Giáo dục và quá tải!
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển, tôi (tác giả - Dương Trung Quốc) có đăng ký phát biểu nhưng vì hết thời gian nên không có cơ hội trình bày. Lại thấy vấn đề mình quan tâm không thấy người hỏi và người trả lời đề cập tới. Do vậy, tôi viết ý kiến của tôi để ai quan tâm thì tham khảo.
Ở nhiều nội dung chất vấn, bộ trưởng trả lời chưa thuyết phục. Không nói đến những tiểu tiết, mà điều quan trọng hơn cả là độ chênh không lý giải được giữa sự đánh giá có phần tự tin của bộ trưởng với sự đánh giá có phần nghiêm khắc trong báo cáo của Chính phủ trình bày ngay tại kỳ họp này...
Ý kiến của tôi đặt trên sự chia sẻ gánh nặng và khó khăn của ngành giáo dục nói chung và của bộ trưởng nói riêng... Tôi cho rằng phải nhìn những vấn đề của giáo dục hôm nay trong tính liên tục của lịch sử.
1. Ta thử tìm hiểu xem nền giáo dục truyền thống đã góp phần tạo nên nền văn hiến đáng tự hào được xây dựng trên nền tảng nào? Đó là một nền “giáo dục của dân”.
Ở các làng xã, tế bào của xã hội, các trường học đều do dân lập nhờ vào các “học điền” (là phần ruộng công được phát canh để chi phí cho việc xây trường, thuê thầy, mở lớp..., cùng các lớp học tại gia của các thầy đồ...
Triều đình chỉ đóng vai trò “quản lý nhà nước”: cung cấp các loại sách học kinh điển, tổ chức hệ thống học quan để thanh tra việc học (đảm bảo nội dung giáo dục không phương hại đến Nhà nước và đạo lý); tổ chức hệ thống các kỳ thi theo định kỳ: hương - hội - đình để tuyển chọn người có trình độ, bổ sung cho bộ máy quan lại (công chức) và số đông lại trở thành nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục địa phương (thầy đồ). Và nhà nước trung ương chỉ xây dựng những cơ sở giáo dục cao cấp như Quốc tử giám (dạy con cái hoàng tộc và quí tộc...), Hậu bổ (bồi dưỡng đội ngũ quan lại cao cấp cho triều đình).
Một thiết chế giáo dục như vậy được bổ sung thêm một số chính sách khuyến học và sự bình đẳng trong thi tuyển (cho phép con em bình dân nếu đỗ cao vẫn được tham dự bộ máy quan lại...) đã hình thành một nền học truyền thống của dân tộc tồn tại ngàn đời.
2. Thực dân Pháp xâm lược áp đặt chế độ thuộc địa từ cuối thế kỷ 19, và cùng với quá trình ấy là sự áp đặt và hình thành hệ thống giáo dục thuộc địa. Hệ thống ấy một mặt hạn chế rồi đi đến thủ tiêu hệ thống giáo dục truyền thống và hướng việc thiết lập hệ thống giáo dục phù hợp với lợi ích thuộc địa: cung cấp nguồn nhân lực cho công cuộc khai thác thuộc địa và nền cai trị thực dân.
Tuy nhiên, chính quyền thuộc địa cũng duy trì hệ thống giáo dục ở cơ sở các làng xã do dân tự lo nhưng chỉ là hệ thống sơ học - ấu học (hai đến ba lớp đầu của tiểu học), các lớp học hàng tổng, huyện, tỉnh được hình thành cũng chỉ là hai lớp tiếp theo (cao đẳng tiểu học) và tuy có sử dụng ngân sách nhà nước nhưng chủ yếu vẫn là dân lập (tư thục), trường công lập rất ít, chỉ tạo thành một thứ chuẩn mực.
Từ 1919 chấm dứt khoa cử Hán học. Hệ thống các trường trung học đào tạo bằng cấp tú tài thì hoàn toàn do nhà nước xây dựng và quản lý, có chất lượng cao. Trước cách mạng 1945, cả ba kỳ nước ta số trường trung học đếm được trên đầu ngón tay (Hà Nội: A.Sarraut, Hậu bổ (Bưởi); Trung kỳ: Hậu bổ và Quốc học; Sài Gòn: Petrus Ký, Chasseloup Laubat; thêm một số trường dòng hay nữ sinh...). Nhà nước thuộc địa tập trung xây dựng hệ thống các trường dạy nghề, cao đẳng chuyên khoa và từng bước hình thành giáo dục đại học.
Và cũng như trước kia, chính quyền thuộc địa thực hiện chức năng “quản lý nhà nước” bằng việc ban hành “học chính tổng qui”, thực hiện thanh tra học chính, soạn sách giáo khoa, tổ chức các kỳ thi và cấp bằng. Để bảo đảm lợi ích thuộc địa, thực dân nắm chắc khâu đào tạo và phân bổ giáo viên, thanh tra học chính.
Tóm lại, giáo dục được hình thành theo một mô hình “kim tự tháp”. Nhà nước chỉ nắm quyền quản lý theo luật định bằng hệ thống thanh tra, và các cấp học cao hoặc trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho thuộc địa. Do vậy, ngân sách đài thọ cho giáo dục không lớn. Tuy nền giáo dục này vẫn bị lên án là nô dịch, song chất lượng giáo dục không phải là thấp và đương nhiên nó nâng cao kìm hãm dân trí cho số đông.
3. Nền giáo dục cách mạng của chúng ta ra đời cùng với nền độc lập dân tộc, chẳng những kế thừa những điều tốt đẹp của nền giáo dục truyền thống dân tộc mà giữ được tính liên tục của di sản giáo dục chế độ cũ. Phong trào bình dân học vụ nhằm tuyên chiến với giặc dốt kế thừa những bài học kinh nghiệm từ Đông Kinh nghĩa thục đến truyền bá quốc ngữ, dựa trên sự tham gia và đóng góp của toàn dân. Hệ thống các trường tư vẫn được duy trì cho đến thời kỳ kháng chiến và hòa bình lập lại.
Bộ trưởng giáo dục đầu tiên Vũ Đình Hoè kể trong “Hồi ký” câu chuyện về lần đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc với Bộ Quốc gia giáo dục. Sau khi nghe phương án thực hiện mục tiêu xóa nạn mù chữ và khuếch trương bình dân học vụ, cụ Chủ tịch đánh giá: “Tôi khen sáng kiến của ông bộ trưởng. Ông là bộ trưởng giáo dục lại kiêm cả bộ trưởng tài chính. Ông khéo thu xếp để ta làm được việc lớn mà không phải tiêu pha lớn”. Nội dung của phương án được cụ Hồ khen là biết dựa vào nguồn lực của dân.
Cùng với công cuộc cải tạo XHCN, chúng ta cũng “quốc hữu hóa” ngành giáo dục. Quan niệm đây là bộ phận quan trọng của sự nghiệp xây dựng con người mới XHCN và cũng để thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN, chúng ta gồng mình gánh vác một nền giáo dục công lập hoàn toàn từ nhà trẻ, mẫu giáo đến đại học chuyên nghiệp và trên đại học. Cùng với nó là sự thay đổi nhiều hệ thống giá trị liên quan đến giáo dục và hướng nghiệp dẫn đến sự quá tải về khối lượng và sự không hợp lý, mất cân đối trong đào tạo.
Không ai phủ nhận những thành tựu to lớn của sự nghiệp giáo dục cho đến thời điểm này, nhưng ai cũng thấy những bất cập và cũng có thể coi giáo dục đang lâm vào một trạng thái “khủng hoảng trong sự phát triển”, một cơn sốt vỡ da mà không tìm được phương cách giải quyết sẽ dẫn đến sự xuống cấp thật sự, không dễ cứu vãn. Có thể có nhiều nguyên nhân để đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, của nhiều ngành... Nhưng theo tôi, nguyên nhân chính là sự quá tải của chức năng “quản lý nhà nước”.
4. Đã qua hơn 15 năm đổi mới, nhưng có hai ngành ít được đổi mới về cơ chế là giáo dục và y tế. Cơ chế được hiểu là chuyển đổi từ bao cấp sang thị trường theo “định hướng XHCN”. Có lẽ vì chúng ta coi trọng hai ngành này xuất phát từ quan điểm cho rằng nó liên quan trực tiếp đến con người (thể chất và tinh thần). Đó là điều đúng. Nhưng nếu như đối với các ngành khác (đặc biệt là kinh tế) sự đổi mới gắn liền với các quá trình tự do hóa, xã hội hóa, tư nhân hóa (trong khuôn khổ của pháp luật) thì trong ngành giáo dục quá trình ấy hầu như không đáng kể (về tỉ trọng) và không được khuyến khích (về chính sách).
Đã có trường dân lập ở các cấp (cho đến đại học) nhưng vị thế rất thấp mặc dù nhiều trường thể hiện được chất lượng cao và đáng tin cậy. Toàn bộ giải trình của bộ trưởng không hề đề cập tới đối tượng này, có chăng chỉ nhắc đến vụ Đại học dân lập Đông Đô như một biểu hiện tiêu cực.
Trên thực tế, nền giáo dục toàn xã hội hiện tại vẫn do Nhà nước gánh vác. Bộ GD-ĐT hiện nay là bộ có ngân sách lớn nhất, lại được sự quan tâm cao (phát hành công trái...). Nhưng nếu cứ duy trì tình trạng nặng bao cấp như hiện nay thì, theo tôi, không khi nào khắc phục nổi những tồn tại vì sự quá tải tiếp tục tăng dần cùng với sự tăng dân số, nhu cầu nhân lực ngày càng cao cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, theo tôi, cũng như kinh tế, cần phải đẩy mạnh và nhanh hơn nữa quá trình xã hội hóa vấn đề giáo dục như nhiều người đã đề cập, nhưng không phải chỉ là huy động tiền trong dân (học phí) mà là để nhân dân cùng tham gia sự nghiệp giáo dục trực tiếp hơn, rộng lớn hơn, trong đó có sự phát triển (cũng là sự chia sẻ) của hệ thống trường dân lập.
Nhờ vậy, bộ có thể tập trung nguồn lực nhiều hơn vào chức năng “quản lý nhà nước” theo đúng nghĩa và xây dựng hệ thống các trường chuẩn ở các cấp học cao mang tính định hướng cho toàn bộ nền giáo dục quốc gia; tạo ra hành lang pháp luật kích thích cạnh tranh (tăng chất lượng, giảm học phí...), mang mối lợi cho dân và giảm gánh nặng cho Nhà nước. Và điều đó cũng phù hợp với những gì vốn có trong truyền thống nền giáo dục dân tộc, cũng như với nguyên lý hiện tại xây dựng một nền giáo dục của dân, do dân, vì dân.
Ở nhiều nước phát triển và ngay ở nước ta lúc này đã có những trường dân lập chất lượng không kém, đôi khi còn cao hơn các trường công. Cần mạnh dạn nghĩ tới việc cổ phần hóa một số trường học để người dân, trong đó có cả các doanh nghiệp và các thầy cô giáo tham gia quản lý các hoạt động giáo dục. Đừng bị trường hợp Đại học dân lập Đông Đô ám ảnh, vì đó lại chính là bài học về thiếu sự quản lý do sự quá tải của cơ quan quản lý nhà nước...
Mới đây, chính bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã giải trình và yêu cầu Ủy ban VH-GD-TTN và nhi đồng của Quốc hội ủng hộ đề nghị của bộ xin phép được nới rộng thời gian thực hiện nghị quyết 40 của Quốc hội thêm một năm. Các thành viên trong ủy ban chia sẻ khó khăn với bộ còn gợi ý nên kéo thành hai năm cho đủ thời gian để bảo đảm chất lượng. Ông bộ trưởng cũng phải nhận rằng có phần “duy ý chí” khi xây dựng đề án và không lường được những khó khăn trong thực hiện. Điều đó cho thấy rõ sự quá tải, cũng là sự chưa đổi mới đúng hướng của ngành giáo dục hiện nay.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi