Thêm một số suy nghĩ về cải cách giáo dục
Phải khẳng định, người đi dạy quan trọng nhất là nhà nước. Nhà nước phải là người tổ chức chương trình giảng dạy xã hội chứ không phải là chương trình giáo dục và chương trình đó phải thỏa mãn ba điều kiện đối với con người là tôn trọng con người, nâng cao năng lực con người và bảo vệ sự trọn vẹn của tự do của con người để con người có thể phát triển được. Nếu nền chính trị không định hướng con người theo hướng ấy thì không thể tiến hành cải cách giáo dục thành công được.
Sự nhân bản tinh thần, như đã từng nhắc đến ở trên, đã làm biến mất con người. Con người không có đời sống tinh thần theo đúng nghĩa, không còn có khát vọng tự do. Khát vọng vươn tới những giá trị cao thượng của đời sống tinh thần là khát vọng chính đáng của con người. Cải cách giáo dục có nghĩa vụ phải thổi tự do một cách có giáo dục vào đời sống tinh thần của con người để mỗi người có năng lực tổ chức đời sống, sáng tạo ra đời sống của mình. Nếu con người không còn nhu cầu đi tìm sự cao thượng trong hành vi của mình thì không còn là con người nữa, và một xã hội với những con người như vậy là xã hội chết hay xã hội tha hóa đến cội rễ. Sự tha hóa đời sống tinh thần của mỗi người là hiện tượng triết học chứ không phải là hiện tượng chính trị, hay đạo đức. Đó là hiện tượng tan rã các giá trị cao quý của đời sống tinh thần con người, khi đó con người không còn lý tưởng thẩm mỹ về chính mình. Nhiệm vụ của giáo dục là tổ chức, dạy dỗ con người ý thức về những điều như thế, hơn thế là trang bị những năng lực cần thiết để mỗi người tự bảo vệ những giá trị cao quý của mình. Cần phải khôi phục lại khát vọng vươn tới các giá trị thiêng liêng, cao cả của đời sống tinh thần của con người vì đó chính là khôi phục lại quyền có tương lai của loài người.Cải cách giáo dục là tạo ra những con người làm chủ tương lai của xã hội, vì thế cải cách giáo dục khó hơn các cuộc cải cách khác bởi nó phải có kinh nghiệm để tiên lượng các đòi hỏi của đời sống tương lai chứ chưa phải là thỏa mãn các đòi hỏi hiện tại, trong đó vừa có ý nghĩa dự báo, vừa có ý nghĩa quy hoạch, vừa có ý nghĩa kế hoạch. Ngày nay, càng không thể dự báo tương lai của bất cứ quốc gia nào nếu quốc gia đó bị cô lập ra khỏi thế giới, vì thế dự báo tương lai xã hội là nhiệm vụ số một trong các quá trình giáo dục và cải cách giáo dục. Muốn dự báo tương lai của Việt Nam, chúng ta phải biết rất rõ diễn biến địa chính trị, địa kinh tế của Việt Nam, tức là phải dự báo cả thế giới hay là dự báo sự tương tác của thế giới đối với vùng đất được gọi là Việt Nam. Cải cách giáo dục hiện đang diễn ra quyết liệt không chỉ ở các nước có nền giáo dục kém phát triển mà còn ở các nước mà nền giáo dục đã đạt đến những trình độ phát triển vì các nước này cũng nhận ra nhu cầu phải có nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao và là chất xúc tác cho sự phát triển và và tiến bộ hơn nữa.
Tôi luôn luôn cho rằng, cải cách giáo dục là nhiệm vụ của hệ thống chính trị, thậm chí là của toàn xã hội chứ chưa bao giờ xem đó là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì coi cải cách giáo dục là cải cách riêng hệ thống giáo dục, nên ở Việt Nam trọng trách cải cách giáo dục được giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Và cho đến nay, những gì mà Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam làm trong chương trình cải cách giáo dục là tiến hành sửa đổi sách giáo khoa, sửa đổi chương trình học, sửa sang trường học. Thật ra, tất cả những việc như vậy chỉ là cái vỏ vật chất của cải cách giáo dục chứ không phải là cải cách giáo dục. Cần phải hiểu là cải cách giáo dục là xác lập lại tinh thần tự do trong việc hình thành nhân cách ban đầu của con người thông qua phương tiện nhà trường. Và cũng không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước khác, người ta nhầm lẫn nhà trường là phương tiện giáo dục duy nhất. Nhà trường không phải là phương tiện giáo dục duy nhất và cũng không phải là phương tiện quan trọng nhất của nền giáo dục. Nhà trường là điểm đến của các yếu tố của cuộc sống tạo ra các sản phẩm giáo dục chứ không phải là nơi sản sinh ra các yếu tố để tạo nền giáo dục. Cũng giống như nhà máy, đó là điểm đến của năng lượng, điểm đến của người thợ, điểm đến của vật liệu... tóm lại là tất cả các yếu tố đến từ cuộc sống. Cho nên, nếu tập trung xây các xí nghiệp thì không thể tạo nên nền công nghiệp được, cũng như nếu tập trung xây dựng các trường học thì không thể tạo nên một nền giáo dục được, chứ chưa nói đến một nền giáo dục tốt. Càng toàn cầu hóa người ta càng hiểu ra rằng, cải cách giáo dục về thực chất là cải cách xã hội. Xã hội phải tiên lượng được các mục tiêu con người của mình, phải làm cho xã hội thức tỉnh về các mục tiêu xã hội về con người rồi từ đó cổ vũ về mặt tinh thần, cung ứng về mặt vật chất và kiểm soát về mặt pháp luật đối với nền giáo dục.
Hiện nay, du học đang trở thành trào lưu phổ biến ở các nước thế giới thứ ba. Mỗi quốc gia, mỗi chính phủ đều có những chính sách riêng nhằm thu hút nhân tài được đào tạo ở những quốc gia có nền giáo dục hiện đại, tiên tiến để phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Và trên thực tế, đây thực sự là nguồn nhân lực quan trọng cho những quốc gia đang phát triển. Nhưng vai trò của du học không chỉ dừng lại ở đó. Xét trên phương diện toàn cầu, tôi cho rằng, du học là một phương thức cực kỳ quan trọng để tạo ra bộ mặt văn hóa, bộ mặt sinh hoạt của thế giới hiện đại, thậm chí có thể nói, du học là tất cả tương lai của thế giới hiện đại. Tuy nhiên, hiện nay du học mới đi theo một chiều, tức là các nước lạc hậu đi du học tại các nước tiên tiến, chứ chưa có sự du học đại trà từ các nước tiên tiến sang các quốc gia lạc hậu để nghiên cứu sự lạc hậu, sự chậm phát triển. Điều này xuất phát từ quan điểm của giáo dục là đi học cái đúng chứ chưa phải là đi học từ cái sai. Chừng nào con người hiểu ra rằng, nguyên lý căn bản nhất của giáo dục là học kinh nghiệm từ sự sai trái của cuộc sống thì du học sẽ thực hiện theo chiều ngược lại và nó tạo ra giao lưu giáo dục. Giao lưu giáo dục chính là sự giáo dục của tương lai. Nếu du học diễn ra theo khuynh hướng này thì khi đó, con người bỗng nhiên thấy có kinh nghiệm về những mặt sáng tối của cuộc đời và con người tạo ra tương lai sáng dần lên của những vùng đất tăm tối của cuộc sống. Du học chính là sự giao lưu về giáo dục, sự giao lưu về giáo dục sẽ là sự giao lưu quan trọng nhất để tạo ra tương lai của nhân loại. Đây mới chỉ là dự báo nhưng tôi tin vào cơ sở của nó. Những vùng đất tăm tối là vùng đất hứa của sự phát triển vì nó chưa phát triển. Vì nó chưa phát triển nên nhiều người sẽ nghiên cứu nó để tạo ra sự phát triển cho nó, để tạo ra kỳ tích, tạo ra thành tựu của con người ở những vùng đen tối và ở những vùng đất đen tối ấy con người sẽ học kinh nghiệm của sự đen tối để tạo ra sự bừng sáng. Trung Quốc, Việt Nam hay Trung Đông là những vùng đất lạc hậu, nhưng chắc chắn trong tương lai, những vùng đất ấy sẽ được thắp sáng bằng giáo dục.
Có thể nói, về bản chất cải cách giáo dục là một trong những nội dung quan trọng nhất trong chiến lược hoạch định tương lai đất nước. Hơn nữa, giáo dục là một đối tượng cần có sự đồng thuận xã hội, vì thế nó là nhiệm vụ của toàn xã hội. Để đạt được sự đồng thuận người ta phải có cách thức, có năng lực, có sự hấp dẫn kêu gọi sự đồng thuận. Bởi một ý kiến được thể hiện ra để kêu gọi sự đồng thuận phải có những phẩm chất cơ bản, nó phải đúng, cái đúng cũng kêu gọi sự đồng thuận; nó phải đẹp, cái đẹp cũng kêu gọi sự đồng thuận; nó phải thiện, cái thiện cũng kêu gọi sự đồng thuận. Tóm lại, phải xây dựng hệ thống tiêu chuẩn của các hành động, đặc biệt là hành động chính trị để tạo ra sự đồng thuận. Đây cũng chính là bản chất của cái gọi là xây dựng nền văn hóa chính trị. Thực ra, nói rằng giáo dục cần sự đồng thuận thì không đủ mà phải khẳng định là mọi thứ liên quan đến cuộc sống đều cần đến sự đồng thuận; đồng thuận là bản chất xã hội của đời sống chính trị chứ không phải là đời sống chính trị. Để tìm kiếm sự đồng thuận người ta phải xây dựng nền văn hóa chính trị, nền văn hóa chính trị đó tạo ra chất lượng văn hóa của giáo dục. Tức là phải xem xét bằng một phương pháp chính trị nào để nhìn thấy mối tương quan giữa giáo dục và sự đồng thuận xã hội, vai trò của sự đồng thuận trong giáo dục. Phải khẳng định, sự đồng thuận trong giáo dục rất quan trọng. Đồng thuận trong giáo dục thể hiện hay được xây dựng trong các cặp phạm trù của các khái niệm; đồng thuận giữa thầy và thầy, có nghĩa là xây dựng cộng đồng người thầy; đồng thuận giữa các điều kiện vật chất của giáo dục với đòi hỏi của học sinh, và sự phù hợp giữa nội dung giảng dạy với cơ sở vật chất... Tóm lại là cần phải tìm kiếm sự đồng thuận biện chứng giữa các yếu tố liên quan đến quá trình hình thành khả năng, hình thành nhân cách và hình thành năng lực phát triển của loài người khi tham gia vào quá trình giáo dục. Chúng ta phải tìm kiếm sự đồng thuận giữa nền giáo dục với hệ thống chính trị, trong đó cái quan trọng nhất là sự đồng thuận giữa tương lai với năng lực cầm quyền của hệ thống chính trị hiện tại. Nếu không có sự đồng thuận giữa nhà cầm quyền với tương lai của dân tộc thì không thể có được sự đồng thuận của giáo dục với các nhà cầm quyền, bởi vì giáo dục tuân thủ các quy luật để thỏa mãn tương lai, mà tương lai không được tôn trọng bởi nhà chính trị thì nhà chính trị không có được sự đồng thuận với giáo dục.
Thế giới thứ ba cần có những con người mới cho sự bứt phá của mình. Muốn thoát khỏi lạc hậu và đói nghèo, thế giới thứ ba phải nhận thức lại vấn đề phát triển con người, trên cơ sở đó xây dựng tầng lớp tinh hoa làm nòng cốt cho mọi quá trình phát triển đất nước. Tầng lớp cầm quyền phải có đủ năng lực để hướng dẫn xã hội trong sự đồng thuận với những đòi hỏi và lộ trình phát triển tương lai. Tầng lớp trí thức phải đóng vai trò là những người tạo nên dòng phát triển chính lưu của xã hội, thẩm định tính hợp lý của dòng chính lưu ấy và cùng với tầng lớp cầm quyền cải cách nó từng ngày, từng giờ nhằm thích ứng với những thay đổi của thế giới. Nói cách khác, cả hai tầng lớp này phải có chất lượng chính trị tinh tuý và là bánh lái cho sự phát triển của đất nước. Đó chính là tầng lớp đại diện cho mỗi dân tộc. Trong bất kỳ một xã hội nào, một giai đoạn lịch sử nào, mỗi dân tộc cần phải đào tạo ra tầng lớp tinh hoa đại diện cho dân tộc mình.
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý