Viết là giải đáp
“Tôi viết như một cách để thoả mãn đam mê của mình. Trong cuộc sống có rất nhiều sự việc xảy ra hàng ngày mà không có lời giải đáp. Tôi tìm thấy câu trả lời từ triết lý cuộc sống và muốn chia sẻ với mọi người, thế là tôi viết”. Đó là lời giải thích về chuyện viết lách của ông Tây Christophe Dallot, hiện đang sống tại Việt Nam
Ông Tây “khác người”
“Khác người”, đó là từ có thể dùng để nói về Christophe Dallot. Khác, vì anh đến Việt Nam để xem một đất nước Đông Dương nhỏ bé chiếm một phần không nhỏ trong lịch sử nước Pháp, rồi anh quyết định ở lại sống, làm việc vì “Việt Nam có nhiều điều khiến tôi tò mò, muốn khám phá và hiểu sâu hơn nữa”.
Khác, vì anh mất hơn chục năm để quan sát, tìm hiểu, để sống cùng, chỉ để viết một truyện ngắn, giải thích cho những thắc mắc chưa có câu trả lời: “Tôi tìm câu giải thích trong triết lý cuộc sống. Lúc đó tôi mới thực sự hiểu những điều mắt thấy tai nghe”. Anh viết về Việt Nam như một người Việt Nam thấu hiểu và đồng cảm với cuộc sống của con người nơi ngõ hẻm của Sài Gòn. “Tình hàng xóm của người dân Việt rất quan trọng, nó thể hiện ngay trong không gian sống của họ: gần gũi, liên kết. Tôi đưa hình ảnh đó vào trong tác phẩm của mình. Ở đó, những người hàng xóm đối xử với nhau như những người trong gia đình họ hàng”, anh giải thích. “Đối với tôi, người Việt Nam mạnh chính là nhờ mối dây liên kết giữa những người trong cùng một phường, xóm, khu vực. Họ còn tạo nên những cái lớn lao hơn”.
Khác, vì anh sống tại Sài Gòn như một người dân Việt: “Tôi sống tại đây như tôi đang sống tại Pháp, một cuộc sống bình thường, thiếu thốn, phải làm việc vất vả”. Tại Sài Gòn, anh đã sống ở nhiều quận, nhiều khu phố và dùng con mắt tinh tế của mình để quan sát cuộc sống của người dân. “Tôi mất 6 tháng để hoàn thành truyện ngắn đầu tiên có bối cảnh tại Việt Nam. Tôi may mắn chứng kiến Sài Gòn và những thay đổi tại Việt Nam nhiều năm qua, từ khi mới bắt đầu đổi mới cho đến nay”.
Khác, vì anh viết về Sài Gòn không phải qua những tà áo dài thướt tha, những chiếc áo bà ba duyên dáng, những chiếc nón lá trắng, những toà nhà cao tầng, những di tích lịch sử mà là cuộc sống người dân thường nơi những con hẻm nhỏ.
Viết vì thích, thế thôi
“Bụi bặm, phong trần pha chút nghệ sĩ”, đó là nhận định của bất cứ ai gặp Dallot lần đầu. Nhưng qua tiếp xúc và nói chuyện, anh lại là một người đầy triết lý, thực tế và giản dị. Cầm tập truyện ngắn “Sept contes moraux - 7 câu chuyện về đạo đức” trên tay, anh cắt nghĩa triết lý từng sự việc diễn ra mà anh thu thập được. “Gia đình tôi có truyền thống về hội hoạ. Nhưng từ năm 17 tuổi, tôi chỉ thích viết và tôi chọn nó”. Anh chọn viết văn như một công việc chính và dành thời gian nhất định mỗi ngày để viết: “Tôi viết theo thời khoá biểu, không phải thích viết lúc nào thì viết. Tôi dành 3 tiếng đồng hồ vào mỗi sáng để đọc và viết. Tôi thường đi ra ngoài quan sát và tìm hiểu. Tôi thích và viết theo trường phái của nhà văn Argentina José Loius Borges và nhà văn Pháp Paul Valéry”. Chị Thảo, vợ Dallot nói thêm: “Anh ấy luôn suy nghĩ, tìm tòi và luôn đặt câu hỏi bất cứ điều gì. Anh ấy trao đổi nhiều với bạn bè người nước ngoài và người Việt. Rồi anh ấy viết. Có nhiều vấn đề tại Việt Nam, anh ấy hiểu hơn cả tôi”.
Căn nhà nhỏ xinh được thiết kế theo kiểu nửa Tây phương nửa Á Đông của vợ chồng anh nằm ở một khu dân cư mới, quận Thủ Đức. Anh mong muốn được sống và tận hưởng tình hàng xóm nơi đây. Anh tự vẽ, thiết kế kiểu nhà và trang bị rất nhiều cây xanh cho phong thuỷ của không gian sống. Các tác phẩm nghệ thuật của gia đình được anh bài trí, sắp xếp rất tự nhiên, giản dị nhưng ấn tượng. Với anh, người vợ Việt Nam và hai đứa con xinh xắn là gia tài lớn nhất để chọn Việt Nam là quê hương thứ hai của mình.
Sự lặng lẽ của những dòng chữ
Những người có thể hiểu được các câu chuyện mà anh viết ra phải là những người từng trải, có kinh nghiệm sống và ham muốn đi tìm lời giải đáp cho những vấn đề khó tìm được câu trả lời nhất trong cuộc đời con người. Tác phẩm của anh chứa đựng những câu chuyện, những cái nhìn về cuộc sống của những người thất bại trên những con đường cùng, ở đó, họ trắng tay, thua thiệt. Họ sống theo kiểu không còn gì để mất. Họ thua thiệt vì những lý do khách quan, vì người khác tác động chứ không phải do chính bản thân họ. Và họ phản ứng lại, sống không giả dối, sống với bản chất thật của mình, vượt lên những đè nén của bản thân, vượt lên định kiến xã hội.
Anh giải thích: “Đôi lúc, người ngoài không hiểu, cười nhạo, khinh bỉ và nhìn nhận họ như những người điên. Tôi đã tìm ra lời giải đáp thuyết phục cho hành động của những người đó. Họ có lý do chính đáng để hành động như vậy vì họ cần lý do để tiếp tục sống mặc dù thua thiệt”.
Anh là một người cẩn thận và tìm hiểu rất kỹ mọi vấn đề trước khi đặt bút. Anh nói: “Mười lăm năm tôi sống và làm việc tại rất nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, tôi không tự tin rằng tôi đã hiểu hết về Việt Nam, nhưng vấn đề tôi viết trong tác phẩm mới nhất của mình thì tôi đảm bảo. Tôi đến Việt Nam để sống chứ không phải đi du lịch. Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước này và sống mỗi nơi một thời gian. Tôi phân biệt được giọng nói của ba miền trên đất nước Việt Nam. Tôi cũng đọc nhiều câu chuyện về Việt Nam do các tác giả nước ngoài viết. Nhưng tôi chưa hài lòng vì nó chưa phải là Việt Nam, người viết chưa hiểu Việt Nam thật sự”. Đó cũng là một trong những nét riêng trong quan điểm viết mà anh được mời cùng hai nhà văn người Pháp khác trong buổi trao đổi “Bàn tròn thảo luận: các nhà văn Pháp ngữ tại Việt Nam” ở viện Trao đổi văn hoá Pháp vào cuối tháng 6 này.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005