"Tôi muốn là liều thuốc kháng sinh!"

03:17 CH @ Thứ Ba - 30 Tháng Chín, 2014

Vài năm nay, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn tiến hành công việc khá đặc biệt là sưu tầm, tuyển chọn và thể hiện những bài viết về "Thói hư tật xấu của người Việt". Đây là ý định đã có người theo đuổi nhưng sớm phải từ bỏ, đứt gánh giữa đường hoặc có người khác đang "ẩn mình" thực hiện.

Những gì nhà phê bình Vương Trí Nhàn đang làm và công bố rộng rãi gây nên nhiều ý kiến trái chiều: người đồng tình ủng hộ, kẻ phản đối gay gắt. Cuộc trao đổi thẳng thắn của Netlife với ông Vương Trí Nhàn sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về công việc này, từ đó đưa ra nhận định của riêng mình.

"Mục đích của tôi là tìm ra quá trình tự nhận thức..."

- Chuỗi bài về "Thói hư tật xấu của người Việt" đứng tên nhà phê bình Vương Trí Nhàn, đăng tải hàng tuần trên báo Thể thao & Văn hóa xuất hiện bắt đầu bằng việc dẫn lời, trích lục các đoạn viết của các danh nhân xưa. Đến nay, ông đổi mục này sang "phiên bản" mới với việc tạo thành bài phân tích, bình luận, tổng hợp trực tiếp của mình. Việc làm này rõ ràng là khó khăn hơn, phải chăng là do đến lúc này ông mới sẵn sàng đối mặt với "thách thức"?

- Tôi sẽ kể ra đây con đường đưa tôi đến việc này. Đây là quá trình nghiên cứu cụ thể chứ không phải ý định bộc phát. Năm nay tôi đã 64 tuổi, và tôi sẽ còn theo đuổi đề tài này đến cuối đời.

Tôi vốn là người nghiên cứu về văn học. Trong giới, tôi bị đồng nghiệp chê nhiều lắm. Trần Đăng Khoa gắt tôi: Cái ông này chỉ giỏi nhìn tật xấu của mọi người thôi! Nói nôm na, là tôi "không chơi được". Nói vui, nếu tôi chưa có vợ thì có lẽ chẳng thể lấy vợ được. Ai lại thích người chỉ giỏi khơi thói xấu của người khác!

Tôi thấy cuộc sống bây giờ nhiều người nuông chiều nhau quá, dễ dãi với nhau quá. Khi gặp một người, ta chỉ muốn nói cho người đó vui, người đó sướng còn thực chất ta không đối xử tử tế với nhau như thế. Chúng ta gặp nhau chỉ để tán phét, tạo cho người ta vui vẻ, thậm chí nịnh, rồi sau lại cười người ta. Tôi thấy điều đó hoàn toàn không tốt.

Thời gian đầu, tôi viết về thói xấu của văn nghệ sĩ với quan niệm mình không giống mọi người, không phải thước đo người này mét mốt, người kia là mét ba. Chỉ đơn giản là mình nói về họ với điều mình nghĩ, mình thấy được. Từ viết về thói xấu của văn nghệ sĩ, tôi mở rộng chung ra thói xấu của người Việt Nam.

Tôi cho rằng bất kỳ dân tộc nào cũng có những tầng lớp tiêu biểu. Ví dụ, qua giới quý tộc là vua chúa, qua tri thức là những học giả và qua những người bình thường là nông dân... Còn có một mảng là qua những người viết văn, nghệ sĩ. Từ viết phê bình các nhà văn, tôi chuyển sang phê bình tật xấu của mọi người.

Thế nhưng đi vào con đường này vô cùng khó khăn. Những bậc đàn anh của tôi họ cũng có ý đồ cả đấy chứ, như giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Cao Xuân Hạo và bao người khác... Vài năm trước, Tiến sĩ Đức Uy từng ra quyển “Bí ẩn tâm lý người Việt” nhưng sách không đến được với người đọc.

Người đi trước đã vậy, đến tôi phải dùng hình thức khác. Ban đầu tôi mượn người xưa để nói người nay, "mượn mồm" chính những nhân vật mà không ai “chê” được như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... để nói về thói xấu người Việt. Còn những nhân vật khác như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh... tôi sẽ để lại phía sau.

Có cái này buồn cười: khi nghiên cứu để dạy cho học trò thì chẳng thầy nào dạy cái này. Dạy về Phan Bội Châu cũng chỉ nói Phan Bội Châu yêu nước ra sao, chứ không nói đến chuyện Phan Bội Châu sang Nhật, đối chiếu người Nhật và người Việt mình như thế nào, người Việt không bằng người Nhật điều gì...

- Ông có bao giờ nghĩ người ta không dạy những điều đó trong trường học vì nó chưa thực sự hữu ích, cần thiết?

- Theo tôi tất cả đều tự phát hết. Cái tự phát của mình xuất phát từ chỗ khi chúng ta chống Pháp và chống Mỹ, để khích lệ tinh thần, phải động viên nhau lên. Mà động viên thì không thể nói được hết cái xấu, chỉ toàn nói cái tốt. Như thế là phiến diện và không đầy đủ.

Tôi cho rằng hiện nay báo chí tuyên truyền, các nhà nghiên cứu cần phải nói thực chất người Việt ra làm sao. Vấn đề không phải nói cái tốt hay cái xấu, mà vấn đề là nói thực chất. Đã có các diễn đàn như “Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ” trên báo Thanh Niên hoặc những vấn đề sôi nổi hiện nay như “nước Việt đang ra biển lớn”…Khi làm vậy, hãy tự hỏi mình trước tiên: Ta là người thế nào, ta tự nhận thức ra sao?.Từ thời Socrate đã nói, con đường quan trọng nhất là tự nhận thức. Nếu không nhận thức thì không làm được gì cả. Chúng ta hiện nay đang giống như bóng đá: động viên thật nhiều, cho tiền thật nhiều...

- Công việc mà ông đang làm có thể gọi là quá trình “tự nhận thức”, và trước hết là của chính ông?

- Đúng vậy. Mục đích của tôi là tìm hiểu về quá trình tự nhận thức của người Việt. Tôi cho rằng nó là bước đi tất yếu của mỗi dân tộc trên con đường trở thành chính mình và cũng là con đường đi ra thế giới. Trên phạm vi toàn dân tộc cũng quan trọng mà trong phạm vi từng người cũng rất quan trọng.

- Nhưng quá trình tự nhận thức đó hoàn toàn không đơn giản khi ông phải vạch ra cách đi…

- Tôi nghĩ thế này, trước tôi người ta đã làm gì, làm được đến đâu?, từ đó tôi lựa đường mà đi. Hôm nọ có một bạn đọc phản hồi, hỏi sao tôi trích dẫn nhiều thế mà lại không nói ý của riêng mình. Tôi cho rằng tìm được những nguồn trích dẫn đâu dễ. Hơn nữa tôi dùng những trích dẫn mà nhiều người công nhận là đắc địa, có giá trị.

- Thế nhưng, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc ông đang làm là “tầm chương trích cú”…

- Ngay câu này đã rất nhầm. “Tầm chương trích cú” là người đem từng câu đào đi, bới lại. Tôi chưa gọi là “tầm chương trích cú” được. Thậm chí sách vở còn thực tế hơn cả thực tế nữa. Sách vở cực kỳ quan trọng. Tôi hỏi các bạn viết văn, viết báo trẻ hiện nay xem các bạn đọc được bao nhiêu, tôi sẽ biết các bạn là người như thế nào. Chứ các bạn đừng nghĩ nghe vài lời khen đã thấy vui vẻ lắm, tự mãn lắm. Những thứ tủn mủn như giống khoai lệ ra sao, khoai Nghệ An thế nào đâu có quan trọng với việc viết văn. Điều quan trọng là tinh thần của con người Việt Nam. Bệnh tật trong sinh hoạt và những suy nghĩ của người Việt quan trọng hơn nhiều chứ!

"Đập" tôi vẫn làm!

- Ở Trung Quốc, có Ba Dương đã viết “người Trung Quốc xấu xí” nhưng người Trung Quốc vẫn chưa cảnh tỉnh. Công việc ông đang làm hiện tại rất công phu nhưng liệu ông có nghĩ nó sẽ giống như “dã tràng xe cát”?

- Tôi xin nói thế này: thứ nhất, vấn đề “Thói hư tật xấu” không phải là chuyện nhất thời.Tôi đã bị nhiều người hỏi là anh nghiên cứu thói hư tật xấu của người Việt Nam bây giờ có thấy nó khác gì người cổ. Tôi nói rằng: nó giống y như cũ, chỉ có điều bây giờ nó đậm hơn, nó kỹ hơn và nhiều mặt nạ dối trá hơn. Thế cho nên gần đây có nhà phê bình Nguyễn Hoà phát biểu, đọc những điều đó giống như là đang phê bình mình vậy. Rõ ràng, nó không bị vượt qua. Cái mà tôi muốn bao quát là cái cốt, cái bã, không phải chuyện nhất thời.

Thứ hai, tôi không đặt vấn đề “thói hư tật xấu” là chuyên lặt vặt. Chữ “thói hư tật xấu” là chữ tôi buộc phải dùng để gây sự chú ý. Thực ra tôi muốn nghiên cứu sâu sắc hơn là trình độ sống, trình độ “làm người” của người Việt.

- Những gì ông làm sẽ gây rất nhiều “động chạm”…

- Tôi biết điều đó chứ. Ngay từ ban đầu, các bạn nhà văn còn chửi tôi khiến tôi đau đến cả đời. Tôi nghĩ, dẫu sao đây vẫn là nhu cầu của xã hội mà trước sau cũng phải có. Người ta thèm khen lắm, nhưng bây giờ ai khen vớ khen vẩn thì mọi người cũng biết và chán. Khen phải khen đúng. Những người viết văn “xổi” không nói, nhưng những người viết văn thực sự rất đơn độc. Họ tâm sự với tôi, rất thèm một người nói họ chính xác họ là ai. Nhu cầu nhận thức vẫn là nhu cầu của tất cả mọi người.

Đời viết văn của tôi ban đầu toàn bị chửi, rồi sau chính họ lại quay ra chấp nhận tôi. Năm 1995 tôi đã viết về vấn đề này, là “Hội nhập để chống tiêu cực”. Ngay lập tức tôi bị chỉ trích. Các báo khác coi tôi là “thằng vọng ngoại”, thích bơ sữa của nước ngoài, nhà văn gì mà chỉ viết cho người nước ngoài.

- Sao ông vẫn tiếp tục công việc khi đã bị “đập” như vậy?

- Thực ra, tôi tính kỹ: nếu mình có động cơ đúng và bị thu hút vào nó, thì mình cứ làm.Không năm nay thì năm sau đăng.

- Ông bị mất nhiều mối quan hệ từ những việc làm đó chứ?

- Không. Thực ra lúc bắt đầu viết thì tôi đã “chai lì” lắm rồi. Tôi hoàn toàn không đi họp Hội nghị, Hội thảo này nọ. Ai cho đòn tôi cũng không cãi lại. Tôi có viết bài về Xuân Diệu, và anh Cù Huy Hà Vũ đã viết lại một bài phê bình tôi. Nhưng sau đó chính anh lại là người giúp tôi đem đến NXB in thành sách. Cuốn sách tôi in ra cuối cùng cũng được giải thưởng Hội Nhà văn và rất nhiều người đọc.

Thế thì, tôi vẫn phải như thế. Có khi mình nói lúc đầu người ta không thích nhưng về nhà sẽ thích. Nếu năm nay không thích thì năm sau thích. Tôi thầm nói với tôi: mình đã đi đúng điều mà xã hội cần chưa, không như nhiều nhà văn bây giờ, viết chỉ để lấy danh...

- Người ta nói nhiều về thành công hơn là nói về thất bại. Có những nhà văn đã là tượng đài của nhiều người, nhưng công việc của ông lại là “vạch áo” họ. Việc này sẽ tạo nên điều gì?

- Tôi đã nói rồi, và giờ nhắc lại. Vấn đề không phải là thói hư tật xấu. Vấn đề là cách sống, cách nghĩ của từng người đó.Tôi viết không phải để rỉa róc, bôi nhọ người ta và làm mình cao hơn người ta. Tôi nói thói hư tật xấu của những người tôi rất yêu.Bạn đọc sẽ không bao giờ nhầm lẫn. Nói ra thì “hơi ngượng”, nhưng tôi cảm thấy tôi yêu nước, yêu cộng đồng sống quanh tôi.

- Nếu có ai nói, ông đang hạ bệ những “tượng đài văn học”?

- Không! Tôi thấy những bức tượng đó chưa thành hình. Bức tượng đó còn lờ mờ hoặc chẳng có bức tượng nào cả.Chính bạn hay tôi vẽ bức tượng đó ra. Nếu có tượng, sẽ có tất cả cái sáng, cái tối với sự sâu sắc của nó. Nó giống như cái cây, sẽ có chỗ rẽ ngang rẽ dọc.

Nhận diện "thói hư tật xấu" của bản thân mình

- Tới đây ông chuẩn bị cho ra cuốn “Thói hư tật xấu”, in ở NXB Phụ Nữ. Người đọc sẽ "nhặt sạn" những lỗi của cuốn sách, ông sẽ tính sao?

- Đó là điều hoàn toàn bình thường. Mỗi quyển sách không phải là “poly vitamin” ai cũng đọc được. Đó cũng là một cá thể riêng. Con người ta ai cũng thế chứ không phải nhà văn mới thế. Mỗi người phải là cây mít, cây xoài hay cây ổi trong một vườn cây chung. Tôi muốn là “một liều kháng sinh”! Ai dùng quá liều sẽ nguy kịch, nhưng với một số người khác thì rất cần thiết!

- Còn những "cái hư, cái xấu" trong chính cuốn sách của ông?

- Tôi nghĩ rằng tôi chẳng có cái xấu gì cả. Tôi có một tấm lòng trong sáng. Ban đầu tôi làm trong lặng lẽ, nhưng gần đây tôi nhận được rất nhiều sự đồng cảm. Bên báo Thể thao & Văn hóa nói rằng có nhiều bạn đọc trẻ thích mục của tôi, nhiều hơn cả những bạn đọc già.

Đó mới chỉ là tập một trong quá trình của tôi. Sẽ còn có tập hai, tập ba nữa. Phần một là trích dẫn từ miệng người khác - công việc hiện nay; phần hai là phần tôi nói từ miệng tôi và phần ba thì tôi vẫn chưa tính cụ thể.

Còn một mảng nữa là người nước ngoài nói về chúng ta như thế nào. Chúng ta có một cái tệ là chỉ thích người khác khen, còn ngay cả khi họ chê ta hợp lý ta cũng khó tiếp thu. Đầu năm 2006, tôi nhớ một ông người Mỹ nói, muốn làm bạn với Việt Nam thì phải phê phán Việt Nam. Ông ấy phải dạo đầu nhanh như thế, vì biết rằng người Việt Nam như câu của Tản Đà nói "nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con".

Người Trung Quốc có câu: thành công là do tâm linh nhưng cũng có thể dịch là thành công là đặt tâm trí vào trong đó.Tôi không biết tiếng Anh, nhưng từ “mind” ở đó có nghĩa là như vậy. Tôi thích vế thứ hai hơn.

- Ông đánh giá thế nào về quá trình tự nhận thức của bản thân mỗi người?

- Đây cũng là chuyện mà tôi được rất nhiều bạn đọc có yêu cầu viết. Hiện nay tôi thấy người Việt ta sống không có quan niệm, lý tưởng sống. Người ta phải có quan niệm sống thì mới có thể có trách nhiệm được với việc tự học, tự làm việc. Khi bước vào đời, tôi là người học khá cả toán lẫn văn nhưng năm 1961 tôi thi vào đại học tổng hợp thì bị trượt. Đấy chính là bước đầu tiên tôi tự nhận thức, khẳng định mình, răng mình có quyền sống. Sống để vươn lên cho dù đã bị trượt chân.

Tôi đến với nghề báo khi còn trong quân ngũ, và đi từ đơn vị đi lên. Họ nhận tôi vào Tạp chí Văn nghệ Quân đội là vì thấy tôi viết được. Lúc làm ở đây thì tôi lại có nhu cầu khẳng định mình. Khi đó anh Nguyễn Khải là người nói chuyện rất hay, anh có nói tôi: "Mày là cái gì, cứ ngồi nghe tao nói đi”. Tôi có trả lời: “Anh đừng tưởng anh nói hay thì tôi nghe là sướng đâu. Tôi cũng có nhu cầu nói với người khác".

Trong việc giáo dục ở nhà tôi cũng vẫn nói: Các bạn trẻ khi nói chuyện với người lớn tuổi không phải là chỉ để người lớn tuổi giáo dục mình mà bản thân mình cũng sẽ mang lại cho họ một cái gì đấy thì người ta mới cần ở mình.

- Điểm mạnh nhất trong khả năng tự nhận thức của ông là gì?

- Đó là khả năng tự học, tôi luôn nhận thức được vấn đề là chỉ có tự học mới có thể thành công được. Và tự nhủ mình là: Không được bằng lòng với điều hôm nay mà mình phải làm khác đi với những gì đã làm. Tôi nhìn mình bằng tiêu chuẩn thế giớivà không bao giờ bị lóa mắt bởi những nịnh bợ.

- Vậy những thói hư tật xấu của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn là gì?

- Trong quá trình làm thì nghề thì tôi cũng có rất nhiều thói hư tật xấu, lúc mới vào nghề thì tôi cũng thích viết cho hay cho lạ, câu cong cắn điệu bộ. Tôi vào nghề từ năm 1967 mà cho đến năm 1993 tôi mới in quyển sách đầu tiên. Trong khoảng thời gian ấy tôi viết nhiều lắm chứ, nhưng tôi không dám in vì biết mình viết kém.

Tôi cũng như mọi người, cũng đố kỵ, tỵ nạnh khi ai đó chẳng ra gì mà lại có quyền hơn mình. Tôi chưa bao giờ phải xin ai cái gì, mà chỉ có người ta cần tôi thôi. Ngay cả viết báo cũng là do mấy anh ấy cần thì bảo tôi viết.

- Phải chăng như ông kể ở trên thì ông là người ít thói hư tật xấu?

- Tôi nhiều chứ không ít tật xấu nhưng tôi không thể kể hết ra cho bạn đọc. Nhưng tôi là người khao khát vươn ra. Tôi có khả năng tự nâng mình lên được nên cũng hạn chế đi được những thói hư tật xấu này phần nào. Điều lớn nhất mà tôi học được từ anh Nguyễn Khải và cũng là điều quan trọng cho cuộc sống của tôi vào lúc thanh niên là: Đừng tham bát mà bỏ mân. Sống thì không nên tham những cái vặt. Anh có thể thất bại hàng nghìn lần chỉ cần sau đó anh thành công một lần thật rực rỡ còn hơn anh cứ thành công cả nghìn lần nhưng là những thứ vẩn vơ.

- Khi đã nhìn ra thói hư tật xấu của mình rồi thì cách tốt nhất để vượt qua là gì?

- Mình phải tự biết thân biết phận. Một mặt tôi nghĩ đời sống bất công nhưng xét lại thấy cuối cùng thì nó vẫn công bằng theo số lớn. Có thể ở một thời điểm nào đó mình chịu bất công nhưng xét suốt cả cuộc đời con người thì thấy xã hội đánh giá rất công bằng với mỗi con người.

- Đến giờ ông thấy xã hội đã công bằng với mình chưa?

- Tôi nghĩ là mình đã nhận được công bằngvì tôi thấy những gì tôi viết cũng cần cho nhiều người. Trước đây khi tôi phê bình một tập thơ thì chỉ có tác giả của tập thơ đó đoc, vậy nên nó chỉ cần cho một mình ông ta. Tôi nghĩ mình cần phải thay đổi và đã thay đổi được. Khi mình viết sách giới thiệu về Trung Quốc thì cũng phải để người Việt mình tìm thấy gì trong đó chứ?

"Chúng ta hơi kiêu ngạo so với thế giới"

"Con người của thời đại mới là người thấy được rằng mình còn rất nhiều kém cỏi và phải có ý chí để vươn lên với thế giới. Không phải người ta nói vài câu xoa đầu là đã sướng, mà mình phải làm sao tạo ra hàng hóa để bán cho họ, họ phải mua nhiều và mua nữa" - ông Vương Trí Nhàn nói.

"Nhiều người Việt không có nhu cầu tự nhận thức..."

- Theo ông, những thói hư tật xấu điển hình của người Việt là gì?

- Thứ nhất, chúng ta chưa bao giờ nghiên cứu thấu đáo về sự hình thành lịch sử của nước ta. Tại sao học sinh học dốt sử? Vì đa số lười đọc sử, học sử nên đây là kết quả tất yếu. Lịch sử của chúng ta đã bị đặt dưới cái nhìn quan liêu lơ là.

Thứ hai, dân tộc mình như "trẻ con", không quan hệ với nước ngoài, nhìn thấy nước ngoài là nhìn bằng ánh mắt thù hằn. Bây giờ chúng ta nên phê phán trạng Quỳnh, trạng Lợn, chuyện Thần đồng đất Việt vì ở đó thực chất là đề cao mưu mẹo vặt, khôn lỏi, trí trá...

Cái gì vay mượn cũng phải nói rõ. Ngày xưa còn nói nghề in hay đúc đồng là học của Trung Quốc nhưng giờ thì người ta nói cứ như là cái làng đó nghĩ ra nghề này. Đây là lừa dối, vậy thì dạy được trẻ con gì nữa.

Thứ ba là sau chiến tranh mỏi mệt quá, giờ dân ta nghĩ là làm cái gì để khá lên một chút, nên thèm hưởng thụ lắm. Khi đi ra ngoài thì chệnh choạng nên lộ ra rất nhiều nhược điểm cũ. Nhưng biết làm sao được, vẫn phải ra ngoài hội nhập thôi.

Một thói quen xấu còn để lại sau thời chiến là ý nghĩ cho rằng cứ làm liều là được chứ không chịu học hỏi gì cả. Ngay trong giới nhà văn chúng tôi cũng nhiều sự bảo thủ, không chịu hội nhập. Ngày xưa ở Hội Nhà văn còn có nhà văn nước ngoài sang giao lưu để mở mang nhưng giờ thì không. Bảo học thì như có nhà văn nói: Học để ăn cắp thì học để làm gì? Nói vậy sao được?!

- Thói xấu lớn nhất của người Việt chính là thói xấu sợ nói ra tật xấu của mình, như ông đã nhận định. Vậy ngoài thói xấu này thì còn thói xấu nào lớn nữa?

- Thói xấu lớn nữa là nhiều người Việt không có nhu cầu tự nhận thức,xem lại mình là người như thế nào, đặt mình trong thời gian, không gian cụ thể thì sẽ ra sao. Chúng ta không có thói quen ghi lại biên niên sử, nên ví thử sau này khi muốn nghiên cứu về Nguyễn Du, Nguyễn Tuân thì chẳng ai biết năm đó các vị làm gì. Không thể cứ ngồi nhận định loạn lên rồi tô vẽ nhăng cuội.

Tiếp nữa là sự thiếu chính xác ở rất nhiều việc. Có những người sống rất bột phát hồn nhiên, không có sự nghiên cứu, nghiền ngẫm nào khi viết hay nói cả; cứ nghĩ gì là viết đấy chẳng cần tìm hiểu gì hết.

- Vậy thói hư tật xấu nào là trở ngại lớn nhất cho sự phát triển của con người cũng như đất nước?

- Theo tôi là thói tự kỷ trung tâm luận, thấy mình là trung tâm, cứ bắt người khác phải theo ý mình. Chúng ta hơi kiêu ngạo so với thế giới. Đây là điểm bất lợi cho sự phát triển. Những người đương thời bây giờ viết về Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh mà thiếu sự tôn trọng, tôi thấy vậy là láo!

- Theo ông đặt ra vấn đề nước Việt Nam nhỏ hay lớn có hợp lý không?

- Nhỏ hay lớn chỉ là tương đối, theo tôi nếu đặt vào một hệ quy chiếu nào đó để nói sẽ chính xác hơn. Như chuyện đặt vấn đề nước Việt Nam là nước lạc hậu so với thế giới thì đúng chứ nói lớn, nhỏ thì không có căn cứ. Chẳng lẽ dân tộc Thụy Điển, Thụy Sĩ có vài triệu dân thì không phải là dân tộc lớn sao?

"Thói hư tật xấu" thời hội nhập

- Ông rất tâm đắc với câu "Dân 25 triệu ai người lớn/ Nước 4000 năm vẫn trẻ con" của Tản Đà. Theo ông, khi chưa biết loại bỏ hết thói hư tật xấu thì chúng ta vẫn là "trẻ con"?

- Vâng! Đúng là trẻ con vì vẫn thích khen, thấy mình là quan trọng, chỉ biết mình thôi và chưa trưởng thành về mặt lý tính.Dân ta vẫn sống bột phát hồn nhiên, nghĩ gì là nói nấy. Tôi thấy dân mình như cây mọc nông trong khi các dân tộc phát triển khác như cây cao bóng cả. Việt Nam sau chiến tranh thì như rừng cỏ ranh, người nào cũng xêm xêm nhau. Chứ ở các nước phát triển thì họ có cả cây cao bóng cả, cả cây thấp lẫn dây leo bụi rậm.

- Ông dẫn rất nhiều tài liệu trong Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh (in năm 1938) để nói về thói hư tật xấu của người Việt. Vậy theo ông cho tới thời điểm này, khi Việt Nam gia nhập WTO rồi thì những thói hư tật xấu đó đã được thay đổi chưa trong suốt gần 60 năm qua?

- Tôi nghĩ thói hư tật xấu của người Việt không những không thuyên giảm mà có vẻ như còn xuất hiện thêm ngày càng nhiều hơn. Và họ cũng có vẻ lý sự hơn trong việc cãi lấy được chứ chẳng dựa vào luật lệ nào.

- Gia nhập WTO rồi mà người Việt ta vẫn chưa thay đổi ư?

- Tôi nghĩ việc gia nhập WTO chỉ là thủ tục hành chính còn sự chuẩn bị về nhận thức để dân ta thay đổi cho phù hợp với hội nhập thì chưa có. Chúng ta phải có nghiên cứu xem trước khi hội nhập thì sự hiểu biết của dân ta về nước ngoài ra sao, văn hóa của Việt Nam như thế nào và có bị ảnh hưởng bởi hội nhập không,…

Chúng ta đừng để sự yếu kém về mặt nhận thức ảnh hưởng tới đường lối tư duy,kiểu Xuân Diệu đã từng giảng trong một lớp học viết văn rằng: Các đồng chí ơi! Tổng thống ở Mỹ sau khi hết nhiệm kỳ, về nghỉ thì đi làm lái buôn, làm quảng cáo cho các hãng, rồi nó mặc áo dính hình quảng cáo này nọ… Xuân Diệu được đi nước ngoài quá nhiều rồi mà còn nhận thức vậy thử hỏi những người dân thường sẽ hiểu ra sao?

- Vậy phải chăng hội nhập cũng làm cho dân ta thêm tật xấu mới?

- Vâng! Khi hội nhập, chúng ta từ tối ra ánh sáng thì bệnh mới càng lộ rõ. Cộng vào đó là những thói hư tật xấu bị nhiễm từ bên ngoài vào nữa.

Hiện nay tôi có một vấn đề rất băn khoăn những chưa viết ra được là: Việt Nam đang thành bãi rác của thế giới. Không phải cứ người nước ngoài đến Việt Nam là đều thông minh, giỏi giang cả đâu.

Bởi chúng ta sống dễ dãi quá, cẩu thả quá nên hợp với những đối tượng này, nhưng nếu họ về nước khác họ sẽ bị nhắc ngay. Thế là nhiều kẻ buôn lậu, tội phạm và làm ăn chụp giật cũng như sống buông thả mới đến Việt Nam. Hay cả những tư tưởng lạc hậu cũng đang ồ ạt vào nước ta. Tôi rất sợ việc này xảy ra.

- Hiện nay Việt Nam đang nhắc nhiều đến việc "quảng bá, tiếp thị hình ảnh đất nước". Cụm từ "PR" (Public Relations, tức quan hệ công chúng, quan hệ đối ngoại hoặc "đánh bóng hình ảnh bản thân"... cũng đang được nhắc tới thường xuyên. Để làm điều đó thì những cái hay, điều tốt, vẻ đẹp cần phải "phô" ra với bên ngoài. Như thế, việc ông đang làm liệu có đi ngược với xu hướng đó?

- Trên nguyên tắc, chúng ta không thể giấu nhau được cái gì. Các dân tộc luôn nhìn vào nhau để phát triển. Ngày trước, nhiều giáo sĩ, nhà buôn... phương Tây đã sang nước ta và ghi lại nhận xét của họ mà chúng ta ít nhắc đến. Điều đó chứng tỏ, từ lâu rồi chúng tôi đã không thể giấu được nhau.

Câu "Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại", theo tôi đã lạc hậu từ rồi. Bây giờ chúng ta cần nói đúng mức về mình và đúng như nó có. Chúng ta không thể nói quá lên, trong nhà với nhau thì còn có thể chấp nhận chứ ra tới bên ngoài là không có lợi về lâu dài. Cũng không phải chỉ ta mới có những cái mà ta ngỡ người khác không có.

Nói về mình là rất khó. Chúng ta vẫn luôn cần quảng bá hình ảnh của ta nhưng việc đó phải nằm trong tay những người có thiện chí, có hiểu biết sâu sắc về không chỉ nước mình và còn về nước khác. Nếu không có điều đó rất dễ bị nói sai. Việc người bên ngoài nhìn vào nước ta cũng quan trọng, nếu hiểu họ thì khi họ nói xã giao quá, ta còn biết để mà bỏ đi...

- Giả sử để để ông làm công việc là giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra bên ngoài, ông sẽ giới thiệu điều gì trước nhất?

- Việc này không phải dễ. Chúng ta đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn trong quá trình hình thành dân tộc, có giai đoạn ta phải tạm thời đóng cửa lại. Để đi ra thế giới như ngày hôm nay thì phải trải qua con đường rất dài và chúng ta khao khát "hội nhập" hơn bao giờ hết.

Tôi thấy đặc điểm lớn nhất của Việt Nam hôm nay mà thế giới cần nhìn vào là chúng ta đang tập sống theo quy luật của thế giới, nhìn mình như một con người của nhân loại và vươn tới những điều cao đẹp. Chưa bao giờ chúng ta có điều kiện như bây giờ để vươn lên trở thành chuẩn mực.

Dân mình có sức trẻ, có ham muốn, tức là có sức mạnh tinh thần rất lớn. Tôi thấy câu "Việt Nam muốn làm bạn với thế giới" không phải là lời xã giao vì thực sự chúng ta đang khao khát muốn biết thế giới và làm bạn với thế giới.

Chúng ta ở tầm công dân hạng 2, hạng 3 của thế giới (?)

- Sau Cách mạng tháng tám bác Hồ có đề cập đến một nhiệm vụ rất cần kíp lúc đó là "Phải dạy lại nhân dân". Điều này còn đúng cho thời điểm hiện nay?

- Ngay từ thời cụ Phan Chu Trinh đã lấy nhu cầu "tân dân" làm gốc để đưa đất nước phát triển lên. Như vậy việc làm mới dân là nhu cầu của mọi thời, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi chất "người" đang đi xuống trần trọng, con người dễ buông thả, suy đồi.

- Con người mới của thời đại ngày nay theo ông là con người như thế nào?

- Là con người thấy được rằng mình còn rất nhiều kém cỏi và phải có ý trí để mà vươn lên với thế giới. Không phải họ nói vài câu xoa đầu là đã sướng rồi mà mình phải làm sao tạo ra hàng hóa để đưa cho họ, họ phải mua nhiều và mua nữa.

Con người hiện đại phải là con người biết được nhược điểm của mình và có khao khát vươn lên, có lòng tin là mình sẽ đứng ngang hàng với thế giớichứ không cần phải để ai chiếu cố. Có sách của mình người ta phải đọc, phải dịch chứ không phải là đi cầu cạnh họ dịch để khoe mẽ.

- Theo ông, phẩm chất nào là nổi bật của người Việt?

- Phẩm chất nổi bật nhất của người Việt là tính dễ thích ứng. Nhưng đây là phẩm chất có hai mặt. Dễ linh động, linh hoạt những có thể hời hợt, nhạt nhòa, chông chênh, dao động.

- Vậy phải chăng chúng ta có nhiếu thói hư tật xấu hơn những phẩm chất tốt đẹp?

- Tôi cảm thấy nó đang là vậy! Do trình độ sống của dân ta hơi thấp.

- Nói vậy có quá không, thưa ông?

- Nói chính xác hơn là về mặt số lượng thì thói hư tật xấu của chúng ta nhiều hơn, nhưng nó vẫn đan cài với những phẩm chất tốt.

- Ông có sợ bị phản ứng khi nói bi quan vậy không?

- Tôi không sợ phản ứng! Nếu các bạn không đồng ý với tôi các bạn cứ viết ra, tôi sẽ tiếp thu. Tôi không là cái gì cả, tôi nói và viết theo những gì tôi nghĩ.

- Theo ông chính phủ và nhà nước cần có những chính sách gì để khuyến khích phát triển những tính cách tốt đẹp của người Việt?

- Theo tôi Nhà nước nên có một chính sách khuyến khích hơn nữa khả năng tự nhận thức của mỗi người. Đồng thời cũng nên khuyến khích những lời nói thật, đừng chỉ nói chúng ta giỏi nhưng thực tế lại rất dở, phải thẳng và thật.

- Vậy phải chăng việc "vạch áo cho người xem lưng" cũng rất tốt?

- Tôi nghĩ việc này là tốt. Như chuyện Lê Vân viết tự truyện cũng rất tốt, nó cho thấy một thức tế đang tồn tại trong đời sống văn nghệ của nước ta. Nó có cái dở là cho thấy một đời sống gia đình rất nhếch nhác; nhưng lần đầu tiên đã có một người trẻ nhìn đời sống một cách thẳng thắn và dám viết ra.

Ngay cả những nhà văn tài ba của chúng ta khi viết cũng chỉ toàn cố khoe tài. Thế giới này người giỏi không bao giờ khoe tài của mình cả.

Chúng ta có một trình độ sống thấp, ở tầm công dân loại 2, loại 3 của thế giới.Tôi biết tôi nói ra cũng có thể gây nhiều phiền phức nhưng tôi không gạt được ý nghĩ nó ra khỏi đầu tôi. Nếu các bạn thấy nó có thể gây phiền phức thì các bạn đừng hỏi tôi nữa và cũng đừng viết nữa.

Tôi thấy rất xấu hổ khi lúc nào chúng ta cũng nói tới bản sắc. Trong khi đó cái gì chúng ta cũng học của nước ngoài. Chúng ta học đòi nhanh thế thì bản sắc ở đâu?

- Nói về thói hư tật xấu của người Việt không có nghĩa là ghét người Việt mà là vì yêu nên mới nói phải không ông?

- Đúng vậy! Bằng nhân tâm của tôi, tôi làm. Nếu không có lòng yêu nước, yêu người dân quê hương mình thì tôi việc gì phải làm cái việc coi như "đi tu" này. Tôi nghĩ mình cần làm nó vì nó giúp cho dân ta mạnh lên, nước ta giàu lên.

- Phải chăng ông làm điều này vì ông muốn viết lên một trang sử nào đó cho mình?

- Không! Tôi vào Sài Gòn và nhìn tên phố thấy có những người tôi chả biết là ai, có những người sử sách viết rất hay nhưng ở ngoài đời lại không phải hay như vậy.

- Một câu hỏi nhỏ về ông: Nghe nói ông lão 64 tuổi Vương Trí Nhàn vẫn thường xuyên ra bãi giữa sông Hồng để... tắm tiên?

- Ồ, thú vị lắm. Tôi làm điều đó mỗi buổi sáng cùng một nhóm các ông già 60 đến 70 tuổi. Nó đã thành việc làm thường xuyên nên kể cả khi trời Đông rét mướt tôi vẫn không bỏ, không ngại.

Mấy năm trước tôi bị thoái hóa cột sống cổ, thần kinh chân tay co quắp lại. Gặp bác sĩ giỏi nhất thì được khuyên mổ. Tôi đã đi nhiều nơi, lên cả Tuyên Quang chữa trị mà không khỏi. Sau đó, có người khuyên tôi nên ra sông Hồng tắm. Giờ tôi thấy khỏe ra, mỗi lần tắm xong thấy sung sướng lắm.

Nhưng cái được hơn từ việc này với tôi là về tâm lý. Tắm về tôi thấy thoải mái, không sợ việc, thấy tự tin, ham sống hơn. Việc "tắm tiên" gợi đến cho tôi cảm giác hoang sơ, gần gũi với thiên nhiên, giúp tôi lắng lại để nghĩ về nhân tình thế thái, biết yêu quý thiên nhiên hơn. Tự nhiên tôi thấy mình muốn viết được kịch bản phim về các dòng sông chảy trên đất Việt Nam.

Về mùa nước lũ này, phù sa sông Hồng chở nặng, đỏ au như những bát đất. Dù nó mang về rất nhiều rác, nhưng sông vẫn có sự thanh sạch vô cùng. Tôi hiểu, đất mẹ còn rộng rãi lắm, dù có cả rác và vẩn đục trong đó, nhưng vẫn không mất đi sự tươi mát, sạch trong.

- Cảm ơn nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn!

Nguồn:Netlife
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Văn hóa và hội nhập

    08/04/2020Vương Trí NhànLúc bình tĩnh ngồi nghĩ, lại cảm thấy nhờ thế được nâng mình lên. Và quan trọng nhất, qua cái sự kiếm cơm của thiên hạ, tự nhận ra con người thực của mình. Với từng cá nhân cũng vậy mà với cả xã hội cũng vậy...
  • Lý do kinh tế và di hại đạo đức

    01/12/2018Vương Trí NhànTrong sự bê bối về giáo dục hiện thời, ai cũng thấy là lỗi trước tiên thuộc về những người quản lý và hoạch định chính sách. Nhưng chẳng nhẽ những người lên bục giảng vô can chăng? Vậy thì lỗi của các thầy ở đâu? Tại sao không người trong cuộc nào lên tiếng?
  • Tại sao trên báo chí lại thưa vắng các bài điểm sách?

    13/01/2018Vương Trí NhànMột mặt trong tâm thức của nhiều người, văn chương là một cái gì ghê lắm, danh giá để đời, tên tuổi đi vào lịch sử. Mặt khác thông tin trên mặt báo về văn học lại nghèo nàn nhạt nhẽo. "Kính nhi viễn chi", người ta lảng tránh. Trong sự thông tin kém cỏi như vậy, riêng phần đọc sách vì không màu mỡ riêu cua câu khách được tí nào, nên càng bị ghẻ lạnh.
  • Thói hư tật xấu người Việt chỉ trong 300 trang, có đủ?

    30/06/2016Trần ThanhSau khi cố GS Trần Quốc Vượng, GS Cao Xuân Hạo bày tỏ ý định làm sách về thói xấu người Việt Nam nhưng chưa thành, đến lượt nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn quyết tâm cho ra mắt cuốn sách hứa hẹn hấp dẫn này...
  • Từ kiến thức đến nhân cách

    20/10/2015Vương Trí NhànCái vấn đề đặt ra chung quanh khái niệm người trí thức vốn khá đa dạng. Ở một số nước, người ta nhấn mạnh lương tâm trách nhiệm con người trí thức trước xã hội. Ở một số nước khác, người ta thích bàn đến mối quan hệ giữa tự do và phục vụ, dấn thân và "xây tháp ngà" để làm khoa học. Riêng ở Việt Nam, theo ý chúng tôi, trong nhiều trường hợp, câu chuyện nhân cách vẫn nổi lên rõ rệt hơn cả...
  • Thất phu hữu trách

    16/07/2015Vương Trí NhànĐiều quan trọng là người lãnh đạo cần tháo gỡ cho mọi công dân cái khó... tự giải tỏa được cái "ngại nói vì rất lo lắng" của người góp ý thì chắc chắn trí tuệ dân tộc được hanh thông...
  • Một đóng góp vào việc nhận dạng con người Việt Nam hôm nay

    29/11/2014Vương Trí NhànCó những cuốn sách làm cho người đọc căm ghét cuộc sống( chẳng hạn; một số tác phẩm hiện thực phê phán); có những cuốn sách làm cho người đọc thêm yêu đời nhiều hơn. Còn qua những trường hợp như Thời xa vắng của Lê Lựu, đọc xong, tự nhiên tôi cứ thấy tiếc đời...
  • Tìm về văn hóa để hiểu hôm nay

    07/06/2014"Nhân nào quả ấy" là một tập phiếm luận về văn hóa đương thời tổng hợp các bài viết ngắn của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn. Ông đặt câu hỏi về tầm vóc văn hóa hay đúng hơn là sự thiếu văn hóa ẩn hiện đằng sau nhiều hiện tượng gây nhức nhối trong xã hội Việt Nam thời nay...
  • Tính tự phán của người mình

    18/11/2013Thái AnGần đây, chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ của Trung Hoa trên trường quốc tế, lại thấy dư luận hâm nóng một cuốn sách được xuất bản cách đây hai thập kỷ. Đó là cuốn Người Trung Hoa xấu xí của Bá Dương...
  • Biết mình biết người, tỉnh táo đi tới!

    22/12/2010Vương Trí NhànBắt tay vào cuộc hội nhập là chấp nhận rằng chúng ta sẽ tham gia sân chơi lớn của thế giới. Điều cần thiết lúc này là soát xét lại mình, bàn bạc, học hỏi, rút kinh nghiệm, sẵn sàng làm lại mình nếu cần. Bởi mọi cơ hội chỉ có ý nghĩa khi người ta có một phương sách đúng, một chiến lược đúng để tận dụng được nó...
  • Văn hóa chưa tác động tốt tới sự phát triển

    29/12/2007Lê Vọng (thực hiện)Năm 2007 sắp khép lại. Trong cuộc trò chuyện cuối năm với TT&VH Cuối tuần, nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn - người thường từ phương diện văn học nhìn rộng ra các lĩnh vực văn hóa - thử trình bày một cách nhìn lại đời sống văn hóa – văn nghệ (VHVN) nước nhà trong một năm qua, với tiêu chí “phê bình để xây dựng”. Và từ đó gợi mở đôi điều suy ngẫm về tương lai.
  • Con người và tư tưởng thời bao cấp

    14/09/2006Vương Trí NhànMặt nghệt ra như mất sổ gạo.Một yêu anh có may ô -- Hai yêu anh có cá khô để dành -- Ba yêu rửa mặt bằng khăn--- Bốn yêu anh có cái quần đùi hoa.Những câu ca dao tục ngữấy được dịch hẳn ra tiếng Anh rồiđược kẻ nắn nót cẩn thận trên những bức tường lớn, dưới đó là mấy gian trưng bày các hiện vật theo một cách thức mà trong điều kiện ở Hà Nội này phải gọi là “hoành tráng”...
  • 'Nhân nào quả ấy' - phiếm luận của Vương Trí Nhàn

    23/07/2006Cát Tường“Ngoài trời lại có trời”, “Nhân nào quả ấy” (và sắp tới là “Cánh bướm và đóa hướng dương”) là các tập sách tiểu luận phê bình vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ cho in lại. Đó là những quyển sách khá quen thuộc mang “nhãn” nhà phê bình Vương Trí Nhàn, một viết về văn học nước ngoài, một bàn về văn hóa đương thời...
  • Sự chuyển pha mấy nét còn dang dở

    17/03/2006Vương Trí Nhàn... nhà báo họ Phan cho rằng nhiều người dùng đồng hồ chẳng qua bắt chước người Âu- Mỹ để diện cho đẹp, chứ chẳng mấy khi coi giờ: Nói chung, với người Việt Nam đầu thế kỷ này thì giờ không phải là chuyện đáng để ý, ai ai cũng một tâm lý cơm vua ngày trời, được đến đâu hay đến đấy.
  • Những bước đi đúng hướng cần tiếp tục!

    06/03/2006Vương Trí NhànTrong việc nhìn lại chặng đường qua, có một ý nghĩ tổng quát đã đến trong đầu óc tôi: Chính ra là Đảng đã đi đúng hướng. Nếu những việc làm đúng hướng này được nhân lên, các chỉ đạo mang tính cách tự phát được biến thành tự giác, thì văn hóa văn nghệ còn có cơ may phát triển hơn nữa...
  • Nhân nào quả nấy

    04/02/2006Vương Trí NhànNhà phê bình Vương Trí Nhàn thật khéo léo khi chọn hình thức phiếm luận để bàn về văn hóa đương thời. Câu Nhân nào, Quả ấy của người xưa được tác giả khai thác rất đắc. Nó không đơn thuần chỉ là một lời cảnh báo. Nó nhắc ta đọc để nhìn lại mình, nhìn lại hiện tại và nhận lấy trách nhiệm làm chủ nền văn hoá nước nhà...
  • Tập sống và nghĩ cùng nhịp với thế giới

    27/01/2006Vương Trí NhànSáng tác của Nguyễn Tuân thời tiền chiến thường được xem xét theo một định kiến thiên lệch. Trong khi trình độ nghệ thuật của chúng được đề cao thì nội dung xã hội lại bị lên án. Nhưng đọc lại Nguyễn Tuân, chúng tôi muốn đề xuất một cách đánh giá khác...
  • Cuộc chia tay còn dang dở

    21/10/2005Vương Trí NhànBây giờ, hội thảo nhiều lắm và tường thuật về hội thảo cũng nhiều, những bài tường thuật chung chung nhạt nhẽo khiến người đọc chúng tôi liếc qua là bỏ sang mục khác. Nhưng tôi đã phải dừng lại khá lâu trước bài “Bao giờ Hà Nội “xuất khẩu”... thanh lịch"...
  • xem toàn bộ