Có một gia đình người Hà Nội như thế

11:09 SA @ Thứ Hai - 22 Tháng Hai, 2010

Thăng Long – Hà Nội nghìn năm đã dung chứa tinh hoa của mọi miền Tổ Quốc, bồi đắp nên một Hà Nội hào hoa, thanh lịch và cũng rất mực anh hùng… Những giá trị tinh thần vô giá ấy đang được nâng niu, gìn giữ và vun đắp trong mỗi mái nhà, mỗi gia đình của người Hà Nội. Gia đình GS Dương Quảng Hàm là một trong những gia đình người Hà Nội đặc biệt xuất sắc, hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp ấy…

Ngôi nhà xưa yêu dấu

Ngày cuối năm, ngôi nhà số 98B Hàng Bông như chật lại, vì những người con, cháu của gia tộc tụ họp đầy đủ để cùng nhau làm giỗ cố GS Dương Quảng Hàm.

Ngôi nhà này khá rộng rãi, có ba tầng do chính GS Dương Quảng Hàmthiết kế, là nơi ở của hai vợ chồng giáo sư và 8 người con. Đã trên 60 năm đi qua, ngôi nhà mà nay người con thứ Dương Trọng Bái đang ở, cảnh vật dường như vẫn còn nguyên. Về ngôi nhà và nền nếp sinh hoạt trong ngôi nhà ấy, nhà văn Lê Văn Ba, người cháu đằng vợ, được giáo sư nuôi từ nhỏ nhớ lại: “Ngôi nhà 98B phố Hàng Bông của GS Dương Quảng Hàm là một ngôi nhà thiết kế xây dựng theo kiểu mới. Đó là ngôi nhà ba tầng, bê tông cốt sắt. Các gian phòng đều có trần cao 4 m. Sàn lát gạch hoa. Cửa sổ có cửa kính, cửa chớp, cửa ra vào đều là những cánh pa-nô gỗ lim, mùa hè được thay bằng những cánh cửa có chấn song cho gió lùa thoáng mát. Trong nhà có đèn điện, quạt trần, máy nước.

Tại ngôi nhà 98B Hàng Bông, năm 1935, đứa con trai út ra đời. Vậy là ông bà có đủ 8 mặt con, bốn trai, bốn gái”. Về nền nếp sinh hoạt của người trong nhà, ông Lê Văn Ba nói tiếp: “Đúng 6 giờ, giáo sư bước vào phòng khách, quần áo chỉnh tề, mái tóc chải ngôi giữa còn hơi ướt vì ông vừa tắm gội xong. Bà giáo cũng vào ngồi bên chồng. Hai vợ chồng thưởng thức chén trà buổi sớm. Rồi ông thong thả giở tờ nhật báo Đông Dương. Vừa đọc cho vợ nghe những tin tức hấp dẫn, ông vừa ân cần giải thích cho bà hiểu những từ khó. Như trong mục “Bàn cờ thế sự” thì phe Trục đánh nhau với phe Đồng Minh, mỗi phe gồm những nước nào? Trân Châu Cảng ở đâu? Hai ông bà nguồi uống trà, đọc báo cho nhau nghe từ lâu là biểu tượng của hạnh phúc gia đình. Sáng nào cũng thế, những chén trà mở ra một ngày mới tràn ngập vui tươi. Rồi, ông đạp xe đến trường dạy học. Bà ở nhà bận rộn với cửa hàng. Nhiều khi bà lên phố cất hàng…”.
Nhưng rồi, những ngày tháng êm đềm như thế không còn nữa, khi phát xít Nhật tấn công Lạng Sơn, Trường Bưởi bị lấy làm trại lính… Ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 qua đi, rồi toàn quốc kháng chiến…, mỗi số phận con người cũng xoay vần theo dòng bão táp của lịch sử dân tộc.


Truyền thống gia đình

GS Dương Quảng hàm được sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học, ở ngôi làng mà nghe đến tên đã biết là trù phú – làng Phú Thị, tổng Mễ Sở, phủ Khoái Châu, hưng Yên. Là đất “địa linh nhân kiệt”, cụ nội là Dương Duy Thanh (1804-1861), từng là Đốc học Hà Nội; anh cả là Dương Bá Trạc, đỗ Cử nhân năm 17 tuổi, một trong những người sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục, bị đày đi Côn Đảo năm 1909; anh trai thứ ba là Dương Tự Nguyênsang Nhật theo phong trào Đông Du; em trai út là Dương Tự Quán là nhà biên khảo, thân sinh ra nhà thơ, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý… Hiện nay ở Tp. Hồ Chí Minh có ba con đường mang tên Dương Bá Trạc, Dương Quảng HàmDương Tự Quán. Ở Hà Nội và Hưng Yên có đường Dương Quảng Hàm và trường học mang tên Dương Bá Trạc. Họa sĩ Dương Bích Liênlà anh em con chú bác với GS. Dương Quảng Hảm.

Sau khi đỗ thủ khoa Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, ông Dương Quảng Hàm được về dạy tại trường Trung học Bảo hộ, tức là trường Bưởi danh tiếng. Trong thời gian dạy ở đây, GS Dương Quảng Hàm đã viết nên những cuốn kinh điển như: Leccons d’ histoire d’ An Nam(1927), Tập bài thi bằng sơ học yếu lược (1926, soạn cùng Dương Tự Quán), Quốc văn trích diễm(1927), Việt văn giáo khoa thư (1940). Song có giá trị nghiên cứu rõ rệt là hai cuốn Việt Nam văn học sử yếu (1941) và Việt Nam thi văn hợp tuyển (1942).

Trong cuốn sách viết về người bác nuôi, nhà văn Lê Văn Ba viết: Thực dân Pháp muốn lấy lòng các giáo sư người Việt, đã cho các giáo sư tốt nghiệp cử nhân ở Pháp về được lĩnh lương Tây. Một số giáo sư tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông Dương trong đó có GS Dương Quảng Hàm cũng được đề nghị vào “ngạch” Tây, hưởng lương Tây cao hơn “lương ta” gấp 3 lần. Nếu kể cả phụ cấp vợ, con, có người đang từ 15- đồng sẽ lĩnh mỗi tháng 1.000 đồng (giá gạo ngon vẫn chỉ 2 đồng/ tạ). Nhưng Dương Quảng Hàm cùng nhiều bạn đồng nghiệp đã từ chối… Giữ vững sự phân biệt, ở thời điểm này là một biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc, lòng yêu nước, cũng là thể hiện phẩm chất, danh dự người thầy, người Việt Nam.
Nhiều cuốn sách về nghiên cứu văn học ra đời trong khoảng thời gian đó: “Việt Nam văn hóa sử cương”, “Thi nhân Việt Nam”, “Nhà văn hiện đại”… nhưng bộ “Việt Nam văn học sử yếu” của Dương Quảng Hàm xuất bản năm 1941 được đánh giá có quy mô bao quát và chiều sâu học thuật hơn cả.

Dương Quảng Hàm trăn trở với hoàn cảnh đất nước lúc ấy: “Giả sử các nhà cầm quyền nước ta về đầu thế kỷ XIX biết, sau khi đã dẹp yên trong nước, một mặt thì canh cải việc nội chính, ngoại giao cho hợp thời thế, một mặt thì đón thầy chuyên ngoại quốc đến mở trường dạy các khoa học, các kỹ nghệ để chỉnh đốn việc binh bị, việc kinh tế và phái người nước ta sang du học bên châu Âu để học lấy những kho thực dụng, những phương pháp mới rồi về chủ trương việc chính trị và việc khai thác tài nguyên trong xứ thì nước ta cũng có thể trở nên một nước giàu mạnh được. Hiềm vì triều đình nhà Nguyễn và sĩ phu trong nước lại cứ theo khuôn phép cũ không hề canh cải điều gì…

Trong 9 câu mở đầu của cuốn “Việt Nam văn học sử yếu”, ông láy đi láy lại nhiều lần “lịch sử nước ta”, “văn học sử của ta”, “những tác phẩm của ta”, “văn tịch nước ta”, “sử sách nước ta”… Hai tiếng “nước ta, của ta” vang lên tha thiết, làm thức tỉnh ý thức dân tộc trong trái tim thế hệ trẻ. Điều đáng ngạc nhiên, cuốn sách này, những lời ái quốc thiết tha này là của một người đang ở ngay trong “pháo đài” của trung tâm giáo hóa của chủ nghĩa thực dân – trường Bưởi.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, GS Dương Quảng Hàm được Chính phủ cách mạng cử làm Hiệu trưởng ngay chính ngôi trường này, sau khi đổi tên là Trường Chu Văn An, đồng thời là Thanh tra Trung học vụ.

Giáo sư với các con

Người ta thường tìm những từ có ý nghĩa nhất đặt tên cho các con. Đây là biểu hiện tình cảm yêu thương, sự kỳ vọng ở lớp trẻ, ở thế hệ tương lai. Cũng là nét văn hóa thể hiện sự nối dõi dài lâu dòng giống, nối chí, nối nghiệp ông cha họ tộc.

Nối tiếp truyền thống gia đình, và ước nguyện gửi gắm sâu xa của cha, cả 8 người con đều đi theo cách mạng, đều cố gắng học tập, nghiên cứu, đóng góp xứng đáng cho xã hội, được xã hội trân trọng: Người con cả là Bác sĩ, thạc sĩ Dương Bá Bành; con trai thứ là AHLĐ. GS. NGND Dương Trọng Bái, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà nội; người con gái Dương Thị Thoa, tức Lê Thi, cô gái Hà Nội có vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng trên quảng trường Ba Đình trong Lễ Độc lập 2-9-1945, sau là Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lênin; Bác sĩ Dương Thị Cương được phong danh hiệu Giáo sư, Bác sĩ, Viện trưởng Viện Phụ sản Trung ương, từng đoạt giải Kovalevkaia… Hiện nay, bốn người con còn sống, cùng với những người cháu đang viết tiếp truyền thống vinh quang của đại gia đình.
Mỗi năm các gia đình trong dòng họ cùng nhau viếng thăm nghĩa trang gia tộc ở xã Mễ Sở. Trong nghĩa trang, có một ngôi mộ tượng trưng, đặt bia ghi danh là GS Dương Quảng Hàm, nhưng bên dưới thì không có cốt. Vì giáo sư cùng với hàng nghìn người khác đã hy sinh trong nội thành, trong 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà không tìm thấy thi hài.

Khi Chính phủ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Việt Bắc, và nhân dân Hà Nội di tản, khi vợ con di tản về quê, người của cách mạng đến bảo vệ GS Dương Quảng Hàm đi theo đoàn, thì giáo sư nói: “Chỉ mới có lệnh của Chính phủ cho học sinh tản cư, chưa có lệnh cho hiệu trưởng tản cư”. Thế là, GS Dương Quảng Hàm, cùng với người con là Lê Thi, nữ sinh Trung học, làm cán bộ tuyên truyền của Liên khu I đã ở lại chiến đấu cùng với các cảm tử quân. Giáo sư đã hy sinh, thân xác hòa lẫn với mảnh đất Thăng Long – Hà Nội nghìn năm tuổi này.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Dương Quảng Hàm và bước đầu hình thành một nền học thuật

    24/09/2009Vương Trí NhànỞ Dương Quảng Hàm, các học trò luôn luôn nhận ra một lòng yêu nước kín đáo (tài liệu đã đăng ở tờ Bách khoa số 1-11-1966). Yêu nước kiểu ấy - một thứ lòng yêu nước sâu sắc nhưng tự giấu đi, và chỉ còn bộc lộ qua một trình độ chuyên môn vững chãi - là nét đặc thù thấy ở nhiều học giả chân chính nửa đầu thế kỷ XX.