Phê bình mỹ thuật Việt Nam
1. KHÔNG CÓ GÌ NẾU KHÔNG CÓ PHÊ BÌNH
Hội Mỹ thuật Việt Nam có số lượng hội viên lên đến năm, bảy nghìn họa sĩ. Sinh hoạt mỹ thuật trong nước, nhìn chung, nhộn nhịp. Hàng năm, ở cấp quốc gia, có ba, bốn giải thưởng mỹ thuật lớn. Còn triển lãm, ở Sài Gòn, Hà Nội, tháng nào cũng có vài ba cuộc. Hoạt động gallery khá rộn ràng - kẻ mua người bán, cũng "giao lưu với hội nhập"... Và, báo chí cũng thường xuyên có những bài viết về mỹ thuật v.v... Tuy nhiên, nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại thì oái oăm, dường như không thực sự tồn tại.
Không thực sự tồn tại. Bởi, thứ nhất, nó hầu như không có công chúng trong nước. Hoặc có, cũng rất ít. Các cuộc triển lãm, thường, rất ít người đến xem. Mua tranh, cho đến nay, chủ yếu vẫn là người nước ngoài. Và tranh được bán, được mua, phần lớn, cũng thuộc hàng commercial painting (tranh vẽ hàng loạt), ít có ý nghĩa khích lệ cho sự tìm tòi, sáng tạo. Còn các bài viết về mỹ thuật trên các báo, thực tế, chẳng có mấy người đọc. (Bởi vậy mà người viết cứ viết, tha hồ tung hứng...) Nhiều người, rất nhiều người Việt Nam không biết gì về mỹ thuật nước mình - vài cái tên họa sĩ biết được, chủ yếu là do đọc tình cờ trên báo chí... Thứ hai, nó hầu như chẳng có tác động gì đến sự vận động, phát triển của nền văn minh thị giác Việt Nam. Các nhà thiết kế trong các lãnh vực mỹ thuật ứng dụng, khi đi tìm những chất liệu mới, những kỹ thuật mới, và cả những tiêu chuẩn thẩm mỹ mới cũng chẳng mấy khi nhắm vào nó. Ðể có vẽ dân tộc, họ tìm về nguồn nghệ thuật dân gian. Ðể có vẻ hiện đại, họ lật ngay sách vở ngoại nhập. Tất cả những gì đang có trong thế giới sự nhìn Việt Nam, nếu không phải là đồ theo kiểu xưa, thì cũng theo kiểu Tây, kiểu Tàu, kiểu Nhật... Ai cũng nói về tính dân tộc này nọ trong mỹ thuật, nhưng chẳng có ai chỉ ra được những cái mã (codes), những qui ước văn hóa thực sự mang bản sắc Việt Nam trong ngôn ngữ tạo hình... Ðến nay, vẫn loanh quanh một kiểu nói chung chung, mơ hồ. Thứ ba, nó hầu như không kích thích được nhiệt tình sáng tạo nơi các họa sĩ, không sản sinh ra nổi các lực lượng họa sĩ kế tiếp. Không ít họa sĩ đã thú nhận không biết khai thác năng lượng ở đâu cho sự sáng tạo. Trước mắt họ, mỹ thuật Việt Nam là một chuỗi liên tiếp những truyền thống dở dang. Những biến thiên của thời cuộc với những xoáy lốc cơ luận đến từ bên ngoài tác động đến cả nền văn hóa học thuật đã mang đến những truyền thống thay thế liên tiếp này. Và, khi mà mỗi một sự thay thế đồng nghĩa với một sự đứt gãy thì sự tồn tại như đánh đu giữa những truyền thống dở dang của mỹ thuật Việt Nam hiện tại có thể xem là hệ quả đương nhiên. Nói chung, không có được nguồn năng lượng nội tại thì cũng không hy vọng làm được điều gì mới mẻ. Các họa sĩ, hoặc lặp đi lặp lại chính mình, hoặc lặp đi lặp lại người khác. Các giải thưởng mỹ thuật hàng năm, quanh đi quẩn lại cũng bấy nhiêu gương mặt. Chưa kể, các khuynh hướng nghiệp dư ngày càng lấn lướt, lan tràn...
Thực trạng nêu trên đã nằm trong nhận thức của nhiều họa sĩ, và rất nhiều câu hỏi "tại sao?" đã được nêu ra. Tuy nhiên, dường như, tất cả đều chỉ dừng lại ở sự thừa nhận: "Ðể làm nghệ thuật đã khó, để có được một nền nghệ thuật dân tộc-hiện đại lại càng khó hơn. Ðiều này đòi hỏi các họa sĩ phải cố gắng rất nhiều..."
Sự thực, để có được một nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, không chỉ cần sự cố gắng của mỗi họa sĩ, mà thực tế, cần hơn hết, sự thay đổi trong cách tiếp cận nghệ thuật của cả cộng đồng, bao gồm cả giới sáng tác lẫn giới phê bình, lý luận và giới thưởng ngoạn. Cách tiếp cận ấy phải đụng phạm đến toàn bộ nền móng của nền mỹ thuật, đến các cơ sở tồn tại và phát triển của nó - từ các yếu tố chi phối, ảnh hưởng đến các nhận thức về ý nghĩa, giá trị nghệ thuật v.v... Nói cách khác, là phải tiếp cận từ cội nguồn văn hoá xã hội và cơ sở học thuật của nó....
Thực ra, tiếp cận mỹ thuật từ tổng thể văn hoá mỹ thuật, ở Việt Nam, không phải là chuyện mới mẻ. Ít nhất cũng có một Lê Thanh Ðức được xem là "chuyên gia" qua các bài viết về "Văn hoá thị giác", "Văn hoá tạo hình" và "Vấn đề toàn cầu hoá" v.v... đăng nơi này nơi kia và gây ra tranh cãi trong vòng hai năm qua. Không mới, nhưng rất tiếc cho đến nay, vẫn chưa có công trình phê bình nào theo hướng này đáng kể. Ngay ở Lê Thanh Ðức, tuy có nhiều tâm huyết, nhiều thiện chí, chịu khó đọc, chịu khó nghĩ, nhưng có lẽ, bởi không thực sự mạnh về lý luận, đặc biệt, dường như, kiến thức cơ sở lý luận không cập nhật, hoặc có mà không đến nơi đến chốn, để cho nhãn quan nghệ thuật vẫn lẩn quẩn trong chủ nghĩa nhân bản (humanism) và chủ nghĩa thực chứng (positivism) tiếp thu từ nền văn hoá Pháp vốn đã lạc hậu, cộng thêm sự chi phối của tâm lý thích ở "tầm cao" nên sự tiếp cận của ông còn có khá nhiều bất cập, và các nhận định, khái quát thường rơi vào võ đoán đầy mâu thuẫn. Với những hạn chế như vậy, các bài viết đầy tâm huyết, đầy thiện chí nói trên của ông trở nên phản tác dụng. Không chỉ không thể soi sáng cho thực trạng khủng hoảng hiện nay, kích thích nhiệt tình sáng tạo nơi các nghệ sĩ mà còn làm cho vấn đề càng trở nên rối mù, gây nên những hục hặc không đáng có, làm nản lòng mọi người.
Xưa nay, khi bàn đến chuyện thịnh suy của một nền mỹ thuật, chúng ta thường chỉ chú tâm đến công việc sáng tạo của người nghệ sĩ, đến tác phẩm của họ. Hoạ hoằn mới đề cập đến phê bình. Còn về công chúng mỹ thuật thì dường như là tuyệt nhiên không. Sự tuyệt nhiên không này là một sai lầm. Thậm chí có thể nói là sai lầm tai hại nhất làm cản trở sự phát triển bình thường của một nền mỹ thuật. Ðiều này hoàn toàn dễ hiểu. Bởi, có chú tâm phân loại, phân tầng công chúng mỹ thuật thì mới có cơ sở phân định rõ hệ thống giá trị nghệ thuật trong một chỉnh thể văn hoá mỹ thuật. Và từ đó, mới có cơ sở hoạch định chiến lược phát triển mỹ thuật.
Sự không thật tồn tại của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, thực sự là hậu quả của cách nhìn đã trở nên vừa mơ hồ vừa hàm hồ về cái được gọi là "công chúng mỹ thuật" của chúng ta trong nhiều năm qua (trở nên, bởi cách nhìn nào cũng có quãng đúng sai khả dĩ). Khi đã xem công chúng mỹ thuật là khối đông thuần nhất chúng ta vô tình phá vỡ cấu trúc chỉnh thể tự nhiên của một nền văn hoá mỹ thuật. Ai cũng biết, một nền mỹ thuật thực sự tồn tại là tồn tại như một chỉnh thể văn hóa mỹ thuật. Ở đó, những giá trị mới mẻ - từ chất liệu, kỹ thuật đến tiêu chuẩn thẫm mỹ - không ngừng được khai phá. Và, những giá trị đó được định hình trong, đồng thời góp phần làm phong phú thêm, những định chuẩn, những cái mã (codes) riêng biệt của một nền văn hóa. Chỉ với sự tồn tại như vậy, bản thân nền mỹ thuật mới có được nguồn năng lượng thực sự - mang tính nội tại - cho sự vận động, phát triển. Và, mới bảo toàn được năng lượng trong sự vận động, phát triển đó. Ðây là một bài học của lịch sử. Nhìn ra thế giới, bất cứ ai cũng đều dễ dàng nhận thấy, mọi nền mỹ thuật có sức sống đều tồn tại trong một chỉnh thể như thế. Chỉnh thể tự nhiên có mô hình kim tự tháp, mà đỉnh là những tìm tòi sáng tạo mang tính tiên phong, độc sáng của các thành phần ưu tú. Và đáy, là đại chúng với khả năng tiêu thụ và sản xuất. Ðỉnh và đáy có quan hệ hữu cơ. Ðỉnh chỉ lên cao khi đáy không ngừng được mở rộng. Và đáy chỉ mở rộng khi những giá trị mang tính bác học tìm thấy ở đỉnh được chuyển hóa thành những giá trị mang tính phổ cập làm nguồn dinh dưỡng bồi bổ cho đáy. Chính nhờ những mối quan hệ này mà những giá trị mỹ thuật được chuyển hóa thành những giá trị văn hóa. Và cũng chính nhờ những mối quan hệ này mà những giá trị văn hóa mang tính truyền thống được tích hợp, biến đổi trong những giá trị mỹ thuật làm nên những truyền thống (văn hóa) mới thích nghi với thời đại v.v... Khi đã phá vỡ cấu trúc chỉnh thể tự nhiên với các mối quan hệ hữu cơ này, chúng ta chỉ có thể sa lầy từ hết sai lầm này đến sai lầm khác, từ thảm bại này đến thảm bại khác mà thôi. Khi đề nghị "sáng tác phải thật gần với công chúng, phải làm sao cho công chúng có thể cảm thụ ngay được" chúng ta đã làm công việc kéo họa sĩ xuống, mà cũng chẳng nâng được công chúng lên. Còn với nhận định "Tác phẩm đã thực sự thành công, bởi đã thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng", lấy đó làm tiêu chuẩn định giá nghệ thuật, chúng ta đã vô tình cản trở sự tìm tòi sáng tạo nơi các họa sĩ và tạo đà cho tâm lý dị ứng với cái khác lạ nói chung v.v... Ðây là điều có lẽ không cần chứng minh nữa. Cho đến nay, chúng ta đã chẳng có những cá nhân xuất chúng mà ngay cả công chúng mỹ thuật thực sự chúng ta hầu như cũng không có. Khi lên tiếng báo động về sự chi phối, lũng đoạn của uy lực đồng tiền, của khuynh hướng "toàn cầu hóa" này nọ lên các họa sĩ và về sự xâm lấn, tràn ngập của các loại hình "văn hoá - Karaoke" v.v... xem như, chúng ta đã thừa nhận sự thảm bại của mình. Ít nhất, cũng là thừa nhận sự yếu kém ít khả năng miễn dịch, khả năng tự đề kháng.
Cách nhìn mơ hồ và hàm hồ về công chúng mỹ thuật như thế không chỉ tạo ra môi trường không thuận lợi cho sáng tác mà còn kéo theo cách nhìn sai lệch về phê bình, hạn chế hoá tầm nhìn phê bình. Dễ thấy, khi đã xem công chúng mỹ thuật là một khối đông thuần nhất, chúng ta đồng thời mặc định một hệ thẩm mỹ với những điển phạm, qui phạm chỉ có thể mang màu sắc duy ý chí (Bởi chỉ khi phớt lờ vấn đề bản chất của sự cảm thụ nghệ thuật và sự phân hóa tự nhiên của các thành phần xã hội, chúng ta mới có thể xem công chúng mỹ thuật là một khối đông thuần nhất). Với hệ thẩm mỹ mặc định đó, tiếng nói của phê bình chỉ còn là sự hồi âm, diễn giải hay "cảnh báo". Phê bình bị rơi vào thế tuỳ phụ. Bởi vậy, khi xã hội "mở cửa", trước sự tương tác của các nền văn hoá khác, các nền nghệ thuật khác, và trước thực tại, mọi hệ thẩm mỹ và mọi phương pháp sáng tác đều cần phải được xét lại thì điều đó đã vượt ra ngoài khả năng của phê bình, ít nhất cũng là của nhiều nhà phê bình. Phê bình mỹ thuật trong nước không quen và thực tế không được chuẩn bị cho sự phê bình lý thuyết, phê bình học thuật và do đó, khó lòng mang vác nổi nhiệm vụ khai phá, dọn đường... Bởi vậy hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay, với giới sáng tác, phê bình là "cái đi sau", thậm chí là "cái ăn theo" - "có sáng tác, có tác phẩm, có tất cả rồi mới có phê bình". Nhiều người, còn đi xa hơn, cho phê bình là cái gì phù phiếm. Có người không thèm đọc các bài viết phê bình, không thèm quan tâm đến phê bình.
Thực trạng khủng hoảng của mỹ thuật Việt Nam sẽ không được hóa giải, nếu không có một sự phản tỉnh triệt để - ngay từ cội rễ văn hóa, xã hội của nó. Sẽ không có gì nếu không có phê bình. Tất cả những gì chúng ta cần làm hiện nay là củng cố phê bình. Trước mắt, phê bình cần phải được phê bình. Cần tạo môi trường dân chủ cho phê bình.Và, cần phải xây dựng cơ sở học thuật vững chắc cho phê bình.
2. PHÊ BÌNH MỸ THUẬT: CẦN CHO AI?
Phê bình cần cho ai? Ðể có câu trả lời thấu đáo chắc chắn phải dài dòng. Nhưng nhìn vào thực tế trước mắt, điều có thể nói ngay, là dường như chẳng có ai cần đến phê bình. Họa sĩ, số đông, không thèm đọc phê bình. Công chúng, càng không thèm đọc (Hệ quả là báo chí cũng hiếm khi đăng tải các bài viết phê bình thực sự). Và, lạ, ngay cả tổ chức Hội Mỹ Thuật, từ trung ương đến địa phương, tuy có dòm ngó tới lực lượng phê bình, nhưng sự quan tâm, xem ra cũng hết sức qua loa. Hội Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, với số lượng hội viên lên đến hàng ngàn, mà một tờ tạp chí mỹ thuật vẫn không ra nổi. Cả nước, đến giờ, chỉ có hai tờ Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhưng một tờ là "cái gì đâu đâu!", còn tờ "đúng là Mỹ thuật" thì mảng phê bình cũng chỉ lèo tèo...
Tại sao?
Với họa sĩ. Một số cho phê bình đang có là "dưới tầm"- toàn một kiểu "nói leo", "nói lặp", "nói cố", "vừa hời hợt vừa hợm hĩnh"- không đáng đọc. Một số khác, với niềm tin tài năng sáng tạo là cái gì thiên phú, tiền định, không ai có thể cân chỉnh hay vạch đường chỉ lối cho ai được, nên, không chỉ không đọc phê bình, mà thậm chí, không thèm đọc gì hết. Một số khác nữa, chỉ cần đến phê bình như một thứ công cụ quảng cáo. Trong mắt họ, phê bình nếu không phải là những tên "chọc gậy bánh xe" thì cũng là những kẻ "cơ hội" v.v...
Với công chúng, có lẽ mười mươi đã rõ, ngay với mỹ thuật nói chung họ đã "kính nhi viễn chi" rồi nói gì đến phê bình.
Còn Hội Mỹ thuật các cấp, tại sao cũng lơi lỏng phê bình? Ðây là điều lạ. Tại không có kinh phí tổ chức hoạt động chăng? Tại không tập hợp được lực lượng chăng? Hay cũng tại cho rằng phê bình là chẳng cần cho ai? Hay, khác nữa, tại hoàn toàn không muốn có phê bình?
Chưa cần đi sâu phân tích các nguyên do và chưa cần bàn chuyện đúng, sai ở đây. Chỉ riêng vấn đề phê bình không thực sự tồn tại, cũng đủ để kết luận: mỹ thuật Việt Nam là một nền mỹ thuật bất hạnh.
Bất hạnh. Bởi:
Một, không có phê bình, môi trường mỹ thuật không được bảo vệ trước sự xâm lấn của các yếu tố phi nghệ thuật, của đủ các loại ảo tưởng và ngộ nhận tồn tại trong xã hội. Không lạ gì, cho đến nay, không ít họa sĩ Việt Nam vẫn cứ "đánh đu" giữa đủ các loại mục đích khác nhau bên ngoài nghệ thuật. Người thì như những "cán bộ mỹ thuật", người thì như những "thiền sư, đạo sĩ", người thì như những "nhà giả kim thuật", hay những chuyên gia "sinh sản vô tính" v.v... Cái "giả hình" và các khuynh hướng nghiệp dư tràn lan. Còn các họa sĩ trẻ thì bối rối, đa số không còn phân biệt được đâu là nghệ thuật đâu là phi nghệ thuật nữa. Nhiều người hăng hái đi tìm những thứ đang được cho là mới như "Sắp đặt", "Biểu diễn" và phải lần mò với tâm trạng vừa cả tin vừa hết sức bảo thủ.
Hai, không có phê bình, hệ thống giá trị mỹ thuật không được phân định. Cái bác học với cái phổ cập, cái mới với cái mơi mới, sự tiếp thu, học hỏi với bắt chướt, nhai lại v.v... không được phân biệt. Ðiều đó có nghĩa bản thân nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại cũng trở nên không thật tồn tại. Trong bối cảnh đó, các nghệ sĩ sẽ mãi mãi là những kẻ lữ hành cô độc. Mọi tìm tòi sáng tạo rơi vào hư không. Sẽ không bao giờ có cái được gọi là tiên phong - cái mới bị cái cũ vùi dập và bị cái thời thượng che lấp. Ngay cả các nỗ lực đi tìm bản sắc cũng sẽ trở thành vô vọng. Ai cũng nói về tính dân tộc này nọ trong mỹ thuật, nhưng chẳng có ai chỉ ra được những cái mã (codes), những qui ước văn hóa thực sự mang bản sắc Việt Nam trong ngôn ngữ tạo hình. Ðến nay vẫn loanh quanh một kiểu nói chung chung, mơ hồ. Không phải ngẫu nhiên cho đến nay, không ít họa sĩ Việt Nam vẫn cứ đánh đu giữa đủ các khuynh hướng nghệ thuật hiện đại khác nhau với nghệ thuật dân gian. Họa sĩ thì đông, tranh tượng thì nhiều, triển lãm cũng lắm, nhưng đóng góp gì để làm nên cái riêng của mỹ thuật Việt Nam làm phong phú thêm cho kho tàng nghệ thuật nhân loại thì dường như chẳng có gì đáng kể.
Ba, như một hệ quả đương nhiên, khi môi trường mỹ thuật không được bảo vệ và khi hệ thống giá trị mỹ thuật không được phân định, nói cách khác là khi mà các giá trị nghệ thuật chưa được quy phạm hóa, điển phạm hóa, khi mà phê bình chưa phân lập được các kênh (giao tiếp), các trường (quan hệ), các ngưỡng, độ (giá trị) của các khuynh hướng nghệ thuật cùng tồn tại trong các mối quan hệ thực tại đa chiều... thì trước hết, không thể tiến hành được các hoạt động phổ cập kiến thức mỹ thuật, không thể tiếp thu học hỏi được điều gì thực sự ở nhân loại, không thể chuyển hóa được các giá trị nghệ thuật có được thành các giá trị văn hóa. Ðiều đó có nghĩa, không thể xây dựng được một nền văn hóa mỹ thuật trong một cấu trúc chỉnh thể hữu cơ và riêng biệt. Cả nền mỹ thuật, do đó không có nền móng, không thể bảo toàn được năng lượng cho sự vận động, phát triển. Và thực tế, trở thành cái gì hết sức phù phiếm, vô ích, vô nghĩa. Ðiều này giải thích lý do tại sao, cho đến nay, công chúng vẫn quay lưng trước mọi biến động của đời sống mỹ thuật trong nước, vẫn cứ treo những ấn phẩm trang trí vớ vẩn nhập từ nước ngoài trong nhà; giới sáng tác luôn tự hào về những thành tựu "hội nhập" với "về nguồn" của mình, nhưng các lãnh vực mỹ thuật ứng dụng thì không thể hấp thụ được gì từ đó để phát triển; còn các họa sĩ trẻ thì loay hoay không biết khai thác năng lượng ở đâu cho sự sáng tạo... Mà thực ra, ngay chính Hội Mỹ thuật các cấp, có nhiều dấu hiệu cho thấy, cũng đang rối bời, không biết làm gì để kích hoạt cho sự vận động, phát triển của nền mỹ thuật nước nhà v.v... và v.v...
Nói chung, không có phê bình, nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, đã không có hiện tại cũng sẽ chẳng có tương lai.
Bằng tất cả ý thức về sự bất hạnh của nền mỹ thuật Việt Nam hiện tại, và các nguyên nhân của nó như vậy, không ai có thể nói phê bình mỹ thuật là chẳng cần cho ai. Nếu chẳng có ai cần phê bình, thì trước hết là bởi bản thân phê bình chưa phải là phê bình. Và tiếp theo, có lẽ, là bởi ai cũng chưa phải là ai!
3. PHÊ BÌNH MỸ THUẬT - THÀ KHÔNG CÓ
Không có gì nếu không có phê bình. Nhưng chẳng thà không có phê bình. Bởi, nếu có mà yếu kém, phê bình chỉ đẩy cơ may "có gì" của mỹ thuật Việt Nam trở nên xa vời.
Ðiều này hoàn toàn dễ hiểu.
Yếu kém, là khi phê bình không biện biệt được thế nào là nghệ thuật, thế nào là phi nghệ thuật; không phân định được thế nào là những giá trị mang tính tiên phong, độc sáng hay bác học với những gì chỉ có nghĩa là tiếp thu, ứng dụng, mang tính phổ cập hay bắt chước, nhai lại, v.v...
Không biện biệt, phân định được những điều nói trên, phê bình trở thành một thứ ruồi nhặng gieo rắc dịch họa. Bởi đơn giản, không làm sáng tỏ được sự thật, nó đẩy người khác vào hoang tưởng, ngộ nhận; không có khả năng phát hiện và đón nhận cái mới, tiên tiến, nó đưa người khác vào vòng cương tỏa của cái cũ, lạc hậu hay cái thời thượng, giả hình v.v... và v.v...
Phê bình mỹ thuật ở Việt Nam đang rất yếu kém. Ðiều này ai cũng đã thấy. Nhưng, trước sự yếu kém đó, nếu cho rằng nó không thực sự tồn tại, hư vô hóa, không đặt nó thành đối tượng để suy xét như đã kéo dài trong nhiều năm qua thì như đã nói ở trên, là một sai lầm "chết người"...
Tuy nhiên, để làm cái công việc suy xét này, trước hết, đòi hỏi phê bình phải tự phê bình triệt để - bắt đầu từ ngay nền tảng học thuật của nó. Khó khăn của sự đổi mới phê bình hiện nay, chắc chắn không phải do hoàn cảnh như nhiều người đã nói, mà chính yếu là do sự khập khiễng với khá nhiều bất cập và thái quá từ ngay nền tảng học thuật của phê bình, và có lẽ, cả thái độ trí thức của những người làm phê bình.
Ðiều có thể nói ngay, phê bình mỹ thuật ở Việt Nam lâu nay được triển khai trên một nền tảng học thuật đã sơ sài lại quá lạc hậu. Cho đến nay, ở mọi cấp độ - chuyên và không chuyên - vẫn một kiểu phê bình "làm sáng và làm sang" cho các họa sĩ. Căn bản, vẫn xem sáng tác là tâm tình bộc bạch, xem tác phẩm là môi trường thể hiện những khía cạnh tinh thần và nhân bản từ tư tưởng, tình cảm của tác giả, và, xem phê bình là hồi âm, diễn giải v.v... Cách nhìn, cách phê bình này thuộc truyền thống nghệ thuật lãng mạn và hiện thực chủ nghĩa, còn vướng mắc rất nhiều trong lối tư duy khái niệm hóa, xem trọng nội dung chỉ định của hình, chỉ khả thủ trong không gian của nghệ thuật lãng mạn và hiện thực chủ nghĩa. Ngày nay, mỹ thuật Việt Nam hầu như đã thay đổi hoàn toàn. Cho dù các họa sĩ có "mộng du" thì mỹ thuật Việt Nam hiện tại vẫn là một thế giới khác khá sôi động với sự ảnh hưởng của đủ các khuynh hướng nghệ thuật đến từ phương Tây, từ tiền hiện đại, hiện đại đến hậu hiện đại. Dừng lại trong nhãn quan như thế, phê bình nếu không rơi vào tình cảnh của những kẻ "nói leo", "nói lặp", "nói cố", "nói nhảm" thì cũng chẳng giúp ích được gì đáng kể cho sự phân định, biện biệt các giá trị, nhằm định hình một trật tự biểu kiến cho thế giới mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Dễ thấy. Một, khi lấy nghệ sĩ làm trung tâm, phê bình rất dễ sa vào khuynh hướng tán tụng, thù tạc, dễ mắc bẫy huyền thoại. Ða số các bài viết phê bình mỹ thuật trong nước lâu nay, vẫn cứ sa đà với chuyện các họa sĩ "vẽ cái gì?" mà rất lơ là, thậm chí mù mờ với chuyện họa sĩ "vẽ như thế nào?"... Hai, sự định vị và định giá tác giả trong nghệ thuật rất dễ trở thành mơ hồ, hàm hồ. Bởi sự đánh giá nghiêng về nội dung luôn dễ bị lôi cuốn theo các tiêu chuẩn bên ngoài nghệ thuật. Chẳng hạn: vị thế xã hội của tác giả, dư luận, mức độ thành công trên thị trường nghệ thuật. Ba, nghiêm trọng hơn, bởi xem nhẹ hình thức, cho hình thức là tuỳ phụ, nó vô tình bỏ qua các vấn đề đặc thù của tư duy thị giác, của ngôn ngữ tạo hình. Từ đó, không thể thâm nhập được thế giới phức tạp và không ngừng biến đổi của nghệ thuật hiện đại; không thể hiện đại hóa cách nhìn nghệ thuật. Trước hiện tượng không ít họa sĩ đã làm theo ngay những gì mới nhất của Tây, nhưng thực ra, chỉ bắt chước được ở dáng vẽ bên ngoài, trong căn để tinh thần vẫn là cái gì rất cũ, không có sức sống... không ít nhà phê bình hoặc chỉ biết hứ háy, phủ định sạch trơn, hoặc "tung hỏa mù" biện minh làm vui lòng các họa sĩ. Vấn đề bản chất của phong cách bị hiểu sai trước hết. Xem phong cánh như một hiện tượng tách biệt - hoặc dựa vào một số thủ pháp, một số môtíp thuần tuý hình thức nào đó... hoặc ngả hẳn sang vấn đề góc nhìn, đặc điểm tư tưởng, thái độ thẩm mỹ của tác giả - thiếu tính thống nhất. Tiếp theo, ý niệm về cái mới, về tính tiên phong, độc sÊng nếu không bị loại trừ, thì cũng mơ hồ. Thậm chí ngay cả các vấn đề thế nào là "dân tộc", là "hiện đại" trong nghệ thuật cũng vậy. Kết quả tai hại nhất, phê bình hoàn toàn bất lực trong việc định chuẩn cho một bản sắc Việt Nam trong mỹ thuật hiện đại và hoàn toàn bị động trong việc định hướng tiếp thu, học hỏi "người khác". Bốn, sự định hướng cho sáng tác và đào tạo dễ bị lệch sang chiều "bồi dưỡng tư tưởng", "rèn luyện đạo đức" - xem trọng cái "tâm" hơn cái "tài". Tình trạng nghiệp dư hóa của Mỹ thuật Việt Nam lâu nay và sự lúng túng của số đông họa sĩ trẻ hiện nay là hậu quả của sự định hướng lệch chiều này...
Trước sự yếu kém của phê bình mỹ thuật trong nước, nhiều người cho rằng "nếu là họa sĩ viết phê bình thì đáng tin hơn", hay "muốn viết phê bình hay thì phải chơi với các họa sĩ" v.v... và v.v... Ðây là điều không chắc. Các họa sĩ có thể nhạy cảm hơn, nhưng thực ra, không có sự cảm nào tách rời khỏi sự hiểu, sự biết. Họ có thể rất tinh tế, sâu sắc trước các đối tượng cùng kênh, cùng hệ, nhưng chưa chắc còn giữ được tính khách quan khi tiếp cận các đối tượng khác quá mới, lạ. Sự hiểu, sự biết của các họa sĩ, thực tế, cũng nằm trên cùng một nền tảng học thuật như phê bình. Trước bối cảnh đổi mới, nhiều người trong họ đã sáng tác với trạng thái "mộng du", và khi viết phê bình, họ lại "mộng du" trên chữ nghĩa...
Thế kỷ 20, trên thế giới, được xem là thời hoàng kim của phê bình văn học-nghệ thuật. Những thành tựu trong các ngành khoa học nhân văn và xã hội, đặc biệt, của tâm lý học và ngôn ngữ học hiện đại, đã mang lại nhiều lý thuyết mới, khả dụng cho phê bình, đổi mới hoàn toàn cách nhìn nghệ thuật, cách phê bình... Ở Việt Nam, cho đến nay, bản thân thông tin này dường như đã là cái gì hết sức xa lạ! Bao giờ phê bình mỹ thuật Việt Nam mới thực sự đổi mới?!
4. PHÊ BÌNH MỸ THUẬT VỚI VẤN ÐỀ LÝ THUYẾT
KHÔNG THỂ MÃI BẤT CẦN...
Trong bài viết ngắn về Nguyễn Sáng qua mắt nhìn Thái Bá Vân đăng trên Thể thao & Văn hóa (tháng 10 năm 2001) nhà thơ Thanh Thảo đã kết luận như đinh đóng cột - đại ý - phải thật gần, thật hiểu tác giả, nhà phê bình mới có được những câu chữ thuyết phục đến vậy! Chưa cần biết Thái Bá Vân nhìn Nguyễn Sáng đúng, sai như thế nào, nhưng điều có thể nói ngay, cái kết luận của Thanh Thảo là liều. Liều, bởi không chắc đúng. Thực tế, nhiều khi tác giả là người như thế này, nhưng tác phẩm lại như thế khác. Trong nghệ thuật, tài với đức, với ý thức công dân, với tinh thần trách nhiệm, với sách vở bồ bồ, và cả với tay nghề thuần thục v.v... chưa chắc đã có gì ăn nhập. Bám theo tác giả, nghe theo tác giả, phê bình rất dễ sa vào khuynh hướng tán tụng, thù tạc, rất dễ mắc bẫy huyền thoại. Không ít họa sĩ nổi tiếng "oan" là vì thế. Và, cho dù có rất nhiều bài viết gọi là phê bình, nhưng công chúng, số đông, vẫn không hiểu gì nhiều về mỹ thuật, vẫn cứ phải "kính nhi viễn chi" cũng là vì thế.
Ðể phê bình thực sự, trước hết, cần phải tránh xa tác giả. Chỉ có một đầu mối duy nhất cần được tiếp cận: tác phẩm. Bởi, trong nghệ thuật, chỉ tác phẩm mới thực sự tồn tại. Tác phẩm "nói lên". Và, sự "nói lên" này, trong phần lớn trường hợp, vượt khỏi tầm kiểm soát của tác giả. Giữa ý thức tác giả và tác phẩm bao giờ cũng có một khoảng cách. Ðiều này có nguyên do. Ðành rằng, tác giả là người tạo ra tác phẩm, nhưng chính hắn, lại là sản phẩm của văn hóa, của lịch sử. Có nhiều điều nằm sâu trong tiềm thức, chế định tầm nhìn, cách nhìn và ngôn ngữ của hắn, mà hắn, nếu không thường xuyên phản tỉnh trong ý thức khôi phục và bảo toàn tự do - nhân tính nơi mình sẽ chẳng hề hay biết. Không ít họa sĩ đã thừa nhận, phải rất lâu sau khi sáng tác, hay qua phê bình, mới hiểu được phần nào tác phẩm của chính mình...
Tác phẩm "nói lên", nhưng để "nghe" được nó, quả thực, không phải là chuyện dễ dàng. Nghệ thuật khác nhau ở những vùng văn hóa khác nhau. Và khác nhau qua từng thời đại. Không hề có một tiêu chuẩn chung, một hệ qui chiếu chung, một căn cứ lý thuyết chung nào cho phê bình. Mỗi cái khác, khác nói trên đều c
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn