòng “chảy ngược” ra bắc, nhưng chủ yếu là những sách “tầm tầm”.
Đã đến lúc cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, dù đó là sự thật rất đáng buồn, rất chua chát về những phẩm chất mà chúng ta cứ tự huyễn hoặc, cho là mình có, lại còn có rất nhiều, rất phong phú, rất lâu đời nữa. Đừng cho rằng như thế là “vạch áo cho người xem lưng”. Hãy can đảm nhận thấy rằng trên đời này có nhiều người “giỏi” hơn ta rất nhiều (nên họ mới phát triển hơn, văn minh hơn, hoặc chí ít cũng phát triển nhanh hơn bởi cái nền tảng có thực của họ). Ta phải thấy ta “kém” họ ở chỗ nào, còn khiếm khuyết điều gì mới mong có thể sửa chữa, loại bỏ, khắc phục những cái yếu kém đó, đồng thời bổ xung, bổ khuyết, phát huy những mặt “tốt, giỏi, mạnh” của ta, từ đó mới có thể cùng nhau đi đến một xã hội với những giá trị tốt đẹp và những con người văn minh được. Nhằm góp phần đưa dân tộc tiến nhanh trên con đường văn minh của nhân loại, bên cạnh nhiều loại hình hoạt động sửa đổi khác, hãy bắt tay vào xây dựng một nền văn hoá đọc ở nước ta.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)