Tính cách người Hà Nội
Chẳng rõ có phải vì mang thân là thủ đô tập quyền về đủ mọi mặt từ xưa đến nay (những đứt quãng không nhiều so với toàn cục) mà HN mặc nhiên được coi như là khuôn vàng thước ngọc cho các giá trị, nhất là văn hoá của đất nước. Cô gái đẹp thì ai cũng đồng ý là đẹp, nhưng được bầu làm hoa hậu thì khốn khổ, sẽ có ngay ý kiến bình luận liệu cô ấy đã xứng đáng chưa, hoa hậu thì phải trả lời ứng xử tốt nữa.
Một gia đình Hà Nội thanh lịch
.
Anh (chị) có yêu HN không? Anh chị quê không phải là HN? Anh chị có muốn làm người thành phố, hộ khẩu chính thức Thủ đô? Bấy nhiêu câu hỏi đó dễ có câu trả lời đồng ý nhất. Còn gì hay bằng một "chiều thu Hồ Tây, mặt nước vàng lay", tự hào là dân HN chính cống, hộ khẩu thường trú tại phường X, quận Hoàn Kiếm hay Ba Đình (tức là những quận nội thành có những khu dân cư chính cống từ thời Pháp), dạo bước thong dong và lơ đãng nhìn đám người còn lại chắc chắn sẽ có kẻ "nhà quê" hơn mình.
Nhưng hỏi tiếp: Anh chị "HN cỡ nào"? Nhưng HN nghĩa là sao, là "thanh lịch". Cắt nghĩa đi. Bây giờ ngồi nói chuyện "thanh lịch", người già lại chép miệng "Ở HN ngày xưa, người ta đàn bà ra đường bao giờ cũng mặc áo dài hoặc áo cánh nghiêm chỉnh, các ông toàn đóng bộ hoặc sơ-vin…". Các cụ nói cứ như chuyện trên Sao Hoả. HN là đây chứ đâu, mà đã hoá ra một thế giới khác, đầy ô trọc và phản phúc! Với tất cả, HN nghĩa là đối lập với nhà quê, là trật tự, là ngăn nắp, là tinh tế, là lịch sự, là những gì tốt đẹp.
Người HN đi đến đâu cũng thành ra "đại sứ văn hoá" và những bà con ngoại tỉnh chân đất mắt toét trông vào đó mà bảo "HN là thế đấy". Nhưng cũng như hoa hậu có lúc bị "thủng phông văn hoá" hay "ứng xử hụt hơi", thì trước trường hợp kết quả xấu, người ta phản ứng theo các cách:
- Người HN họ sống khó khăn lắm (nghĩa là không phải sống khổ sở mà kiểu khó chơi), mình "kính nhi viễn chi" thôi.
- Người HN bây giờ cư xử chả ra sao, không như ngày xưa. (Nhưng "ngày xưa" nào: thời bao cấp tem phiếu đi vắng nhờ hàng xóm giữ chìa khoá nhà hộ? Thời "tiền chiến" lãng mạn tóc thề thả gió lê thê? Hay thời toàn quốc kháng chiến "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh"?)
- Lãng mạn vẫn còn thì tự nhủ: "Chắc họ không phải người HN gốc, người HN thì khác…".
Được đề cao như thế, thu hút tinh hoa bốn phương về, nết ăn nết ở hun đúc và qua cọ xát hình thành nên tâm tính lối sống của riêng đất này; người ta sẽ hỏi: Người HN có những "đức tính" gì và đức tính nào là nổi trội nhất, là tiêu biểu cho một giá trị đạo đức tinh thần bất biến qua suốt chiều dài lịch sử cho dù tang thương dâu bể?
Địa chí xưa của các cụ nói về các vùng đất khá nhiều, có cả những lời bình luận về con người địa phương ấy, nhưng trong thời thịnh trị của phong kiến Đại Việt, phong cách sống của kinh kỳ hình như mờ nhạt so với các vùng Kinh Bắc hay châu Hoan, châu Ái chẳng hạn. Nhưng khi nền kinh tế công thương nghiệp tự do manh nha cùng những biến động của các triều đại sau khi triều Lê sơ suy thoái, Thăng Long được mô tả như là một mảnh đất lắm dị nhân, hào kiệt đổ về. Hôm nay ông võ sĩ Mạc Đăng Dung đã trở thành vua [1] , một ông chúa Chổm quỵt tiền hàng phố thoắt thành vua Lê [2] , ngày mai lại có bà chúa Chè [3]khuynh đảo cả đời sống kinh kỳ dù chỉ ở quanh quẩn trong phủ Chúa. Hay những mưu chước lường gạt thị thành kiểu mua voi giấy của Trạng Quỳnh (chuyện cười dân gian: Trạng Quỳnh chọc phá dân hàng Mã, đặt làm đàn voi giấy to bằng voi thật, gặp phải ngày mưa đi tong cả chì lẫn chài). Bà "quận chúa" dởm cho người hầu mua vàng phố hàng Bạc qua tuỳ bút của Phạm Đình Hổ (một đám người hầu khiêng cái kiệu che kín rất đẹp, vào hàng hỏi mua vàng bạc, bảo bà quận sẽ ngồi trong kiệu chờ để hầu mang đồ về hỏi nhà có ưng sẽ quay lại trả tiền, một lúc lâu thì tất cả đám hầu khiêng kiệu biến mất, nhà hàng ra lật rèm kiệu thì chỉ thấy một bà lão ăn mày mù) [4]. Hải Thượng Lãn Ông ra kinh đô chữa bệnh cho ấu chúa hôm trước hôm sau đã có ùn ùn tao nhân mặc khách đến xin hoạ thơ và nhờ xem thơ kết hợp khám bệnh [5] .
Dễ thấy là khi lấy Thăng Long làm trung tâm chính trị để thiết triều định đô, các triều đại luôn làm đúng bài bản để thu phục nhân tâm, nhưng vẫn thiết lập hành cung hay phiên bản kinh đô tại quê quán để làm "đất căn bản" và lỡ có biến thì "tính kế lâu dài" cho con cháu: hương Cổ Pháp, phủ Trường Yên, Lam Kinh [6] … Thậm chí có lúc kinh đô không còn là duy nhất Thăng Long nữa. Hồ Quý Ly bỏ Đông Đô về An Tôn (Thanh Hoá) quê hương để có thành Tây Đô. Khi bị Mạc đuổi khỏi Thăng Long, nhà Lê chấp nhận thiết triều quanh quẩn đất Thanh Hoá "quê choa": Vạn Lại, Yên Trường, Biện Thượng. Nhà Mạc có lúc đã định lập Dương Kinh ở đất Hải Dương cũng là xuất xứ của mình. Khi Quang Trung lên ngôi hoàng đế, triều Tây Sơn đóng đô ở Phú Xuân, khi ông mất vẫn dặn tướng tâm phúc Trần Quang Diệu phò ấu vương Quang Toản dời đô về Phượng Hoàng Trung Đô, tức thành Vinh, Nghệ An chứ không chọn Thăng Long. Sau đó triều Nguyễn chọn Huế làm kinh đô như ta đã biết. Thăng Long rồng bay thành Thăng Long thịnh vượng (theo giải thích của sách vở thì "Long" khi này chỉ còn là "thịnh" chứ không còn là "rồng" để chỉ đế vương) rồi chỉ còn là Bắc Thành Hà Nội. Thăng Long không phải là "phi chiến địa" và cũng không bền vững cho mọi triều đại phong kiến.
Có vẻ như hun đúc nên đặc trưng tinh thần của Thăng Long không phải và cũng không thể là công lao của riêng một triều đại nào, họ tranh hùng xưng bá và để lại rất nhiều dang dở: vua sau hạ vua trước phá sạch những Cửu Trùng Đài, vua trả thù chúa đốt trụi phủ đệ, "chính thống" đập bỏ những gì của "nguỵ triều" để lại. Nhưng những ngóc ngách tâm tưởng đời sống đô thị âm ỉ trong những hội văn thân, những hội nghĩa thục, mà ta gọi là học phong sĩ khí, có một ảnh hưởng đến lối sống người HN. Có thể cái tâm thế "sĩ phu Bắc Hà" sinh ra từ bất mãn hay "nỗi niềm kim cổ nghĩ mà đau" [7] khi mất đi vai trò quyền lực, vai trò ảnh hưởng như trước khi được "gần trung ương", nay chỉ còn là đô thị cấp tỉnh thành, tiếng nói thì xa, lại bị triều vua mới giữ thái độ dè chừng. Một ông Phạm Đình Hổ dù ăn lộc nhà Nguyễn nhưng vẫn cứ mỗi chốc viết lách lại nhắc chuyện ngày xưa "trước khi vạc đổi". Một ông Nguyễn Du cảm thương cho một thân phận kỹ nữ già đàn hát thời vang bóng Trung hưng. Một bà huyện Thanh Quan hễ có thơ là có hoài cổ "tạo hoá gây chi cuộc hí trường". Một ông Cao Bá Quát còn tham gia khởi nghĩa chống lại cả triều đình để rồi rơi đầu. Một không khí bất hợp tác cũng như tư tưởng phép vua thua lệ làng, truyền từ các ông nghè, cụ cử đến đám dân chúng bình dân. Liên hệ thì có vẻ khập khiễng, nhưng khi trước thì có những phản ứng được ghi chép lại sau những "tháng tám có chiếu vua ra" thì ta thấy nay cũng có phần lời ong tiếng ve mỗi khi rậm rịch có một nghị quyết được "đưa vào cuộc sống".
Đường phố Hà Nội (tranh họa sĩ: Direk Kingnok)
.
Có thể không ngã ngũ, nhưng có lẽ phần nào một vài nét đặc trưng tính cách HN sinh ra từ những biến động thời cuộc. Những nhân vật từ các nơi về đây và cách họ ứng xử với những dâu bể đã tạo nên đặc trưng lâu dài cho người HN. Có điều, khi HN trở thành một ao làng, khép kín và quẩn quanh thì những tinh hoa hồi nào, những cá tính lề thói lại có vẻ như trì hãm và lạc hậu. Quán nước vỉa hè không còn nhiều nhưng mỗi người lại tiếp tục cầm trong tay ấm trà bước vào hành lang "lốp-bi". Chủ trương được nghiên cứu và đưa xuống "cơ sở", người thừa hành có lẽ cũng phải lo đối phó cho triển khai thuận lợi, qua được báo chí và các cơ quan ngôn luận lắm điều, lại phải chiều được cả nam phụ lão ấu, dân chủ tuyệt vời.
HN đồng thời có 2 khuôn mặt: văn phòng máy lạnh vi tính và mặt phố vỉa hè. Ở bầu thì tròn, sống 40 giờ một tuần máy lạnh thì rất lịch sự như Tây, nhưng 128 giờ ở nhà, ngoài đường và đi chơi thì "chan hoà" với cộng đồng. Không ít người coi tiện nghi phòng ốc là boong-ke để bỏ lại sau lưng những ồn ã bụi bặm, họ xả rác tự nhiên và đi lại loạn xạ ở ngoài đường nhưng họ nhất tề khép nép vệ sinh trong những block công nghiệp. HN tiên tiến văn minh hay HN "nông dân" và thô lậu? Và cũng không hiểu sao người ta, vốn 10 người thì 9 xuẩt thân từ cây lúa đi lên, lại quay ra khinh bỏ gốc gác, những gì chậm tiến và kém cỏi đều đổ lỗi cho chuyện "nước ta là một nước nông nghiệp và có 85% dân số ở nông thôn", đem cái từ chỉ thành phần nghề nghiệp ra để định nghĩa cho cái hạn chế: "sao mày nông dân quá". Nông dân ta chẳng lẽ lại tệ hại đến thế khi đóng góp cho quỹ dự trữ quốc gia đều đều và xuất khẩu gạo "ngang tầm nhất nhì thế giới", ông nông dân VN không lẽ lại không ra gì so với tay chăn bò miền Tây Hoa Kỳ?
Gần chùa gọi bụt bằng anh, bây giờ nếu bảo phải thanh lịch văn minh được "phổ cập" thì chắc mọi người sẽ sợ là mình sống quen với cái quá độ, cái lâm thời lâu quá, lúc nào cũng để dành đến ngày mai sẽ "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", bây giờ ra cái điều "thanh lịch" có giống như một thứ trưởng giả rởm đời, gảy gót và "cắn cái giá đỗ làm đôi"? Làm sao như bà Vân Đài những năm 50-60 còn viết được sách dạy thế nào là thanh lịch? Với người già, họ quan tâm đến phép tắc kỷ cương và cũng cho là thanh lịch cũng nằm trong đó. Với cánh trẻ, tiêu chuẩn "sành điệu" nghe có lý và hợp thời hơn cái thanh lịch không đo đếm được. Tuân thủ kỷ cương, hiếu học, tôn sư trọng đạo… đâu phải là ở HN mới có, dân Nghệ Tĩnh hay các tỉnh có "nòi thư hương" khác còn ghê răng hơn nhiều. Sành điệu, biết ăn chơi cho ra dáng, Sài Gòn bằng mấy HN, gần đây, Hải Phòng, Quảng Ninh cũng khét lẹt. Trong cơ quan, có một người HN chẳng hạn, nói năng lễ phép, thưa gửi chào hỏi đầy đủ, đi lại đúng quy định, sống nhẹ nhàng, ăn mặc đâu ra đấy, tóm lại là hết chố phê bình, thì những người còn lại thấy sao mà mệt. Mình đang thoải mái quen, đang sống bỗ bã một chút, cho phép mình luộm thuộm tí ti, tự nhiên ở đâu ra cái người kia cứ làm ta phải động lòng và làm cái mầm xấu hổ trong bụng nảy lên nhoi nhói! Thì cái người "kiểu mẫu" kia không ai dám chơi thân, không có người hưởng ứng, sớm muộn cũng bị stress hay là thấy mình như đánh cối xay gió. Người HN trong môi trường của mình, phải thực tế và sòng phẳng, có khi đến riết róng nghiệt ngã, khinh người khác đến độ người ta phải sợ "người HN cứ ang ác thế nào".
Ở đâu ra câu "Tự nhiên như người HN"vậy? Nghĩa A: về nhà quê ăn cỗ, các cụ cứ khách khí giữ kẽ, thì người nhà nhắc khéo "cháu mời các cụ xơi, ta cứ tự nhiên như người HN ấy ạ". Nghĩa B: Tự nhiên như ruồi.
HN trong mắt ai, HN ngày xưa đẹp, HN có những cô gái áo tân thời xinh xinh, HN thành phố thuộc địa hợp gu hội hoạ ấn tượng Đông Dương và tân nhạc. HN thời đạn bom đầy hào hùng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh mùa đông năm 1946, hay HN ngẩng cao đầu đòi "Nixon trả nợ máu" tháng chạp 1972. HN ngày nay có còn đẹp không, hình như ai có quan tâm đến cũng đặt một câu hỏi như thế. Nghĩa là chúng ta chưa bằng lòng với thực tế đang diễn ra. Níu kéo về một cảnh tượng tất cả phụ nữ ra đường mặc áo dài, đàn ông mặc âu phục cà vạt chỉnh tề như hình dung sót lại về thời trước là không tưởng, mà cũng không thể sống kiểu "ở Thủ đô mà dạ để mười phương", tình yêu của người đang sống với HN mai một, công thức và lơ lửng như vài câu hát trong đêm nhạc về HN. Có khách đến nhà, sung sướng nhất là đãi khách món ngon mình có và được nghe lời khen về căn nhà đẹp, chủ nhân lịch sự… thì cũng vậy, chúng ta cho khách phương xa thấy vẻ đẹp của thành phố và nhất là niềm tự hào của chính mình về nơi này, ở đây cụ thể là HN. Những cố gắng định lượng định tính vẻ đẹp lối sống cho quần chúng của các nhà chức trách càng có vẻ trở nên xa hơn khỏi tầm tay, khi môi trường sống không chứng minh được ưu thế của "thanh lịch" hay "văn minh". Tuy thế, chúng ta lại càng day dứt và hoài cổ về những đặc trưng đã trở nên quý hiếm và mơ hồ ấy. Dù sao đi nữa, đó dường như vẫn là cái neo để mỗi chúng ta bám lấy cũng như hi vọng khi nghĩ về HN.
Chú thích:
[1]Mạc Đăng Dung (1483-1541): cụ tổ bảy đời là Mạc Đĩnh Chi, danh sĩ đời Trần, đỗ trạng nguyên và làm tới thượng thư, nhưng đến đời ông thì không ai hiển đạt. Từ một thanh niên nghèo làm nghề đánh cá, đi dự thi đấu vật, trúng đô lực sĩ và được tuyển vào làm chân túc vệ chuyên cầm dù theo xe vua, nhưng thăng tiến rất nhanh. Năm 29 tuổi đã được phong tước bá, sau đó lên phó tướng đô đốc, Quốc công rồi tước vương. Năm 1527, ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi, khởi dựng triều Mạc. Chỉ hơn 10 năm, ông đã từ chỗ một võ tướng bình dân lên đến ngôi cai trị cao nhất.
[2]Theo truyện dân gian thì Lê Trang Tông chính là chúa Chổm, vốn là con rơi của Chiêu Tông. Tuy nhiên theo Đại Việt Sử ký toàn thư thì năm 11 tuổi đã phải chạy trốn nhà Mạc sang Ai Lao, cho đến lúc mất năm 34 tuổi vẫn phải sống ở Thanh Hoá. Không hiểu là vua nào, nhưng rõ ràng được truyền tụng trong dân gian với một tâm thế phóng túng và hóm hỉnh: "Cứ cho ta nợ, mai sau làm nên ta trả gấp mười". Khi triều có biến, được tôn lên làm vua do thân phận con ngoài giá thú được tìm ra, đi qua cửa Nam, gần các hàng ăn bị nhận ra và đòi tiền nợ (dân gian dám đòi tiền vua tận mặt!), Chổm vung tiền trả. Dân xô vào hỗn loạn, vua mới cho ngăn đường và sinh ra cái tên Cấm Chỉ cho đến ngày nay.
[3]Tên dân gian của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, thứ phi của Trịnh Sâm (1739-1782).
[4]Vũ trung tuỳ bút, Phạm Đình Hổ (1768-1839).
[5]Thượng kinh ký sự, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791). Thời điểm ông từ Hương Sơn (Hà Tĩnh ngày nay) ra kinh chữa bệnh cho Trịnh Sâm và Trịnh Cán là năm 1781-1782. Ông viết: "nực cười thay, lãn ông (tức ông lười) cũng phải cần lao" khi nói về chuyện khách khứa nhiều quá.
[6]Hương Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh), Lý Thái Tổ đặt làm phủ Thiên Đức là nơi phát tích của nhà Lý. Phủ Trường Yên (Mỹ Lộc, Nam Định), vốn là hương Tức Mặc đất cắm sào, nhà Trần đặt hành cung. Lam Kinh là nơi ông tổ của Lê Lợi dựng nhà lập ấp, cũng là địa bàn khởi nghĩa Lam Sơn, khi đổi Thăng Long thành Đông Kinh thì cũng là lúc ở đây lập nên một Lam Kinh chủ yếu là lăng mộ và đền miếu.
[7] Chùa Trấn Bắc, thơ Bà huyện Thanh Quan. Trước chùa có tên là Trấn Quốc, nhưng vì giáng Thăng Long xuống Tổng trấn Bắc Thành, thì chùa cũng chỉ được gọi là Trấn Bắc (Thiệu Trị năm 1842 ra Bắc ngự giá đã cho đổi tên, sau này thế kỷ 20 gọi lại là Trấn Quốc). Chùa từng là nơi dựng hành cung của chúa Trịnh. Lời thơ có nhiều dị bản:
Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau (bản khác: ai đi qua đó chạnh niềm đau)
Mấy tòa sen rớt mùi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu (bản khác: ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà Đoá