Tập sống và nghĩ cùng nhịp với thế giới

10:05 SA @ Thứ Sáu - 27 Tháng Giêng, 2006
Sáng tác của Nguyễn Tuân thời tiền chiến thường được xem xét theo một định kiến thiên lệch. Trong khi trình độ nghệ thuật của chúng được đề cao thì nội dung xã hội lại bị lên án.

Khi nhận xét về Vang bóng một thời, Một chuyến đi, Chiếc lư đồng mắt cua, Nguyễn…cả những nhà nghiên cứu thận trọng và nhiều thiện cảm với tác giả cũng thường nhấn mạnh rằng, con người được miêu tả trong các tác phẩm đó là những cá nhân thông minh nhưng bất lực, họ quay lưng lại xã hội, họ phủ nhận cuộc đời, đi vào hưởng lạc và như vậy tư tưởng bao trùm trong ông Nguyễn là duy mỹ là suy đồi. Lý do khiến cho các sáng tác ấy có giá trị lâu dài chỉ là ở chỗ trong đó bàng bạc một tinh thần yêu nước kín đáo.


Nhưng đọc lại Nguyễn Tuân, chúng tôi muốn đề xuất một cách đánh giá khác:


- Đối chiếu với xu thế chung của thời đại và xét theo sự tiến hoá xã hội thì con người trong Nguyễn Tuân là loại con người tích cực. Họ muốn sống với những đổi mới mà thời đại mang lại. Họ khao khát được bộc lộ lòng ham sống và ý muốn được sống hết tầm người. Họ khao khát tự do (cái tự do chân chính mà chỉ trong xã hội hiện đại các cá nhân được phát triển toàn diện trên phương diện tinh thần mới cảm thấy và biết sử dụng). Các nhân vật ấy cho thấy sự chuyển biến về chất lượng của con người Việt Nam thế kỷ 20 so với các thế kỷ trước, nó cũng là điều kiện để nước Việt Nam gia nhập vào thế giới hiện đại .


- Không chỉ yêu nước mà điều quan trọng là lòng yêu nước của Nguyễn Tuân có sắc thái mới so với cách hiểu thông thường, kể cả lòng yêu nước của sĩ phu trong các thời kỳ trước. Chắc chắn việc chỉ ra lòng yêu nước ấy mang đậm dấu ấn thời đại thế nào, cách yêu nước của Nguyễn Tuân độc đáo ra sao, là cần thiết, bởi đó là những bài học mà ngày nay chúng ta có thể tiếp nhận khi bàn về thái độ nhà văn đối với các vấn đề xã hội.


Nhiều nhà văn Việt Nam họ Nguyễn, song nói đến chàng Nguyễn, cụ Nguyễn, nhiều người nghĩ ngay đến Nguyễn Tuân. Chính tác giả góp phần tạo ra thói quen đó. Bởi một trong những cuốn tuỳ bút hay nhất của ông mang tên Nguyễn và nhân vật chính ở đó được gọi là Nguyễn. Nhưng nhà văn còn sống với một cái tên nữa là Bạch, cái tên ông dùng để gọi nhân vật chính của cuốn truyện dài duy nhất của mình là Thiếu quê hương(1940).


Khoảng 1955-1956, mấy năm Hà Nội trong vùng Pháp chiếm mới trở về với các lực lượng cách mạng (tiếng hồi ấy gọi là tiếp quản), cũng là đoạn cuối Nguyễn Tuân đảm nhận vai trò Tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam. Trên tờ Văn nghệ chuyển từ tạp chí ra hàng tháng sang thể tuần báo, Nguyễn Tuân đã viết nhiều bài ký tên là Bạch. Hồi còn Liên Xô, Nguyễn Tuân có một người bạn là nhà văn Xô viết Tkachev, ông này khi tỏ ra thân mật thường hay gọi Nguyễn Tuân là cụ Bạch.


Trong tùy bút Trang hoa viết những năm sáu mươi cũng có dẫn lời một người lấy tên là Bạch. Bạch với Nguyễn tuy hai mà một.


Sau nữa, Thiếu quê hương đáng để chúng ta quan tâm còn ở những lý do sâu xa hơn. Nếu trong các bài tùy bút nhỏ (lúc đầu rải rác in báo sau tập hợp lại thành các tập Tùy bút I , IINguyễn), nhà văn này đã rất tài trong việc khai thác mọi ngóc ngách tâm hồn các nhân vật, từ đấy giúp người đọc nhận ra bóng dáng thời đại thì đến Thiếu quê hương những yếu tố thời đại lại được ngưng kết trong một con người lãng tử cụ thể. Bạch cùng lúc tập trung trong mình những mối quan hệ xã hội khác nhau. Nhất là Bạch được đặt trong một không gian rộng lớn và hết sức đa dạng. Hai chữ "quê hương" hiện ngay trên tên sách không chỉ có nghĩa cụ thể nơi chôn rau cắt rốn. Mà nó còn là môi trường tồn tại, là xứ sở, cái hoàn cảnh thân thiện cần có cho sự phát triển hết tầm vóc của con người. Có thể nói ngay trong văn học tiền chiến cũng hiếm thấy một nhân vật có đời sống tinh thần phong phú và cao đẹp như Bạch.


Những kinh nghiệm sống mới mẻ và một tầm suy nghĩ rộng rãi


Nét đặc biệt đầu tiên làm thay đổi ấn tượng về nhiều nhân vật trong Nguyễn Tuân cũng như của chính ông thời tiền chiến là những mối quan hệ xã hội. So với con người xã hội Việt Nam trung đại, họ hiện ra khá mới mẻ.


Người Việt vốn ít đi xa. Cô Mai trong Nửa chừng xuân và Thị Mịch trong Giông tố giống nhau ở một điểm: họ đều mới từ quê ra Hà Nội; chị Dậu còn ít có may mắn hơn họ: chị chỉ lên tới phủ, đúng hơn là vào sống làm vú nuôi ở dinh quan phủ. Ông giáo Thứ của Nam Cao trong cuộc kiếm sống tạm thời một chân đặt lên Hà Nội chân kia vẫn để quê nhà; ngay Tô Hoài cũng chỉ biết một Hà Nội ngoại ô trong khi khá xa lạ với đô thị Hà Nội chính cống, Hà Nội trung tâm của mọi vấn đề sôi động của cả đất nước.


Còn ở đây trước mắt chúng ta, trong Thiếu quê hương, Bạch nổi lên như một nhân vật có tầm hoạt động rộng rãi. Bạch có một nghề lạ là nghề thuỷ thủ viễn dương để đi nhiều nước. Nếu có điều gì khiến Bạch tự hào nhất thì đó là niềm tự hào chân chính là mình chai sạn, lịch lãm, từng trải, đã "ăn mòn bát thiên hạ". Tiếp bước chân Bạch còn có Sương bạn Bạch, có Phối em Bạch. Trong văn học Việt Nam, kể cả văn học hiện đại, ít thấy có những nhân vật nào có cái nghề thú vị và mới lạ đến như vậy. Rồi việc nhân vật Hòa người quen của Bạch đi dự hội chợ và mang hàng đi bán ở nước ngoài. Rồi việc cả làng Xuân Phả náo động chờ ngày xuất cảnh mang tích trò của mình sang biểu diễn tận bên Cựu Kim Sơn tức San Francisco (dù đến những ngày cuối, chuyến đi bị hoãn)... Có khá nhiều sự kiện hợp cả lại chứng tỏ cái xã hội bé nhỏ ở Việt Nam đang từng ngày từng giờ vận động để hòa nhập với thế giới.


Vả chăng, điều quan trọng không chỉ là câu chuyện thuộc nhiều bản đồ địa dư cùng sự ham hố thăm thú đi lại. Cũng như ở các tùy bút lẻ, trong Thiếu quê hương, người ta bắt gặp một nếp sống hiện đại. Con người không chỉ làm việc mà còn nhận thức, suy nghĩ và không quên hưởng thụ đời sống. So với nếp sống trì trệ vốn ngự trị lâu bền ở xã hội thì đó là một cuộc đảo lộn ghê gớm. Giữa đội quân đông đảo của các nhân vật nông thôn trong văn học tiền chiến, Bạch nổi cộm lên và gây khó chịu một phần vì đây là một nhân vật thành thị thứ thiệt. Trước mắt Bạch không có cái ám ảnh về miếng cơm manh áo như phần lớn các nhân vật của nền văn học bình dân hiện đại (mà ta quen gọi là văn học hiện thực). Thậm chí cả cái gò bó của kiếp sống công chức và những ràng buộc của cuộc sống gia đình mà một số nhân vật Tự Lực văn đoàn giãy ra không nổi, nhân vật của Nguyễn Tuân cũng vượt thoát. Bạch hình như không cần làm gì mà cũng sống vương giả. Cái việc thường xuyên vào ga ngắm cảnh người ta lên đường của Bạch thực ra cũng chỉ là một cách để chiêm nghiệm và thưởng thức những khả năng của xã hội đương thời trong việc tạo ra những mối quan hệ không gian chưa từng có và đẩy người ta nghĩ về một thế giới rộng lớn.

Đang ở Hà Nội, thoắt cái Bạch lại có mặt ở Hải Phòng Hồng Gai. Nhiều nếp sống mà đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, người Hà Nội mới học theo, như thói quen du lịch, Bạch đã biết từ lúc ấy. Trong lúc bực mình, Bạch lấy rượu ra uống rồi nghêu ngao hát bằng tiếng ngoại quốc. Với một người bạn thân như Tần, khi có điều gì sâu sắc, Bạch trao đổi riêng bằng tiếng Tây. Tóm lại Bạch chính là một con người của hiện đại hóa, con người vượt qua mặc cảm để thay đổi và sự thực đã thay đổi một cách hợp lý.


Thạch Lam từng có một thiên truyện mang tên Người lính cũ trong đó nhân vật chính từng qua Pháp, lấy vợ đầm, ấy vậy mà rút cục người lính này nghèo túng trở về quê, xa lạ ngay giữa những người dân làng, đến mức phải ra ở tạm cái quán giữa đồng. Dù chỉ là một truyện ngắn chưa đầy hai ngàn chữ song Người lính cũ mang trong nó hình ảnh khái quát một kiểu người không thích ứng được với Âu hóa, tình cảnh hoàn toàn bất lực và vô vọng.


Nhân vật Nguyễn Tuân ở trong tình thế ngược trở lại. Bạch có lúc chán chường mệt mỏi song đó là do quá yêu mà chán, đi đã nhiều nên mệt. Trong cái thế của một người sống cùng cái nhịp với tiến trình Âu hóa, cũng tức là người đi tiên phong của thời đại, sự hào hứng thấm vào trong mọi suy nghĩ hành động của Bạch: chàng chỉ sợ bỏ qua cái vận hội mà trước đó xã hội Việt Nam chưa từng biết.


Từ thời còn mồ ma cụ Tú Xương, người ta đã bắt gặp những nét tâm lý thuở giao thời nó bắt rễ trong những con người Việt những năm cuối thế kỷ XIX đầu XX. Họ vừa sợ hãi những ảnh hưởng ngoại nhập,vì nó làm mất đi ở mình khá nhiều nếp cũ, vừa khao khát thèm muốn cách sống hiện đại vì nó hứa hẹn với mình rất nhiều thú vị. Nay cả xã hội đã vượt qua cái giai đoạn xấu hổ đó, tự thành thực với cái nguyện vọng muốn thay đổi của chính mình. Không phải ai cũng có dịp vượt đại dương như Bạch, song nhiều người đã đi Tây mà không cần xuất cảnh, đi Tây ngay trên quê hương, để mình cuốn theo cái nếp sống phương Tây một cách hào hứng.


Đây là một công thức ngắn gọn mà trong tùy bútĐẹp lòngNguyễn Tuân dùng để diễn tả niềm vui của mình: "Tôi huýt sáo. Tôi hát nhạc Tây, Tôi ngâm thơ Tàu cổ". Đây nữa, một chi tiết nhỏ trích ra ở chương XXVIII của Thiếu quê hương. Sau câu chào của Hòa "Anh Bạch, trận gió nào đưa anh lại?", tác giả bỏ nhỏ một câu bình luận: "Câu chào nghe Tây quá và thân quá". Rồi khi nhận ra cái nếp sống đầm ấm hiện đại trong gia đình mình, nhân vật lập tức liên tưởng "cách sống như một gia đình bên Pháp" .


Tức là những gì liên quan đến Tây, vốn là của Tây, theo lối Tây đã không còn gắn liền với nhố nhăng xa lạ học đòi, không mang lại khó chịu phản cảm, mà ngược lại được coi là một giá trị.


Từ đây cả quan niệm của Bạch về cuộc đời đã hình thành. Bạch từng định nghĩa Hoà (một kẻ phân thân của mình) là “người của một cuộc đời lớn". Chính Bạch cũng là con người như vậy. Bạch biết rằng mình không chỉ là công dân của một xứ sở thuộc địa mà còn là một thành viên của thế giới rộng lớn (mượn chính chữ của Bạch, "không chỉ ở ngòi mà còn ở biển" ). Nhân vật hay xục xặc và có lúc được gán cho đích danh một thứ hoài cổ bảo thủ này, thực ra lại là người trong thâm tâm chào đón cái mới một cách hết lòng. Dưới tác động của Bạch, cả những con người thuộc loại “sáng vác ô đi tối vác về" như nhân vật Tần cũng cảm thấy không thể chịu được cuộc sống tù túng và luôn tự nhủ “lẽ ra mình phải sống khác“.


Qua Bạch, người ta nhận ra sức sống của tư tưởng hiện đại trong lòng lớp trẻ Việt Nam nửa đầu thế kỷ. Khả năng con người ta nhập vào thời đại, tự đào tạo mình theo khuôn mẫu thời đại. Và trước tiên là cái nhìn khác đi về mình cũng như về thế giới… Đó là những yếu tố khiến ta không thể lẫn họ với con người của các thế kỷ trước.


Trở lại với những nhận xét đã làm nên một thành kiến về Nguyễn Tuân (rằng ông bất mãn, ông quay lưng lại xã hội chung quanh). Điều thú vị là ở chỗ sở dĩ cái huyền thoại đó về ông kéo dài một phần chính vì ông cũng tham gia vào việc xây dựng nó. Trên các trang viết ông tự khuếch trương tô đậm, tức tự tố cái chất cá nhân ở mình lên một cách quá đáng, tự xỉ vả tự chỉ trích quá nhiều. Song tình yêu với "cuộc sống mới" vừa hình thành đã nằm rất sâu trong tâm tình con người khinh bạc này và mặc dầu có thể chính ông cũng không biết là mình có song nó vẫn len lỏi trong tâm tình ông, tha thiết nồng nàn đến độ chi phối mọi suy nghĩ tình cảm của ông. Không nên cường điệu những bực bội khó chịu nơi ông Nguyễn mà nên ghi nhận nó như một dấu hiệu tích cực, đơn giản là bởi chỉ ở những người có mối liên hệ rộng lớn với thời đại mới có thể có những đay nghiến dày vò nó, cãi cọ nó như Nguyễn đã tự miêu tả.

Hiểu rõ "kẻ khác" để trở về với dân tộc

Theo như cách nói của Octavio Paz (Đặng Anh Đào dẫn lại trong Tài năng và ngườithưởng thức) , thì "tấn bi kịch của những dân tộc Mỹ la tinh trước giai đoạn Christophe Colombo đó là họ không có ý niệm gì về kẻ khác". Hoàn cảnh của người Việt thế kỷ 19 về trước, có chút gì đó tương tự. Sống ở nước mình, song các cụ ta thuộc lòng lịch sử địa lý con người Trung Hoa. Có điều Trung Hoa lúc ấy bên cạnh vai trò kẻ thù đe doạ sự tồn tại, lại có vai trò một thứ cội nguồn mà người ta mơ ước trở về và do đó chưa bao giờ tách mình ra khỏi hoàn toàn. Tức là Trung Hoa có cái tình thế nước đôi, vừa là kẻ khác vừa không phải. Chỉ sang thời hiện đại, mặc dù vai trò thực dân cho làm cho vai trò kẻ khácbị lu mờ, song cuối cùng sứ mệnh của người Pháp như một nhân tố bên ngoài thúc đẩy sự phát triển xã hội vẫn được khẳng định và nhờ vậy ý niệm về kẻ khác trong lòng dân ta lần đầu tiên mới được hình thành một cách trọn vẹn.

Cái tình hình có thực này đã được văn học phản ánh như thế nào? Trong cuộc đời và tác phẩm của những Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Đoàn Phú Tứ... sự có mặt của người Pháp như một nét đặc biệt của xã hội Việt nam từ sau1884 đã trở nên một nhân tố khách quan hợp lý. Trường hợp Người đầm của Thạch Lam là một ghi nhận chắc chắn. Không hẹn mà nên. Ở chỗ này, Nguyễn Tuân cũng lại gặp Thạch Lam. Ngay trong chương đầu của Thiếu quê hương, người ta đã thấy sự hiện diện của mấy người da trắng xa lạ ấy, từ người chủ cửa hàng mà Bạch làm thuê tới một người lính ngẫu nhiên đến chia sẻ tâm sự với Bạch như một kẻ tri âm tri kỷ. Hoặc ở đoạn cuối, nhân có một việc cần tác động vào quan chức địa phương, mà không biết làm cách nào, Bạch liền tìm đến nhà viên công sứ đầu tỉnh. Thì ra đây là một người quen cũ của Bạch, họ hiểu nhau nhân cùng đi trên một chuyến tàu biển từ Pháp sang Việt Nam và cái chính là viên quan cai trị này thuộc loại biết người biết của, lại sống có tình.


So với sự có mặt của những người Pháp trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng… thì đây đã là cả một sự thay đổi rõ rệt.

Một điều còn quan trọng hơn: nếu bảo cách nhìn của tác giả trong Bước đường cùng, Tắt đèn là hiện thực thì cũng phải nhận Nguyễn Tuân, Thạch Lam có cái lý riêng của mình. Đó là một phương diện của đời sống xã hội trước 1945. Và các ông cũng hiện thực.

Một sự lo ngại chính đáng thường xảy ra khi nghe nói đến Âu hoá: sợ rằng nói thế rồi dễ sinh ra nông nổi mất gốc. Nhưng nếu hiểu Âu hoá là hiện đại hoá và nhìn lại lịch sử thì thấy ngược lại. Hiện đại hoá đòi hỏi các cộng đồng cũng như các cá nhân phải nghĩ về mình, chính trong hiện đại hoá mà các chủ thể đó trở lại với bản thân để tiến hành công cuộc tự phát hiện đầy thú vị. Tức hiện đại hoá không đẩy người ta đi xa dân tộc mà càng trở về với dân tộc. Đây chính là một nghịch lý vốn đã được chứng minh ở các nước châu Âu, nay đến phương Đông vẫn đúng. Nhìn vào học thuật (học thuật với nghĩa cái phần tự ý thức của dân tộc): chỉ từ thế kỷ 20, chúng ta mới có những sự kiểm kê di sản nghiêm túc để rồi làm nên những bộ sách cơ bản Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim), Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh), Văn minh Việt Nam (Nguyễn Văn Huyên), Việt Nam văn học sử yếu (Dương Quảng Hàm). Điều này càng thấy rõ hơn trong sáng tác thơ văn. Trong việc tạo ra mối thân tình với con người, văn học tiền chiến có một sự gần gũi hơn hẳn so với văn học cổ điển. Điều đó một phần là nhờ ở cái bút pháp tả thực mà các nhà văn lúc này có được qua học hỏi nguyên tắc sáng tác khoa học của văn học phương Tây. Họ viết ngay về cảnh vật làng xóm quê hương cũng như các thành thị mới hình thành. Họ viết ngay về những con người họ gặp hàng ngày.


Ở chỗ này Nguyễn Tuân cũng là một minh chứng đắc lực. Trong khi nét đặc sắc của nhiều nhà văn tiền chiến xuất sắc là phong cảnh con người nông thôn thì Nguyễn Tuân tập trung nhiều hơn vào đời sống thị thành từ Hà Nội tới Hải Phòng Hòn Gai. Rồi theo bước chân của Nguyễn, chúng ta còn có dịp đến với Huế, Cửa Đại và vào tận Sài Gòn. Có thể nói, trước 1945, không có một nhà văn nào làm được cái việc có mặt trên khắp ba miền đất nước và sống với nhiều miền quê, nhiều đô thị như ông Nguyễn. Người ta không thể chăm chú cực tả phong cảnh một vùng đất nước nếu người ta không yêu. Tình yêu của Nguyễn Tuân lại hai lần độc đáo vì đó không phải là sự luyến tiếc quá khứ mà là tình yêu một quê hương đã đổi mới trong xu thế của một xã hội công nghiệp.

"Lạ hóa" những gì quen thuộc

Người ta thường lên án cái việc ham đi nơi Nguyễn cũng như Bạch, xem đó là một hành động hưởng thụ cá nhân của kẻ vô công rồi nghề. Nhưng mọi chuyện có thể được nghĩ khác. Quê hương là cả đất nước chứ không phải cái xóm nhỏ đầu làng; ham xê dịch chẳng những không phải là xấu mà nên coi là một thói quen cần được khuyến khích.

Xê dịch một cách lành mạnh như Bạch còn mang lại cho nhân vật cả những mới mẻ trong cách nghĩ. Bạch thường lấy quan niệm về sự xê dịch làm tiêu chuẩn gốc để đánh giá con người. Từ đó, Bạch tỏ ra đặc biệt dị ứng với thói quẩn quanh xó nhà ở những người bình thường. Đi với người dân thường là một điều khốn cực, là một cục gạch ném vào hạnh phúc, và cái đời yên nhàn. Về việc đi, trong ngôn ngữ dân gian có những thành ngữ đê tiện, đại để như những câu "Sểnh nhà ra thất nghiệp", "ăn mày xuất tàu", "chạy tiền ăn đường". Người động ra tàu là có bao nhiêu người than khóc ầm lên chạy theo như chạy theo linh cữu… Thói ngại đi của người Việt được Bạch "gọi mặt chỉ tên" không thương tiếc như vậy. Cách nói có phần quá quắt. Nhưng đằng sau đó là gì nếu không phải là tình yêu tha thiết với đồng bào xứ sở, muốn cho người mình xứ mình tiến nhanh lên để đạt tới nếp sống nếp nghĩ hiện đại.

Từ chuyện xê dịch nhìn rộng ra, con người xem xét đánh giá lại tất cả. Có chỗ, một nhân vật trong Thiếu quê hương bảo: xứ mình tẻ lắm ngài nhỉ; có chỗ nhân vật khác lại thoáng nghĩ đại khái trình độ đương thời là trình độ bán khai. Đến Hòn Gai, Bạch thấy ở đây đất đen mà lòng người thì trắng. Ở Hải Phòng, Bạch thấy "cái gì mà người ta sống như ăn cướp và nhà gạch mọi phố thì cái nào cũng giống cái nào". Trong một đoạn văn ngắn ở cuối sách, dự một buổi việc làng Bạch đã nhận ngay ra chân tướng những người nông dân, vừa tham lam vừa thiển cận, lúc ngồi giữa đám đông bài bây làm bậy đấy rồi lại khóc lóc hèn hạ ngay đấy.


Cùng phụ họa với Bạch, nhân vật Hòa cũng thấy chung quanh quá tầm thường. Đây là một đoạn Hòa nghĩ khi đi bên cạnh Bạch:


"Nàng ngắm mình, ngắm trộm Bạch, tự cảm thấy rằng hôm nay có hai người đại lữ khách đang đi qua thành phố Hà Nội nhỏ bé. Một nỗi kiêu căng ngập lòng Hoà, tràn lan ra ngoài. Rồi nàng lại chỉ muốn làm một cô gái rất bé nhỏ bên cạnh một người anh tên là Bạch rất ngang tàng trong điềm đạm đang có bước đi bộ bất chấp cả đến tất cả chung quanh, từ một cái ôtô rẽ ngoặt bóp liền hai ba thứ còi cho đến một cái tàu điện lù lù và nghênh ngang mãi ở giữa phố. Không hiểu anh Bạch anh ấy đang nghĩ gì chứ trong lòng Hoà thì Hoà thấy khinh bỉ Hà Nội quá chừng. Hà Nội trông xấu quá. Có đi sang đến bên kia một cái cái bờ Thái Bình Dương rồi khi trở về mới thấy cái kinh thành sinh trưởng của mình là bủn xỉn" (cuối chương 28).


Để hiểu cái tâm lý thúc đẩy một ngòi bút sáng suốt như Nguyễn Tuân viết ra những đoạn văn như thế này, chúng tôi muốn tham khảo cách nhìn một nhà văn đầu thế kỷ XXI.


Vidiahar S. Naipaul đoạt giải Nobel Văn chương 2001. Ông viết bằng tiếng Anh mặc dù vốn là người Trinidad, một hòn đảo nhỏ trên Ấn Độ Dương. Đây là một đoạn ông trả lời phỏng vấn:


Hỏi:
Trong lời đáp từ sau khi nhận giải Nobel, ông đã cảm ơn nước Anh ngôi nhà của tôi và Ấn Độ đất nước của tổ tiên ông. Vì sao ông không nhắc tới Trinidad, nơi ông sinh ra và sống đến 18 tuổi, và cũng là nơi tạo hậu cảnh như những tiểu thuyết đầu tiên của ông?


Trả lời
: Vì sao tôi lại phải làm điều đó. Những cuốn sách đó là do tôi viết, chứ không phải Trinidad.... Trinidad chỉ là nơi cung cấp tư liệu cho tôi. Nếu không có nước Anh tôi cũng không thể hiểu được những gì mà tôi đã trải nghiệm tại Trinidad. Ở đó người ta không được học gì về nguồn gốc lịch sử của hòn đảo này.


Ở nhiều nước cũng vậy mà ở ta cũng vậy, lòng yêu nước thường có hai nghĩa chính: một là lòng yêu những gì thuộc về làng xóm quê hương với nghĩa một không gian hẹp. Và hai là lòng căm thù những thế lực ngoại bang đến xâm lược đất nước. (Bởi hiểu như thế nên giờ đây người ta thường chỉ tìm thấy lòng yêu nước rõ rệt trong văn học Việt Nam từ 1932 về trước. Còn đối với văn học tiền chiến, mặc dầu coi đây là một giai đoạn chín đẹp bậc nhất của văn học dân tộc, song khía cạnh này ít được nói tới). Câu chuyện của Naipaul cho thấy những gì đã xảy ra trong tâm lý con người hiện đại. Tính công dân thế giới mang lại cho họ một cách suy nghĩ mới. Và bởi lẽ Naipaul được tặng giải Nobel nên có thể nghĩ đây là cách nghĩ được thế giới đương đại chấp nhận.Về phần Nguyễn Tuân, thời ấy mà ông đã có được cái cách nghĩ tương tự. Khả năng tự ý thức chính xác về mình, về cộng đồng mình, kèm theo đó là óc phê phán, là một cái gì đến nay chúng ta vẫn phải bảo nhau bồi đắp.


Hai cách đóng góp của hai mảng văn học lớn


Với tư cách là một sự kiện đóng vai trò chi phối lịch sử Việt Nam, công cuộc hiện đại hoá nửa đầu thế kỷ 20 được phản ánh thành hai mảng sáng tối khác nhau. Mảng thứ nhất là dòng của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng… Theo họ, hiện đại hoá làm hỏng xã hội, làm hỏng con người. Nó cần bị kết án. Đây là một thứ vô thức tập thể cùng lúc chi phối nhiều nhà văn lúc ấy. Trong khi đó, Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ mới toát lên một cách nhìn nhận có xu hướng khác. “Dịch" ra ngôn ngữ thông thường tức là hiện đại hoá là tốt là khiến cho xã hội và con người tốt hơn, cần được ca ngợi. Từ Xuân Diệu tới Hàn Mặc Tử, và ngay cả ở Nguyễn Bính nữa, người ta đều bắt gặp nỗi ham hố của con người muốn nhập vào những biến chuyển đang xảy ra trên thế giới rộng lớn và sẵn sàng sống khác với những gì hôm qua mình đã sống. Gọi họ là lãng mạn cũng được nhưng chớ nên quên đó là một thứ lãng mạn tích cực, và có ý nghĩa hiện thực, hiện thực trong việc nắm bắt cái tinh thần cơ bản của cuộc sống chứ không phải những chi tiết bé nhỏ lặt vặt. Cách nhìn của Nguyễn Tuân là một bộ phận tiếp tục của cái mảng thứ hai này.

Trong Vang bóng một thời, lần đầu tiên quá khứ của xã hội Việt Nam được xem xét và ghi chép từ một cái nhìn hiện đại. Quá khứ có đẹp nhưng là một vẻ đẹp tàn tạ, một vẻ đẹp một đi không trở lại. Còn trong Thiếu quê hương và các tùy bút, trước mắt chúng ta là một cuộc sống đang phát triển với tất cả cái năng động có thể có của một cuộc vận động hợp quy luật. Tác phẩm có sự vượt lên lối mòn bảo thủ để khai thông về mặt tư tưởng.


Cố nhiên, đọc xong Thiếu quê hương cảm giác còn lại trong nhiều người có thể là những ngổn ngang dang dở. Dang dở trong xã hội: dù có sự vận động tiến lên, bóng tối của quá khứ còn dầy đặc. Dang dở trong kiếp người, các nhân vật chính vừa là cũ vừa mới, mọi thứ ở họ chồng chéo lên nhau, chẳng cái gì thắng mà cũng chẳng cái gì thua. Đoạn cuối Thiếu quê hương gợi ra cảm giác của một sự bế tắc, hình như viết đến đấy, tác giả không biết cho câu chuyện kết thúc ra làm sao, đành gượng gạo cài vào một tình thế bất ngờ rồi viết quấy quá vài câu cho xong. Nhưng đây không phải chỉ là vấn đề của nghệ thuật. Sự bế tắc ở đây có nguyên nhân sâu xa là ở tình thế của xã hội. Xã hội không cung cấp giải pháp cho câu chuyện. Nhưng khách quan mà xét điều này một lần nữa lại xác minh cái nhận xét của chúng tôi rằng đằng sau câu chuyện xê dịch, Thiếu quê hương đã phác họa khá chính xác chân dung con người thời đại. Nguyễn Tuân rất hiểu xứ sở của mình, và tác phẩm của ông là một bằng chứng mà người ta còn có thể khai thác khi muốn tìm hiểu xã hội trước1945, từ đó mà tìm hiểu cái quá trình lớn diễn ra trên đất nước này trong cả thế kỷ 20. Tôi muốn nói rằng nay là lúc bạn đọc chúng ta nên đọc lại Nguyễn Tuân tiền chiến; trong thời điểm của không khí giải phóng được mở ra từ thời mở cửa, chúng ta sẽ thoát khỏi những định kiến mấy chục năm nay về tác giả để tìm thấy sự gần gũi dễ dàng với các nhân vật và nhận ra sâu xa đâu là đóng góp của nhà văn trong việc ghi chép lịch sử.


Nguồn: Văn Nghệ, số 2/2006, ra ngày 14/1/06, có một số đoạn mới bổ sung.

Nguồn:eVan
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Định nghĩa về cái đẹp

    20/08/2017Hầu hết những người cố gắng định nghĩa cái đẹp đều nhất trí rằng nó dính dáng đến sự đáp ứng của ý thích. Chúng ta gọi một cái gì đó là đẹp khi nó làm chúng ta vui thích hay hài lòng ở một phương diện đặc biệt nào đó. Nhưng cái gì gây nên sự đáp ứng này từ phía chúng ta? Nó có phải là cái gì trong chính bản thân đối tượng ...
  • Vị nhân sinh đúng hay sai?

    04/10/2016Đỗ Kiên CườngXin mọi người đọc thuật kỹ và thật bình tâm, đặt một ấm nước, lúc đọc xong là lúc nước sôi, pha bình trà, uống và ngẫm nghĩ về người Mỹ, về quan điểm đạo đức xem nó ra răng...
  • J.P.Sartre và câu hỏi: Văn học là gì?

    01/08/2016Thanh ThảoLà một nhà văn tự do và dấn thân, Sartre đã gắn kết hai khái niệm tưởng chừng mâu thuẫn này vào mục đích sáng tạo của nhà văn, bởi người ta có thể hỏi vặn: tự do đôi khi là từ chối dấn thân, và ngược lại, dấn thân có khi là mất tự do?
  • Cái đẹp trong mắt ai

    08/03/2016Phan Cẩm ThượngKhi ứng xử xã hội trở nên thực dụng, thì thẩm mỹ cũng mang tính thực dụng như một thứ thị hiếu trọc phú... Nhưng đã là muộn bởi “Giáo dục thẩm mỹ lại không thể làm từ thấp đến cao, mà phải dạy cao ngay từ đầu”...
  • Lý tưởng xã hội và người viết trẻ

    25/01/2015Hồ Sĩ VịnhTrong xã hội ta hôm nay, thường có một thiên kiến dai dẳng: Tuổi trẻ đồng nghĩa với sự non dại, non dại đến độ vấp ngã. Một bộ phận cha anh thường nhìn họ với cặp mắt hoài nghi và tâm trạng bất an. Đó là một sự thật, dù nghiệt ngã. Thế mà trong văn học, tình hình lại khác. Hầu hết các tác phẩm của các nhà văn bậc thầy đều được sáng tạo ở tuổi 25-35. Ma lực sáng tạo, điện năng văn chương của họ hình như được tích tụ và phát sáng ở thập niên đầu tiên của nghề cầm bút ở nước ta cũng có tình hình tương tự...
  • Cái đẹp muôn hình muôn vẻ

    10/11/2014Văn NgọcTạo hóa (hay Nghệ thuật?) oai oăm thay, bày đặt ra cái đẹp, nhưng lại không cho biết cái chìa khóa của nó nằm ở đâu, sự vận động của nó như thế nào? Vậy thì trước tiên, ta cần xem xét xem ý niệm đẹp từ đâu mà có và làm sao nắm bắt được nó?
  • Thẩm mỹ

    15/10/2014Nguyễn Trần BạtNói đến thẩm mỹ không thể không nói đến khái niệm cái đẹp. Nhưng đó là một câu hỏi làm đau đầu biết bao nhiêu nhà triết học thuộc đủ mọi quốc gia, sống ở mọi thời đại trong lịch sử...
  • Ðề tài hay không đề tài?

    26/01/2006Vũ LâmThực tế sáng tác hiện nay đặt cho chúng ta một câu hỏi: đề tài cần thiết hơn hay tài năng và trách nhiệm của người nghệ sĩ cần thiết hơn...
  • Hãy làm ra sản phẩm văn chương tốt

    20/01/2006Phan ViệtThường các nhà văn có hai cách cơ bản để thể hiện trách nhiệm của mình với thời cuộc. Cách thứ nhất là cách trực tiếp, không chỉ viết mà còn tích cực tham gia các phong trào chính trị, xã hội đến mức có người bị trục xuất khỏi tổ quốc. Cách thứ hai là gián tiếp dùng văn chương của mình để nói về những bất công trong xã hội, về những người bị thiệt thòi, vẽ ra cơ chế đàn áp thể xác và tinh thần con người, thách thức những điều kiện và niềm tin chung...
  • Về tính duy nhất của nghệ thuật

    12/01/2006Bình NguyênTôi hằng tin mỗi tác phẩm nghệ thuật đều hàm chứa tính duy nhất, dù cho đôi khi chúng có sự trùng lặp nhau ở mức độ cao. Mỗi sáng tạo là duy nhất, mãi mãi duy nhất. Cái duy nhất này tự nhiên, nó toát ra từ giá trị cốt lõi của tác phẩm không phải từ những bồi đắp bề ngoài.
  • Cái đẹp nghệ thuật và đời sống xã hội

    05/01/2006Vũ Minh TâmTrong thực thể đẹp nghệ thuật dường như có tất cả mà cũng như không có riêng về một mặt nào của đời thực: quan hệ kinh tế - xã hội, chính trị, triết học, văn hóa, đạo đức, khoa học, nhân cách, lối sống và lời ăn tiếng nói, sự nghiệp vĩ đại và đời thường nhỏ nhặt, thế giới bên trong và mặt cắt bên ngoài, cá nhân và cộng đồng, xưa, nay và mai sau...
  • Làm gì để có tác phẩm ngang tầm thời đại?

    02/12/2005Lê Quý KỳCâu hỏi này được đặt ra từ nhiều năm nay và gần đây trở thành chủ đề chính của nhiều cuộc gặp gỡ, hội thảo lớn do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Trăn trở thì nhiều, nhưng câu trả lời dường như còn nằm đâu ở phía trước, rất xa. Tại sao?
  • Trực diện với Văn học Việt Nam thế kỷ XX

    01/12/2005Nguyễn HoàBị hấp dẫn bởi tên gọi Văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đọc cuốn sách với hy vọng được mở mang tầm nhìn, được bổ sung tri thức, được giúp lý giải các hiện tượng, các vấn đề lý luận - thực tiễn của văn chương - văn học dân tộc trong thế kỷ XX. Tiếc thay càng đọc thì nỗi thất vọng lại càng lớn dần...
  • Văn học thời đổi mới

    23/11/2005Lê Quý Kỳ
  • Chân - thiện - mỹ: Mãi là đích hướng tới của văn chương

    17/11/2005Đinh Quang TốnTừ xưa đến nay, hướng tới chân - thiện - mỹ luôn là mục đích của văn chương. Bởi văn chương là một sản phẩm do con người tạo ra, mà con người thì khác muôn loài ở bản chất muốn vươn tới những điều tốt đẹp, nên văn chương luôn là một hoạt động vì con người, với khát vọng làm cho cuộc sống của con người ngày một tốt đẹp hơn...
  • Tiểu thuyết: Khoảng cách giữa khát vọng và khả năng thực tế

    24/10/2005Nguyễn HòaMở đầu Diễn đàn "tiểu thuyết Việt nam đang ở đâu", chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa...
  • Viết để làm gì ?

    17/08/2005Sartre, Jean-Paul (Nguyên Ngọc dịch)Mỗi người có lý do riêng của mình: với người này, nghệ thuật là một cuộc chạy trốn; với người kia, một phương cách chinh phục. Nhưng người ta có thể trốn vào một nơi cô tịch, vào đam mê, vào cái chết; người ta có thể chinh phục bằng vũ khí. Tại sao phải đích thị là viết, làm những cuộc trốn chạy của mình bằng cái viết?
  • Tại sao tôi đọc tiểu thuyết

    03/08/2005MoonfishVới tôi văn học và điện ảnh gần gũi nhau lắm, nên tôi mạo muội gửi vào đây bài "Tại sao tôi đọc tiểu thuyết", nếu sửa lại là "Tại sao tôi xem phim" có lẽ cũng được.
  • Bản chất của nghệ thuật có giống với kỹ năng không?

    21/07/2005Một lúc nào đó trong thế kỷ 19, từ “nghệ thuật” bắt đầu được dùng chủ yếu cho một loại hình nghệ thuật – cái gọi là “nghệ thuật tạo hình”. Người Hy Lạp và La Mã cổ đại không loại trừ những ngành như điêu khắc, âm nhạc, và thi ca khỏi danh sách các nghệ thuật của họ, nhưng họ cũng không tuyên dương những ngành nghệ thuật này như nghệ thuật tới mức loại bỏ hết mọi sự tạo tác khác của con người.
  • xem toàn bộ

Nội dung khác