Tính thời đại trong nghệ thuật

04:31 CH @ Thứ Ba - 11 Tháng Mười Một, 2008

Một trong những yêu cầu của nghệ thuật là phản ánh được tính thời đại nơi đã sinh ra nền nghệ thuật ấy.

Tính thời đại là tính đặc trưng của quá trình phát triển và tồn tại trong một khung thời gian nhất định của một dân tộc trong những sự kiện lịch sử riêng biệt cụ thể của dân tộc ấy. Có người cho rằng hiện đại, mô-đéc, tân kỳ diễn ra hoàn toàn độc lập với tính thời đại của xã hội.

Nghệ thuật không thể vì độc lập và cá tính của nghệ sĩ tự cho phép mình để tác phẩm khước từ tính thời đại, nghĩa là tính thực tế của xã hội.

Ngay việc có những trường phái nghệ thuật phủ nhận sự không hợp lý của một thể chế, tác phẩm của họ vẫn phản ánh xã hội, vẫn mang tính thời đại.

Nước Đức là nơi khai sinh nhiều trường phái hội họa đối kháng mạnh mẽ nhất bắt đầu từ những năm 1915-1935, chính vì nước Đức đã lâm vào tình trạng khủng hoảng bế tắc, cần có một giải pháp chính trị hợp lý và triệt để? Việc xuất hiện những trường phái hội họa tại Đức không phải là do cá tính, tính đa dạng của các họa sĩ ở những nhóm Die Brucke và Der Blaue Reiter mà chính do sự chuyển động của xã hội Đức đương thời, tác nhân chính của những biến động kinh tế, chính trị xã hội đưa đến những khủng hoảng tư tưởng, văn học, nghệ thuật của nước Đức.

Từ việc Napoléon chiếm đóng nước Đức, chế độ Bismarck chuyên chính dẫn đến đàn áp tôn giáo (Kultur-Kampf), Hoàng đế Guillaume II mở rộng chiến tranh thuộc địa, đồng thời chủ trương đế cao “xu thế dân tộc”, đã đưa đến chiến tranh thế giới thứ nhất, Đức bại trận, mất các thuộc địa cùng vùng đất Alasce Lorraine. Chính phủ Weimar đàn áp các phong trào tiến bộ Spartakisme (1919) và vụ lạm phát năm 1923-1925 đã đẩy nhân dân Đức vào con đường cùng cực đói khổ.

Những nhà tư tưởng lớn của Đức xuất hiện, trong đó có Karl-Liebknecht, có Rosa-Luxembourg, tác động đến giới trí thức đương thời. Tính đối kháng trong hội họa Đức phát sinh từ tính thời đại của lịch sử, của dân tộc Đức, không hề giống ở Pháp, ở Bỉ, ở Italia, ở Anh, mặc dù các nước này cũng đang lâm vào những khủng hoảng và cũng có nhiều trường phái hội họa đối kháng.

Như vậy không nên xem sự phản ứng bằng họi họa là một khuôn mẫu thống nhất; giống nhau để có thể sao chép, bắt chước, dựa dẫm, lấy của người làm của mình.

Ngay nước Pháp trong những năm đầy biến động (1789-1799), tính thời đại Pháp cũng vẫn là tính đặc thù của nhân dân Pháp, do đó nền nghệ thuật của Pháp không hề giống của Đức và của các nước cùng thời ở châu Âu.

Trước cuộc cách mạng 1789, xu hướng nghệ thuật của Pháp là tìm cái mới trong Cổ Hy Lạp - La Mã. Giới trí thức và nghệ thuật Pháp đã thấm nhuần triết học to lớn của các thế kỷ XVII, XVII đầy tính nhân văn và dân chủ.

Về thẩm mỹ học có Joseph Marie Vien (1768-1809), có Winckelman (1717-1768), có Quatriéme de Quincy (1755-1768), những lý luận gia, những triết gia chủ trương hướng nghệ thuật Pháp đến Néo-Classique.

Nhận thức đầy đủ về một nền mỹ học lý tưởng (le Beau-idéal), hội họa Pháp đã qua được cơn sóng gió của những năm 1789-1790. Đời sống nghệ thuật ở Pháp dưới Đế chế Napoléon vẫn không thể tách khỏi ảnh hưởng của cuộc cách mạng 1789 và nhờ sự cân bằng xã hội của cuộc cách mạng dân chủ ấy để có những đà nhảy vọt vươn lên những thành đạt mới của tân Đế chế.

Nghệ thuật và hội họa Pháp luôn luôn chịu tác động của thời đại bang hướng đến những đỉnh cao, nên trường phái Tân-Cổ điển Néo-Classique có cơ hội phục vụ cách mạng bằng những đề tài lịch sử La Mã

Năm 1799, Guérin đã có bức tranh Marcus-Sextus, người đốc sứ bị lưu đày do mâu thuẫn giữa hai chính khách Sylla và Marius trở về với quê hương; bức tranh có tác động rất lớn đối với thời Cuộc nước Pháp bang có những đợt người bỏ nước đi di tản(les émigrés).

Jean Louis David (1748-1825) đã nhiệt tình tổ chức và trang trí ngày lễ Tự do (Fête de la Liberté, 15/4/1972) và giành ra 4 năm vẽ bức Les Sabines đề tài lấy ra từ lịch sử La Mã: những phụ nữ Sabin đã bị bắt làm vợ những người La Mã kêu gọi hoà giải giữa dân Romain và dân Sabin.

Les Sabines

Bức tranh ra đời trong tình hình nước Pháp đang bị những vết thương chính kiến làm rớm máu trái tim người dân Pháp. Bức tranh như một lời kêu gọi hoà giải, nhân ái trong một xã hội vẫn còn âm vang tiếng rít của máy chém trong những ngày khủng bố (terreur 1792-1793-1794).

Trong tình hình chính trị sôi động ở Pháp, có những thay đổi lớn về cơ cấu tổ chức, từ việc phá nhà ngục Bastille, tuyên ngôn nhân quyền, xử tử vua Louis XVI, Bonaparte được cừ làm tổng tài, v.v… Hội họa Pháp vẫn không có gì thay đổi lớn cả về hình thức lẫn cách biểu hiện, vẫn giữ phong cách của École Francaise XVIII, có Watteau, Boucher, Quintin de la Tour, Chardin, Fragonard, Greuze, Prud'hon với tiếng vọng của thế kỷ XVII có Claude Lorrain, George de la Tour, Louis le Nain, Poussin. . . vẫn còn quá lớn.

Đến ngày 9/11/1799 Bonaparte thành lập chế độ Tống tài, không khí cách mạng Pháp thoái trào, hoàn toàn chấm dứt, thì nền hội họa Pháp mới có những thay đổi cơ bản.

Do ảnh hưởng của hai nhân vật họa sỹ David và Hoàng đế Napoléon, hội họa Tân-Cổ điển đã chính thức trở thành nền hội họa của Pháp. Hoàng đế Napoléon thấy được khả năng của trường phái Tân cổ điển có thể tôn vinh ý đồ “Hoàng đế theo phong cách La Mã” của mình, nên đã thu gom và nắm gọn giới hội họa Pháp trong tay mình.

Bonaparte au Pont d’Arcole

Riêng Le Gros đã được tiếp xúc với Bonaparte ở Milan, khâm phục tính dũng cảm gan dạ của vị anh hùng trẻ tuổi này trong chiến dịch Italia, đã sáng tác tranh Bonaparte au Pont d’Arcole (Bonaparte trên cầu Arcole) nhân vật anh hùng đầu tiên chính thức bước vào đề tài tráng ca của hội họa đương thời Pháp.

Napoléon cũng vì mưu toan cá nhân, nhưng cũng là người đọc nhiều, có một kiến thức văn hoá rộng, nên cũng muốn tự mình trở thành một mécêne thời đại và tạo điều kiện để các hoạ sĩ làm việc; ông đặt sáng tác những tranh lớn, phong tước vị cho các họa sĩ… Những sáng tác thời đế chế Napoléon đều vừa có tính hiện thực vừa có tính hư cấu, như tranh David vẽ năm 1801 (Bonaparte franchissant les Alpes au Grand-Saint Bernard). Tranh Les Sacre (Lễ trao vương miện), La Remise des Aigles (Lễ trao cờ), tranh Girodet vẽ Napoléon nhận chìa khoá thành Vienne, tranh Gérard vẽ Lễ kí kết thoả ước giữa Giáo hoàng Pierre VII với Bonaparte, đặc biệt là tranh Les Pestiféré de Jaffa, Napoléon đặt Le Gros vẽ vào năm 1804 (thăm trại quân nhân bị bệnh dịch hạch)

Trong tranh Le Gros vẽ Napoléon đưa tay (không đeo găng) nắn vào nhọt hạch của một quân nhân. Việc ấy không có thực nhưng điều hư cấu ấy đã gây được lòng tin trong quân nhân Pháp, vì sau những trận thất bại ở Ai Cập, ở Aboukir, ở Eylau, Napoléon lo sợ uy tín mình bị sa sút.

Điều đáng ngạc nhiên là hội họa Pháp ngày ấy không thấy có nét khủng khoảng. Chỉ đến lúc nền kinh tế công nghiệp ảnh hưởng sâu sắc đến nhịp độ cuộc sống xã hội, tạo ra một cái nhìn mới vế những mâu thuẫn đối kháng những cuộc chiến tranh tàn khốc, khủng hoảng có tính toàn cầu, tiếng nói của hội họa mới có những thay đổi cơ bản.

Các trường phái không còn chỉ là khái niệm về cái đẹp, mà còn là yêu cầu phá bỏ những thể chế bất công, những giai cấp bóc lột… Trường phái Dada (dadaisme, 1916-22) không chỉ nhằm cái đẹp thay đổi cái đẹp, mà còn sử dụng màu sắc, bố cục, bút pháp nhằm vào một mục đích đấu tranh đòi phải có cuộc đảo lộn trật tự xã hội, cần tiến hành sự lật đổ. Dada cho rằng trước khi có cái đẹp phải có sự công bằng, hợp lý xã hội.

Tuyên ngôn của Dada năm 1915 cho rằng: Nghệ thuật là một điều dại dột ngu ngốc (L’art est une sottise). Những điều mọi người trông thấy là không thật, giả dối (Tout ce qu’on regarde est faux). Tư tưởng chỉ là điều nói ở miệng (La pensée se fait dans la bouche).

Do đó thái độ hội hoạ của các trường phái mới không chỉ đơn thuần đi tìm cái mới bằng cách phá bỏ quy cách biểu hiện (valeur logique) mà còn phủ nhận những nền nghệ thuật phụng thờ những điều không hợp lý (l’art au culte du irrationnel) trong xã hội đương thời. Cụ thể nhóm Zébre thành lập ở Hambourg bởi Dietmar Ulbrich với tuvên ngôn: Con ngựa lằn là biểu tượng của chúng tôi vì vì con ngựa vằn không mấy ai thuần hóa được(Le zébra est notre animal, parce qu’il ne s'apprivoise pas). Vì thế, không nên xem việc đi tìm một hướng mới cho nghệ thuật là một việc làm độc lập, tự phát mà phải thấy rằng bất cứ cái đẹp nào cũng gắn liền và hữu hiệu với sự tồn tại của thời đại.

Tây Ban Nha có Goya. Trong Les Caprices và nhất là trong Les désastres de la guerre (những thảm họa của chiến tranh), Goya đã tố cáo những tội ác của quân đội Napoléon ở Tây Ban Nha. Trong tranh Goya không thấy những xu hướng đối kháng bằng cách thoát ly những xu hướng hội họa.

Les désastres de la guerre

Ở Pháp họa sĩ Daumier, người họa sĩ đầu tiên đã phải lãnh án 6 tháng tù chỉ vì vẽ chân dung vua Louis Philippe một cách bất kính (une caricatưre irrévérencieuse, 1832). Từ đó Daumier gắn đời mình vào những đời sống gian khổ của nhân dân Pháp, đi sâu vào nền hội họa đả kích bọn tham quan.

Ở mỗi con người nghệ sĩ đều mang dấu ấn rõ nét của thời đại nếu người ấy biết thở hơi thở của thời đại. Nhìn lại lịch sử của từng dân tộc sẽ thấy nét đặc thù văn hoá của dân tộc ấy mang đậm nét đặc trưng của tính thời đại.

Tính thời đại do nhiều tác nhân nhưng vai trò lãnh đạo chính là nhân tố ảnh hưởng lớn đến tính thời đại của dân tộc ấy.

Lịch sử nhân loại vẫn điểm danh các thời đại bằng tên của những vua, lãnh tụ đứng đầu nền văn minh hưng thịnh của dân tộc ấy như thời đại Cyrus đại đế của Ba Tư, thời đại Aménophis của Ai Cập, Louis (XIV) của Pháp, thời đại Nga hoàng Đại đế Pierre đệ Nhất, thời đại Lênin Nga Xô Viết, thời đại Càn Long nhà Thanh.

Nhân loại là một cộng đồng gồm nhiều vĩ nhân thay tay nhau hoàn thành những kỳ tích trên hành tinh được ghi lại thành hai thể loại: Sử liệu và huyền thoại.
Sử liệu là của các triều đại, chính quyền, huyền thoại là của các tâm hồn, trái tim của nhân dân, của dân tộc.

Lịch sử từ Đông sang Tây của các dân tộc đều ít nhiều từ sự thật chuyển thành huyền thoại mang tính nghệ thuật. Victor Hugo trong bài tựa tác phẩm Légende des siecles (Huyền thoại của các thế kỷ) xác nhận: lịch sử được nghe qua cửa huyền thoại (C'est l' histoisre écoutee aux portes de la légende).

Huyền thoại dễ đi vào tâm linh và tiềm thức con người hơn là một trang sử. Mặc dù đã đi vào huyền thoại, các truyện kể vẫn còn nhắc lại các tư liệu niên đại lịch sử, ví dụ con ngựa sắt của Phù Đổng, bụi tre nhổ lên làm vũ khí đánh địch thì giống tre ấy nay vẫn còn, vó ngựa chạy qua cánh đồng nay còn lưu lại những hố sâu, giặc Ân có thế là một bộ tộc Lô Lô thuộc vùng Vân Nam Trung Hoa. Có những từ dùng riêng cho huyền thoại như “chết” biến thành “hóa” hoặc “thăng”, thậm chí cả “về trời” - đi lên trời để khước từ phần thưởng của vương triều đương thời cho các công trạng to lớn của nhân vật.

Do đó, nghệ thuật dù ở trạng thái nào vẫn không khước từ tính thực tế xã hội, và luôn luôn mang tính thời đại, nơi xuất xứ của nền nghệ thuật ấy.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cái đẹp muôn hình muôn vẻ

    10/11/2014Văn NgọcTạo hóa (hay Nghệ thuật?) oai oăm thay, bày đặt ra cái đẹp, nhưng lại không cho biết cái chìa khóa của nó nằm ở đâu, sự vận động của nó như thế nào? Vậy thì trước tiên, ta cần xem xét xem ý niệm đẹp từ đâu mà có và làm sao nắm bắt được nó?
  • Hội họa của nỗi u hoài

    11/11/2008Diên VỹHọa sĩ Thái Tuấn, một gương mặt lớn của hội họa Sài Gòn, đã ra đi vĩnh viễn ngày 26/09 vừa qua trong căn nhà nhỏ ông đã sống và vẽ từ khi rời Hà Nội vào Nam năm 1954.
  • Nghệ thuật – tiếng nói của lịch sử con người (*)

    08/11/2008Trần DuyKhi con người nguyên thuỷ biết vẽ là loài người đã biết khẳng định sự tư duy của mình, biết phối hợp chân tay và đôi mắt có nghĩa là đã có một ý thức rõ về vũ trụ của mình. Và cũng từ lúc loài người biết lấy hang đá làm nơi ở thì “kiến trúc thích nghi với thiên nhiên” ấy đã có tranh vẽ của người tiền sử cách đây 40 nghìn năm.
  • Ghi chú về nghệ thuật

    25/10/2008Nguyễn QuânTâm trí tôi như một vùng đồi núi hoang vắng rộng rãi nhưng cũng chật hẹp vì không có cơ cấu hạ tầng của xã hội hiện đại. Sự học hành của tôi không cho phép mở những con đường lớn vào khoa học. Tuy vậy tôi cũng đã lần mò ở mọi ngõ ngách của các lĩnh vực và các ngành khoa học qua những cuốn sách dày, mỏng, Đông, Tây, cứ ngẫu nhiên rơi xuống tay mình...
  • Vài suy nghĩ về Đương đại trong mỹ thuật Việt Nam

    20/09/2006Vương Duy BiênKhoảnh khắc chuyển giao thiên niên kỷ đầy biến động được báo trướcở nhiều lĩnh vực như kỹ thuật văn hoá, xãhội, khoa học và công nghệ... người ta hy vọng mỗi lĩnhvực đều có những bước ngoặt đầy táo bạo, đột phá, vượttrội... và trong Mỹ thuật cũng vậy, suốt thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI này, người ta đều có thể thấy ở cácgiai đoạn: Từ Mỹ thuật dân gian đến Mỹ thuật Đông Dương rồi Mỹ thuật hiện đại Việt Nam trong và sau chiến tranh đếnnay... đều có những thành tựu và dấu ấn đáng ghi nhận. Có thểđi đến một nhận xét “chủ quan": NềnMỹ thuật Việt Namtừ cổ đếnkim, đang phát triển đúng quy luật chung: từ dân gian đến chính thống và đến nay phát triển phong phú, đa dạng và hội nhập nhanh chóng.
  • Về đặc trưng của chân lý nghệ thuật và tính đặc thù trong sự tiếp cận nó

    21/05/2006TS. Nguyễn Văn HuyênThực chất quan điểm giá trị học hiện đại và cũng là quan điểm phổ biến hiện nay muốn nhấn mạnh rằng, khoa học gắn liền với chân lý, còn nghệ thuật gắn liền với giá trị, cái mà thiếu nó, loài người không thể trở nên văn minh, tiến bộ.
  • Nghệ thuật là gì?

    15/02/2006Nguyễn Đình ĐăngCâu hỏi Nghệ thuật là gì? kéo theo luôn hai câu hỏi khác: Cái đẹp là gì?Họa sĩ là ai?. Tổng quan 3 bài viết của Bart Rosier [1], Joseph A. Goguen [2]và Lev Tolstoy [3] chỉ nhằm làm sáng tỏ một phần những vấn đề tuy không mới nhưng vẫn rất nan giải đó...
  • Tâm tư nghệ thuật của Xuân Phái

    29/09/2005Trần Hậu TuấnBùi Xuân Phái là một trong số ít những họa sĩ Việt Nam, ngoài xây dựng hệ thống tư liệu vẽ cẩn thận còn liên tục ghi nhật ký. Những gì ông viết chỉ là suy tưởng riêng của bản thân, song tất cả đều toát lên những trăn trở về nghệ thuật, những suy tư để làm sao vẽ cho đẹp hơn, đi gần đến bản chất nghệ thuật hơn...
  • Phê bình mỹ thuật Việt Nam

    14/06/2005Nguyên Hưng
  • Họa sĩ THANH TRÍ : giữa thế giới sắc màu tâm ảnh

    24/05/2005Mỹ thuật là nghệ thuật của cái đẹp và họa sĩ là người đem những sắc màu và cảm xúc từ trong tâm thức của chính mình để sáng tạo thế giới: Một thế giới mang tính tượng trưng vừa hiện thực, vừa mơ mộng của cái đẹp.  Do đó, mỗi tác phẩm hội họa là một vũ trụ thu nhỏ tâm ảnh của người họa sĩ.  Mỗi họa phẩm là một mảnh tâm hồn của họa sĩ.  Màu sắc, đường nét, bố cục của mỗi bức tranh, do đó, vừa mang tính khách quan của thế giới hình tướng nhưng cũng vừa mang tính chủ quan sáng tạo của người nghệ sĩ...
  • xem toàn bộ