Giáo dục Việt Nam - Đạo đức và thực dụng
Đạo đức có thể thực dụng không?
Nước ta bước vào nền Kinh tế thị trường đã được hơn 20 năm, nhưng chúng ta vẫn lảng tránh việc Thương mại hóa giáo dục. Ở Việt Nam, hình ảnh “thầy giáo”, “cô giáo” hay “nhà giáo”, là một hình ảnh đẹp, đã là thầy giáo, là trong sạch, đã là giáo viên, là giản dị, là đạo đức, … Thế nên nếu có thầy giáo có đề cập đến chí nghiệp chủ, lợi nhuận và cạnh tranh lập tức sẽ bị coi là thực dụng. Và như thế, đã làm nhà giáo, đừng mong giàu sang.
Nghĩa là Đạo đức thì không thể Thực dụng!
Suy nghĩ, đã đạo đức thì không thể vì tiền, hình như không còn phù hợp nữa. Nếu chúng ta làm Giáo dục ở trong hơi thở của Kinh tế thị trường, mà lại không đối mặt với sự thương mại, không tư duy một cách thực tế, làm sao giáo dục nổi học sinh Việt Nam mai sau ra trường có thể làm được Kinh tế?
Ta cùng nhìn Giáo dục Việt Nam dưới góc độ của một nhà làm Kinh doanh để xem thử. Trong Kinh doanh, “Thương trường là chiến trường”, người ta cạnh tranh nhau bởi “Khả năng học nhanh hơn đối thủ” và chớp lấy cơ hội trong từng giây phút vì “Thấy và nắm lấy đó là cơ hội, thấy mà không nắm lấy đó là rủi ro”. Chúng ta không có nhiều thời gian để bàn cãi xem “việc này là lỗi của ông A cải cách sách giáo khoa không đồng bộ”, “việc kia là của bà B không chịu bổ túc phương pháp dạy hiện đại”, “không được chạy theo bệnh thành tích”, v.v..và v.v… Đã Kinh doanh, thì phải ra hiệu quả, và hiệu quả phải nhanh, nếu không muốn chết đói vì những lựa chọn cầu toàn. Đã là Kinh doanh phải ra sản phẩm và sản phẩm mang lại lợi ích cho xã hội.
Trong khi đó“Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện 37% sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm”. Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân lực L&A cho hay: “Chúng ta không thiếu việc làm mà đang thiếu sinh viên làm được việc”.Theo bà Lệ, chương trình đào tạo không theo kịp sự phát triển của xã hội, không đào tạo ra người có thể làm được việc ngay. Do vậy, sinh viên mới ra trường thiếu quá nhiều kỹ năng để làm việc, đặc biệt các kỹ năng “mềm” như tư duy phân tích, tổng hợp, thuyết trình, giao tiếp hay làm việc đồng đội...
Ngoài ra, Bà Nguyễn Thu Giao, Giám đốc Nhân sự Công ty Interfloour Việt Nam nhận xét: “Kỹ năng của sinh viên hiện nay là con số 0.Thiếu kiến thức, yếu kỹ năng, thiếu tự tin hoặc tự tin thái quá, ứng xử ngớ ngẩn, vụng về, mơ hồ về mục tiêu nghề nghiệp đã khiến không ít bạn trẻ đánh mất điểm trước các nhà tuyển dụng”. (Theo Tiền Phong)
Giáo dục Việt Nam đang thiếu đi tính thực dụng trong đó. Học không phải vì bằng nữa mà học để làm được việc.
Bên cạnh tính thực dụng trong trong kinh doanh thì ai cũng hiểu rằng để một doanh nghiệp phát triển và trường tồn, tất yếu phải xây dựng cho được Văn hóa doanh nghiệp. Như vậy, một nền Giáo dục muốn phát triển và trường tồn, cũng tất yếu phải có Văn hóa giáo dục. Văn hóa ấy làm nên điểm đặc biệt và khác biệt giữa nền giáo dục này với nền giáo dục khác . Giống như văn hóa Việt Nam là văn hóa lúa nước, ăn gạo, văn hóa của Mỹ là ăn lúa mỳ, lúa mạch; văn hóa của Việt Nam là áo dài, văn hóa của Nhật là Kimono. Người Việt Nam mặc Kimono đẹp đến mấy cũng không thể chuyển sang mặc Kimono, thấy thìa dĩa lịch sự thì cũng chuyển sang ăn cơm bằng thìa dĩa. Giáo dục Việt Nam, từ đó cũng cần có văn hóa riêng của mình và không thể cứ chạy theo đuôi những nền giáo dục khác mãi, ta không thể cứ cố đào tạo bằng cách “sử dụng phương pháp đào tạo của những nước có nền giáo dục tiên tiến” mãi được. Tất nhiên ta học theo những gì phù hợp với văn hóa Việt Nam một cách có chọn lọc, nhưng cần khẳng định một điều, chúng ta không cần thiết phải nhập khẩu giáo dục.
Kế đó, ta đã muốn xây dựng văn hóa giáo dục, thì chúng ta phải hiểu được Sứ mệnh của Giáo dục. Ở Việt Nam, sứ mệnh ấy không thể là đào tạo ra những con người có rất nhiều kiến thức, nhưng thiếu hoàn toàn kỹ năng làm việc có khi thiếu cả những kỹ năng sống thông thường. Trong khi mà kiến thức ngày nay ta hoàn toàn có thể tra cứu, “Dân ta phải học sử ta, cái gì không biết cứ tra google”, thì đó không thể là vũ khí cạnh tranh trong công việc được. Vậy việc nhồi nhét vô số những kiến thức – nhiều thứ cả đời ta không dùng (khai căn, logarit, ngày ta thắng Pháp, ngày ta thắng quân Nguyên Mông...), là rất nguy hiểm, rất phí thời gian và hạn chế khả năng cạnh tranh của học sinh Việt Nam trong công việc. Giáo dục Việt Nam, phải trả lời bằng được những câu hỏi: “Giáo dục làm gì? Giáo dục sinh ra để làm gì?”
Tiếp theo, Giáo dục của ta cần phải có Hoài bão, và chính những người làm giáo dục cần thấy được trách nhiệm xã hội của mình, và tìm ra động lực để làm việc. Tất nhiên, đã làm giáo dục thì không mong gì giàu có như làm Ngân hàng, hay Chứng khoán, … Nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta mặc định hình ảnh một nhà giáo là phải cặp sách, kính cận, hiền lành, nói năng dịu dàng, … Nếu một nhà giáo sống bằng đồng lương, trong khi cả xã hội tìm mọi cách để kiếm tiền, tôi không nói việc nào tốt, việc nào xấu, chỉ chắc chắn rằng, những nhà giáo truyền thống như thế sẽ trở thành lạc lõng. Trong một xã hội vận động chóng mặt, một thầy giáo là người dạy học và truyền lại những kinh nghiệm để giúp cho học trò của mình thành công. Muốn thế, nhất thiết thầy giáo phải là người thành công, và là một hình mẫu của sự thành công, với “tim nhiệt tình, óc thông minh, mắt tinh, tai thính, chân năng động, tay rộng mở, miệng nở nụ cười, người đầy kỹ năng công cụ”. Có Viễn cảnh trong nghề nghiệp, ta mới muốn làm việc, có viễn cảnh trong Giáo dục, mọi người mới chung tay xây dựng và phát triển Giáo dục. Ta hiện giờ toàn nhìn vào giáo dục với con mắt của quan tòa, của Viện kiểm soát trung ương, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực, ai làm giáo dục cũng chỉ thấy trách nhiệm, không thấy được động lực thực tế trong đó.
Và để đạt được Hoài bão, cần phải biết Giáo dục của chúng ta có gì – có Giá trị cốt lõi nào? Muốn biết giáo dục Việt Nam có gì, phải nhìn lại người Việt Nam có gì. Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Học sinh Việt Nam quá giỏi, ta được đánh giá là dân do thái của Châu Á, thi đâu nhất đấy, từ Toán, Lý, Hóa, đến cờ vua, đến Robocom. Nhưng sao ta vẫn không thể vươn lên được ngang tầm với thế giới. Giáo dục của ta chưa khai thác được những thế mạnh, tiềm năng của chính mình. Giáo dục ta phải chăng cần thiết lập lại một hệ thống những giá trị cốt lõi cơ bản như “Tiên học lễ, hậu học văn”hay “học là phát huy tiềm năng”, “học là thể hiện, học là tham gia và đóng góp”, “dạy học là nuôi đời”….
Như vậy ta thấy,khi nào chúng ta chưa thay đổi cái nhìn về Giáo dục, từ ngoài vào và từ trong ra, để thấy rằng bên cạnh gìn giữ những vẻ đẹp Đạo đức truyền thống còn cả tính thực dụng với chí nghiệp chủ; đó mới là cái nhìn dài hơi, và phát triển bền vững. Khi đó mới thực sự là cải cách giáo dục. Việc dung hòa Đạo đức với Thực dụng, chẳng hề khó khăn như thể cho một con bò chui qua lỗ kim. Có điều nó bị cản trở bởi những chuẩn mực tư duy cũ, không phù hợp với sự thay đổi chóng mặt của xã hội. Tuy vậy, ta hoàn toàn tự tin rằng với sự chung tay và góp sức của mỗi cá nhân, mỗi gia đình cũng như cả bộ máy giáo dục Việt Nam, thì tất cả chỉ là những thử thách để chúng ta vượt qua.
Một lần nữa khẳng định lại, đã đến lúc cần một cái nhìn thật sự nghiêm túc và xa hơn về cách chúng ta làm giáo dục. Xây dựng nền giáo dục Việt Nam cần có nền móng vững chắc dựa trên những gì ta có, không phải những gì học hỏi từ nơi khác. Trên cơ sở đó, phải kết nối được Hoài bão của Giáo dục với Hoài bão của đất nước. Mỗi con người làm giáo dục ngoài việc thấy trách nhiệm xã hội của mình, còn thấy được những động lực thực tế hơn nhiều so với những hình ảnh cũ "thầy giáo làng", "cô nuôi dạy trẻ". Những người Thầy cũng là những Doanh nhân, đạo đức và thực dụng.
Tin chắc, với việc đầu tiên là thay đổi từ chính mình, tôi và bạn sẽ là người góp phần cải cách được Giáo dục Việt Nam - không phải chỉ thân thiện và mến khách trong mắt bạn bè quốc tế, mà còn được nhắc đến bởi ý chí và quyết tâm làm giàu.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005