Những bất cập trong việc xã hội hóa giáo dục
Bài viết của Giáo sư Hoàng Tụy đăng trên báo Nhân Dân điện tử ngày 18-5-2000 nêu ra: chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa là nhiệm vụ cấp bách nhất của ngành giáo dục hiện nay.
Chúng tôi tán thành những luận điểm cơ bản của bài viết đó đồng thời xin bổ sung thêm một số vấn đề sau đây.
Giáo dục những thử thách
Trước khi nói đến các giải pháp phải đánh giá đúng thực trạng của giáo dục Việt Nam, cần phân tích rõ cái được, cái chưa được, cái thử thách và cái yếu kém.
Cái được trong cái được hiện nay cần nhấn mạnh: do sự phát triển đổi mới của kinh tế, xã hội, nhu cầu và nhận thức của dân về giáo dục sau một thời gian khủng hoảng, coi nhẹ đã trở lại tăng vọt; Nhà nước tuy gặp nhiều khó khăn song đã cố gắng đầu tư cho giáo dục nhằm nâng cao dân trí, tăng quy mô giáo dục, nhiều gia đình dẫu nghèo vẫn chắt chiu, dành dụm để lo cái chữ, cái nghĩa cho con cháu.
Cái chưa được: Sự đổi mới trong giáo dục còn chắp vá, thiếu đồng bộ dẫn đến sự hỗn độn và nhiều điều bất cập.
Thách thức lớn nhất đối với giáo dục hiện nay là: phải dạy cái gì, dạy như thế nào để lớp trẻ kịp tiếp thu những điều quan trọng, cốt yếu một khối kiến thức của nhân loại đang tăng vô cùng nhanh bằng một phương pháp chủ động, có khả năng tự thích nghi với một hoài bão đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Trong khi đó cái yếu kém rõ nhất, lớn nhất dẫn đến tình trạng hỗn độn hiện nay trong giáo dục lại là sự bất cập về năng lực của cán bộ quản lý, cán bộ hoạch định chính sách của ngành chưa kể đến sự suy thoái về đạo đức trong một bộ phận. Cách xử lý các vấn đề nổi cộm của giáo dục hiện nay thường là đối phó, thậm chí nhiều chủ trương còn mang tính trục lợi cục bộ, xâm phạm lợi ích toàn khu cục.
Dưới đây tôi muốn đề cập vấn đề chất lượng giáo dục. Trong hệ thống giáo dục cần có một cách nhìn đúng hơn về vấn đề xã hội hóa giáo dục, về hệ thống các trường dân lập cũng như nhấn mạnh đến nguyên nhân của các yếu kém.
1- Chất lượng phụ thuộc rất nhiều yếu tố. ở đây tập trung vào vấn đề chương trình và đội ngũ cán bộ.
- Nền giáo dục phổ thông của chúng ta có truyền thống tốt, ngay trong những thời kỳ gian khổ nhất của chiến tranh mà việc học cũng không bị gián đoạn và giáo dục vẫn xứng đáng là bông hoa đẹp. Đáng tiếc là qua việc cải cách vội vã và một số thay đổi không phù hợp đã làm cho chương trình học đáng lo ngại như hiện nay. Thử hình dung một học sinh lớp bốn phải học chín môn bắt buộc, hàng ngày phải mang một cặp sách nặng nhiều cân trên vai. Riêng môn Toán có một quyển lý thuyết 260 trang và một quyển bài tập cùng cỡ (chưa kể sách nâng cao). Nhiều bài tập trước đây là bài tập dành cho học sinh giỏi nay được đưa vào trong chương trình chung (không có dấu *). Khá nhiều thầy, cô khi giảng bài phải đọc nguyên xi lời giải ở sách, một số bài toán phải vẽ sơ đồ để giải rất khó giải thích nếu không dùng phương pháp đại số. Các bài toán khó quá nhiều, thậm chí có bài sai (như bài 239, sách Bài tập Toán 4 Nhà xuất bản Giáo dục) dù đã tái bản nhiều lần.
Một vài người đã mang nguyên xi một số phần trong sách thí điểm không còn sử dụng nữa của một nước ở châu Âu để viết sách cải cách của ta. Tình trạng chắp vá chương trình khá rõ - Một mặt đại học hóa chương trình phổ thông, mặt khác lại phổ thông hóa cách học và chương trình đại học khi chủ trương chia hai giai đoạn cứng nhắc. Ngay cả chương trình sau đại học cũng vậy. Chương trình thi nghiên cứu sinh của một số môn sau nhiều lần thay đổi nay lại trở về gần như nguyên chương trình đã biên soạn năm 1970 khi lần đầu tiên ta tổ chức thi nghiên cứu sinh trong nước.
Chúng tôi thường nói với nhau: những lần thay đổi chương trình có lẽ vì để phù hợp với một tổ chức mới như khi thành lập trường đại học Đại cương và học theo bảy nhóm ngành hoặc để tìm cách giải ngân một khoản tiền do một dự án nào đó nhằm bồi dưỡng thêm cho cán bộ chứ kết quả tốt hay xấu thì kiểm nghiệm rất hình thức! Ta đã bỏ mất tổ chức tu thư để lo sách giáo khoa, bỏ đi các hội đồng bộ môn lo chương trình ở đại học.
2- Về đội ngũ cán bộ:
Ở phổ thông do vội đưa chương trình thay đổi trong khi chưa kịp chuẩn bị tốt cho người dạy nên không đủ người chuyển tải được những nội dung cho dù sự thay đổi là tốt hay không tốt.
Ở bậc đại học, đội ngũ cán bộ có trình độ cao được đào tạo tương đối chuẩn mực tại các Đông Âu trước đây nay đã cao tuổi. Cái đáng lo hiện nay là đội ngũ cán bộ có hiểu biết tương đối toàn diện về giáo dục đang già đi rất nhanh và trong một thời gian khá dài ta chưa có đội ngũ kế tục đủ mạnh. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (được tách ra từ Đại học Tổng hợp trước đây) là một trường đại học đầu ngành vào loại mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay có đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu với tuổi bình quân là 56 (Báo cáo thành tích Đại học Khoa học Tự nhiên tại Hội nghị thi đua lần thứ nhất Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 19-5-2000).
Đánh giá đúng thực trạng giáo dục hiện nay và chỉ ra nguyên nhân cơ bản của tình trạng đó để thực sự thấy sự cấp bách, không tự lừa dối để quyết tâm và kịp thời tìm ra lối thoát là yêu cầu cốt lõi trước khi hoạch định các chủ trương, chính sách cho giáo dục trong thời gian trước mắt.
Nếu đánh giá ngắn gọn thì qua hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế của ta khởi sắc, đã trả lại cho việc học hành mối quan tâm thích đáng cần có của xã hội. Những chủ trương cụ thể trong giáo dục đã đưa lại không ít thành tựu song cũng phạm phải rất nhiều sai lầm, thiếu sót. Cái được nổi bật trong giáo dục vừa qua là quy mô tăng nhanh, đa dạng hóa hình thức song cái hỏng thì nhiều hơn và nền giáo dục hiện nay bộc lộ quá nhiều điều bất cập, nhiều ngổn ngang, đáng lo ngại mà dư luận, báo chí, nhiều chuyên gia đã phân tích, phê phán.
So sánh trong vùng cũng như trên thế giới, giáo dục của ta đứng ở vị trí khá khiêm tốn và không còn giữ được vị trí một bông hoa đẹp như từng có ngay trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Cái năng lực của ta không thấp song thực thi còn quá yếu - đặc biệt việc học để hành ở ta kém nhiều (học để thi được thể hiện qua một số đội tuyển thì có thể mừng, còn học để làm thì cần xem xét để tìm cách mà nhanh chóng sửa đổi cách dạy và sử dụng).
Từ một số nét khái quát đó, vấn đề cần quan tâm của giáo dục thì rất nhiều nhưng có hai điều hoàn toàn phụ thuộc vào chính ngành mình, và nội lực của ta.
Thứ nhất là: Đội ngũ cán bộ quản lý hoạch định chính sách; phương pháp thu thập, lựa chọn, sử dụng ý kiến các chuyên gia (thực sự) để đề ra các chủ trương chính sách giáo dục đúng đắn.
Thứ hai là: Tổ chức các hội đồng xem xét lại một cách toàn diện nội dung và chương trình các bậc học. Tăng cường tính tự chủ cho các trường đại học. Xác định hợp lý các quy định về quản lý nhà nước trong ngành giáo dục (hiện nay những điều đáng quản lý chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc ngược lại nhiều điều không thuộc chức năng lại quản lý).
Xã hội hóa giáo dục và nan giải
Hiện nay không ít người trong đội ngũ cán bộ quản lý cấp cao của ngành giáo dục đang có xu hướng muốn lý giải và tìm nguyên nhân của sự bê bối trong ngành ở hệ thống các trường dân lập - nhất là sau hội nghị tổng kết công tác giáo dục tháng 4-1998.
Những điều lợi của các trường ngoài công lập cũng khó có ai phủ nhận vả lại việc phát triển các trường này là chủ trương của Đảng và Nhà nước đã được đưa vào Hiến pháp, vào nghị quyết Đảng, vào Luật Giáo dục. Với bậc học phổ thông hiện nay tỉ lệ trường ngoài công lập đã khá cao. ở đây nói về các trường đại học và cao đẳng.
- Với 17 trường đại học, cao đẳng dân lập và hơn 8% tổng số sinh viên các trường này đang góp phần cùng các trường công lập đào tạo nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp phát triển đất nước, nâng cao dân trí. Trong số 70.000 sinh viên hiện nay đang học tại các trường đại học, cao đẳng dân lập hiện chắc chắn sẽ có cả những cán bộ khoa học, cán bộ quản lý có trình độ cao trong tương lai và cả nhân tài nữa. Tuy trình độ lúc thi vào chưa cao bằng các trường công nhưng với đội ngũ thầy, cô giáo được chọn lọc vừa qua trong các kỳ thi Olympic sinh viên, trường đại học dân lập đã đạt một số giải.
- Tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học, cao đẳng góp phần làm nhẹ tính xơ cứng trong tổ chức, đào tạo của các trường công lập.
- Tiết kiệm trong kinh phí. Đặc biệt là tập hợp được đội ngũ cán bộ khoa học, giảng viên có trình độ cao tham gia đào tạo.
- Tính uyển chuyển, dễ thích nghi nhất là trong việc chọn ngành nghề, công nghệ đào tạo của đại học và cao đẳng dân lập giúp cho việc tiếp cận nhanh với nhu cầu xã hội và sự phát triển rất nhanh của khoa học và công nghệ hiện nay.
Các điều bất cập chủ yếu:
- Cơ sở vật chất còn thiếu.
- Đội ngũ cán bộ cơ hữu phải xây dựng dần nên còn rất yếu.
- Chưa có quy định hợp lý về quản lý nhà nước.
- Tình trạng quản lý khá quan liêu và độc đoán hiện nay của một số cán bộ có chức quyền trong ngành cùng với sự nhận thức chưa đúng về hệ thống trường ngoài công lập làm cho tâm lý xã hội chỉ coi trọng công lập, kỳ thị hoặc ngại dân lập không giảm bớt mà có lúc lại tăng lên. Một số chủ trương, quy định còn phân biệt đối xử giữa sinh viên công lập và dân lập.
Một vấn đề mà dư luận đang quan tâm (hay thiên kiến của một số cán bộ quản lý?) - Vấn đề thương mại hóa!
Thực ra khái niệm thương mại hóa là thế nào cần xem xét rõ ràng. Từ kinh tế bao cấp chuyển qua nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần nhiều cái trước đây là xin - cho nay cần phải mua, trao đổi. Vấn đề là cái gì cần phải đóng góp (hay phải mua và mua được) còn cái gì không thể mua được - dù có nhiều tiền cũng không thể chiếm đoạt được. Cuộc tranh luận này thuộc về phạm trù đạo đức.
Nếu xử lý không đúng, coi "thương mại hóa" là thiếu sót do hệ thống ngoài công lập để hạn chế hoặc coi thường nó đều dẫn đến sự kìm hãm một hệ thống mới tất yếu phải phát triển.
Thực ra "thương mại hóa" đâu phải xuất phát từ hệ ngoài công lập. Các chủ trương đưa tới thương mại hóa thường xuất phát từ những nhân vật có chức, có quyền của ngành:
- Độc quyền in, bán bộ đề thi, sách giải đề thi thậm chí bán cả những tập đính chính sai sót trong các bộ đề thi. Chủ trương bốc thăm bộ đề thi kéo dài trong 10 năm chẳng phải là nguyên nhân chính của tệ nạn luyện thi tràn lan, dịch phao trong thi cử hay sao?
- Ai có quyền đề ra chủ trương độc quyền in, bán hồ sơ, bán đến cả những cái nhỏ nhặt nhất trong thi cử?
- Độc quyền trong cả những cái không đáng có trong ngành giáo dục, sử dụng số đông (hàng chục triệu học sinh và gia đình học sinh) để thu lợi (bất chính) cực kỳ lớn. Vì sao hàng trăm trường đại học, cao đẳng trước khi gọi thí sinh trúng tuyển phải sắp hàng chờ xét duyệt điểm chuẩn mà chỉ một người duy nhất của bộ được quyền xét? Trong khi từ đề thi, chấm thi, lên điểm đều do trường lo, chỉ tiêu đã xác định sẵn.
Có thể dẫn ra rất nhiều các thí dụ tương tự, trong khi một vài việc như lộ đề ở Phú Yên, lạc đề ở ĐHQG, trường Luật... do không nắm được nghiệp vụ tối thiểu nên từ xử lý dẫn đến sự cố lớn hơn - từ cục bộ dẫn đến toàn cục.
Cái đáng lo nhất là việc thương mại hóa xuất phát từ sự độc quyền của một số cá nhân kém cả về năng lực lẫn phẩm chất.
Sự quan liêu thiếu trách nhiệm của những người lãnh đạo chính càng làm tăng thêm hậu quả của sự độc quyền của những cá nhân vừa thiếu năng lực, vừa kém phẩm chất.
Cuối cùng cần nói tới việc sử dụng ngân sách cũng như tiền của do dân đóng góp cho giáo dục còn quá lãng phí trong khi ta còn rất nghèo. Nhiều bài báo đã phân tích sự hỗn độn và lãng phí trong các kỳ thi nhất là thi tuyển sinh đại học. Trong phần cuối của bản "Dự thảo chiến lược giáo dục đào tạo đến năm 2010" lần này có nêu ra 12 chương trình thực hiện trong 10 năm với dự kiến chi 12.000 tỷ đồng (mỗi năm trung bình 1.200 tỷ).
Chỉ riêng chương trình 6.11 bao gồm hai nội dung :
1. Xây dựng chính sách, kế hoạch gửi người đi đào tạo ở nước ngoài trong những năm tới.
2. Quản lý điều hành công tác gửi người đi đào tạo ở nước ngoài với dự kiến chi 850 tỷ đồng.
Chú ý rằng ở đây chỉ mới xây dựng chính sách, kế hoạch và quản lý điều hành chứ chưa phải chi phí cho việc gửi đi nước ngoài. Dự thảo dự kiến chi trung bình mỗi năm 85 tỷ! Nhiều đề tài khác cũng tương tự.
Hãy thử so sánh: để tăng lương cho 10 nghìn cán bộ giảng dạy đại học trung bình mỗi tháng 100.000 đồng thì mỗi năm mới chỉ hết 12 tỷ đồng. Những so sánh giản đơn như vậy cho thấy sự bất hợp lý quá đáng trong phân bố, sử dụng ngân sách. Vì vậy cái cần là sự tổ chức, sắp xếp, chọn lựa hợp lý chưa được thể hiện ở rất nhiều khâu trong giáo dục.
Có lẽ vì thế nhiều người cho rằng: không lẽ những người quản lý không biết, phải chăng đây là hình thức tham nhũng phổ biến của những người này?
Sự lo lắng, quan tâm của xã hội đến thực trạng hiện nay của giáo dục được phần nào thể hiện qua những câu hỏi của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chỉ mới trả lời được một nửa số câu hỏi (16/32).
Trả lời trực tiếp chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày 23-5 vừa qua Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên chính thức công nhận những bất cập trong quản lý, điều hành của ngành là một trong những nguyên nhân cơ bản gây nên nhiều thiếu sót trong ngành và sự lo ngại cho xã hội. Nhưng chưa ai thấy yên tâm khi trong các câu trả lời vẫn chứa đựng những mâu thuẫn đồng thời chưa nêu lên được các hướng giải quyết - Chỉ riêng vấn đề sách giáo khoa, vấn đề cắt giảm chương trình đã thấy: chủ trương của Bộ mang nặng tính chất đối phó dư luận, vì vậy rất lúng túng, yếu ớt khi trả lời câu hỏi của Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu - đại biểu QH tỉnh Hà Tây.
Nói đến "chiến lược giáo dục" là phải nói đến mục tiêu cơ bản, các giải pháp cơ bản, vì vậy không thể chỉ bằng một số sự tập hợp tư liệu giản đơn và cách làm như trong những năm vừa qua của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà có được một lối thoát cho sự bế tắc hiện nay.
Hãy tổ chức lấy ý kiến một cách thực chất và có hiệu quả của các chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học đang hoạt động trong ngành giáo dục cũng như ở ngoài ngành giáo dục. Chắc chắn rằng với đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trong GD hiện nay, với đội ngũ cán bộ khoa học của ta (trong nước cũng như đang ở nước ngoài) nếu biết tập hợp, tổ chức và trang bị đủ các thông tin cần thiết sẽ tìm được giải pháp phù hợp.
Đồng Lạc Hương Sư, Báo Văn nghệ trẻ
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm