Truyền thống cần được trẻ hóa
Nhiệm vụ cấp bách của Thơ Việt là phải mở cửa ra năm châu để thở, để chống lại nguy cơ tỉnh lẻ của nền thơ khuất gió.
Một nhà thơ hiện đại, theo tôi, phải là một bộ hành thơ của nền thơ nhân loại. Mình phải đọc thế giới để xem họ tiến đến đâu để khỏi lầm tưởng những bước đã quá khứ của họ là tương lai của mình.
Khi gặp tôi tại Hà Nội, tiến sĩ Bernd có hỏi "Thơ ông ít độc giả, vậy ông nghĩ thế nào về vấn đề truyền thống và hiện đại, dân tộc và thế giới?".
Năm ngoái, một số bạn ở Paris đã hỏi tôi về vấn đề vừa riêng vừa chung này. Tôi xin phép lạm dụng ít thời giờ của các bạn để trả lời vắn tắt: "Một nền thơ thứ thiệt thường bắt đầu thiểu số và chỉ trở thành đa số với thời gian" như vì sao tắt ngàn năm tấc lòng giờ mới thông tin sáng.
Truyền thống là cần, nhưng tạo ra những truyền thống mới còn cần hơn. Một truyền thống không được trẻ hóa là một truyền thống chết.
Mong muốn sâu xa của người làm thơ hiện đại là tổ chức lễ Giáng sinh mình cùng với ngày lễ Phục sinh của ông cha. Trung thành với cổ nhân là làm khác họ như họ từng làm khác những thế hệ trước để lập ngôn.
Dân tộc và thế giới là hai mặt của cùng một vấn đề. Thế giới mà không dân tộc, thơ sẽ trở thành lai căng và trước sau rồi cũng sẽ tàn lụi vì mất gốc.
Dân tộc mà không thế giới, thơ có nguy cơ suy thoái thành những nền thơ thổ dân sống lay lắt trong những vùng bảo hộ heo hút.
Cách tân với một nhà thơ trẻ đã khó.
Cách tân với một nhà thơ già lại càng khó.
Con đường cách tân nhiều lúc hình như quá lạnh lẽo, cô đơn, quá mỏi chân với một người già.
Xin các bạn hãy cầu Thượng Đế phù hộ cho tôi.
Bản sắc dân tộc
... Trường kỳ hỏi nước tìm nguồn
Sản xuất ra một khái niệm thỏa đáng là một điều kiện cần chưa phải điều kiện đủ.
Một khái niệm không được xác định có nguy cơ trở thành một huyền thoại.
Theo lý thuyết một khái niệm phát ra, nếu không được nuôi dưỡng, với thời gian sẽ tiêu hao thông tin và có thể trở thành "tiếng động".
Ít lâu nay trên các phương tiện thông tin đại chúng trong lúc nhận xét một số công trình văn học nghệ thuật hình như đã chớm có dấu hiệu lạm phát khái niệm phong phú bản sắc dân tộc mà nhiều khi cả người phát lẫn người tiếp thu chẳng rõ mặt mũi, mô tê ra sao.
Các nhà lý luận cần phải sớm phỏng dựng chân dung bản sắc nói trên càng chi tiết càng tốt.
Không một thẻ căn cước của bất kỳ công dân nào mà lại, có thể đơn giản ghi ở mục đặc điểm: phong phú bản sắc dân tộc.
Bản sắc dân tộc không phải một thứ tiền sẵn trong kho, lúc cần cứ việc rút ra tiêu trước, càng hiện đại thì lại càng phát hiện được bản sắc dân tộc một cách đầy đủ hơn, phong phú hơn.
Đã có một thời dư luận đánh đổ đồng những hoạt động tâm linh của dân tộc vào phạm trù duy tâm thậm chí mê tín - Với đà hiện đại hóa, một số hoạt động tâm linh (nó là một bộ phận không thể thiếu trong bản sắc dân tộc) đã được chú ý, phục hồi và quan trọng hơn nữa, được nghiên cứu.
Tiếp thu bản sắc dân tộc không phải một chuyển giao thụ động mà một quá trình phát hiện gạn đục khơi trong, một quá trình trẻ hóa và trường kỳ đổi mới.
Nói về thơ, Thể lục bát là một trong nhiều truyền thống chứ không phải truyền thống duy nhất của thơ Việt. Quốc âm thi tập Nguyễn Trãi, thơ Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến có lục bát đâu mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
Uống nước nhớ nguồn là một truyền thống hay.
Con hơn cha nhà có phúc cũng hay không kém.
Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Và cánh dùng để bay.
Tôi hay những truyền thống bay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh