Tồn tại bằng cách mang lại lợi ích cho người khác
Là “thủ lĩnh” của nhóm Thứ Sáu – nhóm chuyên viên kinh tế đã tham gia một cách dũng cảm và hiệu quả vào công cuộc đổi mới kinh tế, ở ông hội đủ phẩm chất của một doanh nhân, tầm nhìn và sự quyết đoán của nhà nghiên cứu kinh tế, sự điềm tĩnh và kiên nhẫn cùng nỗ lực không ngừng nghỉ với trách nhiệm sâu sắc của một công dân.
Từng tham gia viết báo trong vai trò một chuyên gia kinh tế với những ý kiến phản biện sắc sảo, ông có đặt ra nguyên tắc cho riêng mình mỗi lần xuất hiện?
Tôi tự đặt ra cho mình ba nguyên tắc, đó là không xuất hiện trên tờ báo có những tin tức kiểu “xe cán chó, chó cán xe”; không nhảy theo đánh hội đồng, đánh hùa; không nhảy xổ “vỗ tay” ngay trước mỗi chính sách đề ra, mà phải phân tích khách quan, có chiều sâu sau một thời gian thực hiện. Tôi nghĩ báo chí rất cần có một chỗ để những luồng gió mới đi ngang qua, nhằm xây dựng một nhân sinh quan, quan điểm lành mạnh về mọi vấn đề, nhất là những vấn đề về con người, chứ không chỉ nói chuyện kinh tế.
Nhóm chuyên gia Thứ Sáu (*) từng tham gia hiệu quả nhiều chương trình nghiên cứu đổi mới doanh nghiệp và phát triển TP.HCM, theo ông cơ chế nào giúp cho ý kiến của nhóm được lắng nghe như thế?
Tôi suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để giữ cho người lãnh đạo tiếp tục sáng suốt. Người xưa có câu “Thời thế tạo anh hùng, anh hùng tạo thời thế”, giai đoạn “thời thế tạo anh hùng” có trước, môi trường sản sinh ra nhân vật xuất chúng, người đó gắn bó với cộng đồng của mình xuyên suốt qua những giai đoạn gian nan nhất trong cuộc đấu tranh sinh tồn, hấp thu toàn bộ ảnh hưởng của cộng đồng. Đó là một con đường vô cùng dữ dội. Nhưng khi bước qua giai đoạn “anh hùng tạo thời thế” thì nỗi lo lớn nhất của cộng đồng là làm thế nào để người anh hùng còn đủ sáng suốt trong giai đoạn mới, để lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo xã hội, tạo ra thời thế mới phù hợp với yêu cầu nguyện vọng của cộng đồng?
Bài toán này không phải mới đây, mà hàng ngàn năm nay người ta tìm cách xử lý nó. Cách thứ nhất mà những vị vua anh minh thường dùng là cơ chế giám quan, người có thể chỉ mặt nói vua sai, bởi hơn ai hết, vua biết sự anh minh của mình có giới hạn, và người tự nguyện nói thật những sai sót của vua rất hiếm; không ít người còn bị giam hãm trong bốn bức tường của xu nịnh khiến cho sự sáng suốt trong tư duy tắt dần. Cơ chế thứ hai là nhiệm kỳ, và cách thứ ba là bầu cử, để có thể chọn người thay thế. Nhưng so sánh ba cơ chế, tôi thấy chưa có cách tốt nhất. Lãnh đạo có nghĩa là dẫn đường, người dẫn đường đương nhiên phải biết rõ đường đi nước bước hơn người khác, nhưng còn những vấn đề không thuộc lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, cần đến trường lớp để học, lấy kinh nghiệm đã qua để soi rọi, và cần nhất là lòng bao dung, tính nhẫn nại, chịu lắng nghe người khác, nhất là ý kiến ngược với mình. Muốn thế, phải tạo một môi trường không gian đủ rộng để tiếp thu ý kiến phản biện, tạo một “không gian sáng suốt mở” nuôi dưỡng sinh lực mới, trí tuệ và sự sáng suốt của mình…
Công cuộc đổi mới của chúng ta vừa qua là một hiện tượng của lịch sử, bởi các nhà lãnh đạo đã biết chuyển hướng kịp thời khi thấy sai lầm. Nếu nói một cách sâu sắc thì những nhà lãnh đạo của mình thời đó đã dám làm một việc: lắng nghe giám quan!
Làm thế nào ông có thể bước sang những lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn khác nhau như xuất nhập khẩu, xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị mới…?
Tôi nghĩ báo chí rất cần có một chỗ để những luồng gió mới đi ngang qua, nhằm xây dựng một nhân sinh quan, quan điểm lành mạnh về tất cả mọi vấn đề, nhất là những vấn đề về con người, chứ không chỉ nói chuyện kinh tế.
Không ai hiểu mình bằng chính mình. Khi Nhà nước điều tôi làm kinh tế, tôi biết khả năng kinh doanh của mình từ trước tới đó chỉ là buôn bán tìm kế sinh nhai như bao người khác, không phải là làm kinh tế. Kinh tế khác với kinh doanh, kinh doanh là thảy đồng vốn vào đâu sinh ra hiệu quả nhanh nhất cho doanh nghiệp mình, còn kinh tế bao trùm lên mọi ngành nghề, để đặt đồng tiền của mình vào đâu cho mọi người cùng có ăn, không phải cho bây giờ, mà cho cả tương lai. “Ăn hôm nay, biết hôm mai”, làm thế nào để dành dụm tài nguyên cho đời sau cũng còn có cái để ăn mới là tầm nhìn của người làm kinh tế. Do vậy không thể đưa một người giỏi kinh doanh điều hành kinh tế.
Người làm kinh tế phải biết rất nhiều lĩnh vực. Tôi không học ở trường lớp như mọi người, mà ý thức ngay rằng chỉ có thể làm việc được thông qua sử dụng những tài năng, để giữ cho tai mình thính, óc mình sáng. Bắt đầu từ tháng 10.1986, tại Cholimex, tôi kêu gọi anh em chuyên viên nghiên cứu kinh tế, hình thành nhóm Thứ Sáu, làm việc xung quanh tôi theo từng nội dung chuyên đề, độ lớn của vấn đề. Về ngân hàng tôi chọn anh Huỳnh Bửu Sơn làm chủ đề tài, vì anh rành lĩnh vực này lắm, lại có sức khoẻ và sẵn sàng cống hiến. Về nông thôn, tôi giao cho anh Nguyễn Văn Sơn, về kinh tế vùng anh Nguyễn Ngọc Hồ, ngoại thương là anh Trần Bá Tước… Đó là những người thầy của tôi, nhờ họ mà tôi trưởng thành. Nhiều người hỏi tôi tại sao tập hợp được nhiều người giỏi, tôi nghĩ chưa bao giờ tôi trả đúng giá của họ, nhưng tôi tôn trọng họ thực sự, coi đó là những người bạn tri kỷ, đó mới là điều quyết định.
Nhóm Thứ Sáu có nhiều cái “không”: không biên chế, không điều lệ, không chủ quản, không tiền lương, không ai làm lãnh dạo. Tôi coi mình như người liên lạc, ai muốn nghe thì mình triệu tập anh em, gửi báo cáo đến cho ai… Mãi sau này, anh Võ Trần Chí, nguyên bí thư Thành uỷ TP.HCM nói chúng tôi có một cái “có”, đó là tấm lòng. Mà thực sự mình đâu có được hưởng gì, chúng tôi chỉ muốn nói về những gì mình hiểu biết, một cách vô tư, nghiêm túc, nếu ai cần nghe thì biến nó thành đề tài nghiên cứu, nếu ai hỏi xã giao thì mình cũng trả lời xã giao thôi.
Là tổng giám đốc công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận, phó tổng giám đốc công ty liên doanh của khu chế xuất đầu tiên ở Việt Nam: khu chế xuất Tân Thuận, ông đã phải trải qua những gian nan nào của người mở đường khi xây dựng một mô hình kinh tế mới trong điều kiện không tiền, không người?
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn: “Một người nhạy bén, thông minh, tầm nhìn xa và quyết đoán. Đóng góp đáng kể cho công cuộc đổi mới kinh tế, cải cách hành chính, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi từ kinh tế bao cấp sang thị trường. Một nhà giáo mẫu mực, giản dị, nghiêm túc. Chơi với bạn rất chân tình, thẳng thắn”. |
Chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước: “Một người dễ gần, dễ mến, rất chịu khó học hỏi, thành thật về mình. Là người nâng đỡ thành phần trí thức cũ, gầy dựng nên nhóm Thứ Sáu, suốt mấy chục năm gắn bó, chúng tôi dựa vào nhau để cùng suy nghĩ, cống hiến. Được giao nhiệm vụ lớn thời gian đầu mở cửa, cơ may đã đưa anh gặp được đối tác tốt, cùng sự hỗ trợ của anh em, để tạo nên sự thay da đổi thịt cho vùng đất Nam Sài Gòn, hình thành khung pháp lý cơ bản để sau này Nhà nước đưa ra một số luật lệ. Có những bài viết phản biện sắc sảo đối với các thành phần kinh tế trong xã hội, đóng góp nhiều cho quá trình phát triển của đất nước”. |
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: “Đối với tôi, ông Dưỡng là một người kinh bang tế thế. Ở Cholimex ông biến ít thành nhiều, ở khu chế xuất Tân Thuận ông biến nhỏ thành lớn, và ở Phú Mỹ Hưng ông biến đầm lầy và nước đục thành cao ốc và thương xá. Tất cả đều ở trong thời kỳ đất nước vừa mới mở cửa. Từ bùn và nước làm sao nặn ra những con số cho một kế hoạch tài chính chính xác và hợp lý để thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền và làm an lòng chính quyền khi chấp thuận? Trong một buổi tâm tình với anh em nhóm Thứ Sáu, ông kể chuyện “tính ngược”, từ sự hình dung về thành quả của một dự án tương lai đem áp vào các công trình mới vẽ trên giấy để lập nên giá trị cho “hiện trạng dự án”! Tưởng tượng cao, nhưng tìm ra biện pháp khả thi. Sở dĩ làm được bởi ông ấy là người có lòng. Nhóm Thứ Sáu xuất hiện và tồn tại được là nhờ ông ấy. Ông đã thực hiện câu “muốn làm đầu phải làm đầy tớ”. Và ông đã làm đầy tớ. Còn chúng tôi quý mến ông như người cầm đầu. Tinh thần ấy cũng được ông áp dụng với các nhà đầu tư nước ngoài, chinh phục họ với tài năng, làm họ an tâm về sự liêm chính. Phú Mỹ Hưng to như thế, đẹp như vậy, nhưng ông không có một thước vuông nào! Mỗi lần sang nhà ông chơi, chúng tôi hay hỏi: “Anh thấy mình khôn hay dại?”. Ông cười tít mắt giống như bị một phản ứng… vật lý!”. |
Lúc ấy tôi 41 tuổi, quả tình là liều mạng, trong tay chỉ có một tấm giấy, một con dấu, một quyết định. Có lúc lo lắng, mất ăn mất ngủ, vì không biết nhà đầu tư nào chịu nhảy vô vùng đất đầm lầy hoang dại này. Cũng may những người đến với mình toàn là mang tính từ thiện, nhưng quyết tâm và liều mạng giống mình!
Từ một nhà giáo dạy vật lý chuyển sang làm kinh tế, bây giờ lại đứng trên giảng đường nhưng trong vai trò hoàn toàn khác, những bước ngoặt trong đời để lại cho ông điều gì thú vị?
Cuộc đời tôi nó uốn khúc lắm, nên nhiều khi tôi chỉ muốn giữ cho riêng mình, không muốn nói ra. Chuyện thời thế tôi nghiệm lâu rồi: tại sao cùng một môi trường, hoàn cảnh, lại tạo ra hai con người khác nhau? Nó phụ thuộc vào bản chất bẩm sinh của mỗi người, vào văn hoá gia đình. Tôi gốc người Hoa, gia đình quá nghèo nên gửi tôi đến nhà bác ruột. Dù bác tôi rất tốt, nhưng lúc nào tôi cũng có cảm giác mình là con nuôi, ăn thì chọn trái nhỏ nhất, làm cũng chọn việc nặng nhất. Ý thức đó ăn sâu trong tôi, khiến tôi dễ dàng cân bằng, chấp nhận mọi thử thách, trưởng thành sớm hơn bạn bè cùng lứa. Tôi hiểu sâu sắc rằng sự tồn tại của mình được quyết định bởi việc mình mang lại lợi ích thế nào cho người khác. Từ đó tôi hình thành triết lý sống: lúc nào cũng sẵn sàng giúp người khác.
Đến tuổi này, tôi thấy đây là phương pháp đúng, nhưng vô cùng gian nan, đòi hỏi phải có bản lĩnh lớn, vì vậy mình phải không ngừng trau dồi để tiếp tục có ích cho người khác. Có lẽ vì thế mà tôi học một cách điên cuồng. Từ quê lên Sài Gòn, tôi đã làm đủ mọi nghề, làm bồi rửa chén, quét nhà suốt chín năm, tự học hết đại học. Bằng cấp chỉ là chiếc vé vào cửa, tôi học tiếp bằng nhiều cách khác, kể cả việc xin nghỉ hưu sớm tham gia chương trình nghiên cứu của đại học Harvard tại Hoa Kỳ… để có kiến thức tổng hợp. Có lẽ vì vậy mà trường Fulbright đã mời tôi giảng dạy. Xác định nhân sinh quan như thế nên trong mọi môi trường, dù gian nan mấy cũng phải vượt lên. Nhờ thế, tôi có nhiều bạn lắm, từ anh xe ôm, bà bán hủ tiếu, đến những người có vai vế trong xã hội.
Nhìn lại bước phát triển của thế hệ doanh nhân hiện nay, ông thấy có những điểm nào cần phải xem xét lại, để đánh giá đúng về giá trị thực của họ trong xã hội?
Tôi nghĩ nhiều người trong số họ vẫn còn trong xu thế marketing chính mình, tạo ra một bề ngoài để dễ tích tụ tài sản hơn. Thước đo giá trị của họ chủ yếu dựa trên tài sản tích tụ được. Rất hiếm người quan tâm đến chất lượng sống của người dân mình trong tương lai. Trong thời đại này, khả năng kiếm tiền của họ càng tinh vi, họ làm giàu càng nhanh, nhưng văn hoá sống không tỷ lệ thuận với đồng tiền mà họ kiếm được.
Văn hoá là cái chung nhất, chứa đựng tư tưởng, kết tinh từ hành vi con người, chứ không phải là điều anh nói, cái anh học. Tôi không nghĩ cứu cánh biện minh được cho phương tiện. Nếu họ tiến thân bằng những phương tiện phi nhân đạo, càn lướt người khác để đạt đến đích thì trở thành ác quỷ rồi, làm gì có Phật ở đó. Đây là một vấn đề rất lớn không chỉ trong giới doanh nhân, mà trong cả xã hội, tạo ra một lớp người hủ hoá, tham lam.
Có bao giờ ông rơi vào tâm trạng khủng hoảng?
Có chứ, nhưng bây giờ tôi nhìn rõ vấn đề rồi, đó là một chuỗi của sự sai, nên không còn cách nào là sống chung với lũ, nhưng tôi vẫn chủ trương đỡ gạt được cái gì, chuyển hoá được cái gì thì làm hết sức, để tự an ủi mình, để sống, mong có một kỳ tích mới, những con người mới. Bỏ mặc hết đâu có được, vì nó sờ sờ ra đó. Lau chùi được cái gì thì cố gắng lau. Cách suy nghĩ đó khiến tôi muốn dành phần đời còn lại của mình cho sự nghiệp giáo dục.
Ở tuổi này, liệu ông còn giữ được sự dũng cảm của một trí thức trước những vấn nạn của xã hội như thời sung sức nhất của mình?
Nếu người ta đến hỏi tôi, tôi vẫn nói thẳng thắn, không tránh né, còn nghe hay không là chuyện của họ.
Ông từng viết những bài đề cao nhân lễ nghĩa trí tín, triết lý sống của ông chịu ảnh hưởng từ những tư tưởng nào?
Tôi không thiên về một đạo giáo nào, mà thấy cái gì hay thì bắt chước. Tìm hiểu kỹ về Phật giáo, tôi thấy Phật tổ từ ngai vàng bước xuống làm thường dân, giải thoát con người bằng triết lý mọi người sinh ra đều bình đẳng thật vĩ đại và khoa học. Chúng ta cứ lên án Nho giáo phong kiến là sai, nhưng toàn bộ tư tưởng của Nho giáo là mối quan hệ hài hoà giữa một người với nhiều người, tạo ra giá đỡ luân lý cơ bản cho một xã hội, và có thể thay đổi, mở rộng theo từng thời kỳ. Chữ đại hiếu của Nho giáo có ba tiêu chuẩn, trước tiên để rạng rỡ tông đường, thứ hai không làm nhục gia tông, thứ ba mới là nuôi cha mẹ. Đó là những cái hay mà tôi muốn bảo vệ, học tập theo, và hình thành nên mục đích sống của mình: sự tồn tại của mình chính là có ích cho người xung quanh, vì vậy bất cứ lúc nào cũng cố gắng làm cho bản lĩnh, khả năng của mình không ngừng gia tăng.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá