Vấn đề con người, nhân văn trong triết học phương Tây hiện đại và chủ nghĩa duy vật nhân văn hiện nay

08:20 CH @ Thứ Bảy - 28 Tháng Hai, 2009

Cùng một tác giả:

»Chủ nghĩa Duy vật Nhân văn: Phương pháp luận nghiên cứu con người hiện nay ở Việt Nam

»Giới thiệu sách: Chủ nghĩa duy vật nhân văn

»Chủ nghĩa duy vật nhân văn - Nhìn từ truyền thống văn hóa dân tộc

»Cơ sở của sự hình thành và phát triển chủ nghĩa Duy vật Nhân văn

I. Từ vấn đề con người và nhân văn trong triết học phương Tây hiện đại đến chủ nghĩa duy vật nhân văn

Vấn đề con người luôn luôn là sự quan tâm phân tích, luận bàn trực tiếp hay gián tiếp của các trường phái triết học xưa nay. Tuy nhiên, tùy theo mỗi thời kỳ lịch sử mà sự phát hiện và nghiên cứu về con người có góc độ và khía cạnh khác nhau. Chủ đề này không mới nhưng lại luôn luôn mang tính thời sự và chưa bao giờ cũ. Chúng ta khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh thì nhiều nhưng khám phá, tìm hiểu về con người, bản thân mình, như nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận, thì vẫn còn ít.

Thời đại ngày nay vấn đề con người, thân phận con người và nhân loại lại nổi lên và đặt ra nhiều vấn đề mới hơn bao giờ hết.

Thật vậy, chưa lúc nào vấn đề con người, giá trị con người, thân phận con người lại được các nhà triết học phương Tây quan tâm và bàn luận nhiều như trong thời hiện đại, nhất là từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Trong cuốn sách do Bùi Đăng Duy và Nguyễn Tiến Dũng biên soạn có tiêu đề Lược khảo Triết học phương Tây hiện đại, Nxb. Khoa học chính trị quốc gia, 2003, có 7 chương thì 2 chương bàn về vấn đề con người, giá trị con người, vấn đề nhân vị. Hoặc gần đây cuốn sách của Đỗ Minh Hợp: Diện mạoTriết học phương Tây hiện đại, Nxb. Hà Nội, 2006, 374 trang, có 8 chương, trong đó làm nổi bật Nhân học phổ quát và tư tưởng triết học về con người cá nhân chiều sâu đa diện với góc nhìn phi lý. Triết học phương Tây hiện đại có hàng trăm trường phái, nhưng tập trung bàn về ba hệ triết học: triết học con người, triết học khoa học và triết học tôn giáo, trong đó trung tâm là triết học về con người, thân phận con người, dù đa dạng nhưng chung qui là “tìm về nhân vị con người” (M.Schler), hay hướng về “những giá trị con người” (R.Le Senne 1882-1954 ). Vấn đề nhân vị con người như là vấn đề đầu tiên, xuyên suốt tất cả các trào lưu triết học hiện đại .

Tại sao lại có sự quan tâm đến con người, nhất là con người phi duy lý, nhiều như vậy, như vậy? Trước hết là do thời đại Anh sáng là thời đại duy lý trên nền tảng tư duy triết học - vật lý Descartes - Newton của xã hội công nghiệp đã trở nên khủng hoảng, bất lực, lỗi thời. Trong tư duy của thời đại này, khi bàn về con người thì nặng về duy lý, nặng về chủ nghĩa khái niệm.
Cụ thể là:

+ Nhìn nhận con người một chiều, công thức, lý niệm, khô khan kiểu Hêghen, con người duy lý là cao nhất, là chúa tể. Duy lý là giá trị cơ bản trong hoạt động của con người;
+ Con người như là lực lượng, thế lực đối lập với tự nhiên, khai thác tự nhiên, thống trị tự nhiên;
+ Chỉ nhấn mạnh nhu cầu vật chất, sinh học của con người;
+ Đề cao con người duy lý, kỹ thuật, kỹ trị, con người như bộ máy cơ giới;
+ Con người tách rời phần hồn và phần xác, nhị nguyên, thể xác là xấu, là có tính quỉ dữ; tinh thần là tốt mang tính thần thánh…

Tất nhiên đây là xu hướng chính, thống trị, còn xu hướng phi duy lý về con người trở nên mờ nhạt. Đó là trạng thái nhận thức triết học và khoa học phương Tây từ thời cổ điển.

Trong khi đó, dù cũng bắt nguồn trong thời đại duy lý, dù khó tránh khỏi hạn chế lịch sử, nhưng chủ nghĩa Mác đã có tầm nhìn xa hơn, toàn diện hơn và nhấn mạnh:

+ Con người là một thực thể tự nhiên - xã hội;
+ Làm nổi bật bản chất xã hội và tính lịch sử - cụ thể trong quá trình tiến hóa của con người;
+ Con người thực tiễn, con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của lịch sử;
+ Nghiên cứu sâu con người kinh tế xã hội;
+ Coi trọng vấn đề con người tha hóa và sự giải phóng, phát triển con người tự do, toàn diện.

Thời đại duy lý với nhiều hình thức bao trùm lên xa hội và con người, chi phối thống trị tất cả. Khoa học duy lý lên ngôi. Chủ nghĩa duy lý gắn liền với quyết định luận và chủ nghĩa cơ giới có vai trò nhất định nhưng đã bị cực đoan hóa, ngày càng xa lạ với con người.

Nhưng những tiến bộ mới của khoa học hiện đại trong thế kỷ 20, nhất là vật lý lượng tử, thuyết tất định, thuyết hỗn độn… chúng ta thấy rằng, không đơn giản suy nghĩa theo tuyến tính, qui luật nhân quả, thời gian và không gian, tính khách quan của sự xem xét nếu thiếu tính chủ thể, tính chất tâm linh từ chiều sâu của sự sống nhân bản của con người, tồn tại người; hiện nay, không chỉ nhấn mạnh cái tất yếu mà còn phải hiểu tính hỗn độn, ngẫu nhiên, tức thế giới, nhất là ở bề sâu, không phải chỉ do cái tất yếu chi phối.

- Cùng với sự đảo lộn khoa học đó là tinh thần của chủ nghĩa tư bản cũng có nhiều thay đổi, từ chủ nghĩa lạc quan sang chủ nghĩa bi quan, do chuyển đổi từ thế cách mạng sang thế ngược lại. Cuộc khủng hoảng tinh thần mới của thời đại ngày càng trầm trọng. Cho nên nhà triết học E. From đã cảnh báo: Vấn đề của thế kỷ XIX là “Chúa đã chết”, còn vấn đề của thế kỷ XX là “con người đã chết”. Thế kỷ XIX sự tàn bạo chống lại con người, ở thế kỷ XX sự tha hóa mang tính thần kinh phân liệt. Trong quá khứ tại hoạ là ở chỗ con người là nô lệ, trong tương lai, tai họa là ở chỗ con người thành robot, thành cai máy không tư duy, không tình cảm, không nhân tính . Nhưng, con người đang sống lại, không chụi đánh mất mình

- Chính vì vậy từ trong cuộc khủng hoảng và bước ngoặt đó mà nổi lên vấn đề “tồn tại người” (Heidegger), vần đề con người phi duy lý, bản năng, con người ý chí, tình cảm, tâm linh, con người vô thức, con người vũ trụ, con người nhân đạo thay cho con người kỹ trị, duy lý… không có linh hồn, thiếu sức sống.

Trong các trào lưu triết học hiện nay về con người chủ yếu là: Siêu hình học mới, triết học đời sống, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa Freud, chủ nghĩa nhân vị, hiện tượng học, chú giải học, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cấu trúc, chủ nghĩa phê phán, nhưng các trào lưu khác vẫn ít nhiều bàn về vấn đề con người, liên quan tới tinh thần nhân văn. Các trào lưu triết học hiện đại dù khác nhau nhưng lại mang tính tích hợp, bổ sung cho nhau, xoay quanh vấn đề nhân vị, vấn đề con người, thậm chí tích hợp với cả triết học mác xít (chủ nghĩa Mác- Freud, chủ nghĩa Mác - hiện sinh, chủ nghĩa Mác -thực chứng…), và nhiều người muốn đứng dưới “ngọn cờ” của chủ nghĩa duy vật và phép biện chứng . Điều đáng chú ý là các vấn đề con người ở đây khá đa dạng, nhiều vấn đề được nêu lên rất đang suy ngẫm và cần kế thừa.

Nghiên cứu những vấn đề đó có ý nghĩa lớn trong việc xây dựng chủ nghĩa duy vật nhân văn, và có thể cho ta quan niệm toàn diện hơn trong việc phát triển con người, xây dựng con người có văn hóa, phát triển toàn diện.

Sau đây, chúng tôi không có ý trình bày chi tiết các học phái triết học hiện đại bàn về con người mà chú ý nhấn mạnh cách đặt vấn đề, xới lên những vấn đề cần suy nghĩ nên kế thừa như thế nào để từ đó xây dựng chủ nghĩa duy vật nhân văn như một triết học toàn diện về con người. Bởi vì, dù có nhiều tri thức, hiểu biết về con người, nhưng theo W. Barrett thế kỷ XX vẫn chưa có được một quan niệm toàn vẹn về con người . Đó là chưa kể các vấn đề về đời sống gắn với con người.

Các học phái triết học phương Tây hiện đại đã làm phong phú cho hình ảnh con người ở bề sâu, khôi phục lại con người, nhưng không phải con người duy lý mà là con người phi duy lý, con người thân xác với đời sống, tình cảm, thế giới tinh thần sống động, có thực, thể hiện ở những vấn đề chủ yếu, có thể tóm tắt như sau:

+ Đề cao cái tưởng tượng, trực giác, quan tâm nhiều tới đời sống tinh thần của con người ở bề sâu (Bergson).
+ Đề cao hành vi, hành động, thực dụng, hành dụng, đề cao lợi ích cá nhân hiện thời, thực tế, biến triết học thành một lối sống (như chủ nghĩa thực dụng Mỹ).
+ Đề cao nhận thức vô thức, bản năng, nhân cách, cách mạng tâm lý, cách mạng tính dục (chủ nghĩ Freud).
+ Đề cao cái tôi, cái nhân vị, thực tại tâm linh, đề cao chủ nghĩa nhân đạo (chủ nghĩa nhân vị).
+ Đề cao giá trị tự do cá nhân, tình yêu, giá trị tinh thần đạo đức hơn giá trị đồ vật (Hiện tượng học)
+ Đề cao khả năng thông hiểu, tự ý thức, tâm linh, trực giác hơn là suy luận.
+ Nghiên cứu "tồn tại người", đề cao thân xác, hiện hữu, nhận thức bằng thân xác, tư duy thân xác là tư duy vô thức; chú ý cả thân xác, tâm thần và tâm linh, đề cao tình yêu, tính chủ thể tự do, tự do trong cô đơn, buồn chán, lo âu, nên phải nhập cuộc để giải thoát mới có …tự do. Nhưng chủ nghĩa hiện sinh thành lối sống của giới trẻ một thời theo tâm lý bi quan trước xã hội công nghiệp tư bản chủ nghĩa (chủ nghĩa hiện sinh, là “một chủ nghĩa chống trí tuệ, chống duy lý”) .
+ Đề cao sự khắc phục sự tha hóa của con người trong xã hội lịch sử cụ thể- vấn trung tâm của triết học; đề cao vấn đề thực tiễn, coi thực tiễn mới là vấn đề trung âm của triết học Mác, là “chủ nghĩa lấy con người làm trung tâm”; đề cao con người nhiều chiều cạnh (lý luận phê phán của phái Frankfurt)…

Chúng ta nhớ lại phương Đông cổ đại (Trung Quốc và Ấn Độ), thì thấy, xu hướng đề cao con người, không phải là con người duy lý, khái nịệm, mà là con người đời sống, cuộc đời là khổ, con người trực giác, vô thức, tâm linh, con người vũ trụ… Triết cổ phương Đông, nhất là Phật giáo, Lão giáo thường nhấn mạnh:

+ Con người đạo đức: nhân - trí - dũng;
+ Con người quân tử và con người tiểu nhân;
+ Con người tâm linh: tinh- khí -thần;
+ Con người tinh thần cao hơn, thánh thiện hơn con người thể xác, vật chất;
+ Con người đau khổ, tu luyện và giải thoát…

Tuy rằng triết học phương Tây hiện đại ngày càng trở lại nhận thức, khám phá và chứng minh con người theo kiểu phương Đông cổ đại nhưng la trình độ khác, phong cách văn hóa khác, thiên về con người cá nhân, nhân vị (ví dụ sự giống nhua kỳ lạ giữa Frớt với Phật, như có người đã chứng minh).

Vấn đề chúng tôi muốn nhấn mạnh là, không phải con người duy lý là con số không, con người phi duy lý là tất cả, hay con người phi duy lý là ảo tưởng, còn con người duy lý một là sức mạnh hiện thực mà nó vừa là cả hai mặt ấy. Mà trong tính hiện thực của nó con người bao gồm tất cả các mặt đó trong tổng hòa cụ thể, sống động. Mọi sự cực đoan nào cũng có thể xa chân lý. Nhưng tuỳ theo các cấp độ, quan hệ, tầng nấc, sâu nông mà mặt nào nổi lên, hoặc chi phối.

Chúng ta thấy rằng, triết học phương Tây hiện đại không chỉ đã rơi vào một cực đoan khác của con người duy lý, là con người phi duy lý, con người sinh học tinh thần mà vẫn không tiếp cận được con người lịch sử xã hội cụ thể, gắn liền với đời sống kinh tế hien thực mà chủ nghĩa Mác dã vạch ra. Cho nên khi nghiên cứu con người bị tha hóa và tìm kiếm con đường giải thoát, giải phóng con người đang bị tha hóa vẫn không lối thoát; hoặc là trở về với Thượng đế, hoặc loay hoay trong thế giới tinh thần, tâm lý cá nhân, thực hiện cách mạng tâm lý, cách mạng tính dục; hoặc muốn thoát khỏi xã hội công nghiệp bằng cách thay nó bằng xã hội hậu công nghiệp một cách trừu tượng, không hoặc lẫn tránh, chính chế độ tư bản chủ nghĩa, đế quốc mới là thủ phạm chủ yếu làm tha hóa con người, cho nên không thấy, trước hết và chủ yếu, then chốt là cách mạng xã hội chứ không phải cách mạng tính dục, hay cách mạng kết cấu nhân cách.

Vì vậy, nếu xa rời nội dung kinh tế xã hội cụ thể thì khó hiểu con người đúng như nó, con người lịch sử xã hội, nhưng không hiểu nội dung tự nhiên sinh học tinh thần tâm lý chiều sâu, vô thức, vô minh của nó cũng làm méo mó con người, hoặc chỉ thấy cái mặt chủ yếu mà không thấy tính nhiều mặt trong con người, cả mặt tích cực và tiêu cực thì cũng làm nghèo nàn con người. Dù có nhiều tri thức về con người, nhưng theo W. Barrett thế kỷ XX vẫn chưa có được một quan niệm toàn vẹn về con người . Hiện nay nhiều nhà khoa học, triết học nhân học trên thế giới và cả ở Việt Nam vẫn nhận thấy hình ảnh hiểu biết về con người còn cần bổ sung, cần có tư duy biện chứng, hiện thực và cụ thể sinh động hơn nữa.

Cũng cần nhắc lại rằng, việc trường phái Frakfurt nói rằng, khi các nhà mác xít Liên Xô trước đây xây dựng xong chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử trước năm 1932, khi chưa phát hiện ra tác phẩm rất quan trọng của C. Mác là Bản thảo kinh tế- triết học 1844 và Hệ tư tưởng Đức, nên chưa nhận thức rõ được vấn đề con người là trung tâm trong triết học Mác cũng rất đang suy nghĩ. Một thời trong hầu như tất cả giáo trình triết học Mác không trình bày vấn đề con người cũng là một bằng chứng. Tuy nhiên, hiện nay những thiếu sót ấy đang được khắc phục. Nhưng từ đó không nên hạ thấp hay phủ nhận vấn đề hình thái kinh tế xã hội như là vấn đề nền tảng của triết học xã hội lịch sử của triết học Mác.

Chính vì thế mà cần một triết học toàn diện, đúng đắn về con người và sự nghiệp giải phóng con người. Triết học đó, chúng tôi gọi là chủ nghĩa duy vật nhân văn (triết học nhân văn mới). Nếu các phái triết học phương Tây hiện đại có xu hướng tích hợp nhân học nhưng không thành công, thì thiết nghĩ với chủ nghĩa duy vật nhân trên đây sẽ cho phép mở ra một sự tích hợp triết học nhân văn thành công và có triển vọng hơn cả. Bởi vì, không chỉ vì nó khắc phục được quan niệm duy tâm, thiếu biện chứng hay chủ nghĩa giản đơn, chủ nghĩa duy lý, hay chủ nghĩa phi duy lý một chiều khi nhìn nhận về con người và sự nghiệp giải phóng con người. Chủ nghĩa duy vật nhân văn đứng vững trên lập trường triết học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng vẫn sẵn sàng tiếp thu toàn bộ những nhân tố triết học nhân học hợp lý, với các chiều cạnh ở bề sâu của con người trong triết học phương Tây hiện đại cũng như tinh hoa nhân văn từ xưa tới nay trong nền văn hóa triết học nhân loại, tổng kết thực tiễn của thời đại, của kỷ nguyên toàn cầu hóa và xã hội hậu hiện đại mà phát triển lên trình độ mới.

Dù mỗi học thuyết triết học không thể ôm đồm thay thế cho tất cả, không phải duy nhất đúng mà là đúng hơn, nhưng chủ nghĩa duy vật nhân văn với toàn bộ triết học Mác, nó không đơn giản là một trường phái mà là đỉnh cao của tư duy triết học nhân loại ngày nay, được C.Mác đặt nền móng.

Nhu cầu mà một số triết học phương Tây hiện đại muốn tích hợp với triết học Mác đã nói lên tính chân lý nào đó không thể bác bỏ của triết học Mác, và quả thật triết học Mác cũng đang thật cần bổ sung, phát triển. Nhưng ở đây không đơn giản là chủ nghĩa Mác - hiện sinh, hay chủ nghĩa Mác – Frớt, hay chủ nghĩa Mác - thực dụng, chủ nghĩa Mác - nhân vị, hay chủ nghĩa Mác - nho giáo… mà cần phải nhìn nhận, chủ nghĩa Mác, triết học Mác vươn lên tiếp thu tinh hoa của cả loài người tiến bộ, và tuỳ theo từng dân tộc mà mang bản sắc của dân tộc đó khi ứng dụng, phát triển trên tính thần phê phán, kế thừa biện chứng. Nói cách khác, triết học Mác cần cũng cố và phát triển bởi thành tựu triết học, khoa học và văn hóa trong thời hiện đại mà thời Mác – thời của tư duy công nghiệp, duy lý chưa biết, chưa đạt tới.

Ở Việt Nam đang cần một triết học duy vật nhân văn mới cùng với duy vật biện chứng, duy vật lịch sử (cả ba mặt cơ bản đó chứ không riêng một mặt nào) để hoàn thiện hơn triết học Mác ở Việt Nam và nhằm tạo nên cách nhìn nhân văn toàn diện trong sự nghiệp phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, trên nền tảng của văn minh vật chất và tinh thần của loài người. Con người ở đây cần cả duy lý và ngoài duy lý, cả tự nhiên và xã hội, cả sinh thái và văn hóa, cả cá nhân và cộng đồng, cả tinh thần và thân xác, cả trí tuệ và tâm linh… Xã hội ở đây đang công nghiệp hóa nhưng cũng đang hiện đại hóa, từng bước thực hiện nền kinh tế tri thức nên cần cả duy lý, cần cả mặt ngoài duy lý, mang tính tích hợp nhân văn mới. Chính vì vậy, không đơn giản là kế thừa một triết học nào mà cần phải xây dựng một triết học mới trong xu hướng của triết học Mác mang bản sắc Việt Nam.

II- Chủ nghĩa duy vật nhân văn - một tích hợp mới về triết học trong dòng chảy của chủ nghĩa nhân văn phổ quát toàn cầu và nhân học triết học

Chủ nghĩa nhân văn như một dòng sông chảy từ truyền thống đến hiện đại là điều không ai phủ nhận được. Tuy rằng, trong dòng chung đó lại có nhiều dòng nhỏ, phong phú trong đục khác nhau. Cũng như thế những tư tưởng triết học về con người trong nhiêu trường phái cũng có lịch sử từ truyền thống đến hiện đại tương tự như vậy. Hai dòng nước đó lại gắn bó hữu cơ với nhau, tuy có khi phát triển tách biệt nhau như những tư tưởng triết học trong các trường phái khác nhau. Tất nhiên, những dòng tư tưởng đó có cả cấp độ khoa học hay ngoài khoa học, triết học hay ngoài triết học.

Ở cấp độ triết học có chủ nghĩa nhân văn triết học và có triết học về con người nhưng thường không tác rời nhau. Ngày nay, cần thống nhất tích hợp hai dòng đó vào một triết học. Hơn nữa cần kế thừa tinh hoa của các hệ thống tư tưởng khác nhau nhưng thống nhất vào một hệ thống tích hợp mới. Chúng tôi gọi triết học mới đó là chủ nghĩa duy vật nhân văn. Chính đó là một đòi hỏi cơ bản và cấp thiết của thời đại, một thời đại đang đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, lấy tính nhân văn làm mục tiêu cao nhất, đang tích cực chống lại mọi sự áp bức, bất công, nghèo đói, mọi sự chia rẽ, phân biệt đối xử và mọi sự tha hóa nhân cách, tha hóa đời sống tinh thần, khủng hoảng sinh thái và văn hóa xã hội.

Có nghiên cứu sâu, toàn diện đúng đắn về con người, đời sống con người và xã hội, ngày nay, càng phải thực hiện sự nghiên cứu đó, chúng ta mới có được chủ nghĩa nhân văn và mới hiểu được chủ nghĩa nhân văn hiện thực, toàn diện, cao cả. Chủ nghĩa nhân văn như thế là thể hiện đỉnh cao của vấn đề giải phóng và phát triển con người và xã hội trong sự vận động lịch sử của con nguời, loài người vươn làm chủ số phận của mình. Chính vì vậy, mỗi thời đại lịch sử, mỗi quốc gia dân tộc, mỗi giai cấp thường có triết lý riêng về con người và chủ nghĩa nhân văn của mình, dù có những hạn chế cũng góp vào dòng chảy chung của chủ nghĩa nhân văn của nhân loại. Ngày nay thì yêu cầu triết lý nhân văn và nhân học đang vươn lên tầm toàn nhân loại, tầm thống nhất toàn cầu, chứ không bó hẹp vào quốc gia dân tộc hay giai tầng xã hội, và chủ nghĩa nhân văn này, tính ảo tưởng, phi hiện thực, cũng giảm đi nhiều.

Ngày nay, các nhà khoa học, triết học cũng cũng cho rằng cần tiếp tục xây dựng nhân học triết học, để làm nhiệm vụ “nối kết lại những thành tựu của các khoa học, cụ thể, của triết học và của tôn giáo về con người. Hình tượng con người đã vỡ ra hàng nghìn mảnh, cần phải tập hợp sắp xếp lại” (Scheler). Nhưng chú ý phát hiện “những chỗ giáp ranh bí ẩn” của con người, ở tính chỉnh thể mà từng bộ phận không có, chưa được nghiên cứu, buộc chúng ta phải đặc ra nhiệm vụ hoàn toàn mới, từ đó hình thành nên khoa học phức hợp mới về con người . Và theo tôi trong đó phải có một triết học mới- triết học nhân văn, triết học toàn diện về con người chỉnh thể trong hoạt động lịch sử, và của các khoa học về con người, làm cơ sở trực tiếp. Triết học nhân văn như thế phổ quát hơn nhân học triết học - chỉ là chuyên ngành của nhân học.

Nhưng vẫn còn hiện tượng nhìn nhận vấn đề một cách cứng nhắc, chỉ khuôn theo những tri thức đã có, hoặc chỉ thu mình vào kinh điển, không thấy những yêu cầu mới, phát hiện, phát triển mới về chủ nghĩa nhân văn, về triết học nhân văn, chỉ cố giữ một tinh thần “trung thành” thiếu tính sáng tạo.

Về chủ nghĩa nhân văn truyền thống và tư tưởng triết học về con người, chúng tôi đã có dịp trình bày, bài này xin chỉ thông tin lại những quan niệm mới về chủ nghĩa nhân văn có tính toàn cầu, hiện nay do một số nhà tư tưởng và tổ chức quốc tế đề xuất đang được dư luận chú ý, đồng thời theo chúng tôi, cần làm rõ thêm sự tích hợp mới về mặt triết học.

Đang có nhiều biến thái về chủ nghỉa nhân văn mới.

Trước hết là Tuyên ngôn Amsterdam 2002 về chủ nghĩa nhân văn mới, hiện đại.

Chiều ngày 6-7-2002, Hội thảo quốc đã ra tuyên bố về chủ nghĩa nhân văn (Tuyên ngôn Amterdam 2002) với nội dung sau đây:
Chủ nghĩa nhân văn là sản phẩm truyền thống lâu dài của tư tưởng tự do đã được nhiều nhà tư tưởng lớn và nhiều nhà sáng tạo nghệ thuật thế giới nêu ra và tự nó đã phát triển thành một khoa học.

Chủ nghĩa nhân văn hiện đại bao gồm các yếu tố cơ bản sau:

1- Chủ nghĩa nhân văn mang tính đạo đức. Nó khẳng định giá trị, sự tôn nghiêm và tính tự chủ của cá nhân, khẳng định quyền của mọi người đối với tự do lớn nhất có thể khi quyền đó tương hợp (không mâu thuẫn) với quyền lợi người khác. Nhà nhân văn có nhiệm vụ chăm lo cho toàn nhân loại kể cả thế hệ tương lai. Nhà nhân văn tin tưởng rằng đạo đức là một phần cố hữu của bản tính con người dựa trên sự hiểu biết và quan tâm đến người khác không cần đến tác động (thưởng phạt) từ bên ngoài.

2- Chủ nghĩa nhân văn mang tính chất lý tính. Nó tìm cách sử dụng khoa học một cách sáng tạo chứ không phá hoại. Nhà nhân văn tin tưởng rằng con đường giải quyết các vấn đề của thế giới nằm trong tư tưởng và hàn động của con người hơn là sự can thiệp của thần thánh. Chủ nghĩa nhân văn tán thành việc áp dụng các phương pháp khoa học và tự do chất vấn những vấn đề phúc lợi cho con người. Nhưng nhà nhân văn cũng tin rằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật phải tuân theo những giá trị của con người. Khoa học cho con người phương tiện nhưng những giá trị con người phải quyết định mục đích.

3- Chủ nghĩa nhân văn ủng hộ dân chủ và quyền con người. Mục tiêu của chủ nghĩa nhân văn là sự phát triển đầy đủ nhất theo khả năng mỗi người. Chủ nghĩa nhân văn luôn chủ trương rằng dân chủ và phát triển con người là bản chất của quyền con người. Nguyên tắc của dân chủ và quyền con người có thể áp dụng cho nhiều mối quan hệ giữa người và người và không đi ngược lại với chính sách của Chính phủ.

4- Chủ nghỉa nhân văn chủ trương tự do cá nhân phải đi đôi với trách nhiệm xã hội. Chủ nghĩa nhân văn nỗ lực xây dựng một thế giới dựa trên cơ sở ý tưởng về con người tự do có trách nhiệm xã hội, con người chấp nhận sự lệ thuộc và trách nhiệm của mình đối với thế giới tự nhiên. Chủ nghĩa nhân văn không giáo điều, cũng không áp đặt giáo điều cho những người tin theo Chủ nghĩa nhân văn. Vì thế Chủ nghĩa nhân văn đặt toàn tâm vào một nền giáo duc tự do không giáo hóa.

5- Chủ nghĩa nhân văn là một đáp ứng đối với yêu cầu rộng rãi nhằm thay thế cho những tôn giáo giáo điều. Những tôn giáo lớn trên thế giới đều khẳng định là được đặt nền tảng của những chân lý vĩnh hằng và luôn tìm cách áp đặt thế giới quan của mình lên tất cả mọi người. Chủ nghỉa nhân văn nhìn nhận rằng những hiểu biết chân thực về thế giới và bản thân con người có được và từ quá trình liên tục quan sát, đánh giá và rà soát điều chỉnh.

6- Chủ nghĩa nhân văn coi trọng sáng tạo nghệ thuật và trí tưởng tượng, thừa nhận sự chuyền đổi sức mạnh nghệ thuật. Chủ nghĩa nhân văn khẳng định tầm quan trọng của văn học, âm nhạc và nghệ thuật hình ảnh, sân khấu đối với sự phát triển và thành đạt của con người.

7- Chủ nghĩa nhân văn là cách sống nhằm đến sự thành đạt lớn nhất trong khả năng có thể bằng cách trau dồi một cuộc sống đạo đức và sáng tạo, cung cấp những phương tiện đạo đức và hợp lý đối với những thử thách của thời đại chúng ta. Chủ nghĩa nhân văn có thể là một cách sống cho tất cả mọi người cho tất cả mọi nơi.

Nhiệm vụ trước hết của chúng ta là làm sao để mọi người đều nhận được ý nghĩa bình thường nhất của tất cả những gì mà Chủ nghĩa nhân văn có thề có nghĩa đối với họ và gửi gắm cho họ. Bằng việc sử dụng tự do chất vấn, sức mạnh của khoa học và trí tưởng tượng sáng tạo vào việc đẩy mạnh hòa bình và phục vụ nhân đạo, chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta có những phương tiện để giải quyết các vấn đề mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Chúng tôi kêu gọi tất cả những ai chia sẻ trách nhiệm này hợp tác với chúng tôi trong nỗ lực này”.

Chủ nghĩa nhân văn như thế, theo chúng tôi, là đảm bảo hài hòa giữa đạo đức và lý trí, tình cảm tinh thần và pháp lý, giữa dân chủ và quyền con người, giữa tự do cá nhân và cộng đồng, giữa khoa học, lý tưởng tôn giáo và nghệ thuật, giữa giáo dục và cuộc sống. Tức chủ nghĩa nhân văn như là sự tổng hợp các giá trị người, giá trị nhân văn.

TS. Hồ Bá Thâm & các công trình khoa học
Tác giả

1- Nâng cao năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, 1995;
2- Phát triền năng lực tư duy của người cán bộ lãnh đạo hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia, 2002 (tái bản, 2003);
3- Tư duy lý luận và tổng kết thực tiễn, Nxb.Tp.Hồ Chí Minh, 2003;
4- Sức mạnh tư duy Hồ Chí Minh, Nxb.Trẻ, 2003;
5- Chủ nghĩa duy vật nhân văn với định hướng nhân văn của sự phát triển (Nxb.Văn hóa Thông tin, 2005);
6- Phương pháp luận duy vật nhân văn, nhận biết và vận dụng (Nxb.Văn hóa - Thông tin, 2005)
7- Khoa học con người và phát triển nguồn nhân lực (Nxb.Tp.Hồ Chí Minh, 2003);
8- Động lực và tạo động lực phát triển xã hội (Nxb.Chính trị quốc gia, 2004);
9- Thế giới ngày nay và phương thức phát triển tiên lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2004);
10- Đổi mới và phát triển hệ thống chính trị, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2005;
11- Bản sắc văn hóa dân tộc (Nxb.Văn hóa & Thông tin, 2003);
12- Văn hóa Nam Bộ, vấn đề và phát triển (Nxb.Văn hóa- Thông tin, 2003); .
13- Dân chủ và phát huy nội lực hiện nay (Nxb. Phương Đông, 2007);
14-Tư tưởng Hồ Chí Minh và triết học phát triển (Nxb Tổng hợp TPHCM 2007)
15- Văn hóa đương đại ở Nam Bộ; (Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2009)
16- Chủ nghĩa Mác- Lênin phương pháp luận phê phán và phát triển, Nxb. Đại học quốc gia TPHCM, 2008
17- Để quản lý đô thị phát triển ở TPHCM, xuất bản 2009
Chủ biên, đồng chủ biên:
(không kể nhiều sách in chung đồng tác giả)

18- Tâm lý học dân vận (chủ biên), Nxb.Trẻ, 2003;
19- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị ở TP. HCM (đồng chủ biên), Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2004)
20- Tâm lý học hình thành, phát triển nhân cách giới trẻ từ thực tế TPHCM (chủ biên), Nxb. Trẻ, 2005
21- Tâm lý học giáo dục nhân cách người cai nghiện ma túy từ thực tế TP. Hồ Chí Minh (đồng chủ biên) Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2004)
22- Truyền thống họ Hồ TP.Hồ Chí Minh (chủ biên), Nxb. Tổng hợp TP. HCM, 2005.
23- Tâm lý học quản lý đô thị (chủ biên), Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2005;
24- Xây dựng bản lĩnh thanh niên hiện nay(chủ biên)
25- Tài năng trẻ, phát triển và sử dụng (chủ biên)
26- Quản lý, dạy nghề và giáo dục phục hồi nhân cách người cai ghiện, vấn đề và kinh nghiệm ở TPHCM (đồng chủ biên), Nxb Lao động xã hội và Diễn đàn phát triển Việt Nam, 2008
27- Phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế nhằm tạo ra sự phát triển bền vững (chủ biên), Nxb Phương Đông , 2007.
28- Phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế ở TPHCM, định hướng và giải pháp (chủ biên), Nxb Thanh Niên 2007.
29- Chủ nghĩa tư bản độc quyền xuyên quốc gia, (viết chung với Trần Nhu), Nxb.Tổng hợp TPHCM, 2004.
20- Tình yếu hôn nhân và gia đình (viết chung với 2 tác giả khác), Nxb, Trẻ, 2000.
(Và nhiều sách in chung với nhiều tác giả khác)
31- Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế trên một số lĩnh vực ở TPHCM, Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2009
32- Khắc phục không đồng bộ của sự phát triển văn hóa với phát triển kinh tế …, trường hợp TPHCM, (Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2009)
33- Toàn cầu hóa, hội nhập và phát triển bền vững (Nxb. KHXH, 2008)
34- Giải quyết mâu thuẫn xung đột lợi ích nhóm giai tầng xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, (Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2008)
35- Lực cản và động lực cải cách hành chính, từ thực tế TPHCM (Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2008)
36- Vấn đề phản biện và giám sát xã hội (Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2009)
37- Phản biện xã hội và phát huy dân chủ (2009)
38- Con cháu tộc Hồ với Bác Hồ kinh yêu.( Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2009)
39- Từ triết học hướng nội đến triết học Mác…, (viết chung với Trần Nhu), Nxb. Tổng hợp TPHCM, 2003).

Chủ nghĩa nhân văn này như “một khoa học mới” (đối tượng đẹp nhất, đó là con người - The most beautiful subject: the human beings). Hội nghị thảo luận một khoa học mới- cơ sở lý luận cho hoạt động nhân văn nhằm vào 4 chủ đề:1) Chủ nghĩa nhân văn - lý thuyết và thực hành; 2) Humanitcs một khoa học mới; 3) Bình đẳng và đa dạng; 4) Chất lượng cuộc sống và vần đề phúc lợi .

Chủ nghĩa nhân văn như vậy là có tính toàn cầu, dầu nó không bao giời xa rời tính lịch sử, tính dân tộc hay tính địa phương nào đó, khi đã xuất hiện nhân cách “con người toàn cầu”, “công dân toàn cầu” - “những người có năng lực giải quyết vấn đề trong các cơ chế bình đẳng dân chủ, cơ chế mở - hợp tác, liên thông, tôn trọng văn hóa khác nhau”(TS.Vũ Thị Minh Chi) - Đây là một dạng mới về nhân cách, một trình độ mới cao của con người trong quá trình tiến hóa.

Chính vì vậy mà ngày nay nhiều nhà nghiên cứu đề cao thuyết trung đạo, trung dung, đề cao chủ nghĩa nhân văn phổ quát, toàn cầu.

Theo GS.VS. Lý Chấn Anh, GS.VS. Maritain và GS,VS. Trần Văn Đoàn thì tinh thần trung đạo (bao dung, khoan đãi, tôn trọng lẫn nhau, nhường nhịn, đối thoại, tìm cái chung từ những khác biệt…) như một chủ thuyết nhân đạo truyền thống trong văn hóa Trung Hoa là hướng tới phù hợp với chủ nghĩa nhân văn phổ quát và đã phát triển thành chủ nghĩa nhân văn phổ quát. Chủ nghĩa nhân văn này có khả năng bảo vệ chủ nghĩa nhân văn truyền thống hợp lý và chống lại sự tha hóa mới của thời toàn cầu hóa (con quái vật “tự do làm tiền”, “tự do huỷ diệt”). Bởi vì, tinh thần “trung đạo không bắt buộc ta theo ai nhưng chỉ đòi hỏi chúng ta phải tôn trọng lẫn nhau, phải học tập lập trường của nhau, phải biết phát hiện cái nhân cách tôn nghiêm của con người, và nhất là phải đi tìm cái cùng đích chung mà mọi người, bất phân chủng tộc, màu da, ngôn ngữ… văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ… đều đang tìm kiếm”., từ đó thát khỏi lối tư duy nhị nguyên đối lập “hắc bạch hắc lưỡng lập” của một thời đã qua. “Trung đạo giúp chúng tạo ra một xã hội thiết thực, một sự hòa hợp giữa các sác tộc. Nó là cái nền và động lực của sự cộng sinh, cộng tồn“ (Từ Thiếu Văn). Với ý nghĩa đó tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” thời Lý Trần Việt Nam là chủ nghĩa nhân văn toàn diện truyền thống lại hiện hữu trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà tư tưởng đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam ta và Hồ Chí Minh, tinh thần “thống nhất các mặt đối lập” cũng thể hiện tính thần nhân đạo, nhân văn cao cả và có vai trò tích cực đối với sự phát triển của đất nước và thời đại.

“Chủ nghĩa nhân văn phổ quát”, “chủ nghĩa nhân văn toàn vẹn” này “tổng hợp truyền thống và hiện đại, giữa cá nhân và xã hội, giữa chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân, giữa hữu thần luận và vô thần luận là những công việc cấp bách và tối quan trọng mà chúng ta không được lơ là” .

Chúng ta còn thấy xuất hiện tư tưởng triết học duy vật sinh thái, chủ nghĩa nhân văn sinh thái, phản ánh nhu cầu toàn cầu về bảo vệ cuộc sống nhân loại, bảo vệ trái đất, chiếc nôi của loài người. Đó là một cái nhìn rộng hơn về chủ nghĩa nhân văn không bó hẹp trong các vấn đề chính trị.

Và sau đây lại là Tuyên ngôn mới về chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn.

Tuyên ngôn nhân đạo 2000 là tuyên ngôn 10 điểm về một chủ nghĩa nhân đạo toàn cầu mới (do giáo sư triết học người Mỹ khởi thảo).

1- Chủ nghĩa nhân văn này là kết hợp cả quan niệm đạo đức, khoa học và triết học, có cội nguồn trong lịch sử tư tưởng nhân loại, tin tưởng sức mạnh của con người, tiếp tục khám phá về con người; chủ nghĩa nhân đạo hiện nay thống nhất với chủ nghĩa hiện đại;

2- Chủ nghĩa nhân văn tin tưởng vào tương lai tươi đẹp của con người, có khả năng làm chủ thành tựu khoa học và công nghệ để thay đổi thân phận của con người, thúc đẩy hạnh phúc và tự do của họ, nâng cao cuộc sống cho tất cả mọi người trên hành tinh này;

3- Chủ nghĩa nhân đạo xã hội lại thống nhất với chủ nghĩa tư nhiên khoa học chứ không phải chủ nghĩa nhân đạo thần bí, thần học; chủ nghĩa tự nhiên khoa học cho phép xây dựng quan niệm nhất quán về thế giới trên nền tàng khoa học thoát khỏi siêu hình học và thần học;

4- Chủ nghĩa nhân đạo bảo vệ một cách nhất quán các giá trị hữu ích của khoa học công nghệ, phát huy vai trò của khoa học công nghệ vì sự tiến bộ, tự do và hạnh phúc của nhân loại; lạc quan về tương lai loài người và năng lực của con người giải quyết những vấn đề toàn cầu; chủ nghĩa nhân đạo mới được đảm bảo bằng công nghệ mới có ích cho con người;

5- Chủ nghĩa nhân đạo mới là sự thống nhất giữa lí trí và đạo đức, giữa chúng không còn bức tường ngăn cách;

6- Nhu cầu cao nhất hiện nay của nhân loại là xây dựng một chủ nghĩa nhân đạo toàn cầu mới. Chủ nghĩa nhân đạo này trung thành phổ quát với toàn nhân loại như một tổng thể, bảo vệ các quyền con người, thúc đẩy nhân phẩm và tự do của con người và bảo vệ nó cho tất của mọi thành viên trong cộng đồng thế giới, toàn nhân loại, tôn trọng nhân phẩm tất cả mọi người;

7- Chủ nghĩa nhân đạo mới yêu cầu có đạo luật về quyền và trách nhiệm toàn cầu, chứ không chỉ phạm vị dân tộc; trung thành với hạnh phúc của nhân loại toàn cầu.

8- Đòi hỏi một chương trình hành động toàn cầu mới, để phối hợp hành động thông qua các trung tân quyền lực nhằm cải thiện sự công bằng, tính ổn định, giảm đói nghèo, giảm xung đột, và bảo vê môi trường.

9- Nâng cao, hoàn chỉnh các thể chế đã có (thị trường tự do và các quĩ quốc tế), cải tạo các thể chế lỗi thời, xây dựng thể chế toàn cầu, lập ra hai cơ quan lập pháp tại Liên Hợp quốc với một Quốc hội toàn cầu do nhân dân bầu ra, một thuế thu nhập giúp các nước kém phát triển, chấm dứt quyền phủ quyết của Hội đồng Bảo an,một cơ quan môi trường và một tòa án thế giớí với quyền cưỡng chế.

10- Đó là một chủ nghĩa nhân đạo lạc quan về tương lai của nhân loại. Những thành viên của cộng đồng thế giới phải nuôi hy vọng và lạc quan về khả năng giải quyết những vấn đề toàn cầu, tin tưởng vào các thế hệ tương lai, dù rằng trước mắt còn nhiều nan giải .

Quan niệm trên đây về chủ nghĩa nhân đạo toàn cầu và chủ nghĩa nhân văn mới có nhiều vấn đề cần nghiên cứu tính hợp lý trước đòi hỏi tất yếu, khách quan của thế giới ngày nay, tuy rằng, chúng ta không thể không chú ý tính lịch sử cụ thể và tính chính trị xã hội của nó khi tính nhân loại, tính toàn cầu phổ quát đang vươn lên đóng vai trò mới.

Đồng thời, chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn về mặt triết học mà chúng tôi quan niệm không chỉ nghiên cứu các giá trị nhân văn như thế mà lấy sự nghiên cứu toàn diện con người làm tiến đề cơ bản. Đó là nghiên cứu con người lịch sử cụ thể chứ không chỉ con người nói chung; nghiên cứu không chỉ con người có nhiều ưu thế mà cả con người yếu thế, bất hạnh; không chỉ nghiên cứu con người thực thể mà cả con người hoạt động sáng tạo lịch sử; không chỉ nghiên cứu con người cá nhân mà cả con người tập thể, con người gia đình và con người dân tộc, con người toàn cầu; không chỉ con người trong lịch sử mà chủ yếu là con người hiện đại; không chỉ người nông dân, nhà tư bản mà chủ yếu là người công nhân, con người xã hội chủ nghĩa; không chỉ nghiên cứu con người bộ phận mà là con người tổng thể, cả mặt sinh học, xã hội, thể chất và tâm hồn, mặt kinh tế, xã hội, văn hóa; không chỉ con người hiện thực mà con con người tâm linh; không chỉ con người xã hội mà còn là con người sinh thái, con người tiểu vũ trụ; không chỉ nghiên cứu con người hiện thực mà cả con người tiềm năng; không chỉ nghiên cứu con người tha hóa mà cả con người tự do, được giải phóng, con người bất hạnh và con người hạnh phúc… Tổng hợp sự nghiên cứu này hình thành nên triết học về con người.

Chúng tôi cũng đã nêu lên 10 vấn đề nghiên cứu về con người. Chủ nghĩa duy vật nhân văn còn là sự tích hợp của việc nghiên cứu con người như một thực thể, một tiến trình tự nhiên - xã hội - sinh học - sinh thái và văn hóa với những nội dung giá trị nhân văn của chủ nghĩa nhân văn như đã nêu trên. Đó 1à khắc phục sự tách rời khoa học, triết học con người và chủ nghĩa nhân văn.

Nhưng chủ nghĩa nhân văn này trước hết không chỉ là một khoa học mà là một triết học. Chúng tôi gọi là chủ nghĩa duy vật nhân văn. Chủ nghĩa nhân văn này là mẫu số chung, là tinh hoa nhân văn kết tinh trong cả đạo và đời, giữa khoa học và tôn giáo, giữa duy vật và duy tâm, giữa truyền thống và hiện đại, được nâng lên tầm cao mới, tái cấu trúc lại với một sự tích hợp mới bao gồm các giá trị nhân văn trong văn hóa và triết lý, triết học về con người. Nhưng nó là một sự tích hợp mới, phát triển mới trên cơ sở triết học về con người chứ không phải bê nguyên xi, hay chỉ gắp ghép đơn giản lại hai mặt đã có. Tất nhiên, từ đó cho thấy những nội dung này của triết học nhân văn có kế thừa và rộng hơn các triết học sau đây: triết học đời sống, sinh học xã hội, triết học sinh thái, triết học thực tiễn, nhân học triết học, triết học văn hóa, hay các loại chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo, nhân bản triết học trong lịch sử. Nhưng ngày nay triết học nhân văn ấy đang được bổ sung những nội dung mới từ những vấn đề toàn cầu đặt ra.

Trong bài viết, Triết học đối mặt với những vấn đề thế giới Đại hội triết học thế giới lần thứ XXI, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, 8/2003, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu con người, số 5 (8) 2003, tr.63-70, đã thông tin lại rằng:

1- Từ đại hội triết học lần thứ XVIII - Brighton, 1988 và nhất là Đại hội lần thứ XIX - Moscow, 1993, vấn đề con người như một tâm điểm của triết học hiện đại.

2- Từ đó đến nay, nhất là ở Đại hội lần thứ XXI này, trên cơ sở những thành tự mới của khoa học y – sinh - di truyền, và với sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, vấn đề con người ngày càng được nghiên cứu sâu hơn, đa dạng hơn, không dừng lại vấn đề chung mà đi vao chuyên ngành hẹp và sự tích hợp cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội về con người.

3- Các vấn đề nhân học triết học chú ý tồn tại người về mặt cá nhân, giải phóng con người về mặt cá nhân cả lĩnh vực thân thể và tính dục.

4- Triết học giá trị lại chú ý giá trị từ tự phát đến tự giác (Wang Yuliang, Trung Quốc); giá trị tự do và đạo đức, nhấn mạnh sự thống nhất và ý nghĩa cao cả của nó để khôi phục tính người (Vyacheslas Artyomov, Nga); hoặc nhấn mạnh lòng thương yêu của con người là giá trị tối cao và là phương thức để xây dựng xã hội hiện đại (Indu Sarin, Ấn Độ).

5- Với Đạo đức sinh học và đạo đức y học, lại chú ý quan hệ thân tộc cấm kỵ, vấn đề công nghệ gen và vấn đề phi tự nhiên của con người; hoặc vấn đề đan xen phức tạp giữa cấu trúc sinh học và cấu trúc xã hội trong con người (Boris Udin, Nga)

Mới đây trong một bài viết (Bước ngoặt tinh thần trong triết học) cho Hội thảo quốc tế tổ chức tại Việt Nam (Nhận thức lại vai trò của triết học trong kỷ nguyên toàn cầu hóa), GS. Đỗ Duy Minh, Viện Harvard - Yenching, Đại học Harvard, sau khi nhận xét về hạn chế của chủ nghĩa nhân văn duy lý thời Phục hưng- Anh sáng, và nhận xét về triết học và chủ nghĩa nhân văn phương Tây hiện nay cần phải vượt qua, đã nêu lên tính thần chủ nghĩa nhân văn mới của thời đại ngày nay xuất phát từ tiếp cận tầm nhìn con người vũ trụ hợp nhất. Có 8 nguyên tắc của chủ nghĩa nhân văn mới, như sau:

1- Với một tầm nhìn con người vũ trụ hợp nhất và toàn diện bao quát cả tự nhiên và tôn giáo.

2-Thừa nhận con người sống động, cụ thể là trung tâm của các mối quan hệ Ở vị trí trung tâm thì phẩm giá, sự độc lập và quyền tự quyết ca nhân là những đặc trưng thiết yếu của con người này; trong các mối quan hệ thì tính xã hội là tất yếu cho bản sắc cá nhân.

3- Con người sống động. Cụ thể có cội nguồn trong thân xác, gia đình, cộng đồng, thế giới và vũ trụ; nó kiếm tìm sự yượt qua tính ích kỷ, tinh thân quen, tính địa phương, hẹp hòi, phân biệt chủng tộc và lấy con người là trung tâm để đạt tới mức cao nhất của tự nhận thức. Anh hưởng qua lại giữa cái tính cội nguồn và tinh thần chung thể hiện sự phức tạp và sự phong phú của đời sống con người.

4- Tự nhiên, nói như Bory, không phải là "một tập hợp của các khách thể" mà là một "cộng đồng của các chủ thể". Chúng ta nuôi dưỡng một ý thức tôn trọng tất cả mọi tồn tại, mà không áp đặt sự phân biệt giữa linh hồn và thể xác hoặc giữa tinh thần và vật chất trong đời sống chúng ta. Có mối liên hệ và tình ruột thịt giữa tất cả mọi người và giữa tất cả mọi thứ.

5- Đời sống của chúng ta trong tính sống động cụ thể là hiện thân của cái ôi, cộng đồng, tự nhiên và Chúa Trời theo một đạo lý của sự quan tâm và trách nhiệm.

6- Tính nhân văn với tư cách một giá trị cốt lõi " hiện thân cho Thiện, Địa và vô số những thứ khác" trong cảm nhận và ý thức.

7- Mặc dù đa dạng văn hóa là thiết yếu nhưng chúng ta kiếm tìm "đồng thuận không đồng nhất" cho phép mỗi người trở thành một bộ phận tích hợp của sự "thống nhất vĩ đại" (cộng đồng nhân lọai), trong tất cả mọi người được thừa nhận là các công dân tòan cầu.

8- Quyền công dân toàn cầu là lý tưởng chính trị nhưng nó hàm chứa những giá trị tinh thần và cơ sở vững chắc trong tự nhiên. Chủ nghĩa nhân văn với vai trò duy trì trật tự thế giới được chỉ dẫn bởi các giá trị tinh thần và tự nhiên

Theo tác giả thì chủ nghĩa nhân văn ấy là có tính khả thi, đối lập với chủ nghĩa phân lập bảo thủ và chủ nghĩa phổ độ trừu tượng

Tổng hợp tất cả những hạt nhân hợp lý trên đây, có thể khẳng định rằng một triết học nhân văn mới đang hình thành trong thời đại chúng ta, phù hợp với kỷ nguyên toàn cầu hóa, kỷ nguyên minh triết và nền kinh tế tri thức.

Triết học nhân văn mới (chủ nghĩa duy vật nhân văn) như vậy có cả chiều kích xã hội, chiều kích sinh học và sinh thái vũ trụ, chiều kích cá nhân, tâm lý tâm linh, chiều kích hoạt động thực tiễn lịch sử, chiều kích đời sống, hiện sinh, chiều kích tha hóa và giải phóng, chiều kích số phận và chiều kích của tự do.

Nhắc tới đây, chúng ta lại thấy hiện lên chủ nghĩa bao dung và nhân văn Hồ Chí Minh đã thể hiện khá trọn vẹn chủ nghĩa nhân ấy trong tất của các lĩnh vực của đời sống. Có nhà nghiên cứu đã nêu lên 5 điểm tiêu biểu của chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh (1- coi trọng từng người; 2- biết đánh giá, sử dụng, và phát huy năng lực từng người; 3- thận trọng chăm lo, tạo điều kiện hoàn thiện nhân cách từng người; 4-thực sự bình đẳng giữa các cá nhân con người; 5- luôn tôn trọng và tạo điều kiện giúp đỡ mỗi người dân hoàn thiện bản sắc riêng của mình. Thật là không đầy đủ khi vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và nhiều vấn đề khác như vấn đề tôn giáo, sống hài hòa với tự nhiên) không đề cập tới trong chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh.

Nhưng cũng như các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh nhấn mạnh tiến trình hiện thực thực hiện chủ nghĩa nhân văn trước hết trên lĩnh vực chính trị xã hội, tập trung giải phóng các dân tộc bị áp bức, những người bị nô lệ và nghèo đói không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn hành tinh. Tầm nhìn nhân văn toàn nhân loại đã luôn luôn là ấp ủ và trăn trở của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản khoa học, vì chủ nghĩa nhân văn cộng sản là có tính toàn nhân loại trong sự thống nhất với tính dân tộc, tính nhân dân và tính giai cấp công nhân cụ thể, chủ nghĩa nhân văn hoàn bị có tinh thần đổi mới và cao cả nhất. Do vậy, không nên tuyệt đối hóa mặt nào, tính chất nào, cái chung hay cái riêng dù là trong thời đại toàn cầu trong chủ nghĩa nhân văn hiện thực ấy, dù là chủ nghĩa nhân văn toàn cầu nhất là khi một thế giới còn nhiều chia rẽ nhưng đồng thời xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển, sự phối hợp toàn cầu nhằm giải quyết những vấn đề chung đang tăng mạnh.

Nhiều nội dung của chủ nghĩa nhân văn ấy vơi tính chất phương pháp luận của nó đã được nghiên cứu và ứng dụng từ xưa đến nay xét về mặt truyền thống, như chủ nghĩa nhân văn Khổng giáo, Phật giáo, chủ nghĩa nhân văn Mác xít, nhưng hiện tại đang được bổ sung, hệ thống lại và nêu bật tính hệ thống, tích hợp của nó. Việc xuất hiện nhiều nội dung mới trong “chủ nghĩa nhân văn toàn cầu”, “toàn vẹn” trên đây càng chứng tỏ thêm điều đó. Dù trong hiện thực thực hiện cho được là khó khăn nhiều vì xã hội đương đại có nhiều mẫu thuẫn phức tạp không dễ giải quyết một sớm một chiều tiến tới “thế giới đại đồng” hay chủ nghĩa nhân mới, toàn cầu, toàn nhân loại, toàn vẹn, chân chính ấy. Nhưng về mặt tư duy, nhận thức, mắt khoa học hay triết học, phải đi trước, phải xây dựng lý thuyết, tư tưởng. Chúng tôi chia sẻ ý kiến gàn đây sau đây của một số nhà triết học Việt Nam và PGS.TS. Đặng Hữu Toàn: chúng ta đang cần có "triết học mới- triết học hiện đại, của kỷ nguyên toàn cầu, triết học lấy sự tồn vong của con người, của nhân loại trước những tác động khôn lường của toàn cầu hóa làm đối tương nghiên cứu"

Những quan niệm về triết học duy vật nhân văn chúng tôi đã nêu lên từ năm 1992 và liên tiếp có những bài báo, công trình công bố. Với những ý tưởng và Tuyên ngôn của nhiều nhà khoa học và tổ chức quốc về chủ nghĩa nhân đạo toàn cầu, hay chủ nghĩa nhân văn phổ quát mới nêu trên càng chứng tỏ hướng nghiên cứu của chúng tôi là phù hợp với xu thế chung trong nhận thức nhân văn của thế giới ngày nay. Nhưng cách tiếp cận của chúng tôi là một cách tiếp cận triết học ở chiều sâu của thế giới quan và phương pháp luận mới có cội nguồn chủ yếu từ triết học Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tầm cao của trí tuệ và văn hóa thời đại.

Có thể cần xây dựng, hoàn chỉnh chủ nghĩa duy vật nhân văn, nhưng những nội dung cụ thể của nó, đã có ở mức này hoặc mức khác, chúng đang được vận dụng và tác động như những cơ sở lý luận, phương pháp luận triết học cho nhận thức và hành động trên lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội văn hóa và sinh thái ngay trong xã hội chúng ta và cũng là của thời đại chúng ta.


Tài liệu tham khảo

1-Bùi Đăng Duy và Nguyễn Tiến Dũng, Lược khảo Triết học phương Tây hiện đại, Nxb. Khoa học chính trị quốc gia, 2003, tr.47-48
2-Sdd, tr. 322
3-Sdd, tr.62
4-Sdd, tr.145
5-Sdd, tr.146; Đỗ Minh Hợp:"Diện mạo Triết học phương Tây hiện đại", Nxb. Hà Nội, 2006, tr.. 220-252
6-Sdd, tr.145
7-Sdd, tr.169
8-Xem thêm, Hồ Sĩ Quí: Khoa học thống nhất vế con người từ dự báo của C.Mác năm 1844 đến khoa học nhân học hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu con người, số 3 (6) 2003, tr. 58-61; xem thêm V.E.Đavic Đôvích, Dưới lăng kính triết học, Nxb.Chính trị quốc gia, 2002; GS. Trương Lập Văn: Những sáng tạo mới trong triết học Trung Quốc thời kỳ mở cửa, trong sách của PGS. Nguyễn Văn Hồng: Trung Quốc cải cách mở cửa những bài học kinh nghiệm,Nxb. Thế giới, Hà Nội 2003, tr. 46 - 47
9-Xem Tạp chí Nghiên cứu con người, số 2 (2) 2002, tr. 72-74.
10-Sđd, tr. 14-19
11-Xem Tạp chí Nghiên cứu con người, số 1 (4) 2003, tr.62-68
12-Xem Tạp chí Nghiên cứu con người số 3 (6) 2003, tr. 75-76
13-Xem thêm: Hồ Bá Thâm, Chủ nghĩa duy vật nhân văn - phương pháp luận chủ yếu nghiên cứu con người Việt Nam hiện nay, Chương trình khoa học - công nghệ cấp nhà nước KX-03, Nghiên cứu văn hóa, con người, nguồn nhân lực đâ thkỷ XXI, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế tại Hà Nội ngày 27-28/11/2003, tr. 990-1001.
14-Xem Tạp chí Triết học, số 7 (182) 2006, tr. 33-34.
15-Việt Phương, theo Tạp chí Nghiên cứu con người, số 5(8) 2003, tr 72
16- PGS, TS..Đặng Hữu Toàn, Vai trò định hướng của triết học…, Tạp chí triết học, số 9 (184) 9-2006, tr.29.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cảm hứng triết luận trong khoa học xã hội và nhân văn hiện đại

    26/02/2009Hoàng Ngọc HiếnTừ cuối thế kỉ XIX, khoa học xã hội trở thành hiện đại, ngày càng chuyên nghiệp hoá, chuyên môn hoá, quá trình này là tất yếu để đáp ứng sự nghiên cứu xã hội hiện đại trở nên ngày càng phức tạp. Trong thế kỉ XX, KHXH hiện đại có những đóng góp to lớn về định tính cũng như định lượng, tầm vi mô cũng như vĩ mô, tuy nhiên ở không ít nhà KHXH hiện đại bộc lộ những nhược điểm...
  • Cơ sở của sự hình thành và phát triển chủ nghĩa Duy vật Nhân văn

    21/02/2009TS. Hồ Bá ThâmĐể đưa đất nước phát triển lên giàu mạnh và văn minh, đi qua công nghiệp hóa hiện đại hóa, nền kinh tế thị trường, nền văn hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa cần phải xây dựng một tầm nhìn triết học và một nền triết học Việt Nam hiện đại. Có thể trọng tâm của việc xây dựng đó là tập trung vào việc phát triển triết học về con người và triết học về sự phát triển xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới của thời đại...
  • Chủ nghĩa Duy vật Nhân văn: Phương pháp luận nghiên cứu con người hiện nay ở Việt Nam

    13/02/2009TS. Hồ Bá ThâmĐây là một quan niệm mới của tác giả về lĩnh vực triết học nhân văn. Chungta. com cũng đã giới thiệu nội dung khái quát 2 cuốn sách của tác giả về chủ đề này. Để giúp bạn đọc rõ hơn, chúng tôi giới thiệu bài viết trực tiếp về nội dung chủ yếu của chủ nghĩa duy vật nhân văn và phương pháp luận của nó.
  • Những suy tư về vấn đề công nghệ, lý trí và các giá trị nhân văn của Phật Giáo

    16/09/2008Suwanna Sahta – A nand, Người dịch: TS. Hoàng Thị ThơBài tham luận này cố gắng tìm hiểu chiều sâu của thể chế khoa học - công nghệ với sự khẳng định một chân lý rằng, sự giàu có và hiệu quả của nó không chỉ định hình cuộc sống thường nhật của chúng ta trong thời đại toàn cầu hoá này, mà còn ảnh hưởng tới cả lý trí và các giá trị nhân văn. Bài tham luận này trở lại với kinh điển Phật giáo để tái dựng quan điểm của Phật giáo về lý trí và công nghệ....
  • Chủ nghĩa duy vật nhân văn

    08/09/2008TS. Hồ Bá ThâmVấn đề chủ nghĩa duy vật nhân văn là một hướng nghiên cứu lớn mà chúng tôi đã nhiều năm tìm tòi, suy ngẫm và đã được công bố trong một số công trình, làm rõ các góc độ khác nhau của vấn đề cả mặt khoa học cơ bản và mặt ứng dụng thực tế, cả mặt triết học và khoa học nhân văn, cả mặt lịch sử và mặt đương đại. Các kết quả nghiên cứu của hơn mười năm được nâng cao, hệ thống hóa và sắp xếp tập trung vào 2 cuốn sách...
  • Khoa học xã hội và nhân văn với sự nghiệp đổi mới

    08/06/2007Nguyễn Duy QuýKhoa học xã hội và nhân văn có nhiệm vụ nghiên cứu các quy luật hình thành và phát triển của xã hội và con người, của mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội. Vì vậy, khoa học xã hội và nhân văn ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia.
  • Văn hóa sinh thái, nhân văn và hệ thống tự nhiên, con người, xã hội

    11/05/2007Vũ Minh TâmNhận thức đúng đắn mối quan hệ hữu cơgiữa con người và tự nhiên, xác định một cách có ý thức tích cực các hoạt động thực tiễn của con người phù hợp với các quy luật của tự nhiên, đó là cơ sở để giải quyết mọi vấn đề sinh thái, môi trường sinh thái nhân văn (xã hội) toàn cầu đang trong thực trạng báo động, kêu cứu.
  • Phương pháp tiếp cận nhân văn: nhân cách người dạy - nhân cách người học

    21/12/2006Phạm Minh HạcCách tiếp cận nhân văn trong giáo dục, trong nhà trường, trong phương pháp dạy-học gắn liền vôi cách tiếp cận giá trị là một quy luật tổng quát trong xã hội có nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết mỗi một con người, mỗi một hoạt động như hoạt động dạy và hoạt động học ở đây, mỗi một cuộc sống riêng của cá thể người phải được coi là một giá trị, mà trong thời cổ đại Protagor (khoảng 490 - 420 TCN) đã coi "con người là thước đo của vạn vật".
  • Hiện trạng khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta

    31/08/2006Trần Ngọc VươngTrên cơ sở mô tả tổng trạng và dựa vào những mốc lớn của lịch sử trong một thế kỷ vừa qua, tuy không quên ghi nhận những thành tựu mà đội ngũ những người lao động trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta đã đạt được, bài viết được xây dựng chủ yếu trên cảm hứng phê phán và tự phê phán, tự xác định mục tiêu chủ yếu là chỉ ra một số phương diện yếu kém, bất cập từ trong lịch sử và cả ở hiện trạng của lĩnh vực lao động mà tác giả là một người trong cuộc...
  • xem toàn bộ