Tính chuyên nghiệp của Nhà văn Việt Nam: Có hay không?

10:54 CH @ Thứ Năm - 04 Tháng Mười Hai, 2008

LBT: Bài này đã được đăng trênAn ninh Thế giới số 88 tháng 11/2008, song bị lược một số đoạn. Bài dưới đây là bản đầy đủ do tác giả gửi cho VietNamNet. Nhận thấy bài này nghiễm nhiên nằm trong dòng chảy một số chuyên đề của chúng tôi từ trước đến nay, đặc biệt là “Chân dung tự họa của nhà văn Việt Nam” “Làm thế nào Việt Nam có giải Nobel văn chương”, chúng tôi trân trọng đăng lại bài viết này. Tựa đề do tòa soạn đặt.

Một cách hết sức sòng phẳng, chúng ta liệu có thể khẳng định được rằng văn chương Việt Nam đương đại có bao nhiêu tác phẩm được thế giới biết đến bởi chính giá trị tự thân của chúng?

Đặt vấn đề về “tính chuyên nghiệp của nhà văn Việt Nam”, theo tôi, chúng ta đã có một tiền giả định rằng viết văn là một nghề, theo nghĩa là một công việc mà người ta có thể làm để sống và để tự ấn định mặt nạ nhân cách của mình trên sàn diễn cuộc đời. Nhà văn chuyên nghiệp, do vậy, phải là người có thể sống và tạo thành diện mạo nhà văn của mình bằng nghề văn, và chỉ bằng nghề văn mà thôi.

Với tiêu chí nhận diện về tính chuyên nghiệp của nhà văn như vậy, chúng ta dù không muốn cũng buộc phải khẳng định: hầu hết nhà văn Việt Nam hiện nay là những cây bút không chuyên nghiệp. Bởi lẽ, thực tế phổ biến là, trước khi và cùng với việc là nhà văn, anh ta là nhà báo, nhà giáo, biên tập viên nhà xuất bản hoặc làm một công việc gì đó khác.

Và thường thì anh ta sống chủ yếu bằng cái “công việc gì đó” khác ấy, nên việc viết văn cũng theo đó được coi là một cái thú, một cuộc chơi, hoặc sang trọng hơn, một niềm đam mê, thậm chí là một sứ mệnh. Không phải một nghề. (Xin nói thêm cho rõ là, ngay cả đối với một số ít nhà văn Việt Nam hiện nay, những người có thể sống được, thậm chí sống khỏe công việc viết văn - như Hồ Anh Thái, Chu Lai, Nguyễn Nhật Ánh -, họ cũng không tồn tại chỉ với tư cách người viết văn thuần túy).

Nhìn rộng ra toàn bộ lịch sử nền văn học viết Việt Nam, tính chuyên nghiệp của người viết văn - theo tiêu chí như trên - có lẽ chỉ thể hiện đậm nhất ở giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám, khi trong xã hội Việt Nam đã hình thành một lớp người “buôn văn bán chữ kiếm tiền tiêu” (thơ Tản Đà). Họ châu tuần quanh các tòa báo, các nhà xuất bản, sống và được xã hội công nhận là văn sĩ chỉ bằng việc in tác phẩm của mình trên sách, báo. Họ là Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Lê Văn Trương, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Trần Huyền Trân, Vũ Trọng Phụng, Thâm Tâm, Nam Cao, Tô Hoài, Thanh Châu v.v... (danh sách này còn có thể kéo dài hơn nữa).

Những ai đã đọc “Bốn mươi năm nói láo”của Vũ Bằng, hẳn đều nhớ tới câu than vãn của Vũ Trọng Phụng mà Vũ Bằng kể lại, đại loại: “Cái số mình sao mà khổ thế không biết, cứ phải viết mới có tiền mà sống, ngừng viết là chết đói!”.Lời than thân trách phận ấy, có thể nói, tự nó đã hùng hồn như một “tố cáo” về tính chuyên nghiệp trong nghề văn của tác giả “Số đỏ”,và nhiều người khác nữa.

Nếu đã coi công việc viết văn trước hết là một nghề, theo tôi, để tự khẳng định và được khẳng định như là một nhà văn chuyên nghiệp, người viết văn cần phải thoả mãn một loạt những yêu cầu mà bản thân nghề nghiệp đặt ra. Thứ nhất, là sự toàn tâm toàn ý với nghề (VNN nhấn mạnh). Đây là đòi hỏi xem ra chẳng mấy nhà văn Việt Nam hiện nay đáp ứng được. Vì, như đã nói ở trên, trước khi và cùng với việc là người viết văn, nhà văn chúng ta chủ yếu là con người của những “công việc gì đó”: một cách bắt buộc, anh ta phải chia sẻ quỹ thời gian, sự chú tâm và năng lượng sáng tạo dành cho văn chương của mình cho những “công việc gì đó” ấy.

Chưa kể đến việc, cái gọi là sự toàn tâm toàn ý với nghề, nếu có, liệu đã đủ mạnh mẽ để đưa anh ta tới tâm thế sẵn sàng sống chết với văn chương, sẵn sàng làm một “điệp tử thư trung” (con bướm chết giữa trang sách) như Nguyễn Du ngày trước? Có những thực tế nhãn tiền để người viết bài này phải hoài nghi về điều đó: không ít lắm đâu những người viết văn chỉ “toàn tâm toàn ý” với việc trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam, rồi thôi. Đích đến của họ không phải là bản thân văn chương!

Yêu cầu thứ hai, theo một cách có lẽ cũng không thật chính xác lắm, tôi tạm gọi là tính kỷ luật trong lao động nghề nghiệp (VNN nhấn mạnh). Chẳng khó khăn gì để chúng ta có thể nhận thấy rằng, từ trước tới nay, phần đông nhà văn Việt Nam khá xa lạ, thậm chí rất dị ứng với việc tự ép mình tuân thủ một thứ kỷ luật viết nào đó. Thần bí hóa công việc viết văn, họ chỉ chịu đặt bút trên trang giấy (hoặc đặt tay trên bàn phím computer) khi nào có “yên sĩ phi lý thuần” (inspration - cảm hứng) gõ cửa tâm hồn. Nếu “yên sĩ phi lý thuần” không đến, đành... tắc tị. (Một thứ lý do quá tiện ích mà nhiều vị - được gọi là nhà văn - có thể dùng, và đã dùng, để biện minh cho sự vô sinh dài hạn của mình!).

Tuy nhiên cũng có những người không nghĩ và không viết theo cách như vậy. Họ viết đều đặn, viết như là công việc hàng ngày, nhưng tuyệt nhiên không vì thế mà cái viết của họ bị rơi vào tình trạng khô cảm hứng. Nhà văn Hồ Anh Thái từng quan niệm, nhà văn chuyên nghiệp là người không bị phụ thuộc vào sự bất chợt của cảm hứng, anh ta phải biết huy động cảm hứng đến với mình mỗi khi ngồi vào bàn viết.

Chắc chắn đây không phải là một lời nói suông: chỉ căn cứ vào thành quả lao động văn chương (trên 30 đầu sách đã in) của nhà văn này là đủ rõ. Trường hợp của Chu Lai, Nguyễn Nhật Ánh, và dĩ nhiên không thể không kể đến nhà văn lão thành Tô Hoài, cũng vậy: cách làm việc tuân thủ một kỷ luật viết nghiêm túc của họ và thành quả lao động văn chương đáng nể của họ, cái nọ giải thích cho cái kia. Theo tôi, đây chính là một trong những dấu hiệu để nhận diện tính chuyên nghiệp trong lao động của nhà văn.

Và, điều này lập tức làm nảy sinh yêu cầu thứ ba: tính liên tục của hoạt động nghề nghiệp (VNN nhấn mạnh). Nói chung, trong mọi hoạt động nghề nghiệp, người được coi là chuyên nghiệp phải là người duy trì được liên tục công việc của mình. Qua đó, và chỉ qua đó anh ta mới đảm bảo được sự mài sắc các kỹ năng nghề nghiệp cũng như sự ổn định cần thiết trong lao động nghề nghiệp. Vì thế, thật khó có thể nói rằng một nhà văn nào đó là người viết chuyên nghiệp khi anh ta có những quãng ngừng sáng tác, đôi khi rất dài. (Xin nói ngay để tránh mọi sự hiểu nhầm: “quãng ngừng sáng tác” không căn cứ trên việc một nhà văn có thường xuyên công bố tác phẩm hay không; anh ta có thể vẫn viết, liên tục, nhưng vì lý do nào đó mà không/ chưa ra sách, và dù sao thì điều đó cũng chẳng có gì chung với những nhà văn không thể hoặc không muốn viết trong một thời gian dài).

Nguyên nhân của sự vô sinh (tạm thời hoặc... vĩnh viễn) này khá phong phú: vì những biến cố trong đời sống cá nhân, vì... không/ chưa có cảm hứng, vì v.v... Thế nào đi chăng nữa thì sự mất tính liên tục trong công việc viết cũng chẳng đem lại mấy những điều hay ho, nếu không muốn nói rằng nó chỉ mang tới những điều dở tệ đối với người cầm bút: sự nhạy cảm với ngôn từ bị suy giảm, tiếng gọi của ý tưởng với ý tưởng trở nên là những vọng âm yếu ớt (hoặc là những âm zero); và theo kinh nghiệm của nhiều người, việc tái khởi động (nếu có) sau một thời gian ngưng viết bao giờ cũng rất khó khăn. Mặt khác, nếu nhìn vấn đề theo cái nhìn lượng hóa, việc nhà văn không duy trì được tính liên tục trong sáng tác tất yếu sẽ dẫn đến những văn nghiệp rất mỏng mảnh, rất khiêm tốn.

Có thể sẽ có ai đó, thậm chí là nhiều ai đó, phản bác thực tế này bằng cách trưng ra cái lý luận (cũ rích) rằng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, rằng “không thể lấy lượng thay phẩm trong văn chương”, rằng “chỉ cần một bài thơ hay hoặc một truyện ngắn hay là đủ lưu tên trong văn học sử” v.v... Chỉ có một điều mà những người phản bác nọ có lẽ đã không thực sự chú ý cho lắm: với những “nhà thơ một bài” và những “nhà văn một truyện” - như tôi quan sát từ thực tế văn chương Việt Nam - thường thì bài thơ hoặc truyện ngắn “để đời” ấy được viết lúc khởi nghiệp, sau đó họ không viết nữa, hoặc vẫn viết nhưng chỉ cho ra đời những thứ rất xoàng xĩnh.

Trong cả hai trường hợp, bằng một đồ thị nghề nghiệp mỏng và đi theo hướng tuột dốc như thế, liệu có thể khẳng định ở họ tính chất của một người viết chuyên nghiệp?

Nói tóm lại, trong nền văn chương Việt Nam hiện tại, yêu cầu về tính liên tục trong sáng tác đối với nhà văn chuyên nghiệp có lẽ phần nhiều vẫn treo lơ lửng một nỗi hoài nghi. Không phải không có những gương mặt để chúng ta tin tưởng: Hồ Anh Thái, Chu Lai, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh v.v..., và trẻ hơn: Thuận, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Phong Điệp, Dương Bình Nguyên v.v... Sự xuất hiện đều đặn và ổn định của họ là một đảm bảo cho niềm tin, song đó chỉ là một thiểu số trên đa số những người cầm bút.

Với tư cách là một dạng lao động tinh thần đặc thù, nghề văn còn đặt ra một yêu cầu tối quan trọng về tính chuyên nghiệp đối với bất cứ ai đã, đang, hoặc sẽ dấn thân với nó: sự tự ý thức một cách thường trực (VNN nhấn mạnh) của nhà văn về chính nghề văn. Một loạt câu hỏi cần phải được người viết văn chuyên nghiệp trở đi trở lại: viết là gì? viết để làm gì? viết cho ai? viết như thế nào? Chưa hết: đời sống văn chương ngoài kia đang chuyển động ra sao? những người khác đang viết gì? cái viết của họ liệu có khiến cái viết của ta phải thay đổi? v.v... Nói chung, ở mức độ biểu hiện đơn giản nhất, đáp án cho những câu hỏi này được nhận ra dưới hình thức các phát ngôn kiểu... xuất bản miệng lúc trà dư tửu hậu; nghiêm túc và chín chắn hơn, thì nó chính là những bài tiểu luận, phê bình văn học.

Có thể quan sát thấy, từ xưa đến nay, ở văn chương nước ngoài cũng như trong nước, những nhà văn thực sự tha thiết với nghề hầu như đồng thời cũng là những người ít nhiều có viết tiểu luận, phê bình văn học. Trong số đó, thậm chí có những bậc thầy: tác phẩm tiểu luận, phê bình của họ có khi còn đáng đọc hơn nhiều sản phẩm cùng loại của những nhà phê bình văn học chính danh.

Nhất Linh, Thạch Lam, Vũ Bằng, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải v.v... là những ví dụ khá tiêu biểu cho kiểu nhà văn này trong văn chương Việt Nam hiện đại. Họ dấn thân vào khu vực này không phải để “lên mặt” với giới phê bình, cũng chẳng để lấp cái “trận địa” mà các nhà phê bình thiểu năng và vô trách nhiệm đã “bỏ trống” (như gần đây nhiều nhà sáng tác kiêm phê bình gia lớp sau vẫn ngạo mạn ngoa truyền). Đơn giản là một nhu cầu tự thân, thậm chí là một niềm say mê, và dù thế nào đi nữa thì đó cũng là một hành vi đánh dấu độ trưởng thành của sự tự ý thức về nghề nghiệp.

Có thể mạnh dạn nói rằng, nếu không có, hoặc thiếu sự tự ý thức này, việc viết văn sẽ mãi là một hành vi sáng tạo hồn nhiên vô tư kiểu... trẻ con. Thế mà, oái oăm thay, điều đó đang khá phổ biến trong đời sống văn chương Việt Nam hiện nay. Lật giở cuốn kỷ yếu Hội viên của Hội nhà văn Việt Nam, thấy tác giả nào cũng tâm sự đôi điều về quan niệm văn chương, về sứ mệnh của người cầm bút v.v và v.v... - có lẽ những dòng tâm sự này do yêu cầu của người biên soạn kỷ yếu mà có - nhưng để thể hiện trong thực tế một sự tự ý thức thực sự về nghề văn, thử hỏi được mấy người? Và đó sẽ là gì, nếu không phải là một phương diện của sự thiếu tính chuyên nghiệp của chính người viết văn?

Có nhiều người nhất mực khẳng định rằng: viết cách gì cũng được, công cụ hay phương pháp thế nào không quan trọng, miễn là tác phẩm phải hay. Kết quả biện minh cho phương tiện. Chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp trong công việc sáng tác văn chương là cái sẽ, và cần phải được đo bằng chính chất lượng của tác phẩm. Thoạt nghe, thấy có lý. Nhưng ngẫm ra, lại thấy trong lòng đầy nỗi phân vân. Thế giới đã trở nên “phẳng”, do đó, cái chuẩn mực được dùng để định giá giá trị nghệ thuật của một tác phẩm văn chương hẳn cũng sẽ không màng đến sự phân biệt tác phẩm ấy là trong nước hay ngoài nước!

Vậy mà, một cách hết sức sòng phẳng, chúng ta liệu có thể khẳng định được rằng văn chương Việt Nam đương đại có bao nhiêu tác phẩm được thế giới biết đến bởi chính giá trị tự thân của chúng? (Đó là chưa kể đến sự vang rền suốt nhiều năm nay của cái điệp khúc “thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao, những tác phẩm ngang tầm thời đại”). Như thế, rốt cuộc là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp?

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tiểu thuyết Việt Nam đang ở đâu?

    02/11/2015Nguyễn Thanh SơnBởi vì, chúng ta không thể trả lời câu hỏi "tiểu thuyết Việt nam đang ở đâu?", nếu không trả lời được câu hỏi "tiểu thuyết Việt nam đã ở đâu?". Với khoảng một trăm năm văn học quốc ngữ, tiểu thuyết Việt nam đã đi được bao xa trên đoạn đường mà tiểu thuyết châu âu đã đi hơn 400 năm?
  • Trí tưởng tượng mang đôi cánh ướt

    11/10/2008Đỗ Minh TuấnVăn hóa Việt Nam không khuyến khích thái độ cực đoan, mà luôn hướng đến sự dung hòa, giao thoa và cộng sinh giữa các chiều kích, các thế lực và các giá trị. Vì thế, nhà văn Việt Nam ít có những cảm xúc và suy nghĩ cực đoan làm động lực cho một trí tưởng tượng sáng tạo mãnh liệt, đi đến tận cùng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cá tính sáng tạo của nhà văn thường mờ nhạt.
  • Từ nguồn cội văn chương

    06/11/2006PGS, TS Trần Thị TrâmỞ Việt Nam, thời nào cũng vậy, luôn có một đội ngũ rất đông những người từ địa hạt văn chương đi làm báo và tiềm lực văn chương quý báu đã giúp cho nhiều người trong số họ trở thành những nhà báo giỏi. Tác giả PhanThịVàngAnh cũng không nằm ngoài quy luật đó...
  • Đặc điểm phê bình văn học Việt Nam - nhìn từ gốc độ tiếp nhận

    18/11/2006Đỗ Lai ThúyXã hội Việt Nam đã và đang hiện đại hóa, nên văn học Việt Nam không thể dẫm chân mãi trong vũng cổ truyền mà không hiện đại hóa. Và, thực tế, hơn một thế kỷ qua, nó cũng đã và đang hiện đại hóa...
  • Lý luận - phê bình văn học và các “vấn nạn”

    27/03/2006vài năm trở lại đây tình trạng “khủng hoảng” của lý luận - phê bình đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều người, nhiều báo chí đã đề cập một cách trực tiếp và về mặt tổ chức, một số hội thảo, hội nghị do Hội Nhà văn, Viện Văn học… đã được tiến hành để mọi người cùng bàn thảo tìm cách tháo gỡ. Các động thái ấy mang lại một niềm tin vì đây chính là thể hiện của ý thức trách nhiệm...
  • Văn chương 2005 - tín hiệu vui và “giấc mộng bất thành”

    19/01/2006Nguyễn Hòa (nhà phê bình văn học)Văn chương năm 2005 còn nhiều chuyện để bàn và một cá nhân khó lòng bao quát hết. Hướng đi mới có sớm được xác định hay không, chắc chắn đây không phải là công việc của một người hay một nhóm người, đấy là công việc của số đông.
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • Văn học thời đổi mới

    23/11/2005Lê Quý Kỳ
  • Sự dễ dàng đã bóp chết nhà văn

    13/11/2005Nhà văn ThuậnTiểu thuyết Việt Nam ì ạch trên cái mặt bằng không chuyên ấy của văn học Việt Nam. Đến bây giờ vẫn loay hoay tìm cách kể chuyện làm sao để vừa ê a, vừa hấp dẫn; làm sao cho thơm mùi trí thức, mùi đương đại...
  • "Tín - đạt - nhã" - chuyện cũ mà chưa cũ

    07/07/2005Ngân HuyềnBa chữ “Tín - Đạt - Nhã” đã là chủ đề của ít nhất hai cuộc thảo luận trong giới dịch thuật Việt Nam những năm 1960 và 1990. Tháng ba vừa qua (2003), tại Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, chủ đề này lại được “hâm nóng” trở lại với sự tham gia của các nhà giáo, dịch giả, nhà văn, nhà thơ: Trần Thiện Đạo, Hoàng Hưng, Hoàng Thúy Toàn, Lê Đức Mẫn, Ngô Tự Lập, Nguyễn Văn Dân, Đoàn Tử Huyến.
    Cuộc tọa đàm do Ngân Huyền lược thuật.
  • xem toàn bộ