Thêm đôi suy nghĩ về giáo dục
Giáo dục động chạm đến hàng chục triệu người, và những vấn đề của nó khiến hàng chục triệu người thấy đã đến lúc không thể ngồi yên. Tương lai của con cháu họ bị thách thức, thậm chí bị “uy hiếp” nghiêm trọng
Một dấu hiệu?
Như ai cũng biết, vấn đề giáo dục đã được xã hội quan tâm và bàn bạc từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cũng rõ ràng chưa bao giờ sự quan tâm đó và những cuộc thảo luận về giáo dục, ở mọi nơi, dưới nhiều hình thức, lại tập trung, ráo riết bằng trong năm vừa rồi. Vì sao vậy? Đương nhiên trước hết là vì tình hình giáo dục, những “vấn nạn" của nó đã trở nên quá bức xúc. Giáo dục động chạm đến hàng chục triệu người, và những vấn đề của nó khiến hàng chục triệu người thấy đã đến lúc không thể ngồi yên. Tương lai của con cháu họ bị thách thức, thậm chí bị "uy hiếp" nghiêm trọng. Đã đến lúc mọi người khẩn thiết nhận ra rằng với một nền giáo dục, một kiểu giáo dục như thế này, tương lai của con cái họ hoàn toàn không thể an toàn.
Chưa bao giờ tiếng chuông báo động về tình hình giáo dục cấp bách như bây giờ. Nghĩa là chúng ta đang đứng trước một tình hình hoàn toàn không chút nào bình thường trong tình trạng báo động về giáo dục, đây không phải là "báo động thường xuyên" như tất cả các nền giáo dục, kể cả các nền giáo dục mà chúng ta đang coi là tiên tiến nhất và đang định học hỏi, noi gương, vẫn báo động, mà đây là "cấp báo", "báo động đỏ". Tôi nghĩ trước hết cần nhận ra cấp báo động lần này: một cấp báo động như vậy tất yếu đòi hỏi không chỉ những sửa chữa cục bộ, vụn vặt, chắp vá, mà một cuộc cách mạng. Một cuộc cách mạng về giáo dục.
Song có lẽ vấn đề không chỉ có thế. Phân tích kỹ những ý kiến về giáo dục lần này, được phát biểu ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau, còn có thể thấy ra một điều này: qua thảo luận, nhiều người đã nhận ra rằng đương nhiên ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm rất lớn về sự xuống cấp giáo dục khiến cả xã hội không thể yên tâm, nhưng mặt khác giáo dục cũng khó có thể khác khi nó là sản phẩm tất yếu của một hệ thống mẹ bao trùm hơn đang có vấn đề. Đây là một vấn đề vừa lớn vừa tinh tế, cần có sự phân tích chu đáo và thẳng thắn. Nền giáo dục của chúng ta sở dĩ đã không ổn là vì nó đã được tổ chức - "tổ chức" hiểu theo nghĩa rộng nhất của khái niệm này - theo một ý tưởng cơ bản không ổn, hoặc như có người nói, theo một “triết lý" cơ bản không ổn.
Nói một cách ngắn gọn và nôm na: xã hội chúng ta cần những con người như thế nào, theo kiểu gì chúng ta định xây dựng, đào tạo ra những con người như thế nào? Hoặc cũng có thể diễn đạt theo cách khác nữa: chúng ta quan niệm sự thống nhất của xã hội - vì tất nhiên một xã hội phải thống nhất: ổn định, để có thể phát triển - chúng ta quan niệm sự thống nhất cần thiết đó như thế nào?
Nguyên Ngọc (5 tháng 9, 1932 – ) tên thật là Nguyễn Văn Báu, bút danh khác là Nguyễn Trung Thành. Ông là nhà văn, nhà văn hóa -giáo dục Việt Nam, phóng viên chiến trường, tổng biên tập báo và dịch giả. "Tôi sống và làm theo những điều mình tin, và chịu trách nhiệm về tất cả điều đó, không thối lui, không nhân nhượng. Đúng sai là điều khó tránh ở đời, nhưng tôi luôn coi trọng sự nhất quán trong thái độ sống: bao giờ cũng sống như một người tự do, trước hết với chính mình. ... Thiết lập lại một nền giáo dục khác hẳn nhằm tạo nên những con người tự do, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy. Sự thống nhất của xã hội sẽ là sự thống nhất của những con người tự do, đầy trách nhiệm với chính mình và với xã hội, đầy tự chủ và sáng tạo." >> Trang tác giả:Nguyên Ngọc |
Trong một môi trường giáo dục chung như vậy, liệu ngành giáo dục có thể khác được chăng? (Theo tôi, nó có thể khác, nếu nó thật sự có bản lĩnh, có đủ dũng khí, và quan trọng hơn cả, có trách nhiệm, điều nó đã không làm được. Và đó chính là chỗ kém cỏi sinh tử của nó. Nó đã không nhận ra và không dám đấu tranh cho việc xây dựng một kiểu
con người tự do cho một xã hội tự do, chống lại kiểu đào tạo con người máy và thực chất là nô lệ về tư tưởng kia. Trong sự nghiệp đó nó phải và có thể là nòng cốt).
Điều rất đáng chú ý là trong cuộc lên tiếng về giáo dục lần này, xã hội đã không chỉ dừng lại trong những vấn đề "chuyên môn hẹp” của giáo dục, mà ít nhiều đã động chạm đến nguyên nhân cơ bản, sâu xa nói trên. Không phải người ta đòi hỏi phải chuyển động ngay hệ thống mẹ, nhân dân đủ khôn ngoan để không ai có ảo tưởng đó, mà là yêu cầu phải đặt
những vấn đề của giáo dục trong tương quan khắng khít với hệ thống lớn nọ, và nhấn mạnh rằng chính giáo dục, ngành giáo dục phải và có thể là một trong những khâu quan trọng nhất góp phần làm chuyển động hệ thống ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa", cũng là trong ý nghĩa đó, là đặt vấn đề trong tương quan đó.
Phải chăng mấy điều vừa nói trên đây trong dư luận sôi nổi lần này là những dấu hiệu mới của tư duy xã hội về giáo dục? Nếu đúng vậy thì đó là điều đáng mừng.
Tôi đã có lần được nghe một quan chức trong ngành giáo dục bày tỏ mong ước lần này có được "một cuộc khoán 10" trong giáo dục. Nên nhớ rằng Khoán 10 không chỉ là một hay mấy biện pháp cụ thể về quản lý nông nghiệp. Khoán 10 trước hết là một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng trong tư duy, và về một vấn đề sẽ là cực kỳ cơ bản trong các quan niệm xã hội sâu xa nhất của chúng ta: vấn đề quan niệm về sở hữu. Một vấn đề mà cho đến nay chúng ta vẫn còn đang tiếp tục trằn trọc đấu tranh giải quyết, và hình như vẫn còn chưa thật riết ráo (cho nên cũng chưa hoàn toàn giải phóng được tất cả tiềm năng của xã hội). Một cuộc Khoán 10 trong giáo dục cũng vậy, nó đòi hỏi không phải những biện pháp cụ thể, thậm chí cả những thay đổi tư duy cục bộ, chắp vá, lưng chừng, mà một cuộc cách mạng về tư duy, và là tư duy tổng quát nhất về xã hội và con người chúng ta.
Xã hội và Trí thức
Cũng không phải ngẫu nhiên mà lần này, trong khi quan tâm và lên tiếng về tất cả những vấn đề chung và toàn diện của giáo dục, dư luận lại khá tập trung vào Đại học. Rất có thể ở đây nữa, một dấu hiệu chăng?
Có lẽ vấn đề chung nhất của Đại học ở ta là ở chỗ: chúng ta đã không phân biệt được Đại học với Phổ thông. 'Đại 'học chẳng qua chỉ là một thứ Phổ thông kéo dài, "phổ thông cấp 4" như có người nói.
Tôi thường hay suy nghĩ về giáo dục trong thời kỳ phong kiến ở nước ta, mà tất cả chúng ta đều coi là hết sức từ chương, giáo điều, hư học. Quả thật nền giáo dục phong kiến khó lòng tránh được những cái tội đáng chết ấy. Nhưng rồi cũng có lúc tôi nghĩ lại: trong một thời kỳ vào loại tệ hại nhất của chế độ phong kiến ở nước ta là thời kỳ các vua nhà Nguyễn, tại sao lại có thể xuất hiện những trí thức kiệt xuất cả về tài năng lẫn nhân cách như chúng ta từng biết, những Phan Đình Phùng, Nguyễn Trung Trực, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Lương Văn Can, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Cao Vân, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế, Đặng Thái Thân ... Họ ở đâu ra? Nền giáo dục nào đã đào tạo ra họ? Chắc chắn họ không thể nào khác là sản phẩm của nền giáo dục phong kiến đó, đặc biệt là nền đại học của nó. Rất có thể nền giáo dục phổ thông (dưới bậc tú tài) thời ấy hết sức giáo điều, nhưng đại học hồi bấy giờ thì sao? Muốn nói gì thì nói, không thể phủ nhận rằng nền đại học đó đã đào tạo nên cho đất nước và xã hội cả một tầng lớp sĩ phu cực giỏi và cực kỳ kiên cường, những tài năng và nhân cách vĩ đại. Vậy cũng chớ nên có những đánh giá vội vàng, hời hỏi về nó.
Có lẽ có một điều rất quan trọng là nền đại học đó đã ý thức rất sâu sắc rằng nhiệm vụ cao quý, thiêng liêng của nó là xây dựng cho xã hội một tầng lớp trí thức, tầng lớp trí thức của dân tộc, những con người sẽ dắt dẫn dân tộc trên con đường sinh tồn và phát triển của mình, mặc dầu họ thường có thể không phải là những người cầm quyền.
Tôi cũng thường ngạc nhiên về những con người như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và các nhà duy tân của chúng ta hồi đầu thế kỷ XX. Họ học thánh hiền đấy chứ, và là những bậc thâm nho nhất trong các nhà nho thời bấy giờ, nhưng chính họ là những người dứt khoát, quyết liệt hơn cả vứt bỏ cái cũ, đến với cái mới, như Hoàng Xuân Hãn từng nói về Phan Châu Trinh, người đã làm nên cả "một cuộc cách mạng tân văn hoá". Vì sao vậy? Nếu không phải là nền đại học thời đó, trông có vẻ từ chương vậy, mà thực chất đã mang trong chiều sâu của nó tinh thần cơ bản của đại học thực sự: tinh thần độc lập của đại học, chỉ một đại học như vậy mới có thể tạo nên những con người dám độc lập, luôn độc lập suy nghĩ và hành động, học thầy sâu sắc để dám và có thể bỏ thầy, làm trái lại với thầy.
Có lẽ rất nên từ đó mà suy nghĩ lại về những vấn đề cơ bản của đại học chúng ta. Có lẽ chúng ta đã đào tạo nên được nhiều nhà chuyên môn khá giỏi, nhưng những người trí thức, một tầng lớp trí thức cho dân tộc, tầng lớp luôn có chức năng lịch sử dắt dẫn dân tộc trên con đường đầy thử thách của phát triển, nền đại học của chúng ta có đem đến được cho xã hội không?
Thêm một lần nữa, qua vấn đề Đại học, càng thấy câu chuyện giáo dục cần được nghiên cứu và giải quyết ở những chiều sâu cơ bản đến chừng nào.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuBa yếu tố làm nên thành công của doanh nhân
29/07/2005Nguyễn Trần Bạt