Tìm về văn hóa để hiểu hôm nay
"Nhân nào quả ấy" là một tập phiếm luận về văn hóa đương thời tổng hợp các bài viết ngắn của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn.
Ông đặt câu hỏi về tầm vóc văn hóa hay đúng hơn là sự thiếu văn hóa ẩn hiện đằng sau nhiều hiện tượng gây nhức nhối trong xã hội Việt Nam thời nay.
Đó là những tệ nạn từ hàng giả, chùa miếu giả, thói vô ý thức trong giao thông, tính sĩ hão trong giao tiếp, sự lộn xộn trong tiếng Việt hiện đại đến cách sống hời hợt, qua quít.
Theo ông, chừng nào chưa nhận ra bản chất của chính mình thì con người và xã hội Việt Nam còn khó mà sự sửa đổi để hội nhập với thế giới.
Vương Trí Nhàn: Các hiện tượng xã hội hiện nay ít được nhìn theo khía cạnh văn hóa. Ví dụ, hiện tượng PMU 18 gần đây, các báo phân tích chủ yếu về khía cạnh quản lý, pháp luật…Trong khi đó, tôi nghĩ rất cần có thêm cái nhìn về mối quan hệ giữa con người và tham nhũng, họ có suy nghĩ gì, họ là một kiểu người mới ra làm sao trong xã hội hiện nay. Những người như Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến…cũng có những quan niệm, triết lý sống của họ, và những cái đó thúc đẩy họ có những hành động như đã xảy ra.
Hiện nay, ngoài những hiện tượng có thể gọi là lớn, gây ấn tượng mạnh tức thời, thì ngay trong đời thường, có nhiều điều cần được quan sát, ghi chép và giải thích dưới góc độ văn hóa. Tôi rất thích đi vào những vấn đề như cái thật – giả, hay một chuyện giản dị như tiếng cười của con người hôm nay. Tiếng cười, tôi thấy nhiều lúc rất hời hợt, giả tạo.
Có nhiều vấn đề văn hóa hiện nay mà con người ít quan tâm, nhưng chúng đang chi phối đời sống, khiến chúng ta khó vươn tới một xã hội văn minh, hiện đại.
BBC: Trong một bài phiếm luận, ông có nói là cần thêm chất trí tuệ cho tiếng cười hiện nay. Vì sao lại thế?
Trong đời sống xã hội hiện nay, người bình thường rất hay cười. Mới đây có bài báo ghi nhận rằng người ta đang muốn “hài hóa” cải lương, một thể loại vốn bi lụy. Cái hiện tượng “làm gì cũng cười” trong xã hội bây giờ, theo tôi, phản ánh sự dễ dãi, hời hợt trong quan niệm, việc gì cũng có thể bỏ qua hay bằng lòng với nó. Đối xử với nhau, thì như một bài khác của tôi có nói, là diễn nhiều hơn thật.
Quan hệ giữa người với người hiện nay, theo tôi, nhiều khi không chặt chẽ, sòng phẳng rõ ràng. Nhiều người hiện nay cứ nói “chúng ta nên cười đi, cười cho thoải mái, vui vẻ,” và sinh hoạt trong cộng đồng hiện nay, theo tôi, thiếu một sự suy nghĩ, đào sâu vào các việc.
BBC:Nhưng một thời gian dài chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, trong đời sống xã hội thì có nhiều đè nén, khiến người ta khóc nhiều rồi. Phải chăng cái sự cười vô tư hiện nay cũng có lý do?
Hiện tượng này đang được xem là tự nhiên hiện nay. Nụ cười nhiều lúc trở thành sự tự vệ. Có thể số đông là như thế, nhưng phải có một thiểu số trí thức, tinh hoa suy nghĩ sâu sắc hơn. Mà tôi cho rằng dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, con người cũng không thể vô cảm với đời sống.
Nếu bảo là khóc theo cái nghĩa là bi quan, thì không phải; nhưng khóc theo cái nghĩa biết đau, muốn vượt qua hoàn cảnh, thì cái đó không bao giờ thừa.
Nếu cái cười ngày càng ăn sâu vào sự suy nghĩ thì đó mới là lảng tránh hiện thực, và nó sẽ góp phần kiềm hãm con người trong phát triển.
BBC:Nguyên nhân là do đâu? Trong sách của ông nhắc đến thời phong kiến, thực dân và sau này giai đoạn xây dựng XHCN. Vậy hóa ra lịch sử Việt Nam cứ vẫn như vậy?
Lịch sử có rất nhiều điều lặp lại. Vào những ngày VN ồn ào vụ PMU 18, tôi đọc lại lịch sử, thời chúa Trịnh thì thấy hồi ấy cũng loạn lắm. Cũng mua quan bán chức, các bên thừa hiểu rằng sau khi mua xong, thì vị quan kia sẽ thả cửa kiếm chác để hoàn vốn. Tình trạng thi cử giả tạo cũng đã xảy ra.
Một điều mà tôi e rằng hiện nay hơi thiếu là nhìn lại lịch sử. Quanh lịch sử, người Việt nhiều khi chỉ nghĩ đến những trang hào hùng thôi, mà quên đi những trang rất đau đớn. Ví dụ sau thời gian chống quân Nguyên, đất nước cũng rời rã, khó khăn, chứ chưa nói thời vua Lê chúa Trịnh thì tan nát rồi. Tôi thấy sự liên tục của lịch sử là điều rất cần được nhắc nhở để chúng ta không đặt mình ra ngoài lịch sử.
Nếu ta đặt mình bên trong lịch sử, thì sẽ hiểu hơn chúng ta ngày hôm nay, để tìm được động cơ vượt qua những khó khăn.
BBC:Trong các bài viết, ông cũng cho rằng người Việt, khi tiếp nhận các ảnh hưởng từ bên ngoài, thường không đến đầu đến đũa?
Có cuốn sách đã nhắc Việt Nam như là một trong 38 nền văn minh còn tồn tại, nhưng họ quên một điều là Việt Nam còn là một nền văn hóa vệ tinh. Văn hóa Việt Nam cũng được nói là vùng phi Hoa phi Ấn, tức là vùng giáp ranh. Mà theo tôi, những nước ở trong trường hợp này thường mang yếu tố bảo thủ.
Theo tôi, nên tìm cả trong lịch sử Việt Nam để hiểu về quan hệ giữa người bản địa và người nhập cư, hay việc người Việt Nam ít đi ra nước ngoài. Cái tâm lý ngần ngại khi bỏ làng, bỏ quê tạo ra cái bảo thủ trong việc tiếp nhận ảnh hưởng nước ngoài. Không có cái tinh, cái sáng, cái khôn ngoan trong tiếp nhận, và như thế, cản trở chúng ta trong việc hội nhập với thế giới.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn