Biên tập viên thợ hay nghệ sĩ?

10:14 SA @ Thứ Ba - 19 Tháng Sáu, 2007

Đặt vấn đề như vậy liệu có thoả đáng không? Bởi lẽ, thợ, biên tập, kể cả sách lẫn báo, Tạp chí khi đã đạt đến độ tài hoa thì cũng đã mang dấu ấn nghệ sĩ, còn nghệ sĩ, biên tập đích thực thì càng cần phải có tố chất của một người thợ cần cù, hiểu theo nghĩa là sự tinh thông nghề nghiệp.

Thợ, biên tập không đồng nghĩa với một viên chức ăn lương Nhà nước, quen với tác phong sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Sau tám giờ ở cơ quan là coi như dứt hẳn lịch làm việc một ngày. Những trang giấy, con chữ đều lùi cả lại phía sau. Thực tế, có không ít người khi chọn nghề xuất bản chỉ cốt có một chân trong biên chế chính thức của Nhà nước. Ở một vài nhà xuất bản, có những người sau khi học xong một trưởng đại học nào đó, không tìm được công ăn việc làm bèn xoay sở học tiếp mấy năm về xuất bản chỉ với mục đích khi ra trường được công tác ở Hà Nội... Có ai hay trong số ấy, có những người đã không sắm nổi vai người thợ, biên tập, huống hồ là nghệ sĩ của trang sách!

Một ngôi sao bóng đá được mệnh danh là nghệ sĩ sân cỏ, nhưng có cầu thủ chỉ dám nhận mình là "thợ" ghi bàn - một người thợ có năng khiếu đá bóng. Nghề biên tập càng phải có năng khiếu. Năng khiếu là tố chất bẩm sinh, là cơ sở cho sự phát triển tài năng của một nghệ sĩ, biên tập. Quan niệm nghệ sĩ ở đây không phải là tác phong làm việc tài tử đọc duyệt bản thảo không kỹ, thậm chí không đọc, để lọt ra thị trườngnhững ấn phẩm yếu kém cả về nội dung lẫn chất lượng nghệ thuật. Trong lĩnh vực sách thì sự nhạy cảm trước những diễn biến chính trị trong nước cũng như quốc tế và sự chuẩn xác trong khâu biên tập thì lúc nào cũng phải được đặt ra. Điều này các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo. Một nghệ sĩ, biên tập thực thụ phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên sâu về một lĩnh vực học thuật nào đấy để có thể thẩm định được giá trị nội dung và hình thức của một bản thảo mà cộng tác viên gửi gắm cho mình.

Từ xa xưa, ở Việt Nam ta chưa có nghề xuất bản, sự ra đời của báo chi càng muộn hơn, nhưng công việc biên tập và in ấn (bằng bản khắc gỗ) đã sớm được đặt ra. Nhiều công trình văn học sử sáng giá lưu lại cho hậu thế nhờ công sức và trí tuệ của biết bao biên tập viên vô danh. Thái học sinh Phan Phu Tiên, một danh sĩ đời Lê Thái Tổ, đã tham gia biên tập Việt âm thi tập(6 quyển) và Chuyết Am Lý Tử Tấn phê điểm (duyệt in). Sau đó, một người khác là Thị ngự sử Chu Sa biên tập bổ sung và khi được hoàng thượng ngự lãm chuẩn y cho in, năm 1459, cả thảy mất 12 năm! Đại Nam quốc sử diễn ca,một cuốn sử bằng thơ lục bát, tương truyền là của một tác giả vô danh cuối đời Lê khởi thảo và nộp bản thảo vào viện Tập hiền năm 1875, đã được Lê Ngô Cát biên tập, sửa lại, viết thêm, về sau lại được Phạm Đình Toái tái khảo đính. VuaTự Đức, người "chịu trách nhiệm bản thảo" khi đọc đến đoạn Triệu thị cưỡi voi đánh giặc Ngô đã phê : "Như thế thì hèn cho đàn ông nước Nam quá!" Về việc này, NgôCát đã có hai câu thơ tự trào: "Vua khen thằng Cát có tài - Thưởng cho cái khố với hai đồng tiền".

Xem thế đủ thấy người xưa đã coi trọng công tác biên tập như thế nào! Vậy mà, trong nghề biên tập đã có không ít chuyện vui, nỗi buồn xảy ra. Người đời kể rằng, Robert Pirsig khi viết xong Thiền và nghệ thuật bảo trì xe máyđã phải gửi bản thảo đi 121 lần, trong vòng 6 năm, tới lần thử 122 mới được một nhà xuất bản loại xoàng ở Mỹ chấp nhận in (năm 1974) và không ngờ cuốn sách trở thành một tác phẩm ăn khách, có giá trị văn học cao. Mười năm sau đó, cuốn sách đã được in với số lượng không dưới 100.000 bản! Công lao phát hiện ấy trước hết thuộc về nghệ sĩ - biên tập Wiliam Morrow! "Con mắt xanh" của người biên tập đã cứu cho tác giả... một bàn thua trông thấy!

Tiểu thuyết Hổng Lâu Mộng,một trong những tác phẩm văn xuôi vào loại đồ sộ nhất Trung Quốc, do Tào Tuyết Cần viết năm 1650, cũng có chung một vận may như vậy Ban đầu, tác phẩm có tên là Ký hònđá nhưng nó lại bị cấm lưu hành. Chính Hoà Thân, quan đại thần nhà Thanh nổi tiếng vì tệ tham nhũng và huỷ hoại văn hoá, lúc ấy đang giữ chức quan Tổng tài (chủ biên) Tứ khố toàn thư(gồm 3.479 thể loại, 79.016 quyển, 36.078 tập) chuyên kiểm duyệt sách vở của triều đình, đã phát hiện Ký hònđá đang ngầm lưu hành trong dân chúng là một tác phẩm hay và ông ta đã mời nhà văn Cao Ngạc chấp bút viết tiếp những hồi cuối, rồi cho đổi tên thành Hồng Lâu Mộng.Hoà Thân đã đích thân đọc duyệt, góp ý sửa chữa, hoàn chỉnh tác phẩm và thỉnh cầu vua Càn Long cho phép xuất bản và phổ biến rộng rãi Hồng Lâu Mộng.Thế là vô hình trung Hoà Thân trở thành biên tập viên thứ nhất đối với Hồng Lâu Mộngvà vua Càn Long là người đầu tiên chịu trách nhiệm trong lịch sử xuất bản tác phẩm bất hủ này của họ Tào.

Còn Erich Mang Rơmác (1898 - 1970), nhà văn Đức, tác giả Phía Tay không có gì lạmột cuốn tiểu thuyết ngay tứ lúc ra đời đã trở thành "bánh mỳ hàng ngày" của bạn đọc đương thời, vậy mà khi bản thảo này được gửi đến Nhà xuất bản Samuel Fischer,ông chủ Nhà xuất bản đã giơ cả hai tay lên đầu, hai bàn tay bóp chặt vào nhau, miệng thốt lên: “Trời ơi! Có ma nào lại đọc cái của nợ này của anh?".

Văn hào Nga A.Sêkhốp có lần mang bản thảo Cầu hônđến nhà hát, quên không đề tên mình là tác giả. Chờ lâu không thấy có hồi âm, nhà văn phải đích thân đến nhà hát hỏi thì nhận được một phiếu nhận xét bản thảo của một biên tập viên ghi như sau: "Kịch viết tốt, gọn gàng, sâu sắc. Nhân vật có chiều sâu tâm lý, nhưng tiếc là hoàn toàn bắt chước lối viết của Sêkhốp! Không dùng".

Không ai nghĩ rằng, Walt Disney (1901- 1966), nhà nghệ thuật và nhà sản xuất phim nổi tiếng của nước Mỹ, người sáng tạo ra chú chuột Mickey - một hình tượng phim hoạt hình nổi tiếng thế giới, lần đầu tiên mang tranh của mình tới toà báo Minh tinhở thành phố Kansas để trình diện với mục đích xin việc làm, lại bị một biên tập viên chê rằng: "Ông không có tài năng đặc biệt gì về mặt nghệ thuật cả”! Chẳng những thế ông còn bị biên tập viên này đuổi ra khỏi toà soạn(!) May thay, với lòng tự trọng và nghị lực phi thường của mình, Walt chẳng bao lâu đã thành danh.

Phan Phù Tiên, Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái và cả William Morrow... đã bộc lộ phẩm chất nghệ sĩ - biên tập của mình ở học vấn uyên thâm, ở sự nhạy cảm khi đánh giá bản thảo của người khác và yếu tố thợ - biên tập trong quá trình kiên trì xử lý và hoàn thiện bản thảo của cộng tác viên trong cả một thời kỳ dài. Nói vậy chẳng hiểu có... suy diễn quá không?

Việc thực thi một cách nghiêm túc nhiệm vụ biên tập cũng chính là một cách học hỏi, một cách tự nâng cao trình độ rất có hiệu quả. Quá trình biên tập thực chất là một quá trình sáng tạo, một dạng lao động mang tính khoa học. Trong cơ chế thị trường sôi động hiện nay phỏng chừng có bao nhiêu thợ - biên tập chịu ngồi lâu một chỗ (cả tháng, có khi hàng năm) để đọc đi đọc lại một bản thảo viết tay vài trăm trang, vài ngàn trang và rồi cặm cụi chữa từng lỗi chính tả, sửa từng dấu chấm, phảy?... Nhưng như thế không có nghĩa là người thợ - biên tập cứ phải tìm cách ghi dấu ấn cá nhân mình vào trang viết của người khác. Trang tác giả trong sáng không chấp nhận cái bóng đen của người biên tập. Cần phải tỉnh táo để phân biệt: Một bản thảo cần phải đầu tư công sức để sửa chữa, nâng cao chất lượng với một bản thảo mà người biên tập cố tình sửa chữa, sửa chữa theo ý mình, kể cả câu, chữ, văn phong lẫn nội dung tác phẩm, bất kể cộng tác viên đó là ai. Thậm chí có biên tập viên còn đứng tên đồng tác giả(!) Hình như người thợ - biên tập này muốn tỏ ra mình là người có trình độ? Gặp được tác giả biết điều hoặc chịu ngậm đắng, nuốt cay trước thái độ cửa quyền của biên tập viên thì mọi chuyện êm ru. Song, có cộng tác viên thì phản ứng ra mặt, đôi ba trường hợp đã dẫn đến kiện cáo. Vấn đề đặt ra ở đây là gì? Phải chăng là vị trí của người thợ - biên tập chưa được thể hiện một cách nghiêm túc và vai trò của người nghệ sĩ- biên tập cũng không được phát huy đúng lúc, đúng chỗ? Tìm được sự hài hoà cho cả hai vế thật không đơn giản đối với các nhà xuất bản!

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: