Phản biện các góc nhìn khác nhau về GD Việt Nam

Australia
09:17 SA @ Thứ Tư - 11 Tháng Mười Một, 2009

Sự đánh giá, phân tích thực trạng cũng như gợi ý giải pháp mà nhiều chuyên gia kỳ cựu và đầu ngành giáo dục Việt Nam, cũng như của một số người Việt Nam quan tâm tới lĩnh vực này có lẽ toàn diện, sâu sắc, sát thực hơn những gì tôi nhận được từ hai tài liệu vừa được đọc.

Qua Tuần VietNam.net, tôi có cơ hội được đọc "Ý kiến của Trường ĐH Harvard bàn về khủng hoảng giáo dục ĐH ở Việt Nam", cũng như bài tranh luận của Giáo sư Koblitz (sau đây tôi gọi là 2 tài liệu). Sau khi đọc kỹ 2 tài liệu, và phần tổng hợp một số ý kiến của các độc giả khác, tôi xin trao đổi một số vấn đề.

Cần đặt giáo dục ĐH trong giải pháp tổng thể

Về tài liệu của nhóm tác giả ĐH Harvard về khủng hoảng giáo dục ĐH ở Việt Nam và đề xuất của nhóm chuyên gia Harvard về giải pháp. Vì bản đăng trên TuanVietNam.net chỉ là bản tổng hợp nội dung cơ bản, nên có thể không thông tin đầy đủ và chi tiết cần thiết để hiểu một cách cặn kẽ hơn. Cảm nhận của tôi là tài liệu đã phác họa thực trạng nền giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay. Các tác giả cũng cung cấp một số thông tin về giáo dục ĐH ở một số nước khác, tạo điều kiện cho độc giả có thể so sánh thực trạng của Việt Nam với nước ngoài, qua đó hiểu rõ hơn tính cấp bách của việc cải cách giáo dục ĐH trong nước.

Trên cơ sở các phân tích, các tác giả đề xuất phương án xây dựng một cơ sở ĐH mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, phải nói rằng các vấn đề của nền giáo dục Việt Nam đã được nhiều giới quan tâm, như các nhà lập chính sách, những người công tác trong ngành giáo dục, và công chúng (nhất là phụ huynh, các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên, các nhà tuyển dụng...) phát hiện từ khá lâu.

"Khủng hoảng giáo dục" đã trở thành chủ đề được bàn đến rất nhiều tại nhiều diễn đàn. Theo tôi, nhiệm vụ quan trọng nhất trước mắt của cả nền giáo dục là đào tạo ra lực lượng lao động (hay còn gọi là nguồn nhân lực) có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước. Tức là những người đã đào tạo phải làm được công việc đã được đào tạo. Số lao động còn thiếu, nhất là thời gian ban đầu, phải nhập cư từ nước ngoài vào.

Ngay các nước tiên tiến hiện nay vẫn thiếu một số lao động nhất định, cả lao động có chuyên môn cao, và giải pháp vẫn là thu hút từ các nước khác. Nhưng trước hết, lực lượng lao động được đào tạo trong nước, phải đáp ứng được yêu cầu, không thể để tồn tại tình trạng học ĐH xong mà không làm được việc trong chuyên ngành của mình.

Song tiếc rằng nhóm chuyên gia chỉ để cập tới khủng hoảng trong giáo dục ĐH, để từ đó đưa ra đề xuất xây dựng một cơ sở đào tạo ĐH mới, mà không đặt giáo dục ĐH trong tổng thể toàn hệ thống giáo dục của Việt Nam.

ĐH là hệ đào tạo rất quan trọng, là khâu cuối cùng chuẩn bị cho lực lượng lao động trẻ vào đời và đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội, song nếu toàn bộ hệ thống giáo dục không chuyển biến tốt, thì hệ ĐH không thể nào tốt được.

Chưa thể xem là giải pháp giải quyết khủng hoảng giáo dục

Những yêu cầu như cơ sở vật chất, nguồn giáo viên thuê từ nước ngoài, thậm chí cơ chế quản lý đặc thù đều có thể có được trong thời gian ngắn. Song yếu tố quan trọng là đầu vào, tức là nguồn sinh viên đủ chất lượng để có thể tiếp thu nền giáo dục tiên tiến đó, thì không thể có trong ngày một ngày hai. Nếu như học sinh từ ngày đầu tiên đến trường, cho tới ngày kết thúc phổ thông để vào ĐH, được đào tạo theo lối học vẹt, thụ động, kiểu đào tạo chạy theo thành tích, thì làm sao tiếp thu được kiến thức ở một trường ĐH tiên tiến có phương pháp giảng dạy hoàn toàn khác?

Vì vậy, tính khả thi của một ĐH như vậy không cao, vì số sinh viên sinh viên đạt tiêu chuyển để tuyển lựa sẽ không nhiều, chưa kể yêu cầu về ngoại ngữ và năng lực tài chính.

Trong thực tế, nhiều trường, nhiều chương trình liên kết với nước ngoài hiện nay, tuy chưa phải là chất lượng cao như dự kiến của nhóm chuyên gia Harvard, thì đã phải châm chước ít nhiều về yêu cầu đối với sinh viên rồi.

Hơn nữa, liệu một trường chất lượng cao sẽ có tác động bao nhiêu tới toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam, mà theo số liệu hiện tại đã có tới 376 trường đại học và cao đẳng? Thực là muối bỏ bể. Để trường này có tác động lan tỏa ra hệ thống rộng lớn, có lẽ phải mất vài thập kỷ. Một trường ĐH như được đề xuất có thể sẽ là một ốc đảo dành cho một nhóm elites Việt Nam, và có thể cả một số sinh viên từ nước khác, những sinh viên vừa đạt yêu cầu về học lực, vừa phải là con nhà giầu.

Một trường như vậy, cũng như một số trường liên kết tương đối có uy tín, đang hoạt động khá hiệu quả ở Việt Nam nay, không thể tạo ra sự cạnh tranh trong toàn ngành giáo dục, thậm chí chưa phải là một chất xúc tác thúc đẩy quá trình cải cách giáo dục ở Việt Nam, vì quy mô quá nhỏ so với toàn bộ nền giáo dục với hàng triệu sinh viên.

Thực tế, các trường ĐH của Việt Nam vẫn đang ung dung, chẳng phải lo bị các trường quốc tế (các loại) hay các trường tư thục làm mình mất đi nguồn tuyển sinh dồi dào. Nếu thành công, nhiều nhất thì một trường đẳng cấp quốc tế như vậy, chỉ là một tủ kính trưng bày (showcase), hay du học tại chỗ, chứ không phải là giải pháp cho cải cách giáo dục ĐH ở Việt Nam. Tuyệt đại đa số sinh viên Việt Nam vẫn vào các trường ĐH Việt Nam.

Một số người hào hứng về ý tưởng xây dựng "trường ĐH đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam", nghĩ rằng đó là lối thoát cho ngành giáo dục ĐH đang có quá nhiều vấn đề hiện nay. Muốn có trường đẳng cấp quốc tế, ắt phải cần nhiều yếu tố, trong đó rất quan trọng là đội ngũ giảng viên và quản lý của trường, cùng nội dung giảng dậy là hệ thống giáo trình.

Theo nhóm Harvard, đội ngũ quản lý và giáo viên sẽ do các đối tác quốc tế cung cấp, và giáo trình chắc cũng phải du nhập từ nước ngoài. Một trường như vậy cũng sẽ giống như "Canon VietNam", "Toyota Vietnam", hay "Ford Vietnam"....trong ngành công nghiệp hiện nay, với một phần rất nhỏ nội địa hóa là nguyên liệu Việt Nam - sinh viên.

So sánh một cách thô thiển, chúng ta không thể tự sản xuất được máy bay Boeing, khi mà nền công nghiệp nước nhà mới chỉ luyện được gang và lắp ráp đài bán dẫn đơn giản. Vậy theo tôi nên xem tài liệu này của nhóm Harvard là tài liệu của một dự án, không nên xem đó là giải pháp đối phó với khủng khoảng của toàn ngành giáo dục ĐH như trong phần đề dẫn.

Ngoài ra, còn vấn đề quan trọng nữa chưa được giải đáp- chi phí. Chắc chắn chi phí sẽ rất cao vì phải thuê nguồn nhân lực cao cấp từ bên ngoài. Ngay dù Việt Nam "chịu chi", và nguồn tiền từ Chính phủ Việt Nam hay vay nước ngoài, thì vẫn phải cân nhắc tính hiệu quả và phạm vi tác động của nó. Có nên chăng chi một khoản tiền khá lớn, nhưng sau ít nhất 3-4 năm nữa mới cho ra sản phẩm lứa đầu, chắc không nhiều, với tác động rất cục bộ, hạn chế, trong khi cải cách giáo dục đang vô cùng cấp bách, nguồn tài chính cũng hạn hẹp?

Cần có cải cách giáo dục bài bản

Nhân đây, tôi xin nêu ý kiến của cá nhân mình về cải cách giáo dục.

Theo tôi, có lẽ số tiền đầu tư cho một trường "ĐH đẳng cấp quốc tế", cùng với các nguồn tiền khác, nên được nhanh chóng đầu tư cho một dự án cải cách giáo dục bài bản, toàn diện, mà bắt đầu từ phương pháp tiếp cận, xác định ra những gì cần phải làm để cải cách nền giáo dục nước nhà một cách khoa học, khả thi, hợp lý nhằm kết quả cao nhất. Trong quá trình này, chắc chắn các nhà hoạch định chính sách cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia tư vấn nước ngoài, chuyên gia trong nước...Xác định trước hết mục tiêu của cải cách, cùng các bước đi cần thiết.

Trong khi chúng ta chưa thật rõ về mục tiêu, chưa xác định cụ thể bước đi đã vội lao vào sửa đổi Luật GD, thì hẳn sẽ rơi vào tình trạng "trang trí nội thất, trong khi cần phải củng cố lại cả tòa nhà", như một vị đại biểu Quốc hội phát biểu tuần trước về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Tôi nghĩ, nếu có một dự án cải cách giáo dục như vậy, phải là một dự án toàn diện, từ cải cách thể chế giáo dục (luật pháp về giáo dục), tổ chức hệ thống, quản lý (nhất là quản lý nhà nước về giáo dục), chiến lược giáo dục, chính sách giáo dục, và điều vô cùng quan trọng, trong rất nhiều điều quan trọng khác, là phát triển nguồn nhân lực đạt yêu cầu mới của giáo dục.

Giáo viên phải được đào tạo, hay đào tạo lại. Nếu xây dựng một trường ĐH kiểu mới, có lẽ trường đó nên là nơi đào tạo ra những cỗ máy cái (đội ngũ giáo viên và quản lý), những người sau này mang phương pháp giảng dạy và quản lý mới về các trường ở mọi miền đất nước, thay vì lập một trường "kiểu mới" chỉ đào tạo sinh viên từ tốt nghiệp bậc phổ thông thành cử nhân, dù đó là các cử nhân theo tiêu chuẩn quốc tế. Một trường đào tạo "máy cái" sẽ có tác động lan tỏa rộng và sâu hơn nhiều.

Vì vậy, mặc dù đề xuất này đáng quan tâm, song có lẽ giải pháp cho cả hệ thống nằm ở nơi khác. Thời gian vừa qua, người ta đã từng kỳ vọng rằng để các trường ĐH tư thục phát triển, thì sẽ giải quyết được tình trạng quá tải ở các trường ĐH hiện có, tạo ra cạnh tranh theo cơ chế thị trường và từ đó nâng chất lượng đào tạo lên. Nhưng thực tế đã không như vậy.

Tình trạng trường đại học không đạt tiêu chuẩn chất lượng tràn lan dấy lên một đợt tranh cãi và truy cứu trách nhiệm mới ! Thay vì kiểm soát chặt chẽ hoạt động của trường sau khi ra đời, thì người ta lại xây dựng ra một quy trình vô cùng khó khăn cho việc thành lập trường (từ đó dẫn đến tiêu cực), và một khi trường đã thành lập xong, việc giám sát của cơ quan quản lý nhà nước bị buông lỏng.

Thay vì quản lý chất lượng đào tạo ở các cơ sở đó, thì Bộ lại quản lý bằng cách mỗi năm cấp cho mỗi trường quota được tuyển sinh bao nhiêu - cái gọi là chỉ tiêu tuyển sinh. Và quota đó có thể thương lượng được. Cung cách quản lý này đến hiện nay vẫn còn rất phổ biến trong nhiều ngành, giống như đối với các doanh nghiệp kinh doanh, và sắp tới là các cơ quan nghiên cứu khoa học.

Cứ nói là hậu kiểm, nhưng cơ bản vẫn là tiền kiểm. Chẳng khác nào ra luật giao thông rất tỉ mỉ, chi tiết, cấp bằng lái xe rất khắt khe, nhưng cảnh sát giao thông không làm việc, ai muốn chạy xe trên đường thế nào thì chạy(!)

Không phải là phương pháp luận khoa học và khó thuyết phục

Là người Việt Nam, rất bức xúc với những vấn đề của nền giáo dục Việt Nam, tôi đã kỳ vọng bài tranh luận của GS Koblitz sẽ đưa ra những ý kiến quý báu nhằm giúp cho giáo dục Việt Nam nhiều vấn đề, góp cho các nhà lập chính sách giáo dục của Việt Nam ý tưởng để tìm ra một giải pháp toàn diện, hiệu quả, sớm đưa nền giáo dục Việt Nam ra khỏi khủng hoảng.

Rất tiếc, đọc nhiều lần bài tranh luận tôi chẳng biết mình thu hoạch được gì. GS đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để viết ra một bài gần 20 trang giấy, nhưng hình như chỉ nhằm vào 4 đích:

- Công kích nhóm tác giả Harvard, và Trường Harvard;

- Khơi dậy lòng thù hận của người Việt Nam đối với Mỹ;

- Bài xích nước Mỹ,

- Đề cao các ngành khoa học tự nhiên, nhất là toán học, coi thường các ngành khoa học xã hội khác (ví dụ trong trường hợp này là khoa học quản lý), đề cao mình, và quảng bá cho một quỹ mà GS là đồng sáng lập.

GS đã dành khá nhiều lời để đào bới lịch sử, phanh phui lý lịch cá nhân của nhóm tác giả Harvard, sự việc không hề liên quan đến công trình của nhóm tác giả Harvard, dùng đó làm minh chứng để bác bỏ độ tin cậy của tài liệu do nhóm tác giả Harvard đưa ra.

Tôi nghĩ đó không phải là phương pháp luận khoa học và không có sức thuyết phục. Rất nhiều người Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, đã trở lại đất nước này với cách nhìn nhận mới, từ những cựu binh Việt Nam bình thường đến những cựu binh nay đã nổi tiếng như John McCaine, John Kerry, v.v. Nhiều người trong số họ đang cố gắng làm cái gì đó cho Việt Nam với thiện chí. Quan hệ giữa nước Việt Nam với Hoa kỳ đã có những trang sử rất đau buồn. Việt Nam cũng có những trang sử đau buồn với một số nước khác.

Người Việt Nam không bao giờ quên lịch sử, song đã khép lại quá khứ, nhìn về tương lai. Chiến tranh đã qua đi hơn ba mươi năm. Việt Nam và Hoa kỳ đã bình thường hóa quan hệ từ lâu, và đang cùng nhau xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác.

Bài viết của GS Koblitz là ác ý, không có lợi cho quan hệ đang phát triển giữa hai nước. Nhạo báng một trường ĐH hàng đầu thế giới và văn bằng của nó, được cả thế giới thừa nhận, miệt thị trình độ học vấn của người khác, chê khéo ngay cả chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực được thảo luận có lẽ không phải là cách khôn ngoan để nâng cao uy tín của cá nhân mình, và khó thu phục được sự đồng tình của độc giả Việt Nam. Đúng là hệ thống giáo dục của Hoa kỳ vẫn có khiếm khuyết. Không một hệ thống giáo dục nào trên thế giới là hoàn hảo.

Có cái hôm nay có thể là hoàn hảo, nhưng ngày mai thì không phải như vậy nữa. Đòi hỏi của người dân về một nền giáo dục ngày càng tốt hơn là chính đáng, tự nhiên, liên tục và xẩy ra ở bất kỳ nước nào.

Dù sao vẫn phải thừa nhận rằng nền giáo ĐH của Mỹ đang chiếm vị trí hàng đầu thế giới. Trong bất kỳ trang web xếp hạng các trường ĐH trên thế giới nào, dù là của Mỹ, Úc, Anh, Tây Ban Nha, Italia....với mức độ uy tín khác nhau, thì ta vẫn thấy các trường ĐH của Mỹ chiếm hầu hết các vị trí hàng đầu trong số 100 trường tốt nhất thế giới. Chẳng lẽ hệ thống giáo dục ĐH của Mỹ không còn gì để giáo dục Việt Nam tham khảo và học tập?

Hơn nữa, không biết lớp trẻ Việt Nam đọc bài này sẽ thu hoạch được gì, khi thấy tác giả tự bài xích, công kích chính tổ quốc của mình? Người Việt Nam không muốn thay thế hệ thống XHCN hiện nay bằng "hình thức phương Tây cả về kinh tế và chính trị", như một số nhà tri thức hàng đầu của Liên Xô mà GS Koblitz đề cập. Việt Nam vẫn tự hào là một nước đổi mới thành công.

Sau hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cả người dân trong nước và cộng đồng quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, không phải Việt Nam không có những vấp váp. Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa, mà cải cách hệ thống giáo dục là một trong những nhiệm vụ quan trọng và cấp bách. Trong quá trình đó, nếu Việt Nam tham khảo, vận dụng kinh nghiệm về giáo dục đào tạo của các nước tư bản chủ nghĩa, không có nghĩa như vậy là hệ thống TBCN sẽ tiến tới thay thế hệ thống hiện tại của VN.

Người Việt Nam cũng hiểu rõ rằng cả những nước phát triển nhất trên thế giới, dù là Mỹ, hay nước nào khác, cũng có vấn đề của mình. Không nước nào hoàn thiện. Tuy nhiên, ở các nước đó có nhiều điều để Việt Nam, một nước phát triển sau, tham khảo, học tập và vận dụng phù hợp vào nước mình.

Quảng bá một quỹ đào tạo và đề cao cá nhân?

Tôi có cảm nhận rằng trong khi tài liệu của nhóm chuyên gia Harvard có vẻ chỉ là đề dẫn của một dự án - tức là phân tích thực trạng giáo dục ĐH của Việt Nam để đi đến đề xuất một dự án cụ thể là lập một cơ sở ĐH, thì tài liệu của GS Koblitz lại mang dáng dấp của việc tuyên truyền cho các ngành khoa học tự nhiên, quảng bá cho một quỹ đào tạo cụ thể và tự đề cao cá nhân.

Những giải pháp mà tài liệu này đưa ra như tăng lương cho giáo viên, tăng kinh phí cho một số lĩnh vực cụ thể đã từng được đề cập rất nhiều lần trên nhiều diễn đàn về giáo dục đào tạo ở Việt Nam. Và đó cũng chỉ là một biện pháp đơn lẻ trong giải pháp tổng thể đã được đề xuất nhiều lần ở Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, đã có khá nhiều tài liệu nghiên cứu, khảo sát, hội thảo....về đề tài giáo dục Việt Nam do các nhà nghiên cứu Việt Nam, kể cả những người đã từng lãnh đạo ngành giáo dục trong nhiều năm, những học giả Việt Nam uyên bác, tâm huyết, cả đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, có sự hợp tác với một số tổ chức quốc tế, và các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành của nhà nước ....thực hiện.

Mặc dù hiện nay vẫn chưa đạt được một định hướng chiến lược tương đối rõ ràng nào nhằm giải quyết vấn đề mang tính chất hệ thống, nghiêm trọng và sâu rộng của toàn bộ nền giáo dục đào tạo của nước ta, Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục hiện đang được Chính phủ trình Quốc hội cũng còn rất nhiều ý kiến khác nhau, ngay tại Quốc hội. Nhưng theo tôi, có thể vì là người Việt Nam, những người trong cuộc, cọ xát với thực tiễn giáo dục Việt Nam, lại tiếp cận được những thông tin mới, kinh nghiệm mới của quốc tế, và khá nhiều trong số họ được trải nghiệm cả hai hệ thống giáo dục khác nhau, nên hiểu thấu vấn đề của Việt Nam hơn bất kỳ nhà nghiên cứu nước ngoài nào.

Chỉ có điều, tri thức của họ chưa được khai thác triệt để mà thôi. Chúng ta luôn luôn trân trọng và cầu thị lắng nghe ý kiến đóng góp, tư vấn, thậm chí phê phán một cách xây dựng của cộng đồng quốc tế.

Trong thực tế, từ khi bắt đầu đổi mới đến nay, Việt Nam đã mời hàng ngàn chuyên gia tư vấn nước ngoài tới trao đổi kinh nghiệm, tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực trạng... giúp Việt Nam cải cách trong nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, hải quan, cải cách hành chính, cải cách luật pháp, xây dựng chiến lược ngành của nhiều ngành. .v.v Việt Nam cũng đã cử rất nhiều đoàn cán bộ, thuộc nhiều cấp, đến nhiều nước trên thế giới và khu vực, cả những nước xa xôi ở châu Mỹ La tinh, Trung Đông.....học tập kinh nghiệm. Có lẽ không có lĩnh vực kinh tế, xã hội nào của Việt Nam không có sự đóng góp của kinh nghiệm quốc tế.

Có lẽ vì vậy mà Việt Nam tránh được nhiều sai lầm mà các nước đi trước đã gặp phải. Tuy nhiên, một số người nào đó lợi dụng các diễn đàn Việt Nam để công kích, miệt thị cá nhân nhau, đề cao cơ sở này, hạ uy tín cơ sở khác, là điều không thể chấp nhận được.

Hơn nữa, liệu việc sử dụng một số diễn đàn của Việt Nam để khơi dậy lòng hận thù dân tộc có đi ngược lại chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, làm bạn với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp công việc nội bộ của nhau mà Việt Nam đang theo đuổi hay không?

Cuối cùng, theo tôi những bài tranh luận mang chính kiến cá nhân, như bài của GS Koblitz, nên được đăng tải ở một nơi nào khác, như các tạp chí, các tờ báo (cả báo viết và báo trên mạng), hay trên các diễn đàn cộng đồng.v.v. thì thích hợp hơn là trên trang web chính thức của một cơ quan Chính phủ.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • So sánh giáo dục Đại học Việt - Mỹ

    17/12/2017TS. Vũ Quang ViệtBài viết tóm tắt những khác biệt cơ bản giữa giáo dục đào tạo cấp cử nhân (BA) ở Mỹ và ở Việt Nam hiện nay. Những nét cơ bản này dựa vào so sánh chương trình học kinh tế ở VN và chương trình học khoa học cơ bản, xã hội hoặc nhân văn (trong đó có kinh tế, toán, vật lý, hoá học, văn chương, tâm lý học…)
  • Cảm nhận về nền giáo dục đại học của Singapore

    17/09/2012ThS. Hoàng Thái HàChúng tôi thật sự ngạc nhiên với các bạn sinh viên của họ mới học năm thứ 2 thôi mà các bạn đã rành rọt quy chế về đào tạo khi họ trả lời thắc mắc của đoàn công tác, vì sao họ lại rành quy chế đào tạo? Tìm hiểu kỹ hơn chúng tôi được biết việc tổ chức công tác cố vấn học tập của NUS rất quy củ, ngoài các giáo sư cố vấn học tập chính, mỗi sinh viên năm cuối được làm cố vấn học tập cho một hoặc hai nhóm (khoảng 5-6 sinh viên) khóa sau…
  • Tranh luận sau báo cáo của Harvard về giáo dục Việt Nam

    29/10/2009Neal Koblitz (Khoa Toán, Đại học Washington, Seattle, USAKhi Intel thông báo các yêu cầu của mình, sinh viên và các trường đại học đã có những đáp ứng có tính xây dựng. Chúng tôi còn cả một chặng đường, nhưng những tiến bộ gần đây là đáng kể.
  • Harvard bàn về khủng hoảng giáo dục đại học VN

    21/09/2009Đại AnTuần Việt Nam xin giới thiệu nội dung cơ bản của bản báo cáo trong khuôn khổ Asia Programs của Trường lãnh đạo Kennedy thuộc ĐH Harvard, do hai tác giả Thomas J. Vallely và Ben Wilkinson thực hiện với tựa đề: Giáo dục đại học - cao đẳng Việt Nam: Khủng hoảng và đối phó.
  • Giáo dục VN Loay hoay tìm cách phát minh lại... cái bánh xe

    23/06/2009Lê Ngọc Sơn (thực hiện)Thật bi hài, khi người ta bỏ ra hàng chục triệu USD để tổ chức hoa hậu, trong khi đó chưa ai dám bỏ ra 20 triệu USD để xây dựng một trường đại học tầm cấp quốc tế theo đúng nghĩa chuẩn của nó.
  • Cải thiện chất lượng giáo dục đại học bằng tư duy

    14/03/2009Phạm Trần LêViệc cải thiện chất lượng giáo dục đào tạo đại học được nhắc đến thường xuyên trong công luận như một vấn đề bức thiết nhưng cho đến nay vẫn chưa có những giải pháp mang tính toàn diện và triệt để, vừa đạt được mục tiêu về cải thiện chất lượng dạy và học đồng thời giúp cho bài toán quyền lợi của các cá nhân liên quan được giải quyết hợp lý. Một giải pháp như vậy đòi hỏi được xem xét qua tư duy kinh tế với ba câu hỏi căn bản là: xã hội có nhu cầu gì ở giáo dục đại học; hiện trạng đào tạo đại học hiện cung ứng tới đâu; lộ trình nào để từng bước giúp cung và cầu gặp nhau.
  • Công bằng xã hội trong giáo dục Đại học

    27/06/2007PVViệt Nam đã vào WTO. Điều này có nghĩa, nguồn nhân lực của Việt Nam và từ đó là nền Giáo dục Đại học cũng như nguồn cung cấp tài chính cho nền giáo dục, nay cũng phải được đặt trên cùng một mặt bằng so sánh với các nước khác trong khu vực và trên thế giới...
  • Lối thoát nào cho giáo dục Đại học Việt Nam?

    04/06/2007GS,TS Trần Đình Sử“Trước thực trạng xuống cấp của giáo dục Đại học nước nhà, đã có ý định thả nổi hệ thống Đại học hiện có. Đâu là lối thoát cho giáo dục Đại học Việt Nam. Có niềm tin, biết tháo gỡ các vướng mắc, bổ khuyết các thiếu sót, nhất định chất lượng Đại học sẽ lên”.
  • Vài góp ý về chất lượng giáo dục Đại học

    01/01/1900Nguyễn Văn TuấnQua theo dõi loạt bài thảo luận và góp ý về giáo dục đại học ở Việt Nam trên các báo trong nước và qua trao đổi với một số đồng nghiệp trong và ngoài nước tôi nhận thấy một trong những vấn đề lớn nhất về giáo dục Đại học ở Việt Nam hiện nay là vấn đề chất lượng: chất lượng đội ngũ giảng dạy, chất lượng đào tạo và chất lượng Sinh viên.
  • Lược sử giáo dục đại học và những vấn đề của trường đại học đương đại

    05/10/2006Ngô Tự LậpKhác biệt lớn nhất giữa trường ĐHHĐ với trường đại học thời trung cổ là ĐHHĐ có một tư tưởng chủ đạo, tạo thành nền tảng cho mọi hoạt động của nó, bao gồm mục đích, triết lý, phương pháp, cũng như quan hệ giữa các khoa và quan hệ của trường với nhà nước. Tư tưởng chủ đạo ấy, với Kant, là lý tính...
  • Vị cá nhân trong giáo dục Đại học

    28/09/2006Bùi Trọng LiễuMột xã hội muốn phát triển thì những tàn dư của cách tổ chức có "tính chất vị cá nhân" phải được huỷ bỏ và thay thế bằng cách tổ chức hợp lý hơn, công bằng hơn, lợi ích cho xã hội hơn. Trong nền giáo dục Đại học của nước ta "vị cá nhân ở điểm nào lợi ích cho cả xã hội" ở chỗ nào?
  • Dân ta cần Đại học đạt chuẩn thế giới

    15/07/2006Hữu NguyênChất lượng giáo dục đại học hiện đang là một trong những nguy cơ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Nhiều phụ huynh lo xa và có điều kiện đã tìm mọi cách cho con mình đi du học nước ngoài...
  • Giải pháp nào cho giáo dục đại học?

    01/04/2006Giáo sư Hoàng TụyCuộc cách mạng công nghệ và xu thế kinh tế tri thức từ vài thập kỷ lại đây càng nêu cao vai trò của giáo dục đại học, không chỉ đối với các nước tiền tiến mà cả đối với các nước khác(2). Cho nên tuy hiện nay dư luận xã hội đang quan tâm nhiều nhất về chất lượng giáo dục phổ thông, tôi vẫn nghĩ giáo dục đại học mới là cái đáng lo hơn cả.
  • Giáo dục đại học: phải cải cách triệt để!

    12/07/2005Nguyễn PhanHội thảo “Các giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức ngày 5-11-2004, đã thu hút gần 50 tham luận của các đại biểu.
  • Giáo dục đại học: Cần một hệ tư duy quản lý khác?

    04/01/2004Chất lượng đào tạo (ở đây tôi chỉ xin trình bày ý kiến của mình trong giới hạn lĩnh vực đào tạo đại học) liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình cùng phương pháp giảng dạy và bao trùm trên hết là chất lượng quản lý. Các yếu tố khác đã được đề cập nhiều. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh đến yếu tố bao trùm. Nhưng vì sao quản lý là yếu tố bao trùm?
  • Cần đẩy mạnh cải cách giáo dục đại học

    23/07/2003Trong cải cách giáo dục (CCGD), có lẽ do quan niệm phải cải cách tuần tự từ lớp 1 trở đi đến lớp 12 nên trong những năm qua ta đã chú trọng quá nhiều đến bậc PT, còn việc CCGD đại học (ĐH) cho đến hiện nay vẫn chưa được chú trọng ngang bằng...
  • Dự án giáo dục Đại học có nguy cơ phá sản

    25/04/2003"Cực kỳ thất vọng", "rủi ro cao, hiệu quả thấp", "vượt ngưỡng an toàn" và "có thể phải huỷ toàn bộ dự án, kế hoạch chưa thực hiện", đó là những lời đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) sau chuyến giám sát thực tế dự án giáo dục ĐH vào đầu tháng 4 vừa qua.
  • xem toàn bộ