Văn học và tác dụng chiều sâu trong việc xây dựng nhân cách văn hóa con người
Trước khi bàn về tác dụng chiều sâu của văn học trong xây dựng nhân cách văn hoá, tôi muốn nêu mấy suy nghĩ về vị thế của văn học đương cố cơ bị nghiêng ngả và có chiều sút kém trong đời sống văn hoá hiện đại. Văn học trước hết là sách, là hình ảnh ngôn từ, là ngôn từ mực đen trên giấy trắng. Mấy thập kỉ nay, văn học phải cạnh tranh với một đối thủ ghê gớm mà sự lớn mạnh ngày càng hùng hậu, càng tăng sức áp đảo: đó là truyền hình. Ở những nước công nghiệp phát triển, những người viết sách (trong đó có nhà văn) tỏ ra bi quan trước sự "bành trướng" của truyền hình.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà văn Julien Green nhân dịp ông thượng thọ 98 tuổi, trước câu hỏi: "Liệu có còn những cuốn sách để truyền đạt thông điệp cuối cùng của nhà văn tới những thế hệ mai sau", đại thụ của văn học châu Âu đã ngao ngán trả lời:
"Sách có tồn tại nữa không trong ba, bốn chục năm nữa? Những cuốn sách sẽ nói gì ? Nhưng trong những thư viện sẽ còn lại những vết tích của thời đại chúng ta và một ngày nào đó tất cả sẽ lại xuất hiện, cũng như mỗi mùa xuân những gì tưởng như chết rồi lại tái sinh...".
Một cách nhìn quá bi quan về vị thế của sách, của văn học trong cuộc sống hiện đại, hi vọng ở tương lai có nhưng xem ra hết sức mong manh.
Dẫu sao, vị thế của văn học thời buổi này không được như trước nữa, Trong Lịch sử văn học phương Tây (Britannica CD 95), kết thúc chương viết về thế kỉ XX, có một nhận định đáng suy nghĩ: "... trong một số nước phát triển công nghệ cao như Mỹ, từ được in ra dường như... mất đi vị trí trung tâm của nó, vị trí ấy đã bị chuyển dịch trong tâm trí đại chúng bởi một nền văn hoá nghe nhìn…”
Phương tiện của truyền hình (và cả video nữa) là hình ảnh nghe nhìn ưu thế của hình ảnh nghe nhìn là hấp dẫn và dễ tiếp nhận, không đòi hỏi nỗ lực tích cực: của trí tuệ để tiếp nhận. Buồn ngủ rũ ra vẫn có thể ngồi xem "ti vi". Đọc sách thì rất khác. Phải có nỗ lực của trí tuệ - nhiều khi phải đọc đi đọc lại, phải ngẫm nghĩ - thì như tiếp thu được. ấn tượng của hình ảnh ngôn từ bền và sâu hơn ấn tượng của hình ảnh nghe nhìn vì nó kích thích và đòi hỏi sự nỗ lực tích cực của trí tuệ. Cách đây không lâu, tôi xem trên truyền hình bộ phim Tây Sương kí lúc xem thấy vui vui, có những đoạn lý thú nhưng xem xong hầu như không nhớ gì, đến nay thì quên sạch. Nhưng câu Kiều: "Mái tây để lạnh hương nguyền/Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng" tôi học từ thời trung học, đến nay qua nửa thế kỷ vẫn nhớ, vẫn ngân nga, xao xuyến, đậm đà ý vị, đọ với bộ phim truyền hình, cán cân nghiêng hẳn về câu thơ này. Những năm gần đây truyền hình chiếu nhiều bộ phim hay. Thời gian trước, trong năm năm may ra được xem mươi bộ phim hay. Ngày nay, trong một tháng, khán giả truyền hình đã được xem một số lượng phim hay nhiều hơn. Tuy nhiên, riêng tôi, đã được xem và thực sự thích thú với nhiều bộ phim, nhưng điểm lại thì chẳng nhớ được bao nhiêu. Có thể hình ảnh nghe nhìn đâu đó phát huy năng lực trực giác và để lại những dấu vết trong vô thức. Nhưng trí tuệ về cơ bản phải được rèn luyện và phát triển bằng đọc sách. Không phải hình ảnh nghe nhìn mà chữ và ngôn từ mới tạo ra cái cốt vững chãi cho trí tuệ. Vả chăng, nói như Maiakovsky, trong tim, trong óc của con người, có những chỗ bất cập đối với hình ảnh nghe nhìn, chỉ có thơ (tức là ngôn từ cao cấp) mới len vào được, chỉ có thể len được vào bằng thơ.
Tôi có ba kiến nghị :
- Cần gây cho các em thiếu nhi thỏi quen đọc sách ngay trong thời nhỏ tuổi. Làm sao các phụ huynh thấy được nguy hại của việc các em suốt ngày ngồi trước màn ảnh nhỏ xem truyền hình, video, chơi trò chơi điện tử... và không mó đến sách.
- Để sách có thể cạnh tranh được với truyền hình cần quan tâm hơn nữa đến hình thức của sách: hình thức trình bày và hình thức diễn đạt ngôn từ.
- Cần sử dụng truyền hình để tuyên truyền cho sánh. Mục mới mở Mỗi ngày một cuốn sách của Truyền hình Việt Nam là một sáng kiến hay, cần mở thêm nhiều mục nữa. Trong chương trình TéléV của Truyền hình Pháp mỗi tuần ít nhất có bốn, năm mục giới thiệu và tranh luận về các sách chuyên ngành, chuyên đề. Thỉnh thoảng, vào dịp một cuốn sách mới phát hành được công luận chú ý, thì kết thúc buổi Thời sự, tác giả được mời đến nói về tác phẩm của mình, sự xuất hiện của tác giả (thường là một nhà văn) là cái đinh văn hoá của chương trình thời sự. Như vậy, ở phương Tây, tiếng rằng vị thế của văn hoá đọc có cơ bị nghiêng ngả trước sự "bành trướng" của truyền hình, sách và người viết sách vẫn giành được sự chú ý và sự tôn trọng đáng kể trong công luận. Và chính lại là truyền hình đã có vai trò đắc lực về mặt này.
Không thể thiếu được mục Giới thiệu sách trong chương trình truyền hình của ta. Chúng tôi đề nghị Bộ Văn hoá - Thông tin mời những đại biểu của truyền hình, của Vụ Xuất bản cùng những đại diện của những nhà xuất bản lớn (Nxb Giáo dục, Nxb Văn học, Nxb Khoa học xã hội...) tổ chức gặp mặt bàn về mở mục thường kì Mỗi ngày một cuốn sách trên truyền hình. Truyền hình có thể lấn át văn hoá đọc nhưng cũng chính truyền hình sẽ hỗ trợ văn hoá đọc nếu như sách và những người làm sách biết tìm đến nó.
Con người không phải lúc nào cũng làm chủ được bản thân mình. Vả chăng hiểu được bản thân mình không phải là dễ. Văn học có tác dụng to lớn và sâu sắc giúp cho con người hiểu được chính mình. Khoa học khai hoá nhận thức về tự nhiên, về xã hội và con người nói chung. Nhưng trong đời sống tâm hồn và tâm lý của con người ngày càng trở nên phức tạp có những mảng, những lớp chiều sâu, những uẩn khúc chỉ có văn học và nghệ thuật mới soi thấu chuẩn bị cho sự tự ý thức. Trái tim của con người có những lý riêng mà lý trí của khoa học khó nắm bắt. Có những, tác phẩm đọc xong ta thấy bàng hoàng: Lần đầu tiên ta nhận ra được con người thật của mình. "Người cao thượng không phải là không bao giờ đê tiện, người cao thượng biết rằng mình có những lúc đê tiện" (Bielinxky). Stendhal cũng đã từng nói đến tác động của văn học, tới sự tự kỉ ý thức tiếp thu đạo đức. Đến đây có thể thấy rõ hơn vai trò của văn nghệ trong đời sống đạo đức: nó giúp cho con người tự biết mình, cả những mặt yếu lẫn mặt mạnh, những tiềm lực lớn lao ta không ngờ đến. Tác động gián tiếp này nhiều khi còn mạnh mẽ hơn sự "cải tạo" trực tiếp. quan niệm truyền thống về văn học coi trọng tác dụng trực tiếp của văn học. Nhưng có một quan niệm khác về chức năng giáo dục của văn học. Triết gia Seneca (khoảng 4 TCN - 65) là người thấu hiểu điều này: "Vấn đề không phải là ở chỗ văn học nghệ thuật có thể cung cấp đạo đức mà ở chỗ chúng chuẩn bị tâm hồn cho sự tiếp thu đạo đức". Những tác phẩm cổ điển bao giờ cũng có giá trị tâm lý sâu sắc, phát huy sự tự ý thức của người đọc và đây là một sự chuẩn bị quan trọng cho sự hoàn thiện đạo đức.
Chỉ tham gia vào thực tiễn xã hội con người .mới được rèn luyện và thực sự trưởng thành. Nhưng sự cải hoá và sự tiến bộ của con người không thể là kết quả tự phát của sự tham gia công tác thực tiễn, nhất là phải có sự chuẩn bị, sự trang bị. Cách mạng tư tưởng và văn hoá là sự chủ động của con người trong sự cải tạo bản thân mình. Thực tiễn có thè tác động tới tư tưởng con người theo những chiều hướng rất khác nhau. Thực tiễn chiến trường đã từng là trường học dũng cảm cho bao thế hệ thanh niên, nhưng cũng có những kẻ trở về với tâm trạng khiếp nhược. Trong thực tế, song song với quá trình tham gia thực tiễn thì ở bên trong chủ thể thường diễn ra một cuộc hành trình tinh thần khá phức tạp: Quản lý công tác thực tiễn của cá nhân tương đối dễ, có thể định lượng và kiểm tra. được. Nhưng hành trình tinh thần lại diễn ra bên trong ý thức của cá nhân, ở cõi thầm kín nhất một mình mình biết, một mình mình hay", những người xung quanh khó nhận biết. Giữa cuộc hành trình tinh thần quá trình tham gia thực tiễn không phải lúc nào cũng có sự tương đồng. Công tác thực tiễn được thực hiện theo quy định chung nhưng hành trình tinh thần lại đi theo một nẻo khác. Có những người công tác vẫn "tốt", hạnh kiểm đúng đắn, có thành tích hẳn hoi nhưng bất thần một cơ hội nào đó bộc lộ ra một nhân cách bên trong mục ruỗng, biến chất từ một lúc nào mà tập thể không hay. Chính những cuộc hành trình bên trong này mới có ý nghĩa quyết định đối với sự cải tạo bản thân con người. Chính những thể hiện và những kinh nghiệm của những chuyến hành trình tinh thần này mới tạo thành nhân cách của cá nhân. Vai trò dẫn dắt của văn nghệ là ở sự định hướng, sự chuẩn bị cho cá nhân làm những cuộc hành trình tinh thần của nó: Những tác phẩm tết soi đường cho cá nhân bằng ánh sáng của lẽ phải, định hướng đúng cho những cuộc hành trình, chuẩn bị cho cá nhân những tâm thế tích cực, trang bị cho những cuộc hành trình tinh thần cần thiết: Thái độ nghiêm chỉnh và dũng cảm đối với cuộc sống, thái độ nghiêm khắc đối với bản thân mình, cách ứng xử có lý, lòng tự trọng tự tin, tình đồng chí đồng đội, tình thương và lòng độ lượng, những kinh nghiệm làm người xứng đáng...
Văn học và nghệ thuật có một vai trò đặc biệt quan trọng: quản lý sự cải hoá, sự hình thành nhân cách bên trong con người, ở mỗi con người. Văn nghệ sĩ là một loại cán bộ quản đặc biệt. Vì nếu như người nghệ sĩ có tài năng hiểu lòng người, hoà làm một với nhân dân và cộng đồng tâm huyết của mình thì hoạt động nghệ thuật là loại công tác quản lý có hiệu quả sâu sắc và gọn nhẹ nhất, tác động trực tiếp tới đối tượng không phải thông qua những cấp trung gian, tránh được tệ quan liêu giấy tờ.
Ngày nay, hơn bao giờ hết cần nói đến phẩm giá của sự thật, phẩm giá của sự trung thực và ngôn ngữ trung thực. Tuy nhiên không thể quên một tác phẩm nói đúng sự thật chưa hẳn đã là một tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật là cái tinh thần toát lên từ sự thật, đúng hơn từ sự tổng hoà chân, mĩ, thiện. Trong sáng tác nghệ thuật, cùng với sự khẳng định sự thật, nhất thiết phải có những phát hiện nghệ thuật... Trước hết, đó là sự phát hiện những điều bí ẩn và huyền diệu. Trong đời sống tâm hồn con người, trong những số phận và tính cách con người rất khác nhau, trong những bước thăng trầm lịch sử động đến số phận của cả một dân tộc hoặc nhiều dân tộc, có biết bao điều bí ẩn, huyền diệu mà chỉ tư duy khoa học không chưa đủ, phải có trực giác nghệ thuật thì mới phát hiện được. Đành rằng bản thân sự công bố sự thật có thể hết sức quan trọng. Đành rằng có những tác phẩm giá trị tư tưởng và nghệ thuật không bao lăm nhưng trở thành nổi tiếng nhờ cái sự thật được công bố. Trong văn học nghệ thuật - có thể tìm thấy ở đây một sự khác biệt với báo chí còn quan trọng hơn sự thông báo - sự công bố sự thật là việc giáo dục năng lực cảm nhận sự thật. Quen sống với sự dối trá, mập mờ, khả năng cảm nhận sự thật ở con người có thể bị cùn đi, thậm chí có thể bị dị ứng, khi buộc phải nhìn sự thật. Cũng không kém phần quan trọng là sự giáo dục năng lực cảm nhận những nỗi đau nhân tình, sự giáo dục năng lực cảm nhận cái đẹp. Quen với lối sống bo bo, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình, vơ vét cho mình, khiến năng lực cảm nhận nỗi đau của những người xung quanh có thể bị mai một, có thể đi đến chỗ hoàn toàn dửng dưng với số phận của người khác. Mặt khác, cuộc sống hiện đại hầu như ở khắp mọi nơi ngày càng mang tính chất thực dụng - với nghĩa xấu nhiều hơn là với nghĩa tốt của từ này - trên cơ sở này, năng lực cảm nhận cái đẹp ở con người ngày càng sút kém, càng nghèo đi. Hơn lúc nào hết phải nhấn mạnh vào chức năng giáo dục của văn học nghệ thuật. Nhưng chỉ nói đến giáo dục đạo đức thì quá ít. Giáo dục năng lực cảm nhận sự thật, năng lực cảm nhận nỗi đau nhân tình, cảm nhận cái đẹp - đó là sứ mệnh vĩnh cửu, bao trùm của văn học nghệ thuật.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh