Đổi mới tư duy giáo dục phổ thông

02:58 CH @ Thứ Hai - 10 Tháng Mười, 2005

Chúng tôi nói về tư duy giáo dục phổ thông chứ không bàn về tư duy giáo dục chung chung, vì trên thực tế, trong nhiều năm qua giáo dục phổ thông và giáo dục đại học đã không được dẫn dắt bằng tư duy phù hợp với hai bậc học này, mà khi thì đại học bị phổ thông hoá, lúc thì phổ thông lại bị đại học hoá.

Sự nghiệp đổi mới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là đổi mới tư duy, được Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực hiện từ Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã ngày càng tỏ rõ sức sống mới. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, từ hai chục năm trở lại đây, tuy về một số mặt nào đó, ở đâu đó (chủ yếu là ở cấp cơ sở) có thành tựu, nhưng nhìn tổng thể ở tầm vĩ mô theo chức năng quản lý của bộ chuyên ngành thì còn nhiều vấn đề yếu kém dẫn đến những bức xúc trong xã hội, đến nay vãn chưa có giải pháp cơ bản để đưa giáo dục ra khỏi tình trạng yếu kém. Gần đây nhất, khi bắt đầu triển khai thay sách giáo khoa, những nhà cải cách giáo dục tuyên bố hùng hồn, rằng "khắc phục những yếu kém của chương trình và sách giáo khoa cũ”, nhưng càng triển khai thì lại càng làm cho xã hội bức xúc, đến mức Đảng và Quốc hội phải có sự chỉ đạo về vấn đề này:

"Kiên quyết giảm hợp lý nội dung chương trình học cho phù hợp với tâm sinh lý học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở" (NQ 9 BCH TƯ IX).

"Nghiên cứu điều chỉnh phương án phân ban trung học phổ thông..." (NQ 37/2004/QH 11).

Nguyên nhân sâu xa của những sai lầm yếu kém trong giáo dục, theo chúng tôi, đều xuất phát từ tư duy giáo dục của "Tư lệnh" lĩnh vực giáo dục, người chỉ huy giáo dục toàn ngành.

Nhiều nhà khoa học nói lên ý kiến của mình, cho rằng cần phải "đổi mới tư duy giáo dục" cũng là có cơ sở. Căn cứ vào những biểu hiện trong giáo dục phổ thông suốt hai thập niên gần đây ta có thể nhận diện được bản chất của tư duy giáo dục phổ thông theo hai kiểu tư duy: Tư duy kiểu “bao cấp" và tư duy kiểu "dự án".

Tư duy giáo dục kiểu "bao cấp” đã bào mòn cá tính, không thể hiện rõ chủ thể tư duy ("bao cấp” cả tư duy). Biểu hiện của kiểu tư duy này là kết quả tư duy của người có uy quyền trùm lên những người cấp dưới làm cho họ chỉ biết minh hoạ, nói theo, làm theo cấp trên, dẫn đến "bệnh thành tích", đối phó. Biểu hiện rõ nhất là những bất hợp lý trong giáo dục thường không được phát hiện công khai từ ngành giáo dục, mà phải đến khi báo giới và xã hội lên tiếng thì ngành giáo dục mới thừa nhận và đối phó bằng những giải pháp tình thế.

Việc phân ban trung học phổ thông (THPT) giữa những năm 90 của thế kỷ trước và hiện nay vẫn đang tiếp diễn, nội dung chương trình quá tải ở tiểu học và trung học cơ sở đầu những năm 2000, quy định về tổ chức cho học sinh phổ thông học 2 buổi/ngày... là những ví dụ cụ thể.

Tư duy giáo dục kiểu “dự án" là kiểu tư duy chắp vá", "vay mượn". Kiểu tư duy này có phần khác biệt kiểu tư duy "bao cấp" ở chỗ, cách nghĩ cách làm hợp thời thế hơn, được cho nhiều tiền hơn, nhưng về cơ bản cũng giống tư duy "bao cấp", vì đều là kiểu tư duy không hiện hình rõ chủ thể, tư duy thụ động đối phó, thiếu hẳn tính độc lập, sáng tạo. Làm giáo dục theo kiểu "tư duy dự án" và thực hiện dự án như Bộ giáo dục đang làm là cách làm đã phá vỡ hệ thống giáo dục. Cụ thể:

+ Chia giáo dục phổ thông thành những phần, những đoạn riêng rẽ vời những dự án độc lập (giáo dục tiểu học có dự án tiểu học, dự án giáo viên tiểu học..., THCS cũng có các dự án riêng rẽ như vậy).

+ Kiểu phân chia thành các dự án như vậy làm cho giáo dục từng cấp học và cả bậc phổ thông mất đi tính chỉnh thể, không đảm bảo tính chiến lược.

Về cơ bản, cách làm giáo dục theo kiểu "dự án" của Bộ GD&ĐT lâu nay có thể diễn đạt bằng công thức :

Tiền + Quyền lực + Cơ chế dự án = Quyết sách giáo dục

- Làm giáo dục theo kiểu "tư duy dự án" (hướng đi) và cách làm dự án như Bộ GD&ĐT làm từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước tới nay chứa trong lòng nó những sai trái, cũng chính là mầm họa về sau. Đó là:

+ Việc xây dựng dự án thường không được làm chu đáo thích hợp và những người thiết kế xây dựng nên dự án cụ thể thường không đủ tầm (tầm nhìn), không đủ hiểu biết, không đủ trách nhiệm, nên dự án được hình thành kiểu bản vẽ từ kết quả của một nhóm người có thể gọi bằng cái tên là "thợ xây dự án". Vì vậy mà mục tiêu dự án, tổ chức và nhân sự làm dự án, tiến độ triển khai dự án, quản lý dự án... đều không hợp lý.

+ Mỗi cấp học phổ thông có nhiều dự án, mỗi dự án có “êkíp" riêng, những êkíp này không hợp lý về cơ cấu tổ chức và nhân sự nên đã chuyển dự án có mục tiêu quốc gia thành vốn riêng của êkíp (mỗi dự án có 1 lãnh đạo bộ (tập trung quyền lực) + 1 giám đốc điều hành + 1 kế toán và một số nhân viên giúp việc). Tổ chức và cơ chế vận hành dự án được nhất nguyên hoá theo cơ cấu 3 thành tố như vế trái của công thức nêu trên, bộ ba này đã đồng tình thì việc gì cũng xong.

Từ hai điểm nêu trên dẫn đến tình trạng:

+ Triển khai dự án gấp gáp, đốt cháy giai đoạn; không đảm bảo được tính khách quan khoa học, thiếu dân chủ.
+ Các dự án đã tự loại khỏi nó sự quản lý Nhà nước, vì một vị lãnh đạo bộ-chủ dự án đại diện cho tất cả, đã không huy động được tiềm năng khoa học của ngành vào công cuộc đổi mới giáo dục (chỉ cần bộ ba là đủ ra quyết định: Chủ DA + Giám đốc điều hành + Kế toán).
+ Hệ thống giáo dục phổ thông vốn là một chỉnh thể đã bị chia cắt bởi các dự án, mỗi dự án lại theo kiểu riêng mang đậm dấu ấn chủ quan của kíp chủ trì, dẫn đến tình trạng làm cho hệ thống giáo dục phổ thông đã bị dị dạng.

Đổi mới tư duy giáo dục phổ thông chính là hướng tới:
- Tư duy khoa học về giáo dục phổ thông.

Tư duy khoa học tất yếu dẫn đến cách làm giáo dục kiểu khoa học, làm giáo dục theo quy luật, đó là cách làm theo quy trình với bước đi hợp lý như sau:

(1) ý tưởng giáo dục (tư duy)
(2) Xác định mục đích + Phương tiện (việc làm cụ thể)
(3) Thực nghiệm giáo dục (thực nghiệm khoa học)
(4) Thực nghiệm triển khai (thử nghiệm: đưa kết quả nghiên cứu ở bước 3 áp dụng trên diện rộng hơn)
(5) Triển khai đại trà.

- Tư duy giáo dục phổ thông được đổi mới là quá trình tư duy mà kết quả của nó phải được kiểm chứng bằng thực tiễn giáo dục ở tầng cơ sở giáo dục (trường học), bằng quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có tư duy khoa học về giáo dục phổ thông. Câu trả lời là phải đổi mới. Nhưng đổi mới như thế nào thì lại là vấn đề đang được bàn luận nhiều và đang có những đề tài nghiên cứu tầm cỡ về vấn đề này. Tuy nhiên, đã có thể khẳng định rằng không thể tiếp tục làm giáo dục theo kiểu như Bộ GD&ĐT đang làm.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những nghịch lý giáo dục

    30/09/2015Hoàng TụyVì sao con em ta giỏi toán mà đời sống kinh tế, xã hội ở nước ta về nhiều mặt lại thể hiện một cung cách làm ăn không hề biết tính toán? Vì sao trẻ em ta có tinh thần kỷ luật cao, mà đời sống công cộng của người lớn trong xã hội lại biểu lộ một ý thức kỷ luật, trật tự thấp kém không thể chấp nhận được ở một nước cần hướng tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa? Vì sao trẻ em được dạy bảo phải thật thà, trung thực, mà xã hội người lớn có quá nhiều gian dối, tham nhũng, buôn lậu? Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu nghịch lý nhức nhối.
  • Để giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh chóng và hiệu quả

    11/01/2004Theo lộ trình, năm 2005, khoảng 50% số trường THPT và THCS được kết nối internet. Việc kết nối internet trong nhà trường là cần thiết để giúp học sinh tiếp thu các kiến thức nhanh chóng và hiệu quả...
  • Nhà giáo không được tụt hậu

    24/11/2003TS Đỗ Huy ThịnhTại Hội thảo quốc tế về giảng dạy tiếng Anh tổ chức ở Trung tâm Ngôn ngữ khu vực (Singapore) mới đây, trong số hơn 500 người tham dự chỉ có một đại biểu Việt Nam. Nếu không có kinh phí của trường, có lẽ đại biểu này cũng không thể tham dự...
  • Giáo dục của chúng ta đang đi sau các nước hàng chục năm

    22/11/2003Nguyễn Thế LongTrong quá trình cải cách giáo dục (CCGD) hơn hai mươi năm qua, hãy cùng nhìn lại xem các trường đại học (ĐH) đã có những chuyển biến đổi mới gì trong nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập?
  • Về quản lý chất lượng trong giáo dục phổ thông hiện nay

    18/10/2003Phạm Quang HuânBài viết này đề cập một số suy nghĩ bước đầu về những bất cập chính trong thực tiễn QLCL ở nhà trường phổ thông hiện nay...
  • Chất lượng giáo dục thấp: "vị đắng" bắt đầu từ đâu?

    03/10/2003Viện Chiến lược và chương trình giáo dục vừa cho biết, chỉ số tổng hợp về chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực của nước ta chỉ đạt 3,79/10, thua kém nhiều so với các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực và châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Điều này chẳng mấy bất ngờ, nhưng vị đắng này bắt đầu từ đâu?
  • Giáo dục - Lực bất tòng tâm?

    23/08/2003Võ Sư PhạmNhiều điều xã hội kêu ca về chuyện học thường được nghe thanh minh tại lực bất tòng tâm. Rồi ai cũng hiểu ta thừa tâm, chỉ thiếu lực. Lực là tiền, là cơ sở vật chất để thực hiện cái tâm. Còn cái tâm là gì?
  • Một cơ hội để đánh giá thực trạng giáo dục THPT

    10/02/2003Tiến sĩ Hồ Thiệu HùngĐối với nhà quản lý xã hội, đây là một dịp để kiểm định những báo cáo lâu nay chỉ nêu dưới dạng định tính của các nhà quản lý giáo dục về chất lượng giáo dục (văn hóa) của học sinh địa phương mình, được diễn đạt là "được nâng lên rõ rệt" (hoặc một bước) kèm theo mấy con số về tỷ lệ tốt nghiệp ở các bậc học - nào là tiểu học 99,9%, trung học cơ sở là hơn 99%, THPT là hơn 90%...
  • Gọi đúng tên thực trạng giáo dục

    10/02/2003Tương LaiTôi muốn đề nghị gọi đúng tên thực trạng của nền giáo dục nước nhà khi những băn khoăn, lo lắng về một mùa thi, một mùa tuyển sinh vừa kết thúc, một năm học mới sắp khai giảng, tạo nên một mối bất an trong tâm lý xã hội.
  • xem toàn bộ