Lý do kinh tế và di hại đạo đức
Trong sự bê bối về giáo dục hiện thời, ai cũng thấy là lỗi trước tiên thuộc về những người quản lý và hoạch định chính sách. Nhưng chẳng nhẽ những người lên bục giảng vô can chăng? Vậy thì lỗi của các thầy ở đâu? Tại sao không người trong cuộc nào lên tiếng?
Do nghề nghiệp của mình tôi cũng có dịp làm quen với một số giáo sư, tiến sĩ, và có hiểu phần nào tâm trạng của họ. Dưới đây tôi thử trình bày một khía cạnh cụ thể dẫn tới sự hư hỏng của một số người trong đội ngũ những người dạy học thời nay. Cách làm của tôi là xác định vai trò của sự kiếm sống trong đời sống hàng ngày của mỗi người, kể cả các vị gọi là trí thức. Tức là thử trình bày giáo dục ở khía cạnh ý nghĩa kinh tế, và tạm bịa ra một thuật ngữ là kinh tế học tâm lý nhà giáo.
Từ nhiều năm nay, anh Ng. tôi quen thường xuyên phải làm việc hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, bởi trong chuyên ngành nghiên cứu văn học, anh thuộc loại đầu đàn. Thời gian đầu, mỗi khi gặp nhau anh rất hay đả động tới chuyện này. Luôn luôn anh nhăn nhó và kể với tôi là các ông bà tiến sĩ tương lai ấy buồn cười lắm. Việc học ở ta, từ lớp dưới, vốn đã rất yếu nên sau mười mấy năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, mang tiếng là đã xong đại học mà nhiều khi “chẳng hiểu nếp tẻ gì cả” (trong ngôn ngữ hàng ngày, Ng. thường thích thậm xưng một chút như vậy). Nhưng họ muốn đạt tới bằng cấp bằng mọi giá. Thế là hình thành nên một nhu cầu mà những người như Ng. phải lấp đầy. Ng. làm mà vẫn ngại, vừa làm vừa chán chường. “Nhiều khi phải tự nhủ là mình đang làm những việc chả dây dưa gì đến văn chương thì mới dám tiếp tục” - anh Ng. có lần tâm sự.
Nhiều năm đã trôi qua, mọi chuyện hầu như không có gì thay đổi nếu không muốn nói cứ đuối dần đi nữa. Tôi hiểu như vậy, khi thấy dạo này Ng. ít nói tới chuyện đào tạo. Đáng lẽ phải im lặng mà chịu đựng thì chính tôi lại có lần máy mồm trở lại hỏi :
- Thế sao anh vẫn tiếp tục nhận hướng dẫn?
- Đây là việc nhà trường giao cho, từ chối sao tiện? Hàng năm từ trên bộ đã có chỉ tiêu là phải đào tạo từng này từng kia người.
- ...
- Với lại không mình hướng dẫn thì người khác hướng dẫn. Guồng máy chung nó chạy theo hướng nó, mình có đi ngược lại cũng vô ích.
Ng. không nói tiếp nhưng tôi dần hiểu. Và tôi chợt nhớ ra những lời đồn đại của mọi người chung quanh về khía cạnh chính của vấn đề. Là không vất vả như luyện thi, nhưng công tác đào tạo trên đại học bây giờ cũng “vớ” lắm, học viên càng ở các tỉnh xa hoặc loại kém cỏi không biết gì càng nộp những phong bì nặng cho thầy. Không ai công bố con số cụ thể bao nhiêu, song người ta vẫn nói giăng giăng với nhau cả chỗ riêng tư lẫn chỗ đông người. Thảo nào, chẳng cần tinh ý gì lắm cũng có thể nhận ra sự thay đổi rõ rệt của Ng. Từ chỗ chê ỉ chê eo, anh đã hồn nhiên nhập cuộc. Bao nhiêu tài năng và nghị lực vốn có được anh đem dồn tất cả cho cái mục đích cụ thể mà người ta đã cột anh vào. Anh mang lại cho nó những ý nghĩa bất ngờ. Anh say sưa. Anh mê mải. Giờ đây có ai trong đám bạn bè tâm huyết lảng vảng định nói tới công tác hướng dẫn luận án, anh không bắt lời nữa. Khi nói xa khi nói gần, anh gợi cho người ta cảm tưởng đây là chuyện mâm cơm nhà anh, và thiên hạ sẽ bất lịch sự, nếu cứ nhìn vào đó một cách soi mói.
Không phải chỉ riêng những người làm ở nghề giáo dục rơi vào tình thế nói trên. Mà ở ngành nào, người ta cũng nghe những lời than thở và cách xử lý tương tự. Số phận của con người hiện đại là không có thời gian để nghĩ về hành động của mình mà chỉ có cách lao vào kiếm sống. Không có từ chối bổng lộc, không có từ chức. Lại càng không có xót xa ân hận, không có tự vấn lương tâm. Bởi vậy, trong bóng tối con người ta mới cứ đi mãi vào tội lỗi .
Sau khi xuất phát từ nhu cầu kinh tế để giải thích hành động, tôi muốn nói qua tới khía cạnh đạo đức của vấn đề. Các cụ xưa có hai tiếng “thất đức” để chỉ những việc làm di hại cho nhiều đời sau. Đối chiếu với công việc đào tạo của những người như Ng., dưới tay các anh - “mang thương hiệu Ng.” - đã có bao nhiêu tiến sĩ rởm. Những người càng kém chuyên môn càng giỏi xoay xỏa, leo trèo. Một số trong họ sẽ đóng những vai trò trọng yếu trong nghiên cứu khoa học và đào tạo các lớp người sau. Nói cách khác, lớp người có bằng cấp rởm sẽ đông lên theo cấp số nhân. Mà truy tìm cú hích đầu tiên, vẫn phải gọi tên của Ng. và những đồng sự của anh. Tôi rất ngại dùng chữ thất đức, nhưng chưa tìm ra chữ khác đích đáng hơn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015