Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi bằng con đường nào?
Đã ít lâu nay, khi bàn về giáo dục ở nước ta hiện nay, hình như nhiều người thường thống nhất với nhau: Thôi, không nên nói tình hình nữa, tình hình giáo dục, những căn bệnh của giáo dục đang khiến cả xã hội không thể yên tâm, thì ai cũng biết và nhận ra cả rồi. Vấn đề bây giờ là cần tìm giải pháp nào để thay đổi được.
Trước đây tôi cũng nghĩ như vậy; nhưng bây giờ thì tôi thấy có hơi khác. Sau cuộc giải trình và trả lời chất vấn của ông bộ trưởng bộ Giáo dục trong kỳ họp Quốc hội gần đây nhất, chúng ta có thể thấy rõ điều ta vẫn yên trí là vậy hóa ra không phải là vậy. Người đứng đầu ngành giáo dục không hề nhận ra được tình hình nghiêm trọng của giáo dục như ta vẫn tưởng và hy vọng. Theo tinh thần của những điều ông nói trước cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội, thì tình hình cơ bản vẫn là tốt, về cơ bản không có vấn đề gì lớn, tất nhiên có một số điều cần thay đổi, sửa chữa, nhưng đó đều là những điều chi tiết, “báo động” là sai. Ông còn công khai thách thức những người báo động. Vậy thì, tôi nghĩ trước hết vẫn phải nói lại về tình hình, bởi nếu tình hình không có vấn đề thật sự nghiêm trọng, chẳng qua là báo động giả thôi, thì những công việc, những cuộc họp như chúng ta đang làm hôm nay sẽ là vô nghĩa.
Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng có chỗ phải thông cảm với ông bộ trưởng của cái bộ đang thật sự rất khó khăn này. Ông không, ông khó thật sự nhận ra được tình hình (và tất nhiên trách nhiệm của Bộ ông trước tình hình đó) là vì quả thật đây không phải là chuyện riêng của bộ Giáo dục. Như nhiều người có lần đã nói, đúng là giáo dục của chúng ta hiện nay đang có vấn đề trong cả hệ thống của nó, hầu như tất cả các lĩnh vực của nó đều có vấn đề, nó hỏng có tính chất hệ thống chứ không phải cục bộ. Song dầu sao giáo dục cũng là hệ thống con trong hệ thống mẹ, hệ thống con không thể không có vấn đề khi cả hệ thống mẹ có vấn đề. Đây là chuyện rất lớn. Tôi muốn đề cập đến điều này ở đây là với suy nghĩ như sau: không phải tôi muốn ở đây phải nêu ra những vấn đề cơ bản của hệ thống mẹ, mong có thể bàn một cách cơ bản ở đây về những gì đang là vấn đề ở hệ thống ấy. Tôi biết nói và làm việc đó ở đây, bây giờ, là ảo tưởng. Tôi cũng biết, như nhiều người đã nói, tuy giáo dục là hệ thống con trong một hệ thống mẹ bao trùm đang có vấn đề, nhưng không phải khi hệ thống mẹ chưa có chuyển biến thì hệ thống con cứ phải bó tay ngồi đó mà chờ, không thể làm gì được trong hệ thống của mình; vả lại những thay đổi tích cực trong hệ thống con theo một cách nào đó và ở một mức độ nào đó vẫn có thể có ảnh hưởng tích cực đến hệ thống mẹ. Tác động ngược trở lại của hệ thống con, làm chuyển động hệ thống mẹ, thậm chí cả trên những vấn đề cơ bản, cũng là một quy luật của phát triển.
Song muốn như vậy, thì phải tìm ra cho được chỗ chi phối cơ bản nhất mà hệ thống con – tức nền giáo dục của chúng ta hiện nay – phải chịu từ hệ thống mẹ, sự chi phối đó khiến cho toàn bộ nền giáo dục của chúng ta chệch hướng nghiêm trọng, dẫn đến sự xuống cấp, rối ren (nếu không muốn nói là rối loạn) trong hầu như tất cả các lĩnh vực của nó. Sở dĩ phải làm việc này là vì nếu không thì tất cả chạy chữa của chúng ta sẽ không thể có một định hướng rõ rệt và nhất quán, không thể triệt để, sẽ chỉ là chữa cháy, chắp vá, như ta vẫn làm lâu nay, và thường càng chữa thì càng rối, kéo dài mãi một tình trạng xem chừng ngày càng bế tắc. Hoặc cũng có thể nói cách khác, đã đến lúc phải cố tìm, nhận cho ra, và thẳng thắn dũng cảm nói ra nguồn gốc, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến khủng hoảng toàn diện trong giáo dục của chúng ta như hiện nay. Nhận ra đúng nguyên nhân cơ bản thì không phải có thể thay đổi ngay được nguyên nhân đó để làm biến chuyển tình hình, nhưng là để mọi sửa chữa dù chi tiết nhất của chúng ta đều là nhằm hướng đến chỗ dồn sức làm chuyển động nguyên nhân đó, dần dần đi đến chỗ thay đổi cơ bản được nó. Tức là, nói cách khác, có một định hướng chung nhất quán cho mọi sửa chữa, thay đổi.
Tôi xin mạnh dạn nói rằng, theo tôi, nguyên nhân đầu tiên, sai lầm đầu tiên và bao trùm là ở chính vấn đề quan trọng nhất, cơ bản nhất của giáo dục: ở triết lý giáo dục. Nói nôm na ra là chúng ta định xây dựng và thực hiện nền giáo dục này để làm gì? Tôi cho rằng đang có vấn đề hết sức nghiêm túc ở chỗ này, nơi lâu nay ta tưởng mọi sự đã chẳng còn có chuyện gì phải bàn nữa. Thật vậy, đang có vấn đề, có vấn đề lớn ở ngay câu hỏi cơ bản: bằng nền giáo dục này, chúng ta muốn đào tạo nên những con người như thế nào đây? Chúng ta định đào tạo nên những con người tự do, biết suy nghĩ và có suy nghĩ độc lập, từ đó là những con người sáng tạo, cho một xã hội tự do và sáng tạo, hay đào tạo nên những con người biết chấp hành, vâng lời, phục tùng, hết sức dễ bảo, cho một xã hội trong đó mọi sự đều được chỉ huy tập trung răm rắp, một xã hội trong đó có ai đấy, một lực lượng hay một tổ chức, một người hay một số người nào đấy suy nghĩ sẵn mọi điều cho mọi người và mọi người cứ thế học thuộc lòng và làm theo. Đây là xuất phát của tất cả. Thậm chí, theo một cách nào đó, đây là vấn đề sống còn đối với sự phát triển của dân tộc và đất nước. Tôi cho rằng sai lầm đầu tiên và cơ bản của bộ Giáo dục là đã tự coi thường vai trò, chức năng của mình đối với sự phát triển của xã hội và đất nước, tự hạ thấp vai trò đó, coi nhiệm vụ của mình chỉ là cung cấp cho xã hội những con người gọi là “có học”, tức là có biết và thuộc những điều đã được coi là chân lý chính thống để mà cứ thế tuân theo cho đúng, chứ trọng trách lớn lao và khó khăn của nó không phải là tạo nên những con người tự do, nền tảng quan trọng nhất của một đất nước tự do. Nhiệm vụ quan trọng nhất của cái Bộ quan trọng này, theo chỗ tôi hiểu, không chỉ là những công việc tổ chức cụ thể này nọ, trăm nghìn công việc rối rắm mà họ vẫn làm lâu nay, và hình như càng làm thì càng rối, mà trước hết là xác định được cho đất nước một triết lý giáo dục đúng đắn, tân tiến, từ đó mới tổ chức nền giáo dục của đất nước theo triết lý đó. Có như vậy thì nó mới là một cơ quan đầu não chiến lược về giáo dục, chỉ không phải chỉ là một cơ quan thừa hành tầm thường. Trong một bài viết gần đây, giáo sư Hoàng Tuỵ có nói: “Để khắc phục khó khăn hiện nay, chỉ có một lối thoát duy nhất là hiện đại hóa giáo dục”. Tôi hoàn toàn đồng tình với phương hướng đó. Nhưng thế nào là hiện đại hóa giáo dục, thế nào là một nền giáo dục hiện đại? Tôi nghĩ rằng một nền giáo dục hiện đại trước hết là ở trong tính hiện đại của triết lý giáo dục mà nó đeo đuổi. Và triết lý giáo dục hiện đại là xây dựng một nền giáo dục không phải để nhằm tạo nên những cái máy tinh xảo được nạp một bộ nhớ kiến thức khổng lồ (như hiện nay ta đang ra sức làm, ngay từ bậc phổ thông, và do đó làm mụ mị đi bao nhiêu đầu óc đáng thương của lớp trẻ chúng ta, khiến họ càng học càng đần đi, một sự lãng phí sức lực cả về thể chất lẫn tinh thần, trí tuệ của thế hệ tương lai quý nhất của dân tộc, sự lãng phí thậm chí có thể coi như một tội ác), mà là tạo nên những con người tự do, biết và dám độc lập suy nghĩ, biết cách tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi khám phá ra chân lý, lẽ phải, và từ đó làm chủ cuộc sống của mình, của đất nước... Về phương diện này, hình như hiện nay giáo dục của chúng ta không giống bất cứ nước nào trên thế giới – tất nhiên ta nói đến những đất nước văn minh và tân tiến. Không giống chút nào cả, hoàn toàn ngược lại là khác, vậy thì chỉ có hai cách giải thích: hoặc là ta vô cùng tân tiến, còn họ thì lạc hậu bê bối cả, hoặc ngược lại.
Hôm nay, tôi xin mạnh dạn nêu vấn đề này lên ở đây, mong được quan tâm và trao đổi, bởi vì theo tôi đây là vấn đề cốt tử nhất của giáo dục chúng ta, nếu không làm rõ và giải quyết được như một định hướng cơ bản, từ đó chỉ đạo tất cả – tất nhiên không thể giải quyết ngay, một sớm một chiều -, thì mọi “cải cách” của chúng ta sẽ chẳng thật sự đi đến đâu cả, mười năm hay mấy mươi năm nữa vẫn sẽ y nguyên tình trạng này và những lời kêu ca này thôi, nếu không nặng nề, tệ hại hơn. Cải cách giáo dục trước hết cần phải được đặt trên cơ sở một triết lý giáo dục đúng đắn. Nếu không thì càng cải cách sẽ càng sai, càng bê bối, như ta đã thấy lâu nay.
Ở trên tôi có nói rằng cần thông cảm với ông bộ trưởng bộ Giáo dục, vấn đề này ở trên, cao hơn bộ của ông. Nếu cái bộ đó có lỗi thì trước hết là ở chỗ là cơ quan tham mưu cao nhất của Đảng và Nhà nước về giáo dục, nó đã không hiểu được ra và với tinh thần trách nhiệm mà nó cần phải có, đề xuất, bảo vệ được triết lý nền tảng này của giáo dục, do vậy đẩy giáo dục vào con đường sai lầm, chệch hướng cơ bản, tạo nên chính cái tình trạng giáo dục mà một trăm năm trước các nhà duy tân gọi là một nền “hư học”, công kích kịch liệt, thậm chí có người như Phan Châu Trinh còn coi đó là nguyên nhân khiến chúng ta mất nước, dân tộc bị đẩy vào vòng nô lệ khốc liệt (theo Hoàng Xuân Hãn).
Triết lý giáo dục chi phối, chỉ đạo toàn bộ các khâu, các lĩnh vực cụ thể của giáo dục, từ nội dung giáo dục, phương châm giáo dục, phương pháp giáo dục, tổ chức giáo dục, ảnh hưởng quyết định đến tất cả các cấp của nền giáo dục, từ tiểu học, trung học, cho đến đại học, trên đại học. Kiểu triết lý giáo dục nào thì đưa đến kiểu nội dung, phương châm, phương pháp, tổ chức giáo dục đó. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta có biết rằng sách giáo khoa của chúng ta là quá nặng nề, bỏ bớt cái gì đi cũng thấy khó, thêm vào bao nhiêu cũng thấy chưa đủ, không? Có chứ. Ai cũng thấy, và tôi tin là Bộ cũng thấy. Nhưng vì sao mãi vẫn không sửa được, càng sửa thì càng nặng thêm? Chỉ là vì chương trình và sách giáo khoa ấy được soạn theo cái triết lý cho rằng xã hội cần có những quy chuẩn cứng mà mọi thành viên phải thuộc nằm lòng và cứ suốt đời nhất nhất răm rắp tuân theo, thế giới gồm những chân lý bất biến đã được định sẵn mà mọi người chỉ có việc theo đấy mà sống và làm việc. Vậy nên phải dạy cho kỳ hết những quy chuẩn, những chân lý muôn đời đó cho mọi người, có vậy thì xã hội mới thống nhất và ổn định, thế giới mới yên bình. Với một triết lý giáo dục như vậy, thì số lượng sách giáo khoa mà các cháu ngay từ cấp tiểu học hàng ngày phải vác nặng trĩu còng lưng, số lượng kiến thức ta đang ra sức nhét vào đầu học sinh, sinh viên của chúng ta ở tất cả các cấp đang nặng như thế này, chứ nặng gấp mười, thậm chí trăm lần nữa cũng không đủ, không bao giờ đủ.
Trong khi đó có một cách dạy và học khác hẳn, cơ sở trên một triết lý giáo dục ngược hẳn lại: trang bị cho con người không phải chủ yếu là kiến thức (vì kiến thức thì vô tận, càng ngày càng vô tận, lại luôn biến đổi và phát triển, và trên đời này không ai có thể độc quyền chân lý cả), mà là trang bị cho họ phương pháp để họ tự biết và dám tự mình chiếm lĩnh lấy kiến thức, tự mình đi tìm lấy những gì mình tin là chân lý, và sống và làm việc theo những chân lý đó. Những con người như vậy là những con người tự do, có năng lực tư duy độc lập, giàu khả năng và ý chí sáng tạo, nền tảng của một xã hội tự do và phát triển.
Ở trên tôi có nói “biết và dám tự mình” đi tìm lấy kiến thức, khám phá lấy chân lý. Xin nhấn mạnh lại chữ “dám”, theo tôi đấy là một từ rất quan trọng. Người dám tự mình đi tìm chiếm lĩnh lấy kiến thức, chân lý là người không tin một cách tiên nghiệm, như một niềm tin tôn giáo, rằng có những chân lý tuyệt đối, bất biến được rao giảng như những tín điều đặc kín trong các sách giáo khoa dày cộp. Con người đó dám tự mình đi khám phá thế giới, với những phương pháp mà nhà trường đã trang bị, gợi ý cho họ. Đó là những con người tự do sâu sắc từ bên trong. Tôi nghĩ đó chính là điều chúng ta tha thiết mong ở lớp trẻ của chúng ta, có được một lớp trẻ như vậy, một lớp trẻ thật sự lành mạnh về tinh thần và trí tuệ, có bản lĩnh vững chắc, đầy tự tin, thật sự độc lập và tự do trong chính mình như vậy, thì có thể hoàn toàn tin chắc ở tương lai tươi sáng của dân tộc.
Một triết lý giáo dục nhằm tạo ra con người tự do, thì cũng tất yếu đòi hỏi một phương pháp giáo dục khác hẳn phương pháp chúng ta đang thực hiện hiện nay ở các nhà trường, buồn thay ngay cả ở cấp đại học và trên đại học. Phương pháp giáo dục này đòi hỏi trước tiên một sự tôn trọng tối đa đối với người học, coi người học không phải là những cái bình vô cảm bị động để cho mình cứ thế rót kiến thức vào, mà là những chủ thể sáng tạo, từng chủ thể sáng tạo, có tiềm năng sáng tạo vô tận, cần được khơi gợi để cho tiềm năng ấy được mở ra và hoạt động, thậm chí khi được khai mở ra rồi thì nó có thể hoạt động rộng, lớn, phong phú, sáng tạo hơn cả điều ta dự kiến, vượt cả thầy, vượt cả sách.
Một cách dạy và học như vậy nhẹ nhàng, và theo tôi điều còn quan trọng hơn, là rất vui. Học như vậy là một hạnh phúc lớn. Đối với người thầy, rất vui vì trước mặt anh ta (hay chị ta) mỗi học sinh là một thế giới đầy tiềm năng bí ẩn mà anh ta hay chị ta phải tìm cho được cách dò tìm, khám phá, khai mở ra, không người nào giống người nào, không thế giới nào giống thế giới nào, cuộc khai mở nào cũng đầy mạo hiểm, phập phồng, cái mạo hiểm, phập phồng của sáng tạo. Đối với người học, rất vui, vì suốt quá trình học là cả một cuộc đi tìm, một cuộc khám phá bất tận, một cuộc phiêu lưu đầy bất ngờ thú vị, do tự mình làm chủ, những chân lý do chính tự mình khám phá ra – cùng với và được sự hộ trợ của người bạn lớn là người thầy.
Chúng ta đều biết trong thế giới ngày nay, sống cũng có nghĩa là học thường xuyên, học suốt đời, không còn học nữa thì theo một ý nghĩa nào đó cũng là đã chết, về mặt trí tuệ, tinh thần. Không thể đến trường suốt đời. Nhưng nhà trường cho ta cái quý nhất để ta có thể học suốt đời, đó là ý chí và khả năng tự học, niềm say mê và khả năng tự khám phá thế giới. Tôi có nghe anh Hoàng Ngọc Hiến định nghĩa thế nào là trình độ đại học? Theo anh trình độ đại học chính là khả năng tự học. Tôi cho nói như thế là rất đúng. Thậm chí còn có thể nói hơn nữa: không chỉ ở đại học, ngay cả ở các cấp phổ thông cơ bản cũng là vậy. Người có học là người biết tự học. Ở rất nhiều nước hiện nay, người ta đã thực hiện một cách phổ biến điều này, coi đó là nguyên lý cơ bản nhất của giáo dục, của việc xây dựng con người nói chung, ở tất cả các cấp học, từ cấp thấp nhất. Người ta coi làm trái, làm ngược lại thì thực chất sẽ là một thứ nô lệ hóa, là nhồi sọ, ngu dân, dù là vô tình...
Đáng tiếc thay, phải nói thẳng rằng nền giáo dục của chúng ta hiện nay đang đi theo chính con đường nguy hiểm này.
Nhân đây tôi nghĩ cũng nên thẳng thắn nói đến một chuyện này: gần đây nhất, ngày 23-2-2004, bộ Giáo dục vừa ra quyết định sinh viên hệ chính quy các trường Cao Đẳng- Đại học toàn quốc bắt buộc phải thi tốt nghiệp ba môn thuộc các phần: Khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; Kiến thức cơ sở của ngành và Kiến thức chuyên môn. Như chúng ta đều biết, những môn học thuộc phần gọi là chính trị, gồm Triết học Mác-Lênin, Chính trị kinh tế học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay chiếm một phần năm thời gian học ỏ các cấp. Xin nói ngay rằng tôi nghĩ học triết học Mác-Lênin là cần thiết, các môn học vừa kể trên cũng có thể là cần thiết. Nhưng tại sao, ít nhất là ở cấp đại học, lại không dạy và học triết học nói chung, lịch sử triết học, cả phương Đông lẫn phương Tây, trong đó có triết học Mác-Lênin. Triết học Mác-Lênin có thể là đỉnh cao của triết học, nhưng chắc chắn không là triết học duy nhất của nhân loại, cũng không phải là triết học cuối cùng trong lịch sử tư tưởng của nhân loại. Không biết một cách cơ bản lịch sử triết học của nhân loại thì ngay để hiểu chính triết học Mác-Lênin cũng sẽ là què quặt, cạn cợt. Vả chăng cũng cần phải nói thật rằng cách dạy chủ nghĩa Mác-Lênin trong các trường của chúng ta hiện nay đúng ra không thực sự là dạy triết học, mà chỉ là dạy chính trị một cách khá thô thiển. Không dạy triết học một cách có hệ thống trong các nhà trường của chúng ta, theo tôi, là một trong những thiếu sót lớn nhất của nội dung và chương trình giáo dục của chúng ta từ nhiều chục năm nay. Chúng ta đã đào tạo ra mấy thế hệ liên tiếp hoàn toàn mù triết học. Lịch sử triết học là lịch sử phát triển tư duy của nhân loại, học triết học không phải là để nhồi nhét một mớ kiến thức triết học rắc rối và mênh mông vào đầu học sinh, mà là để học cách tư duy mà nhân loại đã ra công tìm kiếm, khám phá, phát triển qua hàng nhiều nghìn năm, để có thể trở thành nhân loại trưởng thành như hôm nay. Và như vậy, việc này liên quan trực tiếp đến cái ta gọi là triết lý của nền giáo dục trên kia: học để biết cách độc lập suy nghĩ.
Học như chúng ta đang dạy và học chính trị hiện nay trong các nhà trường, theo tôi, vừa rất tốn thì giờ, rất hình thức, không có ích gì, thậm chí còn có thể phản tác dụng.
Học Lịch sử Đảng cũng là cần, lịch sử Đảng ta quả rất vĩ đại, nhưng cần đặt nó trong toàn bộ lịch sử vinh quang (và biết bao nhọc nhằn, hy sinh) của dân tộc mấy nghìn năm của chúng ta. Thời đại hiện nay của chúng ta là một thời đại thật vinh quang, nhưng tôi không đồng tình với cách nghĩ và nói rằng thời ta là vinh quang nhất, so với toàn bộ lịch sử nghìn năm của cha ông. Tại sao không đặt lịch sử Đảng như một phần trong môn lịch sử dân tộc nói chung? Hay là chúng ta định cô lập lịch sử Đảng ra khỏi lịch sử dân tộc, đặt nó trên lịch sử dân tộc?
Theo chỗ tôi được biết, ở hầu hết các nước, hai môn học bắt buộc trong nhà trường là môn Lịch sử dân tộc và môn Tổ chức nhà nước, bộ máy hành chính công (để biết cách làm một công dân bình thường trong một xã hội dân sự). Tôi nghĩ có lẽ đó là cách học hợp lý nhất. Những cái khác, ai muốn học thêm (như những chứng chỉ bổ sung) thì học. Cách làm như quyết định mới đây của bộ Giáo dục về các môn thi tốt nghiệp bắt buộc ở cao đăng và đại học, thay vì một môn khác chẳng hạn Lịch sử Việt Nam, là theo đúng cái triết lý giáo dục muốn mọi người học thuộc lòng các chân lý tuyệt đối để rồi suốt đời cứ thế mà làm theo như đã nói ở trên. Tôi e rằng tác dụng sẽ ngược lại, người ta sẽ học hình thức, thi hình thức, cho xong, trong khi những người chủ trương yên trí như vậy là họ đã giải quyết được một cách hoàn hảo sự thống nhất tư tưởng tuyệt đối trong toàn xã hội. Chúng ta lại đánh lừa nhau một lần nữa mất thôi!...
Trên đây tôi đã xin thử kể qua đôi lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của cái triết lý giáo dục mà một nền giáo dục xác định để làm nền tảng của mình. Triết lý nào thì giáo dục theo kiểu đó. Tôi xin phép nói lại lần nữa: tôi không mong trong lần này có thể giải quyết được vấn đề có lẽ là quá lớn này ở đây. Nhưng chắc chắn nếu chúng ta thật sự muốn cứu chữa nền giáo dục đang bị bệnh nặng của chúng ta thì không thể không nghĩ tới việc tiến đến thay đổi cơ bản triết lý giáo dục đó. Con đường đi đến đó như thế nào, theo lộ trình nào, quả thật là vấn đề rất khó. Nhưng phải xác định cho được cái đích đến, đó là điều quan trọng nhất, từ đó mới có thể tính đến những giải pháp cụ thể, tính đến lộ trình.
Nền giáo dục của chúng ta hiện nay quả như một con bệnh nặng và trầm kha, chạy chữa như thế nào đây, như ta biết lâu nay đã nhiều thầy thuốc đưa ra những đơn thuốc khác nhau. Về đại thể có thể có hai hướng đề xuất giải quyết: một hướng chủ trương trên cơ sở xác định mục tiêu chiến lược lâu dài, về biện pháp nên làm từ từ, chuẩn bị thật kỷ và tích cực một thời gian (có thể đến mươi năm) để cuối cùng đi đến một chuyển đổi cơ bản toàn bộ hệ thống. Một hướng thứ hai muốn dùng một biện pháp mạnh, để có thể từ đột phá nhất điểm, làm lay chuyển toàn bộ hệ thống, có thể gây ra rối loạn tạm thời, nhưng rồi sẽ điều chỉnh dần, nếu không thì sẽ lần lữa chùng chình kéo dài mãi, không bao giờ chuyển động được. Nên chọn thế nào giữa hai hướng đó?
Gần đây giáo sư Hoàng Tuỵ có nói đến ba “khối u dị dạng” của giáo dục cần phải cắt bỏ. Tôi đồng ý về chuyện ba khối u đó (thật ra còn nhiều khối u khác, có thể cũng chẳng kém nguy hiểm). Do giáo dục hiện nay là một con bệnh nặng không chỉ có tính chất mãn tính mà còn cấp tính, nên theo tôi không thể chữa bằng thuốc nam, mà chắc phải dùng đến tây y, đến phẫu thuật. Tức một biện pháp mạnh. Trong các khối u của nó, cần chọn đúng một khối u, kiên quyết cắt bỏ đi, đương nhiên riêng khối u đó không giải quyết hết được vấn đề, nhưng cắt nó đi thì sẽ làm chuyển động tất cả các bộ phận khác của cơ thể, buộc các bộ phận khác phải chuyển động theo. Vậy nên chọn khối u nào đây? Theo tôi khối u biểu hiện tập trung nhất, rõ nhất, mưng mủ nhất, hằng năm lại làm rối mù, nhức nhối cả toàn xã hội chính là khối u thi cử, đặc biệt là thi đại học. Khối u này cũng chi phối tất cả các khối u khác.
Tôi muốn đề nghị: về cơ bản bỏ thi, bỏ tất cả các kỳ thi ở các cấp, đặc biệt bỏ thi vào đại học. Mạnh dạn thực hiện một biện pháp cách mạng, cắt bỏ dứt khoát khối u ấy đi, lấy đó làm biện pháp đột phá.
Thi là để đánh giá. Nhưng không nhất thiết chỉ có một cách đánh giá là thi. Thật ra đánh giá bằng thi là cách đánh giá dở nhất, kém hiệu quả nhất, nhiều may rủi nhất (không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta từ xưa đã nói: học tài thi phận), tốn kém nhất, dễ sinh nhiều tiêu cực nhất (như ta đang thấy tràn lan vô cùng nặng nề bao nhiêu năm nay trong xã hội ta). Ở hầu hết các nước, người ta đã bỏ thi từ lâu; gần đây nhất Thái Lan đã tuyên bố bỏ thi đại học.
Không có thi thì người ta thay thế bằng một hệ thống đánh giá trong suốt quá trình học. Ở Mỹ chẳng hạn, hệ thống đánh giá trong quá trình học ở cấp ba (gồm bốn năm, từ lớp chín đến lớp mười hai) để công nhận tốt nghiệp phổ thông dựa theo các tiêu chí sau đây:
- điểm trung bình trong bốn năm học phổ thông;
- các hoạt động ngoại khóa (như thể thao, âm nhạc v.v.), ý thức biểu hiện qua các hoạt động này, vì người ta quan niệm những người tỏ ra có những khả năng trong các lĩnh vực này tất phải trải qua khổ luyện, từ đó mà có thể đánh giá con người anh ta;
- các hoạt động xã hội (public service), ý thức cộng đồng. Ví dụ: học sinh trung học đi dạy các lớp nhỏ hơn; đi bán hàng, đi làm việc trong các thư viện; đi phục vụ những người nghèo, vô gia cư, đặc biệt trong các ngày lễ v.v...
- những học bổng mà người học sinh nhận được trong quá trình học phổ thông (do các tổ chức khác nhau trao), chứng tỏ quá trình phấn đấu của người học sinh đó;
- việc người học sinh tham gia các hội nghị, hội thảo, chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình.
Ngoài ra có một kỳ thi rất nhẹ nhàng, chỉ kiểm tra hai môn Tiếng Anh và Toán, gọi là SAT (scholastic aptitude test), thường là thi trắc nghiệm.
Qua chủ trương không thi nặng nề như ta mà thực hiện đánh giá qua suốt quá trình học đó, có thể thấy bộc lộ rõ những điều sau đây:
- Cách đánh giá kiểu này thực chất, chính xác, dân chủ, nhẹ nhàng và hiệu quả toàn diện hơn nhiều, loại bỏ được tất cả những may rũi và tiêu cực mà một kỳ thi căng thẳng như đang thực hiện ở ta có thể tạo ra (tâm lý có thể bất thường của người học sinh do những điều kiện nào đó đặc biệt trong ngày thi v.v...).
- Cách đánh giá này, quan trọng hơn nữa, biểu hiện sâu sắc một triết lý giáo dục phải công nhận là thật sự tân tiến: triết lý giáo dục rõ ràng nhằm đào tạo cho xã hội người thành viên trưởng thành toàn diện, có năng lực toàn diện, có đạo đức xã hội toàn diện, rất tự do, đồng thời cũng đầy trách nhiệm xã hội.
- Đồng thời cách đánh giá này cũng đòi hỏi một quan niệm dạy học hoàn toàn mới mẻ, tân tiến. Nó đòi hỏi một quan niệm khác hẳn về người thầy giáo. Đấy phải là một người thầy giáo có năng lực toàn diện, có lương tâm nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm rất cao trước học sinh là những chủ nhân tương lai của xã hội mà xã hội giao cho mình nhiệm vụ đào tạo thành những thành viên xứng đáng. Tôi có được nghe những người có kinh nghiệm về giáo dục ở các nước ấy nói rằng ở đó nghề thầy giáo là một nghề hết sức khó khăn và nặng nhọc. Khó khăn, nặng nhọc và thật vinh quang là vì vậy.
Do quan niệm và cách làm đó, đi đôi với hệ thống đánh giá học sinh như vừa trình bày vắn tắt, cần có một hệ thống đánh giá giáo viên, mà vì thời gian tôi xin phép không trình bày tỉ mỉ ở đây. Chỉ xin nói một điểm: trong hệ thống đánh giá giáo viên, quan trọng nhất là đánh giá của học sinh, theo một mẫu đánh giá đại thể gồm những điểm chính sau đây:
- Đánh giá chung: khóa học có đáp ứng được yêu cầu của người học hay không?
- Giáo viên giảng có rõ ràng, tài liệu có vừa sức, ít hay nhiều? Giáo viên hướng dẫn có cố vấn tốt cho học sinh trong lĩnh vực mình trình bày hay không? Phương pháp trình bày, sử dụng trang thiết bị... như thế nào?
- Chương trình, giáo trình, sách giáo khoa có thích hợp không?
- Theo anh/chị khóa học này có đáng để học không? Vì sao? Nếu đáng để học thì người định học cần chuẩn bị những gì?...
Chắc không cần bình luận gì thêm nhiều về một cách dạy và học như thế, tất nhiên là do căn cứ trên một triết lý giáo dục có vẻ khá xa lạ với cái ta đang làm. Chỉ xin nói rằng nếu ta kiên quyết bỏ thi như đã làm lâu nay, thay bằng hệ thống đánh giá có thể tham khảo chẳng hạn theo như cách vừa trình bày trên, thì tất yếu sẽ dẫn đến một chuyển động lớn của một khâu khác cực kỳ quan trọng của giáo dục: khâu người thầy. Phải quan niệm lại, hay phải khôi phục lại (bởi vì rất có thể trước đây ta đã từng có những người thầy như vậy mà bây giờ ta đã để mai một mất) quan niệm về người thầy. Phải làm chuyển động toàn bộ hệ thống giáo viên của chúng ta. Ta có được những giáo viên có thể dạy theo cách này không? Tôi tin là có. Sở dĩ lâu nay họ đã không làm như vậy là vì họ ở trong một hệ thống giáo dục được chỉ đạo bằng một triết lý giáo dục hoàn toàn ngược lại, bị chi phối sâu sắc bởi triết lý giáo dục đó. Tức vấn đề là ở trong cái đầu, trong cách nghĩ, cách quan niệm, chứ không phải ở tài năng, khả năng. Tôi thấy giáo viên ở các nước như vừa nói về kiến thức, khả năng không hơn gì giáo viên ở ta. Họ chỉ khác ta, hơn ta ở quan niệm giáo dục.
Tôi cũng tin rằng chúng ta còn có, còn có rất nhiều những người giáo viên đầy tâm huyết, họ chiếm tuyệt đai da số trong hàng ngũ giáo viên của chúng ta. Chính triết lý giáo dục sai trái của chúng ta đã làm hao mòn tài năng, trí tuệ, và phải nói thật cả tinh thần trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp thiêng liêng của họ. Cái triết lý cũ kỹ lạc hậu đó trong nhiều chục năm đã khiến họ quen với một lối dạy cũ kỹ, nhồi sọ, mà có thể chính họ cũng không phải không hoàn toàn nhận ra nhưng phải theo vì đó là “đường lối giáo dục” chính thống rồi mà lại! Tôi tin rằng có thể khôi phục lại ở họ lòng tự trọng nghề nghiệp cao quý vẫn tiềm ẩn trong họ, phát huy khả năng tiềm ẩn trong họ, nếu ta công khai chủ trương một triết lý giáo giáo dục khác hẳn, mà họ sẽ là những sứ giả vinh quang. Có thể phát động lại ở họ cái đạo lý làm người thầy xứng đáng, và về cơ bản họ sẽ có thể đảm nhiệm là người thầy kiểu mới trong một nền giáo dục kiểu mới đó. Tất nhiên cần có một thứ tập huấn trở lại như thế nào đó, nhưng sẽ không quá khó và quá lâu, không phải đào tạo lại từ đầu. Theo chỗ tôi được biết, ở rất nhiều nước hiện nay người ta không còn có trường sư phạm, không có ngành học sư phạm. Trường Ecole Normale Supérieure nổi tiếng ở
Thầy Hoàng Tụy có nói về vấn đề lương của giáo viên, và có ý nói rằng tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan đến tệ hai, thê thảm như hiện nay là do giáo viên lương quá thấp, không đủ sống một cách bình thường, phải đi dạy thêm, tìm mọi cách buộc học trò phải học thêm, để dần dần trở thành một tệ nạn xã hội khủng khiếp tưởng chừng vô phương cứu chữa. Tôi đồng ý rằng phải tạo cho người giáo viên một đời sống vật chất đầy đủ, tương xứng với chức năng xã hội vinh quang mà họ đảm nhiệm, với công sức thể lực và trí lực, tâm hồn họ phải bỏ ra để đào tạo thế hệ tương lai đáng tin cậy cho đất nước. Nhưng tôi không cho rằng tình trạng dạy thêm học thêm vô cùng kỳ quặc như hiện nay chủ yếu là do giáo viên quá nghèo. Có người đã nói – mà đó là người đứng đắn trong nghề, có thể tin cậy được – rằng học thêm quả thực hiện nay là nhu cầu có thực của người học, của học sinh và cha mẹ học sinh. Họ phải nhất thiết cho con đi học thêm, học sinh nhất thiết phải học thêm – tạo nên một nhu cầu xã hội có thực, và có cầu thì tất có cung – trước hết và cơ bản là vì chính cái triết lý giáo dục mà ta đã nói đến trên kia, cái triết lý giáo dục chủ trương tạo ra những con người biết thuộc lòng cho thật nhiều thứ, để làm tủ, để đi thi, vô số kỳ thi suốt cuộc đời đi học xiết bao nhọc nhằn và đau khổ của một người học sinh, ở cái tuổi mà đáng ra người ta đáng được hưởng niềm vui và hạnh phúc nhất.
Vậy muốn triệt bỏ tệ nạn dạy thêm học thêm thì giải pháp chính không phải là tăng lương giáo viên (xin nhắc lại lần nữa tôi luôn cho rằng tăng lương giáo viên xứng đáng với công sức của họ là rất cần thiết, thậm chí cấp bách), mà là thay đổi cho được triết lý giáo dục.
Và giải pháp đầu tiên có tính chất đột phá mạnh để bước đầu thể hiện sự biến chuyển về quan niệm triết lý giáo dục này, tôi xin đề nghị là kiên quyết bỏ thi, thay bằng hệ thống đánh giá như đã nói ở trên. Bỏ thi thì học thêm dạy thêm sẽ tự nó mất nhu cầu, và cũng sẽ mất cung.
Cách giải quyết như trên cũng sẽ đưa đến chỗ giải quyết khối u thư ba mà thầy Tụy đã nói đến: sách giáo khoa. Sách giáo khoa sẽ không phải là nơi nhồi nhét kiến thức, mà là người dẫn đường tin cậy và vui vẻ cho con người lên đường đi khám phá thế giới rất đáng tò mò này. Tôi có mang về từ Mỹ một số sách giáo khoa môn toán ở trường phổ thông. So với sách toán ở ta, phần kiến thức ít hơn rất nhiều, nhưng phần thực hành lại rất phong phú. Và do vậy vừa rất bổ ích thiết thực, vừa rất vui, hấp dẫn...
Tất nhiên còn một vấn đề lớn: thi đại học. Ở hầu hết các nước, người ta đã bỏ rồi, nhiều nước bỏ rất lâu rồi. Cách giải quyết của người ta khá đơn giản: đủ tiêu chuẩn đến một mức nào đó theo hệ thống đánh giá để xác nhận tốt nghiệp phổ thông, thì có thể tự do ghi tên vào đại học. Người ta đủ điều kiện tối thiểu để đi học, tha thiết có nguyện vọng đi học, tại sao lại tìm đủ cách mấy chung, mấy nguyên vọng, mấy gì gì nữa v.v... để chặn hết mọi ngõ. Ở một nước như nước Mỹ chẳng hạn, có trên ba ngàn trường đại học. Trong số đó, đa phần là những trường đại học bình thường, chỉ có khoảng chục trường đại học chất lượng thật cao, những đỉnh cao của nền đại học Mỹ và thế giới. Muốn lọt vào danh sách được dự tuyển vào các trường đó thì điểm đánh giá ở tốt nghiệp phổ thông phải đạt cao hơn các trường khác. Sau đó phải trải qua một kỳ thi do trường đó tự tổ chức, thường chủ yếu là bằng cách phỏng vấn, theo chỗ tôi được biết thường là một kiểu phỏng vấn hết sức nhẹ nhàng, dân chủ, nhưng rất thông minh, tinh tế, để có thể chọn ra những mầm mống tài năng tương lai.
Tóm lại, theo tôi, cần thực hiện một biện pháp mạnh, cách mạng, để lay chuyển toàn bộ hệ thống, buộc nó phải chuyển động theo. Tôi hình dung có thể thực hiện biện pháp đó theo một lộ trình đại thể như sau: bỏ thi dần ở từng cấp, cấp một (hiện nay ta đã bắt đầu làm, một cách hết sức rụt rè, vì không phải trên một quan niệm chung sâu sắc và nhất quán, mà chỉ như một biện pháp đối phó, chữa cháy), rồi dần đến cấp hai, sau đó cấp ba (tú tài), cuối cùng là bỏ thi đại học. Lộ trình này có thể thực hiện trong khoảng từ năm đến bảy năm.
Tất nhiên sẽ có câu hỏi: cứ ghi tên vào học đại học, vậy ở ta làm sao đủ trường? Tôi xin hỏi lại: tại sao không để cho người ta tự do phát triển các trường đại học? Tại sao nhà nước cứ khư khư giữ lấy hết và ra sức kiểm soát để bao giờ cũng thấy mình không đủ sức. Có hàng trăm trường đại học bình thường, tầm thường nữa cũng chẳng sao cả, nền giáo dục nào cũng vậy thôi. Điều quan trọng là mọi người muốn đi học đều được học, không bị ngăn chặn vô lý, và trong số đó có một số không nhiều trường đại học chất lượng thật cao, nơi sẽ đào tạo những nhân tài đỉnh cao cho đất nước.
Tất nhiên về chuyện đại học còn rất nhiều điều phải nói, phải bàn. Đã quá dài, tôi xin nói một lần sau, nếu còn được phép.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn