Kinh tế học siêu vĩ mô: Cơ sở khoa học của sự phát triển đuổi kịp các nước tiên tiến

09:02 SA @ Thứ Tư - 20 Tháng Tám, 2008

NXB: Giao thông vận tải
Tác giả: Nguyễn Bình Giang, Tống Quốc Đạt
Kích thước: 14.5 x 20.5 cm
Số trang: 503

Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin đăng tải toàn bộ nội dung cuốn sách với độc giả xa gần.

Bạn đọc nào quan tâm tới cuốn sách xin liên hệ: anh Bùi Quang Minh, email: [email protected]


Mục lục

LỜI GIỚI THIỆU

Chương 1. BÍ MẬT CỦA SỰ PHÁT TRIỂN THẦN KỲ VỀ KINH TẾ

Chương 2. KINH TẾ HỌC SIÊU VĨ MÔ
2.1. Đặc điểm mới của kinh tế thị trường hiện đại

a. Sản xuất và trao đổi các tạo phẩm phi vật thể
b. Đẳng cấp trong việc sản xuất các tạo phẩm phi vật thể
c. Tính chất đã thay đổi của sở hữu

2.2. Đặc điểm mới của tư bản

a. Tiền ảo
b. Các hình thái mới của tư bản hiện đại
c. Vài nét về công thức tổng quát của tư bản hiện đại

2.3. Chủ thể mới của nền kinh tế hiện đại
2.4. Đối tượng và phương pháp của kinh tế học siêu vĩ mô

Chương 3. HOẠT ĐỘNG KINH TẾ SIÊU VĨ MÔ
3.1. Sản xuất tiền ảo, và biến tiền ảo thành tư bản

a. Sản xuất tiền ảo
b. Biến tiền ảo thành tư bản
c. Các giới hạn

3.2. Sản xuất và vận hành các thiết chế của kinh tế siêu vĩ mô

a. Phát triển các thiết chế thị trường hiện đại
b. Phát triển các chủ thể mới trong kinh tế thị trường hiện đại

3.3. Sản xuất tư bản hậu công nghiệp đẳng cấp cao

a. Sản xuất các tạo phẩm phi vật thể đẳng cấp cao
b. Sự gia tăng đột biến của tư bản hậu công nghiệp
c. Tích luỹ tư bản hiện đại
d. Sản xuất tư bản đẳng cấp cao

3.4. Học thuyết mới về phát triển

Chương 4. HẠN CHẾ CỦA NHÀ NƯỚC TRONG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG HIỆN ĐẠI
4.1. Hạn chế về tầm hoạt động
4.2. Hạn chế trong việc tạo ra tiền
4.3. Hạn chế trong việc tạo ra tư bản đẳng cấp cao

Chương 5. VAI TRÒ KINH TẾ SIÊU VĨ MÔ CỦA ĐẢNG ĐỘC QUYỀN LÃNH ĐẠO
5.1. Sứ mệnh của đảng độc quyền lãnh đạo trong kinh tế thị trường hiện đại
5.2. Các hoạt động chủ yếu

a. Phát triển các tổ chức công tác chuyên môn
b. Tổ chức và nhân sự
c. Xây dựng đội ngũ các nhà tư sản dân tộc, xây dựng các tập đoàn kinh tế
d. Đáp ứng nhu cầu vốn cho sự tăng nhanh tốc độ phát triển, hiện đại hoá xã hội
e. Phòng chống các tác động bất lợi từ bên ngoài
g. Sáng tạo ra loại tư bản mới
h. Phối hợp các chính sách siêu vĩ mô, vĩ mô và vi mô
i. Hạn chế trong điều hành kinh tế siêu vĩ mô của các nước đang phát triển

5.3. Các nguy cơ

Chương 6. ĐIỀU HÀNH KINH TẾ SIÊU VĨ MÔ ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
6.1. Chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại

a. Đổi mới tư duy và hình thái tư duy hiện đại
b. Hình thái hiện đại của chủ nghĩa duy vật lịch sử
. Sản xuất
. Phân phối
. Phân chia xã hội thành các giai cấp và đẳng cấp
c. Hình thái giá trị thặng dư hiện đại
d. Hình thái hiện đại của chủ nghĩa xã hội khoa học

6.2. Định hướng xã hội chủ nghĩa
6.3. Điều hành trong thực tiễn

Chương 7. SỰ PHÁT TRIỂN ĐUỔI KỊP CÁC NƯỚC TIÊN TIẾN
7.1. Vài nét về cuộc chiến tranh kinh tế toàn cầu hiện nay
7.2. Phát triển điều hành kinh tế siêu vĩ mô
7.3. Định hình mục tiêu và thế mạnh phát triển
7.4. Sự phát triển đuổi kịp
7.5. Hiệu quả của điều hành kinh tế siêu vĩ mô

KẾT LUẬN

Phụ lục A. BẢN CHẤT KINH TẾ THỊ TRƯỜNG HIỆN ĐẠI

1A. Sản xuất các tạo phẩm vật thể và phi vật thể

1a.1. Vai trò ngày càng tăng của các tạo phẩm phi vật thể trong thời đại ngày nay
1a.2. Tiến trình tạo ra các tạo phẩm thế giới chưa từng có
1a.3. Một vài nhánh công việc tạo nên các tạo phẩm phi vật thể
1a.4. Một vài nhánh của ngành công nghiệp tạo ra các tạo phẩm phi vật thể khoa học công nghệ
1a.5. Tạo ra các tạo phẩm phi vật thể trong đời sống xã hội
1a.6. Trình độ khác nhau của các giai đoạn tạo nên các tạo phẩm phi vật thể

2A. Tính chất đã thay đổi của thị trường
3A. Chiều hướng tương lai

3a.1. Sự tăng tốc trong việc tạo ra các tạo phẩm vật thể và phi vật thể mới
3a.2. Bản chất của nền kinh tế hiện đại
3a.3. Thích ứng với tiến trình phát triển mới

4A. Con đường phát triển rút ngắn ở Việt Nam

4a.1. Vai trò hàng đầu của đảng cầm quyền
4a.2. Các giai đoạn trong tiến trình phát triển đuổi kịp


Phụ lục B. TƯ BẢN HẬU CÔNG NGHIỆP VÀ KINH TẾ HỌC SIÊU VĨ MÔ

1B. Thời đại của Mác và thời đại của Lênin
2B. Thời đại ngày nay

2b.1. Sản xuất tạo phẩm phi vật thể và tư bản hậu công nghiệp
2b.2. Sự chi phối của tư bản hậu công nghiệp với các loại tư bản cũ
2b.3. Công thức chung của tư bản hiện đại

3B. Kinh tế học siêu vĩ mô

3b.1. Chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô
3b.2. Công cụ điều hành kinh tế siêu vĩ mô
3b.3. Tập đoàn kinh doanh

4B. Nghiên cứu trường hợp: đầu tư trực tiếp nước ngoài

4b.1. Bản chất FDI hiện đại
4b.2. Động thái của FDI hiện đại
4b.3. Mô hình hoá FDI

5B. Thách thức và cơ hội đối với các nước đang phát triển

5b.1. Thách thức
5b.2. Cơ hội
5b.3. Đối sách của các nước đang phát triển

ĐÔI LỜI CÙNG BẠN ĐỌC


LỜI GIỚI THIỆU

Sự phát triển kinh tế đất nước đòi hỏi phải có sự tổ chức xã hội thích hợp và có những nguồn lực lớn về tư bản, khoa học công nghệ.

Vấn đề tiền ở đâu ra là vấn đề làm đau đầu toàn xã hội từ tầm vĩ mô cho tới vi mô, từ các nhà hoạch định chính sách cho tới chủ doanh nghiệp nhỏ và người dân bình thường. Những khó khăn về tiền gặp phải bế tắc không giải quyết nổi nếu chỉ xem xét và nhìn nhận chúng ở tầm vĩ mô và vi mô. Vấn đề này phải được xem xét và giải quyết ở tầm mức mới, tầm mức siêu vĩ mô.

Nếu mục tiêu tới năm 2020 đạt trình độ phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở trình độ trung bình thì khi đó GDP tính theo đầu người ở Việt Nam là vào khoảng 3000 USD tới 6000 USD. Như thế, trong khoảng thời gian từ nay tới thời điểm 2020, mức đầu tư tương ứng của xã hội cần phải là 1000 tỷ USD đến 2000 tỷ USD. Nhưng các nguồn cung cấp tài chính trong khoảng thời gian đó theo góc độ nhìn nhận của kinh tế học vĩ mô và kinh tế học vi mô hiện nay chỉ vào khoảng 500 tỷ USD mà thôi. Lấy tiền ở đâu ra để bù đắp vào sự thiếu hụt khoảng 500 tỷ USD tới 1500 tỷ USD đó? Kinh tế học vĩ mô và kinh tế học vi mô không thể đưa ra được câu trả lời. Dưới con mắt của các kinh tế học đó thì không thể tìm được ở đâu ra số tiền bù đắp cho sự thiếu hụt đó. Câu trả lời nằm ở kinh tế học siêu vĩ mô mà một hoạt động chính của kinh tế siêu vĩ mô là sản xuất ra tiền ảo và biến tiền ảo thành tư bản, làm lan toả các loại tư bản mà xã hội đã đạt được ra toàn xã hội và ra các nước khác, và quan trọng hơn, kinh tế học siêu vĩ mô chỉ ra cách phát triển các loại tư bản đẳng cấp cao hơn, qua đó đem lại sự phát triển bền vững cho quốc gia, cho dân tộc.

Kinh tế học siêu vĩ mô giải thích được vì sao cùng một trình độ xuất phát như nhau, có những nước phát triển vượt lên, đem lại cách giải thích mới đối với những hiện tượng cũ, như tại sao các nước phát triển theo định hướng xuất khẩu lại thu được thành quả hơn các nước định hướng thay thế nhập khẩu trong thế kỷ hai mươi và chỉ ra rằng các nước Đông Á phát triển nhanh hơn là các con số thống kê phản ánh, và điều đó thể hiện rằng có những bí mật của sự phát triển đã bị che đậy.

Kinh tế học siêu vĩ mô chỉ ra cách thức tạo nên các kết hợp xã hội mới do chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô tiến hành. Cách thức kết hợp mới đem lại sức mạnh mới cho nền kinh tế, vượt ra khỏi tình trạng hiện có, tạo nên những nền tảng sáng tạo ngang tầm với những vấn đề đang đặt ra đối với thế giới, do đó, làm cơ sở vươn lên trình độ phát triển đỉnh cao của thế giới.

Kinh tế siêu vĩ mô tạo ra nguồn vốn cho sự phát triển đuổi kịp các nước tiên tiến. Hoạt động kinh tế siêu vĩ mô sẽ đem lại cho đất nước hàng ngàn tỷ USD, và đó là nguồn vốn quan trọng phục vụ cho sự phát triển tăng tốc của đất nước. Đó là một con số khổng lồ mà ở tầm vĩ mô và vi mô không thể hình dung được. Hoạt động kinh tế siêu vĩ mô đem lại sự phát triển kinh tế đột biến cho đất nước. Bằng việc chỉ ra khả năng đem lại nguồn lực tài chính lớn lao cho sự phát triển, cho sự lan toả các loại tư bản, bằng việc chỉ ra cách sản xuất ra được các loại tư bản mới đẳng cấp cao cho xã hội, và đưa các loại tư bản đó thâm nhập vào xã hội, kinh tế học siêu vĩ mô là cơ sở khoa học cho sự phát triển đuổi kịp các nước tiên tiến.

Điều cần thiết đối với mỗi xã hội là phải có cách nhìn mới, có bình diện hoạt động mới, từ đó mở ra được những triển vọng mới. Hoạt động kinh tế siêu vĩ mô mang lại sự năng động mới cho mỗi xã hội. Các con số 500 tỷ USD hay 1500 tỷ USD không phải là các con số không thể có được nếu biết rằng hiện nay, ở Việt Nam, ngân sách có bao nhiêu thì chi dùng bấy nhiêu, không quay thêm một vòng nào cả. Trong khi đó các nước phát triển hơn trong ASEAN quay vòng vốn ngân sách khoảng 3-4 lần/năm, ở Mỹ là khoảng 10 lần/năm. Như vậy với ngân sách hiện nay ở Việt Nam là 12 tỷ USD/năm, nếu quay vòng vốn ngân sách khoảng 3-4 lần như ở các nước phát triển hơn trong ASEAN là có thể bơm vào nền kinh tế khoảng 40 tỷ USD/năm, nếu quay vòng vốn ngân sách khoảng 10 lần như ở Mỹ là có thể bơm vào nền kinh tế khoảng 100 tỷ USD/năm. Như vậy trong 15 năm các khoản tiền 500 tỷ USD hay 1500 tỷ USD có thể bơm thêm vào nền kinh tế không phải là không thể hình dung được, nếu không muốn nói là trong tầm tay vì trong thời gian đó, ngân sách tiếp tục tăng hàng năm như thu ngân sách năm 2004 là 11 tỷ đô la, năm 2005 là 13,3 tỷ đô la, và dự kiến số thu ngân sách năm 2006 là 14,9 tỷ đô la, chi ngân sách là 18,5 tỷ đô la.

Vấn đề đạt được lượng tiền nào phụ thuộc vào việc thiết lập điều hành kinh tế siêu vĩ mô hiệu quả đến đâu.

Sách gồm có bảy chương.

Chương 1 "Bí mật của sự phát triển thần kỳ về kinh tế" đặt vấn đề rằng tại sao cùng xuất phát điểm như nhau mà có những nước phát triển phát triển vượt lên và họ có bí quyết gì không, các tác giả thấy rằng họ có bình diện hoạt động mới, bình diện kinh tế siêu vĩ mô. Các tác giả nêu ra thực tế có một kinh tế học mới, kinh tế học siêu vĩ mô, mà tầm giải quyết những vấn đề của nó vượt ra khỏi biên giới quốc gia, thậm chí có tác động toàn cầu, và luận giải quan điểm đó sẽ giải thích được một số vấn đề bí mật, nghịch lý hiện nay đang diễn ra như thế nào. Kinh tế siêu vĩ mô khiến cho mọi thứ phải nhìn nhận khác đi.

Chương 2 "Kinh tế học siêu vĩ mô", mục Đặc điểm mới của kinh tế thị trường hiện đại khảo sát sản xuất và trao đổi các tạo phẩm phi vật thể, các đẳng cấp của các tạo phẩm phi vật thể và tính chất đã thay đổi của sở hữu. Mục Đặc điểm của tư bản hiện đại khảo sát tiền ảo, các nhận thức mới về tư bản, và vài nét về công thức tổng quát của tư bản hiện đại. Mục Các chủ thể mới của nền kinh tế hiện đại nhấn mạnh về chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô. Mục Đối tượng và phương pháp của kinh tế học siêu vĩ mô chỉ ra bản chất mới của tiền tệ, nêu lên những vấn đề lý thuyết và thực tiễn mà sẽ có các lý giải khác với thông thường, và nêu rõ phương pháp nghiên cứu lĩnh vực kinh tế này là phương pháp được Mác áp dụng trong bộ Tư bản.

Chương 3 "Hoạt động Kinh tế siêu vĩ mô" nghiên cứu về hoạt động kinh tế siêu vĩ mô là Sản xuất tiền ảo, và biến tiền ảo thành tư bản, Sản xuất và vận hành các thiết chế của kinh tế siêu vĩ mô như thị trường và các chủ thể của kinh tế siêu vĩ mô và sản xuất tư bản hậu công nghiệp đẳng cấp cao. Từ đó vạch ra được hình thái của Học thuyết mới về phát triển.

Chương 4 "Hạn chế của nhà nước trong kinh tế thị trường hiện đại" khảo sát hạn chế của nhà nước trong nền kinh tế hiện đại về tầm hoạt động, về việc tạo ra tiền, về việc tạo ra tư bản đẳng cấp cao.

Chương 5 "Vai trò kinh tế siêu vĩ mô của đảng độc quyền lãnh đạo" nêu lên thành công kinh tế và xã hội của các nước có đảng độc quyền lãnh đạo ở Đông Á và Đông Nam Á, trong đó vạch rõ sứ mệnh của đảng độc quyền lãnh đạo trong kinh tế thị trường hiện đại, các hoạt động chủ yếu và nhấn mạnh rằng xã hội nào có được đảng độc quyền lãnh đạo thì xã hội đó có cơ may rất lớn để tiến hành điều hành kinh tế siêu vĩ mô, do đó đem lại khả năng to lớn cho sự phát triển đuổi kịp các nước phát triển hơn.

Chương 6 "Điều hành kinh tế siêu vĩ mô định hướng xã hội chủ nghĩa" nghiên cứu về hình thái của chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại trong đó có Đổi mới tư duy và hình thái tư duy hiện đại, Hình thái hiện đại của chủ nghĩa duy vật lịch sử trên các lĩnh vực Sản xuất, Phân phối, Phân chia xã hội thành các giai cấp và đẳng cấp và chỉ ra Hình thái giá trị thặng dư hiện đại, từ đó nghiên cứu Hình thái chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại. Trên cơ sở các nghiên cứu này, các tác giả nêu ra được các đặc điểm của Định hướng xã hội chủ nghĩa và nêu ra Điều hành trong thực tiễn.

Chương 7 "Sự phát triển đuổi kịp các nước tiên tiến" nhấn mạnh Vài nét về cuộc chiến tranh kinh tế toàn cầu hiện nay, Phát triển điều hành kinh tế siêu vĩ mô, Định hình mục tiêu và thế mạnh phát triển, Sự phát triển đuổi kịp, Hiệu quả của điều hành kinh tế siêu vĩ mô.

Trong phần Phụ lục đăng lại hai công trình nghiên cứu đã được công bố với sự chỉnh sửa vài ba chỗ cho ý tứ trở nên rõ ràng hơn: "Bản chất kinh tế thị trường hiện đại" (Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 312, 5-2004; số 313, 6-2004), "Tư bản hậu công nghiệp và kinh tế học siêu vĩ mô" (Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 326, 7-2005; số 327, 8-2005) để thấy được rõ hơn về những vấn đề cuốn sách nghiên cứu.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách: "Kinh tế học siêu vĩ mô: cơ sở khoa học của sự phát triển đuổi kịp các nước tiên tiến".


CHƯƠNG 1. BÍ MẬT CỦA SỰ PHÁT TRIỂN THẦN KỲ VỀ KINH TẾ

Trong nền kinh tế hiện đại, tìm được cách thức phát triển là điều khó khăn vì mỗi nước có những vấn đề riêng và phải tìm cách phát triển đuổi kịp các nước phát triển hơn. Tại sao cùng một xuất phát điểm như nhau, mà có nước phát triển kinh tế nhanh hơn nước khác, thậm chí có nước kém phát triển hơn lại vươn lên trước? Họ có bí quyết gì không? Muốn phát triển được trong tình hình hiện đại phải tìm cho ra học thuyết về phát triển hiện đại. Không hiểu được những gì thực chất đang diễn ra thì sẽ phải trả giá trong tương lai bằng sự chậm phát triển, bằng khoảng cách tụt hậu ngày càng tăng, thậm chí bằng các cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội.

Muốn xây dựng một xã hội có nền kinh tế phát triển hơn thì cần phải có nguồn lực trí tuệ, khoa học công nghệ, nguồn lực vật chất, nguồn lực tư bản, và cách thức tổ chức xã hội, huy động được sự sáng tạo của xã hội, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Muốn phát huy những cái đó thì cần phải có vấn đề đầu tiên là tiền, cần ngay và trực tiếp, trước mắt cũng như lâu dài. Để phát triển đuổi kịp thì câu hỏi đặt ra là tiền vốn ở đâu? Ngoại tệ ở đâu? Nhưng vấn đề còn là ở chỗ có tạo ra được những dòng tiền liên tục để bảo trì và nuôi dưỡng các hoạt động kinh tế để các hoạt động đó trở thành tự vận hành, tự kích hoạt đáp ứng những vấn đề kinh tế xã hội hay không? Có rất nhiều chương trình mục tiêu kinh tế xã hội mà khi hết nguồn vốn cấp thì chương trình teo luôn.

Vấn đề là tiền từ đâu ra và có cách thức nào luôn luôn tái tạo được tiền mới hay không, ngoài những cách thông thường? Để có thể rút ngắn con đường phát triển thì cần phải khám phá ra được những bí quyết và thủ đoạn mà tư bản thế giới đã đem lại sự tăng trưởng kinh tế, đem lại sự phồn vinh vững bền cho đất nước và như thế người ta phải tham gia vào được các hoạt động hiện đại của kinh tế thị trường. Người ta phải giải quyết những vấn đề về phát triển trong hoàn cảnh kinh tế thị trường hiện đại, nơi kinh tế siêu vĩ mô hoạt động và phải mở rộng tầm hoạt động sang các lĩnh vực kinh tế siêu vĩ mô. Để có thể phát triển đuổi kịp, người ta thường tự hỏi vốn liếng đâu để phát triển chủ động, và môi trường nào để đào tạo được nguồn nhân lực và những điều kiện khác. Các nguồn từ bên ngoài thì rất thất thường, mà nếu chỉ trông chờ vào đó thì rất thụ động trong việc phát triển kinh tế xã hội. Còn phát huy nội lực thì điều chủ chốt là phải phát triển hoạt động kinh tế siêu vĩ mô. Hoạt động kinh tế siêu vĩ mô sẽ tạo nên sức ép mạnh mẽ để làm thay đổi tình trạng xã hội, làm mở ra những gì là nội lực thực chất của xã hội và đề ra được các biện pháp thực tiễn để khai thác nội lực mới đó. Nếu chỉ trông chờ vào phát triển như những gì vẫn hình dung, như những gì thế giới người ta đã làm mà đã được công bố rộng rãi, thì không thể không cảm thấy bế tắc, và không thể lạc quan về tương lai được. Tốc độ phát triển dù có cao thậm chí rất cao, nhưng để đuổi kịp được những nước phát triển trong vài ba chục năm thì gần như là ảo tưởng vì trong thời gian đó các nước đó cũng tăng trưởng.

Trong bài viết "Đi tìm một cái gì đó" đăng trên tạp chí Tài chính số 2-1999, Giáo sư Cao Cự Bội chỉ ra rằng nền kinh tế Việt Nam có một số nghịch lý, như nghịch lý trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng:
- Thừa nguyên vật liệu (thép, xi măng); thừa lao động có tay nghề (trên 30% công nhân các tổng công ty thiếu việc làm); thừa trang thiết bị (thiết bị ngành xây dựng chỉ dùng 51% công suất) + Cái gì đó còn thiếu = Thiếu nhà ở; thiếu các công trình hạ tầng (đường sá, cấp thoát nước, thuỷ lợi)
và nghịch lý lớn nhất là ở nông thôn:
- Thừa lao động trầm trọng; hàng hoá nông sản dư thừa so với nhu cầu; tài nguyên đất rừng, biển chưa khai thác hết + Cái gì đó còn thiếu = Thiếu dinh dưỡng; thiếu các phương tiện tối thiểu (nhà ở, nước sạch, điện); thiếu đầu tư về giáo dục, nâng cao dân trí.

Và tác giả nhận định ""cái gì đó" đang thiếu có lẽ là tiền tệ" và "có lẽ là vì ta chưa tìm cách tăng tốc độ lưu thông tiền tệ".

Để thấy rằng lưu thông tiền tệ Việt Nam còn chậm, tác giả đưa ví dụ: vốn ngân sách ở Việt Nam có bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, không quay thêm được một vòng nào cả, trong khi đó ở các nước ASEAN vốn ngân sách quay vòng được 3-4 vòng/năm, ở Mỹ là gần 10 vòng/năm. Tác giả đưa ra các kiến nghị đẩy mạnh lưu thông tiền tệ gồm có: thúc đẩy thị trường trái phiếu, hình thành thị trường chiết khấu, mua bán thương phiếu, hình thành thị trường mua bán nợ. Tác giả kết luận: "cần phải tìm kiếm các giải pháp công nghệ tài chính-ngân hàng hiện đại để giải quyết các thách thức này" và "việc mở rộng các công cụ tài chính để tăng tốc độ lưu thông tiền tệ sẽ gặp phải một số vấp váp ở giai đoạn đầu. Nhưng để đi ra khỏi các nghịch lý trong quá trình phát triển, chúng ta không thể không làm".

Nếu như quay vòng được vốn ngân sách 3-4 vòng trong một năm thì với ngân sách năm 2005 vào khoảng 12 tỷ đô la thì có thể bơm vào nền kinh tế số tiền là 40 tỷ đô la trong một năm, đó là một số tiền có thể xây được gần 20 nhà máy thuỷ điện Sơn La. Số tiền đó có thể làm được biết bao nhiêu việc cho xã hội. Quay vòng được vốn ngân sách 3-4 vòng trong một năm, rất nhiều doanh nghiệp hiện đang làm ăn thua lỗ sẽ trở nên có lãi, có tích luỹ để phát triển theo chiều sâu và chiều rộng. Quay vòng được vốn ngân sách 3-4 vòng trong một năm, xã hội sẽ làm được rất nhiều việc: có tiền để đầu tư cho giáo dục, miễn học phí cho diện rộng học sinh, thậm chí lo được bữa ăn trưa miễn phí cho học sinh cả nước, trợ cấp lương thực, giấy bút, sách giáo khoa và các đồ dùng học tập, sinh hoạt phí cho học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, có tiền để tăng lương cho công chức nhà nước và lực lượng vũ trang, có tiền để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, có tiền để giải quyết được rất nhiều vấn đề xã hội như bảo hiểm y tế toàn dân, xoá đói giảm nghèo, có tiền để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu vốn triền miên vay để phát triển sản xuất, trang bị lại thiết bị, có tiền đầu tư phát triển để người Việt Nam có đủ công ăn việc làm mà không phải đi xuất khẩu lao động, có tiền để có thể chấp nhận những thất bại trong tiến trình tìm ra được cách thức làm ăn mới có hiệu quả, có tiền để khắc phục "một số vấp váp ở giai đoạn đầu" trong việc mở rộng các công cụ tài chính-ngân hàng để tăng tốc độ lưu thông tiền tệ, có tiền để nhiều thành phố có được bước phát triển thần kỳ, nhiều công trình không phải dừng lại vì thiếu vốn, nhiều mặt bằng có thể nhanh chóng giải toả, nhiều khu công nghiệp được xây dựng, nhiều khu nhà ở cho công nhân và người lao động được xây dựng, có tiền xây dựng hàng loạt đập cửa sông giữ nước vào mùa kiệt để tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, đặc biệt khắc phục được hiểm hoạ thiếu nước trên sông Mêkông khi các nước thượng nguồn xây dựng các đập thuỷ điện, thuỷ lợi tràn lan...

Và nếu hàng năm có những khoản tiền chỉ gấp ba, bốn lần ngân sách, chứ không cần lớn đến gấp mười lần ngân sách được bơm vào nền kinh tế thì chỉ trong mười lăm năm, những công trình kết cấu hạ tầng quan trọng nhất của đất nước sẽ được xây dựng vì tốc độ xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng sẽ rất nhanh so với các nước phát triển trước đây do có nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn hẳn cách đây mươi năm, và các công trình đó sẽ phục vụ cho đất nước hàng chục năm sau. Trong thời gian đó rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có được hậu phương vững chắc để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Và biết đâu khi khai thác được nguồn vốn đó thì công ty FPT, một trong những doanh nghiệp đi tiên phong tiến hành đầu tư sang nước Mỹ, đã phát triển thành một công ty khổng lồ ngay trên đất Mỹ,... Có được lượng tiền như vậy bơm vào nền kinh tế thì các loại thị trường nhanh chóng được phát triển như thị trường chứng khoán, thị trường khoa học công nghệ, thị trường bất động sản... và hoàn toàn có thể giữ cho đầu vào ở mức giá thấp, nâng lên sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Và nếu có được những lượng tiền bơm vào nền kinh tế như vậy thì niềm tin rằng tới năm 2020, nước ta phát triển đạt mức trung bình của thế giới khi đó là hoàn toàn có cơ sở hiện thực.

Có tiền đó sẽ loại trừ được cảnh đầu tắt mặt tối, lo lắng kiếm tiền, lo những nhu cầu tối thiểu của tầng lớp người nghèo đói trong xã hội. Có tiền đó sẽ không còn gặp cảnh đau lòng khi gặp những trẻ thơ trần truồng, phong phanh áo mỏng giữa trời rét ngọt thấu xương ở vùng núi phía bắc khi mùa đông đến. Có tiền đó việc bảo tồn và duy trì các bản sắc văn hoá truyền thống, việc bảo tồn các di sản văn hoá dân tộc vật thể và phi vật thể sẽ thuận lợi hơn rất nhiều mà đó lại là nguồn đem lại giá trị thương mại to lớn trong tương lai. Có tiền đó sẽ nâng cao nhu cầu thưởng thức văn hoá trình độ cao của nhân loại trong xã hội.

Điều đáng ngạc nhiên là tại sao suốt sáu năm qua Việt Nam không khai thông được nguồn vốn khổng lồ đến chừng đó (chắc là không dưới 200 tỷ đô la Mỹ). Tại sao lại như vậy? Rõ ràng rằng có các nước đã làm được việc mà Việt Nam chưa làm được. Họ có bí quyết gì không?

Nền kinh tế Việt Nam thiếu tiền thì đúng rồi, nhưng ngoài cách bù đắp lượng tiền thiếu hụt bằng cách gia tăng tốc độ lưu thông tiền tệ thì còn có cách nào nữa không? Tốc độ lưu thông tiền tệ là do thị trường quyết định hay là do thế lực nào đó điều hành?

Hẳn là những ý kiến của giáo sư Cao Cự Bội và nhiều khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế cũng đã được những người có trách nhiệm xem xét, nghiên cứu, nhưng người ta đã không làm được gì để thay đổi tình hình. Cho tới nay, thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, thị trường khoa học công nghệ, thị trường bất động sản,... ở Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khai. Nếu như việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là một việc làm đúng quy luật tiến hoá khách quan thì nó phải nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhưng tại sao lại có chuyện tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước lại khó khăn đến như vậy, nhất là với những tổng công ty lớn... Vậy "cái gì đó" còn thiếu đó thực sự là gì? Sáu năm đã trôi qua, thời gian đó đủ dài để chắc chắn rằng "cái gì đó" mà giáo sư Cao Cự Bội tìm kiếm đã không phải là những thứ mà giáo sư hình dung, phải có cái gì đó bí mật ẩn sâu mà các nước khác đã che giấu.

"Cái gì đó" còn thiếu đó chính là tiền tệ vì trong nền kinh tế thị trường không có cái gì khác hơn, là sự thiếu tiền, nhưng nguyên nhân không phải là ở chỗ "chưa tìm cách tăng tốc độ lưu thông tiền tệ". Nguyên nhân là ở chỗ không biết cách sản xuất ra số tiền mà đáng lẽ hoàn toàn có thể bơm được vào nền kinh tế. Không sản xuất ra được số tiền đó, tức là không tạo ra được cú hích ban đầu và các cú hích tiếp sau về tiền tệ với nền kinh tế, thì việc nói đến "tăng tốc độ lưu thông tiền tệ" là điều vô nghĩa. Vì thế, câu hỏi đặt ra là ngoài nhà nước còn có chủ thể nào có thể sản xuất ra tiền được không? Điều làm người ta không giải được bài toán này là ở chỗ người ta đã xác định không đúng chủ thể giải quyết bài toán này, chưa tìm ra được chủ thể giải quyết bài toán này.

Cái gì đó còn thiếu chính là chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô và sự điều hành của nó, trong đó có việc sản xuất tiền ảo và đẩy nhanh tốc độ lưu thông của các phương tiện tài chính tiền tệ. Tiến trình lưu thông các phương tiện tài chính tiền tệ có thể bị gián đoạn vì rất nhiều lý do, nhưng việc sản xuất ra tiền ảo khắc phục sự gián đoạn của tiến trình lưu thông đó. Sản xuất tiền ảo và biến tiền ảo thành tư bản đã làm cho chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô thực hiện đồng thời chính sách tiền tệ và chính sách tài chính của riêng mình. Sự điều hành của chủ thể này quyết định tốc độ lưu thông của các phương tiện tài chính và tiền tệ có tầm hoạt động quốc tế. Chủ thể này ra lệnh cho các doanh nghiệp, các tổ chức chịu sự điều phối của mình thực hiện các vụ mua bán, sử dụng các công cụ tài chính-tiền tệ vào những thời điểm nhất định, với những số lượng đã được tính toán kỹ để bảo đảm được sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Cứ để các phương tiện tài chính tiền tệ vận hành theo cái gọi là thị trường thì còn lâu mới hy vọng tốc độ lưu thông tiền tệ được nâng lên, nếu không muốn nói đó chỉ là ảo tưởng.

Phải giải thích được những bí mật kinh tế bằng các lý do kinh tế, chứ không thể bằng các lý do khác, và phải thực hiện bằng các phương tiện kinh tế.
Chủ thể điều hành kinh tế siêu vĩ mô sản xuất ra tiền là điều vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường của rất nhiều người trong xã hội, nhưng đó lại là một điều mà các trùm tư bản đã làm được. Thực ra họ đã làm được từ lâu, nhưng họ có những phương tiện và cách thức kiểm soát tiến trình sản xuất tiền ảo đầy hiệu quả trong vòng bí mật. Không biết cách trên thế giới người ta làm ra tiền ảo như thế nào thì không có nghĩa là trên thế giới người ta không làm được, cũng không có nghĩa là trên thế giới người ta bỏ qua không làm.

Sự phát triển kinh tế thị trường hiện đại là một cuộc cạnh tranh khốc liệt của các nhóm tư bản, nơi thương trường là chiến trường, trong đó có những thủ đoạn và biện pháp độc chiêu nhằm đạt được những lợi ích của mình, nhằm giành được thắng lợi cho mình, luôn luôn được che đậy. Che đậy, giữ bí mật những yếu tố chủ chốt đang gây ra sự cạnh tranh khốc liệt là điều luôn được các thế lực đó chú trọng trong toàn bộ đời sống kinh tế xã hội hiện đại. Một khi có điều gì đó không thể che đậy được thì thế lực đó chỉ ra một đối tượng nào đó là chủ thể của những hành vi cạnh tranh nhằm đánh lạc hướng đối thủ và công luận ra khỏi những điều chủ chốt nhất.

Nếu khoa học không khám phá ra những bí mật của tự nhiên và xã hội thì khoa học đó là khoa học gì? Khoa kinh tế học không vạch ra được những bí mật đang diễn ra trong các nền kinh tế, không vạch ra được những bí mật của sự phát triển thần kỳ về kinh tế thì khoa kinh tế đó làm việc gì? Arthur Schopenhauer có nói: "Tất cả sự thật đều phải trải qua ba giai đoạn, thoạt đầu nó giống như sự ngốc nghếch, tiếp đó nó bị phản đối một cách thô bạo, và sau cùng nó mới được công nhận". Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Nếu sự thật nằm trong tay một nhóm người có quyền lực khổng lồ và có các nguồn lực vĩ đại, mà nhóm người đó lại ra sức che giấu sự thật đó với phần còn lại của thế giới thì sự thật đó có tiến trình như thế nào? Chắc chắn rằng tiến trình đó không theo lộ trình như Arthur Schopenhauer đã nói. Khi có những sự thật mà người ta hết sức che giấu có những sức mạnh khủng khiếp tác động toàn diện đến đời sống kinh tế xã hội thì không thể nói đến chuyện tự chúng bộc lộ ra công khai, hơn nữa nhóm nhỏ có quyền lực xã hội thực sự công nhận các sự thật đó và sử dụng trong thực tiễn không có nhu cầu bộc lộ công khai chúng, không cần đến sự công nhận rộng rãi của bàn dân thiên hạ về chúng.

Chủ nghĩa tư bản đã tìm ra được cách thức bí mật để đạt được quyền lợi của mình nên khoa học tư sản phải có nhiệm vụ che giấu những điều đó. Chủ nghĩa tư bản đã có những chuyên gia có bằng cấp đầy mình ở những nước phát triển sáng lập ra những lý thuyết này lý thuyết nọ để giải thích thế giới hiện đại theo các góc độ có lợi cho quyền lợi của đại tư bản, và sự tiến triển của các thứ khoa học đó lại phải tìm ra được cách che đậy thực chất của tư bản hiện đại và biến những người không nắm được thực chất trở thành những kẻ nô lệ tự nguyện của chủ nghĩa tư bản. Huyền thoại tốc độ quay vòng ngân sách 3-4 lần, thậm chí mười lần được các nhà kinh tế học tư sản dựng lên để che đậy thực chất sản xuất tiền ảo, che đậy thực chất của sự điều hành kinh tế siêu vĩ mô. Điều đó chỉ chứng tỏ rằng có sự phối hợp chặt chẽ giữa điều hành kinh tế siêu vĩ mô và điều hành kinh tế vĩ mô. Phát triển kinh tế theo những học thuyết có mục đích bảo vệ cho quyền lợi của đại tư bản với hy vọng đuổi kịp các nước tiên tiến thì sẽ gặp những khó khăn, những mâu thuẫn nan giải không khác gì húc đầu vào đá.

Việc phổ biến những học thuyết kinh tế không vạch ra được những bí mật của sự phát triển thần kỳ về kinh tế trong một xã hội là cách thức tốt nhất để xã hội đó phụ thuộc vào các nước phát triển hơn. Nếu một công ty có bí quyết nào đó đem lại sự phát triển vượt bậc, mà bây giờ thường là các biện pháp quản lý và khoa học công nghệ, thì công ty đó giấu bằng được bí quyết của mình. Một bí quyết để một xã hội vượt lên hẳn các xã hội khác, buộc các xã hội khác phục vụ cho lợi ích của xã hội đó một cách tự nguyện thì sẽ được che giấu dưới tầng tầng lớp lớp tư tưởng, học thuyết và hoạt động thực tiễn, thậm chí bằng cách sử dụng các số liệu thống kê không phản ánh đúng thực chất của sự phát triển kinh tế trên quy mô quốc gia để làm sai lạc kết quả của những công trình nghiên cứu muốn dựa vào đấy.
Chẳng hạn tổng sản phẩm quốc nội GDP (Gross Domestic Product) là chỉ số đã bị kêu ca nhiều về tính không chính xác, nhưng vẫn được thường xuyên công bố và coi là số liệu chính thống, trong khi đó có những chỉ số khác được cho là phản ánh trung thực hơn mức tăng trưởng kinh tế của một quốc gia như chỉ số phát triển thực GDI (Genuine Progress Indicator), chỉ số phúc lợi kinh tế bền vững ISEW (Index of Sustainable Economic Welfare), chỉ số lợi tức ròng và bền vững SNBI (Sustainable Net Benefit Index) không biết đến bao giờ mới được các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới chính thức sử dụng.
Theo chủ nghĩa Mác-Lênin, để đạt được các kết quả khoa học tức là phải vạch ra được "cái sự thật giản đơn đã bị những tầng tầng lớp lớp tư tưởng phủ kín". Sự thật giản đơn đó là các nhà tư bản không bao giờ tự nguyện từ bỏ địa vị thống trị xã hội của mình và trong những nước tư bản phát triển nhất, các trùm tư bản đạt được sự thống nhất duy nhất để bảo vệ quyền lợi, quyền lực của mình. Một học thuyết đúng đắn đưa các dữ liệu thực tế vào khuôn khổ nào đó, thiết lập được trật tự mới trong những sự kiện hỗn độn, vì nó có cách giải thích mới về các dữ liệu thực tế đó, nó phải chỉ ra được điều gì thực sự vận động sau dữ liệu đó. Sức sống của một học thuyết là tìm ra được những điều bí mật mà giải thích được những hiện tượng mới và đưa lại cách giải thích mới đối với những hiện tượng cũ.

Lênin đã nói:
"Chừng nào người ta chưa biết phân biệt được lợi ích của giai cấp này hay của giai cấp khác, ẩn đằng sau bất kỳ những câu nói, những lời tuyên bố và những lời hứa hẹn nào có tính chất đạo đức, tôn giáo, chính trị và xã hội, thì trước sau bao giờ người ta cũng vẫn là kẻ ngốc nghếch bị người khác lừa bịp và tự lừa bịp mình về chính trị" (V. I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 23, NXB Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1980, trang 57).

Điều đó có nghĩa rằng cần phải hiểu được lợi ích của tư bản hiện đại được thực hiện bằng những biện pháp, thủ đoạn nào, đằng sau tất cả những biểu hiện bề ngoài đang được tuyên bố, đang được diễn giải.

Cần phải hiểu rằng đằng sau những lời khuyến cáo phát triển kinh tế thị trường, đằng sau những yêu cầu về minh bạch, tính có thể dự báo được của các chính sách, và rất nhiều tiêu chuẩn để đánh giá về tính minh bạch của chính phủ mà người ta đã đưa ra và sẽ đưa ra, đằng sau những yêu cầu về tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo mà các nước tư bản phát triển áp đặt với các nước khác là những gì thực sự đang diễn ra trong nền kinh tế hiện đại, nơi mà các quyền lợi của đại tư bản được dựng lên và được bảo vệ như thế nào. Lợi ích kinh tế hiện nay của đại tư bản thực sự nằm ở đâu, và bằng những biện pháp nào, bằng những thủ đoạn gì? Các trùm tư bản của thế giới làm được nhiều việc lớn. Người ta không dễ gì hiểu được sức mạnh của các trùm tư bản, nhất là khi không tham gia được vào các hoạt động kinh tế siêu vĩ mô.

Người ta nhọc công sản xuất ra những lý thuyết này, những lý thuyết nọ mà không nhận ra rằng có những thế lực đã nắm được sức mạnh mới của xã hội và có biện pháp mới để thực thi sức mạnh đó mà dẫn đến các kết quả mới lạ trong thực tiễn kinh tế xã hội. Vấn đề là một lý thuyết muốn có sức sống thì phải chỉ ra được bí mật thực chất của đối tượng nghiên cứu và từ đó vạch ra được sự phát triển mới.

Hiển nhiên rằng ngày nay, những thứ tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo kiểu Tây Phương không có cách nào đụng chạm được đến lợi ích của đại tư bản hiện đại, cho dù nhìn bề ngoài không phải là những thứ đó nhất trí với quyền lợi của đại tư bản, và đại tư bản đã có cách sử dụng những thứ đó để phục vụ mục đích, lợi ích của mình. Bằng việc phát triển tự do, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo kiểu Tây Phương, nơi mà cái gọi là quyền lực thứ tư, các phương tiện thông tin đại chúng, ngày càng chịu sự chi phối của tiền bạc, của quảng cáo, người ta đã tạo ra một niềm tin trong dân chúng rằng không có cái gì quan trọng diễn ra trong xã hội mà người dân không được biết, và tạo ra được niềm tin trong dân chúng rằng thị trường có một sức mạnh vô địch, và không thể có một tổ chức nào, không thể có một thế lực nào có đủ sức mạnh để có thể chi phối được thị trường. Và bất kỳ tổ chức bí mật nào của giới tội phạm muốn lũng đoạn nền kinh tế thì sớm muộn cũng bị triệt hạ bởi những người lương thiện, trung thực, dũng cảm, đầy tinh thần trách nhiệm công dân. Và như thế tổ chức siêu mật của các trùm tư bản đã trở nên tàng hình vì công luận không tin và không thể tin rằng điều đó có thể xảy ra.

Đại tư bản đã phát triển đến trình độ mới, biến những thứ ảo thành giá trị thật, nên dù có để người ta nói thật những gì mà người ta cảm nhận được, những điều đó không đụng chạm được đến thực chất những gì đang diễn ra với đại tư bản, và đại tư bản tìm cách ngăn cản các nước khác kém phát triển hơn đạt được thực chất đó, ngăn cản các nước kém phát triển hơn sử dụng những biện pháp đó để biến những thứ ảo thành giá trị thật, và ngăn cản các nước kém phát triển hơn tự mình phát huy nội lực chủ động phát triển nhanh chóng nền kinh tế của mình, chủ động nhịp độ tăng trưởng, dẫn dụ đầu tư trực tiếp nước ngoài, không còn cảnh thụ động chờ các nhà đầu tư đến nước mình. Do tính chất tạo ra tiền ảo, cả đồng nội tệ lẫn đồng ngoại tệ, và biến tiền ảo thành tư bản, làm gia tăng tư bản, nên các hoạt động kinh tế siêu vĩ mô phải được tiến hành một cách bí mật. Các chiêu bài tự do, dân chủ, tôn giáo, nhân quyền là những cái bẫy ngăn cản xã hội một nước kém phát triển hơn thực hiện điều hành kinh tế siêu vĩ mô của mình vì lợi ích phát triển kinh tế đất nước đó. Với sự tuyên truyền đó, khi người dân có quyền biết và bàn luận về mọi thứ diễn ra trên đất nước mình, và cũng nên bàn luận về những gì đang diễn ra trên thế giới thì người ta cũng khuyến cáo rằng hãy thận trọng khi bàn luận về những gì diễn ra trên nước khác vì mỗi nước có nền văn hoá riêng, có những thứ riêng mà phải tôn trọng. Vì thế những điều gì các tổ chức bí mật tiến hành mà không bao giờ lộ rõ thì người ta không được bàn luận nhiều.

Hiểu được hoạt động kinh tế siêu vĩ mô thì sẽ có những cách xử lý mới đối với những thông tin về Trung Quốc, về Nga đại loại như là 40% kinh tế nước Nga chịu sự chi phối của maphia, như là hàng năm gần 50 tỷ đô la Mỹ đào thoát khỏi Trung Quốc, nhiều hơn là tổng lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Trung Quốc hàng năm. Với suy nghĩ chỉ ở tầm vĩ mô và vi mô thì các thông tin đó quả là có cái gì đó nặng mùi tội phạm. Vậy thực chất những thông tin này là gì? Đó là Nga và Trung Quốc đã có những hoạt động kinh tế siêu vĩ mô đáng kể.

Khám phá ra những bí mật trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường hiện đại là cách thức tốt nhất để rút ngắn được tiến trình đuổi kịp các nước phát triển tiên tiến. Vấn đề là phải sử dụng những công cụ của kinh tế thị trường hiện đại nhằm phát triển kinh tế và thực hiện những mục đích của mình như thế nào, trong đó có các loại tư bản mới sẽ được sản xuất ra sao. Đảng độc quyền lãnh đạo tham gia vào việc tạo nên các tư bản mới như thế nào, khi thấy được tư bản mới có những thuộc tính tạo nên những sức mạnh xã hội mới như thế nào? Có mở đường để cho tư bản đó tác động hay không? Nếu không thì tư bản đó sớm muộn sẽ bước vào vận hành và tước đi quyền điều hành kinh tế vĩ mô như thế nào? Đó là những điều thể hiện thực chất của kinh tế thị trường hiện đại, vì tư bản đó là công cụ để đạt được việc tạo ra những tạo phẩm phi vật thể mới cho xã hội. Công việc đó được thực hiện vì mục đích của tư bản, và trong khuôn khổ chật hẹp của tư bản, nó đã phát triển đến vô độ, nhưng tư bản đã tạo nên thiết chế mới để điều hoà được những cái đó trong nước phát triển nhất, bằng việc nô dịch các nước khác kém phát triển hơn.

Con đường phát triển sẽ rất phức tạp nếu người ta không thấy được thực chất điều gì đang diễn ra, không thấy được sức mạnh thực sự nào đang chi phối tiến trình kinh tế thế giới. Nền kinh tế siêu vĩ mô đã đem lại sự phát triển mới, mang tính đột biến, vượt ra khỏi mức phát triển thông thường, mở ra những bình diện hoạt động vô cùng rộng lớn. Trong hoạt động kinh tế siêu vĩ mô, không có ai chỉ bảo kinh nghiệm, hơn nữa lại biết hỏi ai, mà phải dấn thân vào hoạt động thực tế mà đúc rút kinh nghiệm và khái quát lên thành lý luận. Một khi không nắm được thực chất điều gì xảy ra, và dùng những lý lẽ lập luận không phản ánh được những thực tiễn đó, đưa ra những phê phán không có cơ sở thì đất nước đó sẽ phải trả giá bằng sự chậm phát triển và bằng các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Trở lại câu hỏi: "Tại sao cùng một điểm xuất phát như nhau mà có nước phát triển kinh tế nhanh hơn các nước khác, thậm chí có nước kém phát triển hơn lại vươn lên trước?", câu trả lời chỉ có thể rằng nước phát triển nhanh hơn đã mở ra cho mình nhiều bình diện hoạt động hơn nước khác, mà hiện nay đó là bình diện kinh tế siêu vĩ mô. Kinh tế là một lĩnh vực trở nên phức tạp gấp bội phần khi hé mở ra một lĩnh vực hoạt động mới, do đó khi bình diện hoạt động mới được tiến hành và đi vào thực chất thì nó cung cấp những nhu cầu mới, tạo nên được các nguồn lực mới để giải quyết được các vấn đề đã và đang nảy sinh. Do tư bản hiện đại biến các dạng phi vật thể xã hội thành thành phần của nó nên đã tạo nên cơ sở để một tổ chức nào đó điều hành kinh tế siêu vĩ mô. Để tiến trình điều hành kinh tế siêu vĩ mô có hiệu quả thì cần phải thiết lập những tổ chức đặc thù. Có nhiều loại tổ chức điều hành kinh tế siêu vĩ mô. Có những tổ chức bí mật, có những tổ chức công khai nhưng chúng đều phải tiến hành những hoạt động rất bí mật.

Quan niệm về kinh tế và sự phát triển kinh tế đơn giản quá, hay theo những lối mòn cũ, thì không thấy được thực chất của tiến trình kinh tế hiện đại, không thấy được sự phát triển thực sự ở đâu.


ĐÔI LỜI CÙNG BẠN ĐỌC

Cuốn sách này là thành quả lao động nhiều năm của nhóm nghiên cứu Bắc Hà (Bắc Hà Group). Đầu những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi, trước những biến động to lớn về địa chính trị, trước sự cải tổ, đổi mới diễn ra phổ biến, và đặc biệt sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ và kinh tế, chúng tôi đặt ra cho mình nhiệm vụ nghiên cứu về hình thái hiện đại của chủ nghĩa Mác-Lênin vì chúng tôi tin rằng đó là phương cách tốt nhất để đạt được cơ sở khoa học của sự phát triển đuổi kịp các nước tiên tiến.

Những phương pháp quan trọng nhất chúng tôi vận dụng là phương pháp nghiên cứu trong bộ Tư bản của Mác và "Bút ký triết học" của Lênin, trong đó phải chỉ ra được những đặc điểm của thời đại, như thời đại ngày nay có những thực tiễn gì đang diễn ra trong thế giới khác biệt với các thời đại đã qua trong những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và cần phải nâng những thực tiễn đó lên tầm cao mới, tầm lý luận.

Chúng tôi quan niệm rằng đặt ra được các câu hỏi về hình thái hiện đại của những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin và trả lời được chúng có tầm quan trọng hàng đầu trong tiến trình nghiên cứu của mình, như Hình thái hiện đại của phép biện chứng duy vật là gì? Hình thái hiện đại của chủ nghĩa duy vật biện chứng là gì? Hình thái hiện đại của chủ nghĩa duy vật lịch sử là gì? Hình thái hiện đại của tư bản là gì? Hình thái hiện đại của giá trị thặng dư là gì? Hình thái hiện đại của chủ nghĩa xã hội khoa học là gì?...

Trả lời trực diện những câu hỏi mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã đặt ra trong thời đại hiện nay là điều hết sức khó khăn mà chúng tôi tiến hành nhiều hướng nghiên cứu, thử nghiệm nhiều cách tiếp cận, đánh giá các thành quả của những nghiên cứu chuyên môn trong nhiều lĩnh vực khác nhau để phát hiện ra được những đặc điểm riêng biệt mang tính bản chất của thời đại ngày nay.

Nghiên cứu của chúng tôi đã đạt được bước đột phá khi nhận thức được rằng nền sản xuất hiện đại sản xuất ra các tạo phẩm phi vật thể và các tạo phẩm phi vật thể tạo nên được các kết hợp vượt qua được các giới hạn không gian và thời gian cụ thể. Một tạo phẩm phi vật thể có rất nhiều trạng thái: đóng gói, vận hành, kích hoạt, và tạo phẩm phi vật thể có nhiều tầng mức khác nhau như tầng mức vi mô, tầng mức vĩ mô, và tầng mức siêu vĩ mô, và mỗi tầng mức này có những cách thức kết hợp tương ứng, có những cách thức giao tiếp, chuyển hoá đặc thù với các tầng mức khác.

Các tạo phẩm phi vật thể đem lại bức tranh hoàn toàn mới về thế giới, vì chúng làm nổi bật một điều mang tầm vóc triết học trọng đại: tồn tại có hình thái vật thể và phi vật thể. Các cái phi vật thể là một thực tại khách quan, và việc nghiên cứu chúng mở ra bình diện mới cho tư duy.

Thích ứng với sự hiện diện của các tạo phẩm phi vật thể và vai trò ngày càng tăng của chúng trong đời sống xã hội khoa học công nghệ, là hình thái hiện đại của tư duy, từ đó đem lại hình thái mới của phép biện chứng. Thành quả nghiên cứu của chúng tôi thể hiện trong công trình "Tư duy hiện đại và hình thái mới của phép biện chứng".

Với sự xuất hiện của hình thái phi vật thể, chủ nghĩa duy vật có một hình thái mới. Thế giới phi vật thể là thế giới hoàn toàn có thể nghiên cứu được, và theo con đường mà Mác đã vạch ra khi nghiên cứu tư bản là phát hiện ra giá trị thặng dư, chúng tôi phát hiện ra rằng thế giới phi vật thể có một thuộc tính phổ quát là thặng dư kết hợp, và các thặng dư kết hợp tạo nên tính muôn vẻ của thế giới, tính nhiều tầng mức của thế giới, từ đó có thể vạch ra được lịch sử hình thành, phát triển của thế giới. Thành quả nghiên cứu của chúng tôi thể hiện trong công trình: "Hình thái hiện đại của chủ nghĩa duy vật biện chứng". Trong công trình này chúng tôi đưa ra cách tiếp cận mới để trả lời được 25 câu hỏi về khoa học mà tạp chí Science đã đưa ra nhân dịp 125 năm ra số đầu tiên.

Sản xuất và trao đổi các tạo phẩm phi vật thể dẫn đến bản chất mới của kinh tế thị trường hiện đại thể hiện trong công trình: "Bản chất kinh tế thị trường hiện đại", dẫn đến hình thái mới của tư bản: "Tư bản hậu công nghiệp và Kinh tế học siêu vĩ mô", (hai công trình này đã được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế) từ đó dẫn đến: "Hình thái hiện đại của chủ nghĩa duy vật lịch sử" và "Hình thái hiện đại của chủ nghĩa xã hội khoa học".

Trước những điều nghịch lý của nền kinh tế thế giới, chúng tôi cảm nhận rằng có một bàn tay bí mật, chứ không phải là vô hình, có sức mạnh hùng hậu đang điều hành kinh tế thế giới, đang tạo ra những luật chơi mới cho nền kinh tế toàn cầu. Trong thời đại của Lênin, sự tập trung tư bản dẫn tới có ba hay năm nhóm tư bản thống trị kinh tế của một nước, đến nay sự tập trung tư bản đã đạt được hình thái mới, khi các trùm tư bản trong một nước thống nhất lại thành một tổ chức duy nhất. Vậy tổ chức siêu bí mật đó được hình thành, phát triển và tiến hành những công việc gì? Tổ chức đó thâm nhập vào mọi thiết chế của đời sống xã hội như thế nào? Vai trò của tổ chức siêu bí mật đó trong việc phát triển tư bản hiện đại ra sao, và tổ chức đó chi phối chính trị và kinh tế của các nước như thế nào? Chính chủ nghĩa Mác đã cung cấp phương pháp luận để nghiên cứu các điều bí mật mà được thiên nhiên hay con người ra sức che giấu. Công trình nghiên cứu "Tổ chức siêu mật của các yếu nhân" được tiến hành theo hướng vạch ra những bí mật của một thiết chế đang đóng vai trò trọng yếu trong việc tổ chức và điều hành nền kinh tế hiện đại, qua đó gây ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế xã hội quốc tế.

Đối với một xã hội cụ thể cần phải có những thiết chế gì để có thể hoạt động trên mọi bình diện khác nhau của xã hội hiện đại? Cùng với công trình "Tổ chức siêu mật của các yếu nhân", chúng tôi nghiên cứu các hình thái của quyền lực của xã hội hiện đại trong công trình "Các quyền lực xã hội hiện đại và đường tới đỉnh cao quyền lực", với những quyền lực vi mô, quyền lực vĩ mô, quyền lực siêu vĩ mô và sự tương tác giữa chúng để thấy được rằng một xã hội muốn vươn lên từ nghèo nàn, lạc hậu tới hiện đại sẽ phải phát triển những thiết chế gì để có thể rút ngắn được tiến trình phát triển của mình.

Muốn nói gì thì nói, trong thời đại kinh tế thị trường, làm giầu là một hành động rất phổ biến trong xã hội, thu hút rất nhiều trí tuệ, đem lại rất nhiều cung bậc cảm xúc trong xã hội và là một động lực chủ yếu phát triển xã hội. Một xã hội muốn phát triển thì phải biết làm giầu ở cả ba tầng mức vi mô, vĩ mô, và siêu vĩ mô. Vậy làm giầu thời hiện đại như thế nào? Đó vấn đề thực tiễn nhưng tiềm ẩn nhiều nội dung mới, cần phải nghiên cứu riêng. Chúng tôi thể hiện những kết quả đạt được trong công trình nghiên cứu "Làm giầu thời hiện đại".

Truyền thống của dân tộc giúp cho sự phát triển như thế nào? Một dân tộc có những truyền thống suy nghĩ và hành động như thế nào mà mang lại khả năng rút ngắn tiến trình phát triển đuổi kịp các nước tiên tiến? Đó là vấn đề chúng tôi đặt ra trong công trình nghiên cứu "Phong cách suy nghĩ và hành động trong tục ngữ của người Việt".

Những thành quả nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau đó đã giúp chúng tôi hoàn thành được cuốn sách này. Chúng tôi hy vọng những thành quả nghiên cứu theo các hướng này sẽ được xuất bản trong thời gian sắp tới.

Với những thành quả đạt được, chúng tôi hy vọng rằng sẽ phần nào hoàn thành được mục đích ban đầu mình đã đặt ra trong công trình: "Ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác-Lênin trong thời đại ngày nay" sẽ được xuất bản trong thời gian tới.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sách Cải cách và Sự phát triển

    23/09/2009Nguyễn Trần Bạt...cải cách và đổi mới là điều quen thuộc bởi chúng ta vẫn đang nghe đến và ngẫm nghĩ mỗi ngày. Với việc nghiên cứu nghiêm túc, công phu các quá trình đổi mới, cải cách đã qua của nhiều nước, tác giả Nguyễn Trần Bạt cho ra đời tác phẩm “Cải cách và Phát triển”. Dẫu rằng các quan điểm, chiêm nghiệm là từ riêng tác giả nhưng tin chắc rằng với cách nhìn không theo lối mòn, với sự suy nghĩ có trách nhiệm và với chiều sâu học thuật ấy, những điều hợp lý trong cuốn sách sẽ là đóng góp có giá trị, thắp sáng hơn ngọn đuốc soi đường cho tiến trình phát triển của chúng ta...
  • Chiến tranh tiền tệ

    27/06/2008Minh Bùi (sưu tầm)Chủ đề cuốn sách là nói về sự ra đời của tư bản tài chính thế giới và quá trình bành trướng ra toàn cầu, thao túng và ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế. "Chiến tranh tiền tệ" là khái niệm chỉ cách thức bí ẩn và tinh vi mà giới tư bản tài chính ngân hàng đó dùng các công cụ tiền tệ lũng loạn các nền kinh tế nhằm mục đích kiếm những món lời khổng lồ. Chiến tranh tiền tệ là cội nguồn của mọi cuộc chiến tranh trong lịch sử hiện đại...
  • Toàn cầu hóa văn hóa

    08/05/2008Ths. Phạm Ngọc HàSuy nghĩ về những điều kiện phát triển của toàn cầu hoá nhằm xây dựng khái niệm chung sống giữa các nền văn hoá để trên cơ sở đó, cho phép nghiên cứu mối quan hệ của tam giác bản sắc - văn hoá - truyền thông là hết sức quan trọng và cần thiết. Xuất phát từ thực tế đó, tác giả Dominique Wolton đã cho ra mắt cuốn sách Toàn cầu hóa văn hoá...
  • Chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0

    11/03/2008Nguyễn Đình Huy dịchTrong Chủ nghĩa tư bản Phiên bản 3.0, Peter Barnes biện hộ cho cộng sản một cách thẳng thắn và dứt khoát. Đây là một cuốn sách cần thiết về một chủ đề hệ trọng... (Bill McKibben)
  • Đợt sóng Thứ ba

    25/02/2008GS. Nguyễn Hồng Phong (Viện sử học Việt Nam )Cuốn sách "Đợt sóng Thứ ba" (The Third Wave) do Viện Sử học Việt Nam tổ chức dịch và giới thiệu với bạn đọc là một cuốn sách có giá trị, rất nổi tiếng của nhà xã hội học và tương lai học Alvin Toffler. Để giúp bạn đọc rộng rãi thêm hứng thú để đọc tác phẩm, chúng tôi giới thiệu, nói đúng hơn là lược thuật tóm tắt những nội dung chính của tác phẩm...
  • Những đỉnh cao chỉ huy

    22/09/2006Trần Đình Thiên"Những đỉnh cao chỉ huy" cũng được coi như một công trình. Nó cũng bàn về vấn đề "Nhà nước thị trường". Như hàng ngàn cuốn sách khác, nó bàn về một trong những vấn đề lớn nhất, phức tạp nhất, gây nhiều "phiền hà" nhất do đó, cũng là thú vị nhất của lịch sử phát triển nhân loại...
  • xem toàn bộ