Giáo dục phải biết lường trước được những vấn đề của thời đại
Một ông già tinh anh, tràn đầy nhiệt huyết và say sưa khi nói về trẻ em, về giáo dục. Đó là những ấn tượng đầu tiên dễ dàng nhận thấy ở giáo sư, nhà tâm lý học Hồ Ngọc Đại. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, không ít người coi ông là kiêu căng, gàn dở, vì ở đâu, lúc nào, ông lúc nào cũng nói về mỗi chuyện giáo dục với ý nguyện làm sao thay đổi được những tư tưởng lạc hậu việc dạy và học của trẻ em mà ông tóm gọn trong hai từ: Cách và Cái.
Học “Cái gì?” và học bằng “Cách nào?”. Tháng 3/2010, Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh – một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận do một nhóm các nhà tri thức lập ra- trao giải thưởng giáo dục cho ông. Cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra ngay trước buổi chiều ông tham gia diễn đàn về hiện tượng thời gian gần đây có nhiều vụ trẻ em đánh nhau ở nhà trường, diễn đàn trên VTV6- kênh truyền hình cho giới trẻ. Ông vào ngay chuyện:
Tôi cho rằng phải tìm sai lầm của trẻ em ở bên ngoài trẻ em, tức là trong người lớn, trong mỗi chúng ta, trong giáo dục, trong xã hội, chứ không thể chỉ lên án các em. Từ thế kỷ XX trở về trước như K. Marx nói: “Các cá nhân hao hao nhau như những củ khoai tây”. Vì vậy nó có các tổ chức đồng loạt, cho cả một số đông. Người lớn và trẻ con cho chênh nhau về thời gian thôi. Cái hôm nay người lớn có, ngày mai trẻ em sẽ có. Nhưng các cá nhân trong xã hội hiện đại khác nhau như cái xẻng và cái máy xúc. Vì vậy thế hệ trẻ có những thứ mà thế hệ cha ông họ chưa bao giờ có có. Thế cho nên xã hội ngày xưa ổn định đến mức trì trệ và phù hợp với những điều răn dậy kiểu như “Noi gương các vị tiền bồi, các vị thánh hiền”. Nhưng những điều đó không còn phù hợp với xã hội hiện đại nữa, bởi xã hội mới đặt ra những vấn đe hoàn toàn mới, chưa hề có. Do vậy, việc giáo dục trẻ cũng phải đổi mới từ quan niệm vô đạo đức lẫn cách cư xử. Một nền giáo dục không biết đi trước, lường trước những điều đó, mà cứ níu kẻo thế hệ trẻ thế sẽ bị chính thế hệ trẻ phá. Đó là một sự phản ứng tất yếu đối với một nền giáo dục cũ. Những cái tốt theo chuẩn cũ cũng không còn phù hợp nữa...
Ông có thể nói rõ hơn về sự không phù hợp ấy?
Ngày xưa, trẻ em soi vào người lớn để thấy cuộc đời, nhưng ngày nay soi vào trẻ em thì thấy người lớn. Tất cả mọi hành vi cư xử của người lớn đối với nhau như thế nào đều được tự cảm nhận và thể hiện theo cách riêng của chúng. Trong cách cư xử của con người bao giờ cũng là sự tổng hợp của ba yếu tố: lý trí, tình cảm và lòng tin (đức tin). Ba điều đó hiện nay đều không có ở đại bộ phận trẻ em: Trẻ em không còn (hoặc rất ít) tin và tôn trọng người lớn, lý trí của các em chưa đủ sức phân biệt người lớn nào là tốt, người nào là xấu. Nếu nhìn một cách sâu xa như thế sẽ thấy hành động của chúng (đánh nhau, chà đạp nhau) đáng thương hơn là đáng giận. Trẻ con yêu ai ghét ai là do bản thân trẻ chứ không thể ép buộc được. Người lớn là một đại lượng đã biết, anh có gì thì đã có, nay mai có thêm cái gì là vô nghĩa bởi vì cái chất (nhân cách) đã xong rồi, còn trẻ em là một đại lượng còn bỏ ngỏ, còn đợi cả một quá trình hình thành và phát triển về nhân cách, mà sự hình thành ấy phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố xã hội – vốn đang thay đổi mãnh liệt hằng ngày, hằng giờ. Do vậy, lấy chuẩn của người lớn áp đặt cho trẻ con là không đúng. Đó là hệ quả tất yếu của thời đại và cũng là thách thức đối với người lớn.
Nhưng dường như chúng ta vẫn có thói quen, người lớn bao giờ cũng (tự cho mình) đúng, còn trẻ em thì vẫn nghi hoặc về tính đúng đắn ấy ở người lớn cũng như những điều chúng cho là phải…
Đấy, trì trệ là ở chỗ đó, đó là tư tưởng của số đông. Có cá nhân nào đó bứt phá lên được thì cũng khó lòng mà làm thay đổi ngay được số đông đó.
Ông có cho mình là một cá nhân bứt phá lên được không, khi suốt cả mấy chục năm qua ông vẫn kiên trì đi theo đường lối giáo dục của mình?
Không có ai đi trước thời đại cả. Ai cũng là con đẻ của thời đại, là sản phẩm của thời đại. Có thể có một số người “ngoi” lên khỏi được đám đông là bởi vì người ta cảm được, tin và đi theo xu hướng của thời đại. Nói riêng trong lĩnh vực giáo dục, tôi là một trong những người “ngoi” lên được khỏi đám đông ấy và làm được những gì mình cho là đúng.
Nhưng có một sự thật là không ít người đã nghĩ ( và cả trên thực tế nữa) đường lối giáo dục mà ông đã bảo vệ luận án tiến sĩ ở Trường đại học Lomonossov ấy chỉ đúng trong phòng thí nghiệm, trong một nhóm nhỏ mang tính “thực nghiệm”, chứ không thể có tham vọng áp dụng đại trà được?
Ấy là người ta không muốn áp dụng đấy thôi. Đã từng có lúc phương pháp giáo dục của tôi (gọi là Công nghệ giáo dục được áp dụng tương đối rộng rãi, thậm chí Nhà nước đã cho mở lên đến cả ba cấp học ở Trường Thực nghiệm. Sau rất nhiều lần “Có – Không” áp dụng, năm học l999- 2000 đã có 43 tỉnh, thành với hàng ngàn trường, hàng vạn giáo viên và hàng chục vạn học sinh tiếp nhận Công nghệ giáo dục. Nhưng ngay năm học sau đó, có nghị quyết cả nước chỉ dùng một bộ sách giáo khoa duy nhất, thế là phương án Công nghệ giáo dục lại bị “bóp mũi cho chết”. Nhưng từ năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT lại cho đưa phương án công nghệ giáo dục, môn tiếng Việt lớp Một về với học sinh dân tộc thiểu số dọc biên giới ba Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ), cho 6.000 học sinh. Năm học sau, 2009- 2010, con số này đã lên đến 15.000.
Cụ thể Công nghệ giáo dục là như thế nào, thưa ông?
Mục tiêu giáo dục của ta là 100% trẻ nhỏ được đến trường, đúng không nào? Vậy thì công nghệ giáo dục trong nền giáo dục cho 100% dân cư, có cốt lõi là một quy trình hình thành khái niệm. Không lấy người dạy và việc dạy làm trung tâm, mà phải lấy trẻ em và việc học làm trung tâm, lấy hạnh phúc của trẻ em làm lẽ sống. Đó mới là sự thay đổi cơ bản, để từ đó tìm xem trẻ em đến trường phải học cái gì và học bằng cách nào. Nguyên lý này đề ra những câu hỏi lớn kéo theo, chủ yếu xoay quanh vai trò của người thầy giáo và công việc đào tạo giáo viên. Đó mới là cái cách đổi mới triệt để để đảm bảo lợi ích cơ bản nhất của trẻ em: “Đi học là hạnh phúc”; “Mỗi ngày tới trường náo nức một ngày vui” và “Học gì được đấy, học đâu chắc đấy”. Và muốn được như vậy thì phải thay đổi cách làm từ chỗ “Thầy giảng giải- Trò ghi nhớ” chuyển thành “Thầy thiết kế- Trò thi công”. Ví dụ cụ thể hơn: Cả hệ thống giáo dục từ tiểu học lên đại học, người ta không dạy cho trẻ em hệ đếm, nhưng tôi dạy từ lớp 1. Hệ đếm là thế nào? Hiện nay người ta vẫn quen đếm số tự nhiên 1, 2, 3… 7, 8, 9, 10. Thế tại sao không là 1, 2, 10 hay 1, 2, 3, l0. Thì từ ngàn đời nay người ta đếm như thế. Nhưng tại sao ngàn đời nay người ta đếm như thế? Thì ngàn đời nay đếm như thế, không có lý gì cả. Và trẻ con cũng quen thói tư duy như thế và tưởng đó là điều đúng duy nhất chứ không hiểu đó chỉ là một phương án. Tư duy hiện đại phải hiểu, cái đang có trước mắt chỉ là một phương án, chứ không phải là duy nhất…
Thế còn tình trạng giáo dục hiện nay, thưa ông?
Nền giáo dục đại trà hiện hành, về bản chất, vốn là nền giáo dục cho 5% dân cư. Và phải chịu tác động bằng sức mạnh vật chất của cuộc sống thực, người ta buộc phải tìm cách “đổi mới” để thích nghi. Ngặt nỗi, với cách làm ấy, dù có gọi là gì gì đi nữa: đổi mới, cải cách, chấn hưng… thì quanh đi quẩn lại chỉ nhằm cải tiến cái hiện có, theo cách cải tiến cày chìa vôi. Dẫu có làm bắp cày bằng vàng ròng, lưỡi cày bằng ti-tan thì cũng không hề động chạm đến khái niệm (bản chất) của nó, vẫn chỉ là cày chìa vôi. Một sự sang trọng tốn tiền vô ích. Ở thế kỷ XVIII, 5% dân cư không đi học vẫn sống bình thường, nhưng chỉ để được sống bình thường ở thế kỷ XXI thì cả 100% dân cư phải đi học. Nền giáo dục cho 5% dân cư thì (theo triết học) nhà trường là nơi chuẩn bị cho học sinh vào đời, cụ thể là chuẩn bị làm quan hay tìm cơ hội ngoi lên, thoát khỏi cuộc sống thực của chính mình. Nền giáo dục cho 100% dân cư thì (theo triết học) nhà trường là nơi học sinh đang sống cuộc sống thực của chính mình, sống với những hạnh phúc thực, sống với những hạnh phúc thực hay đau khổ ngay bây giờ, ngay ngày hôm nay.
Thời trước chỉ có 5% dân cư đi học, nếu chẳng may cả 5% ấy thất bại (ví dụ, thi trượt) thì 95% còn lại vẫn làm ăn sinh sống bình thường, họ tự nuôi sống mình và nuôi không số 5% kia. Nay nền giáo dục cho 100% thất bạ thì còn trông cậy vào ai. Cả dân tộc sẽ khốn đốn, đất nước sẽ lụi bại. Do vậy, không thể loay hoay mãi với câu hỏi “Có nên thay cày chìa vôi bằng máy cày?”.
Nghe ông nói thì có vẻ như như những ngành giáo dục nỗ lực trong suốt những năm qua không mang lại mấy hiệu quả…
Tất nhiên, có lao động, có đầu tư thì cũng phải có những kết quả nhất định. Ít nhất là nó cũng làm cho văn hóa được phổ biến, tri thức được nhân rộng ra, số người đến với giáo dục nhiều hơn… Nhưng dù sao nó vẫn không xứng đáng với dân tộc này, không xứng đáng với số tiền bỏ ra, không xứng đáng với công sức và hy vọng của mọi người. Tại sao ư? Việt Nam đích thực là một đất nước vĩ đại. Khi cần, chỉ một tiếng gọi của Tổ quốc là người ta sẵn sàng đi theo, hy sinh cả gia đình, con cái, tài sản đẩ đi theo. Có dân tộc nào mà có nhiều bà mẹ có đến hai, bốn… thậm chí bảy người con hy sinh vì Tổ quốc. Một đất nước như thế mà không có một nền giáo dục xứng đáng… Đề án giáo dục của nước ta còn có chỗ sai và tệ hại ở chỗ: Cả một thế hệ thanh niên bỏ tuổi trẻ của mình để đi cứu nước đã không có một chính sách nào cho họ, không cho họ có cơ hội để bù đắp lại những tri thức bị thiếu hụt trong thời chiến. Đáng lẽ nền giáo dục ấy phải lo cho cả lớp trẻ bắt đầu lớn lên lẫn lớp thanh niên từ chiến trường về. Thực tế cho thấy, lớp thanh niên ấy phải xoay xở khó nhọc như thế nào trong cuộc sống để tồn tại trong tâm thế chưa được trang bị đầy đủ kiến thức.
Nhưng thưa ông, ngay cả ở Liên Xô- nơi phương pháp giáo dục của ông đã được hội đồng các nhà khoa học uy tín công nhận, cả lý thuyết lẫn thực tiễn- cũng không được áp dụng rộng rãi…
Khác với nước ta, những người làm khoa học ở đó thường chỉ đưa ra những tư tưởng mới, phương pháp mới. Nhưng việc đưa vào cuộc sống lại là nhiệm vụ của người khác. Theo họ, khi nhân rộng mô hình đã được thực nghiệm ra nếu phải hạ thấp tiêu chuẩn thì có nghĩa là thất bại. Còn nếu vẫn giữ ở trình độ cao, thì người ta không theo được, cũng là thất bại. Còn bản thân tôi, nếu chỉ dừng ở mức nghiên cứu và lấy bằng tiến sĩ thôi thì cũng chẳng có chuyện gì. Nhưng như thế lại không phải là Hồ Ngọc Đại mất rồi. Tôi muốn thành quả nghiên cứu của tôi phải cho số đông hưởng.
Vậy trong quá trình phổ biến ấy, ông đã thấy chỗ nào bất ổn chưa? Thực tế có theo kịp lý thuyết không, hay lý thuyết phải hạ thấp tiêu chuẩn.
Đương nhiên là có sai sót chứ. Nhưng nếu cứ sợ sai sót mà không làm thì đến bao giờ mới bắt đầu. Vấ đề là về cơ bản, tư duy của người dạy và người học đã được thay đổi ở những nơi có triển khai phương án Công nghệ giáo dục. Tôi cũng không có tham vọng phổ biến rộng rãi ngay, mà phải đi từng bước (ba bước chắc ăn: Trung ương, địa phương, đại trà), không bao giờ được đánh cược, làm liều với số phận của số đông!
Ngoài việc đưa Công nghệ giáo dục, môn tiếng Việt lớp Một ở các tỉnh “ba Tây” nói trên, cho đến nay, đã có chít tác động nhỏ nào đến giáo dục hiện hành không, thưa ông?
Ai cũng thấy, tất cả những chương trình cải cách giáo dục ở ta hiện nay đã thấp thoáng đâu đó ý tưởng của tôi, dù không dám công nhận là làm theo Giải pháp Công nghệ giáo dục. Nhưng như thế cũng đã là mừng lắm rồi vì tư tưởng của tôi để đến được với những người làm nghề (dù rằng nhiều cách khác nhau), đến với trẻ em.
Nhưng cuộc sống luôn vận động, phương pháp của ông đã có từ hơn 30 năm nay, bây giờ liệu có chỗ nào lạc hậu so với thực tế không?
Đúng, chúng ta đang sống một thời đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, thời mà từ thế kỷ XIX, Marx đã dự đoán: Lịch sử vận động với tốc độ một ngày (hiện đại) bằng 20 năm (cổ truyền), nhiều cái chưa kịp mới thì đã cũ. Marx cũng nói rằng các nền kinh tế khác nhau không phải ở chỗ sản xuất ra cái gì mà sản xuất bằng cách nào. Nếu nhìn cụ thể cách làm của Công nghệ giáo dục “Thầy thiết kế - Trò thi công” thì nghiệp vụ sư phạm đưa ra nguyên tắc vàng: Học sinh tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình, nhờ vậy mà trở thành chính mình, thành một cá nhân duy nhất, có một không hai trên hành tinh này. Nguyên tắc vàng ấy cấm đưa đến cho học sinh những sản phẩm làm sẵn, rồi bắt học sinh ghi nhớ. Có như vậy mới có cơ sở để tạo ra những bộ óc sáng tạo. Hiện nay, có thể nói tư tưởng giáo dục có từ thời trẻ trong tôi đã chín hơn, có sức thuyết phục hơn đối với xã hội và ngay cả bản thân mình… Nói đúng hơn, sự chuyển biến của xã hội đã thuyết phục mình rằng hướng đi của mình hoàn toàn đúng.
Nếu cho ông quyền tối cao trong sự nghiệp giáo dục thì ông sẽ làm gì?
Hồi mới về nước, tôi đã viết trong một cuốn sách Dỡ ra, làm lại từ đầu (cuốn sách đã bị thu hồi ngay sau khi phát hành). Nhưng đến giờ, sau hơn 30 năm, tôi xin nói lại ngắn gọn: “Làm từ đầu và làm từ lớp Một”. Những gì đã qua, đã lỡ thì đừng loay hoay sửa chữa nữa. Hãy bắt đầu từ lớp Một, đừng sớm hơn. Tại sao ư? Những năm đầu đời là vô cùng quý giá, hãy để trẻ em được sống với thiên nhiên, để các em có thời gian tối thiểu để quan sát, tưởng tượng những gì đang diễn ra trong thiên nhiên. Hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo thực ra là vì lợi ích của người lớn.
Nghe nói Trung tâm Công nghê giáo dục do ông thành lập ở Hà Nội, qua bao nhiêu thằng trầm, năm học trước bị giải thể?
Vẫn là những chuyện đắn đo giữa quyết định có thay cày chìa vôi bằng máy cày hay không thôi mà. Có lần, một người có trách nhiệm đã bảo tôi: chúng tôi cũng vì nền giáo dục này, nói đúng hơn cũng vì tương lai của nền giáo dục này. Anh cũng vậy. Thế tại sao chúng ta không cùng tìm một phương án tối ưu?”. Tôi bảo: “Đúng, chính tôi cũng tìm phương án tối ưu ấy và đang trình bày với các anh đây…".
Không ít người trong nghề bảo: Hồ Ngọc Đại quá kiêu ngạo! Đã có thời gian (xin lỗi), tên ông bị đọc trệch đi thành “Rồ Ngọc Dại”. Ông có biết không? Cảm giác của ông khi biết được điều đó?
Có nghe, có biết. Tôi chỉ cười khẩy. Mấy kẻ bảo thủ gọi tôi như thế, chấp gì, tầm của họ chỉ để đến ngang đó. Cung có người vừa thương, vừa có ý trách tôi “đường quang không đi, đâm quàng bụi rậm”. Nhưng tôi sợ gì chứ? Tôi chưa bao giờ chịu trách nhiệm trước cấp trên hành chính cả. Nhưng người ấy, dù gì gì đi nữa cũng đến rồi đi, theo nhiệm kỳ. Còn tôi, tôi chịu trách nhiệm đến cùng với những gì mình làm, với đất nước mình, với những đứa trẻ mà tôi dẫn dắt. Hồ Ngọc Đại chỉ là cái tên ước lệ để tiện nhận mặt những sản phẩm làm ra bằng công sức và tấm lòng của cán bộ, giáo viên, nhân viên, cộng tác viên, của học sinh, của cha mẹ học sinh. Một cá nhân sao có thể xây lên tòa tháp đồ sộ đến thế, thế mà tháp ấy người ta vẫn gọi ước lệ là tháp Eiffel đất thôi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015