Cuộc chia tay còn dang dở
Bây giờ, hội thảo nhiều lắm và tường thuật về hội thảo cũng nhiều, những bài tường thuật chung chung nhạt nhẽo khiến người đọc chúng tôi liếc qua là bỏ sang mục khác. Nhưng tôi đã phải dừng lại khá lâu trước bài “Bao giờ Hà Nội “xuất khẩu”... thanh lịch"
Giã từ ảo tưởng
Người ta thường nói trong một lá thư thì mấy câu tái bút được đọc kỹ nhất. Với các bài báo cũng vậy, một thói quen phổ biến của nhiều người khi đọc báo là bập ngay vào cái đoạn đóng khung đặt ở giữa bài hoặc cuối bài.
Như trong trường hợp bài tường thuật nói trên của N.M.Hà: Chỉ liếc qua đoạn trích lấy ra từ tổng thuật hội thảo, chúng tôi đã gặp một cái gì khác thường. Một thói quen đã ăn vào máu chúng ta là viết cái gì cũng rào đón, che chắn, tự làm nhòe ý kiến của mình đi bằng cách pha phách một tí “ưu” một tí “khuyết” (rồi “ưu” tất nhiên phải nhiều hơn “khuyết”), rút cục chả nói được điều gì rõ rệt.
Đằng này đoạn đóng khung ở đây dành hẳn để nói về khuyết tật của đối tượng được mang ra bàn bạc là người Hà Nội.Và sau này đọc ngược lên cả bài, chúng tôi cũng bắt gặp tinh thần ấy. Nghĩ cho kỹ lại còn có thể nói những khuyết tật được liệt kê ra ở đây toàn thuộc loại “chết người” nữa.
Chẳng hạn hai người tham gia hội thảo nêu rõ rằng phố xá Hà Nội ngày xưa so với ngày nay sạch sẽ yên tĩnh hơn nhiều, người Hà Nội ngày trước hồn hậu hơn người Hà Nội hiện nay mà cách đối xử với người nước ngoài cũng thân thiện hơn.
Chúng tôi đọc được trong các so sánh loại này một cái ý ngầm mọi người muốn nói mà không tiện nói ra: Trong thời gian, Hà Nội quả là đang chịu một bước lùi rõ rệt, mà cái điều gọi bằng lùi, dở đi kém đi đây là ở cái tinh thần căn bản của đời sống chứ không phải ở những biểu hiện bề ngoài dễ xuê xoa và đánh trống lảng.
Có thể có người phản bác: Bài viết của N.M.Hà không phản ánh đúng những điều mọi người nói ra trong hội nghị. Nghĩa là những lời lẽ thuộc loại khen lấy lệ, vuốt ve, khoe tài khoe giỏi… sẽ nhiều hơn những nhận xét nói trên.
Nhưng trong ngôn từ luôn luôn người ta có thể đọc ra đâu là những lời nói suông, nói cho phải phép và những lời tâm huyết xuất phát từ tinh thần trách nhiệm cùng khả năng suy nghĩ một cách sâu sắc. Chính vì như vậy mà có thể coi bài của N.M.Hà như một tấm ảnh bắt trúng được cái phần xuất thần của cuộc hội thảo.
Bởi lẽ những nhân vật phát biểu ở đây đều là tai mắt của giới văn hoá Thủ đô, chúng tôi muốn gọi đây là một bước tiến trong tự nhận thức của người Hà Nội. Một thời gian dài, chúng ta sống trong ảo tưởng về mình.
Nay Hà Nội đã thức tỉnh. Lòng yêu mến tự trọng biến thành cái nhìn sáng suốt, dám nhìn thẳng vào mình, dám nói rõ những yếu kém khuyết tật của mình. Đấy chính là bước đầu để nâng mình lên cho đúng với tầm vóc Hà Nội - nó là cái cách mà do nhiều người thích nói, nên đã có phần sáo mòn, song không phải là không có lý.
Cuộc chia tay còn dang dở
“Quả là một sự khó khăn trong quan hệ giữa người với người ở Hà Nội”, đó là nhận xét của một người Nhật sống ở Hà Nội hai năm liền và được N.M. Hà dùng làm câu kết cho bài viết của mình. Tôi cho rằng đây mới là đầu mối chính mà những ai quan tâm tới Hà Nội hôm nay muốn bàn bạc. Theo ý nghĩa đó, cuộc hội thảo phải đi vào xem xét mọi mặt văn hóa sống của người Hà Nội hôm nay.
Nhưng chúng ta lại mới có một cuộc hội thảo mang tên “Người Hà Nội thanh lịch văn minh” mà chữ thanh lịch quan trọng hơn thì lấy ra từ câu ca dao “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Chỉ qua mười bốn chữ được dùng ở đây, đã có thể đọc ra khá nhiều điều “tế nhị”:
1/ Trước tiên lối gọi mình là Tràng An đã ghi nhận một mặc cảm không hay của Hà Nội và tôi rất đồng tình với một ý kiến được nêu trong hội thảo là không nên dùng câu đó nữa. Đây là điều nhiều người như chúng tôi muốn nói mà chưa có dịp nói.
2/ Nói Chẳng thơm cũng thể hoa nhài là một lối cãi lấy được. Bông hoa cần thơm mà chẳng thơm thì còn có nghĩa lý gì nữa? Chẳng qua đây chỉ là một cách người ta vẫn gọi là tự tin không có cơ sở, hoặc bám lấy cái danh hão. Cũng tương tự như vậy khi đã đánh mất sự thanh lịch cần thiết mà còn lấy cái mác người thủ đô ra dọa thiên hạ thì thật vô lối. Tôi ngờ rằng chính đây là khẩu khí của nhóm dân mới nhập cư về Thủ đô ít ngày dọa đồng hương ở nhà quê, chứ người Hà Nội chân chính không có lối khoe trắng trợn như thế.
3/ Nói tới niềm tự hào làm người mà chỉ nói tới sự thanh lịch là còn quá đơn giản nếu không muốn nói là sai lệch phiến diện. Một bát canh mà chỉ có mùi thơm và cái vẻ màu mỡ có thể làm cho người ta vui mắt, chứ thật ra chẳng quý báu gì.
Bởi nó thiếu cái chất bổ dưỡng cần thiết. Cũng tương tự như vậy, khi nhấn mạnh cái sự thanh cao lịch thiệp như một phong cách, người xưa đã có phần lấy phụ bỏ chính, quá xem trọng bề ngoài mà quên thực chất (trong giới nghiên cứu văn học người ta gọi một nhà văn như thế là không có tư tưởng mà chỉ có phong cách; còn dân gian thì nói toẹt ra rằng “Tinh chẳng có lại có tướng”).
Trở lại với cuộc hội thảo:
- Đến bây giờ mà hai chữ thanh lịch vẫn được nêu lên như một tiêu đề không gì thay thế được.
- Chẳng những thế lại có những người cố gò hai chữ thanh lịch vào cái nhiệm vụ trọng đại là mang đến giàu có, từ đó mang ra xuất khẩu trên thị trường quốc tế, trong nguyên văn bài báo N.M. Hà dẫn là “phải thanh lịch hoá ít nhất ở Đông nam Á” (nếu tôi không nhầm thì ở đây nghe phảng phất cái mùi vị “về văn hoá chúng ta bao giờ cũng là nước dẫn đầu trong khu vực” đã quá lỗi thời).
Chính đó là lý do khiến chúng tôi muốn mạnh bạo mà nói rằng cuộc chia tay với ảo tưởng của chúng ta mới là cuộc chia tay dang dở và còn phải làm rất nhiều để người Hà Nội có sự tự nhận thức tức có sự đánh giá đúng về mình, từ đó hình dung ra con người mà mình phải trở thành.
Để kết luận, tôi muốn đề nghị cuộc trao đổi về đời sống văn hóa của người Hà Nội tiếp tục được diễn ra trên mặt báo. Trong trường hợp đó, những ý kiến được nêu ra từ cuộc hội thảo cũng như trong bài viết này chỉ được xem như một ít gợi ý sơ bộ, và chúng tôi sẽ rất sung sướng nếu được chứng minh một cách thuyết phục là mình đã nghĩ sai.
Dẫu sao cũng cám ơn rất nhiều những người tham gia hội thảo và người viết tường thuật!
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu