Sống chậm
Không biết từ kỷ nguyên nào loài người cảm nhận phạm trù thời gian là “vàng bạc”? Trong cuộc sống, mọi người đua nhau phải nhanh hơn. Từ làm nhanh, đi nhanh, ăn nhanh… đến “sống nhanh”, tất cả đều bị tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ thúc giục và gây sức ép. Và, cái gì chậm lâu nay vẫn mang một nghĩa xấu như: chậm hiểu, chậm chạp, chậm tiêu…
Rồi từ từ, con người chuyển sang mê tốc độ, các kỷ lục về tốc độ luôn luôn bị bứt phá. Trong thể thao, từ kỷ lục chạy, bơi… người ta ngợi ca bằng chữ: “nữ hoàng tốc độ”. Các kỷ lục của xa ôtô, xe lửa, máy bay cũng luôn được nâng lên, còn ở thời đại máy tính thì tốc độ xử lý của máy ngày càng được cải tiến không ngừng. Để tiết kiệm thời gian, con người còn chế ra các loại thức ăn nhanh, trong đó mì ăn liền còn được xếp hạng một trong các phát minh lớn của con người.
Cuộc sống công nghiệp hiện đại càng nhanh, càng tốc độ, thì con người ngày càng bị áp lực, căng thẳng (stress). Nhiều loại bệnh tật xuất hiện, người ta gọi các bệnh đó là bệnhtâm lý của con người ở đô thị công nghiệp. Để cân bằng lại cuộc sống, người ta đã xây dựng nhiều trung tâm giải trí, nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi, thư giãn ở các resort và spa là cái thước đo cho cuộc sống “cao cấp” của mỗi con người. Rồi người ta lại học yoga, thái cực quyền… cho tới thiền, để tâm trí được ổn định, cuộc sống cân bằng hơn, chậm hơn.
Chạy, đi, đứng, ngồi. Kể cả cái nghĩa bóng về “tâm trí”, hình như ngồi là khó nhất ?! Trong thể thao, con người có thể chạy marathon mấy chục cây số, hàng mấy giờ đồng hồ, hay đi bộ cả ngày đường. Nhưng con người chỉ có thể đứng nghiêm một tiếng. Còn để ngồi yên hay ngồi không tâm trí – ngồi thiền, thì có khi chỉ được hai phút thì đã thấy không “yên”, cơ thể cựa quậy, tâm trí tràn về dữ dội. Không hiểu, có phải “động” và nhanh đã là cái tật của con người?
Tết
Ngày xưa nông nhàn, có khi tết bắt đầu từ giữa tháng chạp… cho đến hết tháng giêng, nên mới có câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Thời đó, ở các đô thị cũng vậy. Để chuẩn bị “ăn tết” người ta mua nếp, đậu, lá dong, lá chuối để làm bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, dưa chua, trái cây làm mứt, đều được chuẩn bị và làm cả tháng. Trong các thứ chuẩn bị, mọi nhà cũng để ra một ngày để chùi lư hương, dọn dẹp nhà cửa. Rồi người ta chia thời gian tết thành nhiều cái tết: tết ông bà, tết thầy cô, tết bạn bè… Tất cả đều diễn ra một cách chậm chạp. Nhưng cái chậm chạp ấy nó đã trở thành ký ức, không thể nào quên, của mỗi cái tết.
Bây giờ, thời gian là “vàng bạc”. Nên, để phục vụ cho tết, tất cả đều có dịch vụ. Mọi người chỉ cần một ngày mua sắm là tất cả đều có đủ, từ bánh chưng, bánh tét, rượu thịt, bánh mứt… và cả hoa nữa. Đủ cả. Đời sống của mọi người ở thành phố mỗi ngày càng được nâng lên, người ta không còn “ăn tết” nữa, vì bây giờ quanh năm muốn ăn bánh chưng, lúc nào cũng có! Mọi người chuyển sang “chơi tết”, nghỉ ngơi. Có lẽ, do phải chạy nhanh quanh năm, làm cho con người căng thẳng và thấm mệt.
Tốc độ càng nhanh, thì quán tính càng lớn. Đang “chạy” nhanh, muốn ngừng lại, cũng phải từ từ đi rồi mới ngưng lại được. Nhưng khi ngừng lại rồi, vẫn có cảm giác hụt hẫng, lâng lâng? Hay là cái cảm giác “say” tốc độ đã hết? Cái cảm giác đấy, nó đến từ trưa 30 tết, cho đến giao thừa. Cảm giác chậm chạp nhẹ nhàng tĩnh lặng… “tâm trí” bỗng biến mất… cho đến lúc cùng giao thừa, đi chùa.
Đi chùa. Đi chùa để cho mình nhẹ nhàng, bình an. Đi chùa để tâm tĩnh lặng, “tâm trí” ngưng lại. Không sân si, tham lam, thù hận, để bớt đi cái sợ hãi vốn là bản chất của con người. Vậy mà, sau khi cầu nguyện xong… họ vẫn bẻ cây, lấy “lộc” mang về cho mình, mặc dù đã có biển đề: “cấm bẻ cây”. Đúng là, “ngồi” khó hơn “chạy”. Quen rồi.
Êm đềm. Bình yên. Thanh thản. Và, “chậm”. Đó là cái cảm giác những ngày tết ở Sài Gòn trong những năm gần đây.
Không biết những cái tết này, có bao nhiêu triệu người ra khỏi thành phố Sài Gòn? Người thì về quê ăn tết, người thì đi du lịch trong nước, ngoài nước..
Sài Gòn không còn ồn ào, náo nhiệt và tốc độ nữa. Không gian trở nên thanh bình, làm người ta nghĩ tới một thành phố theo trào lưu “đô thị chậm” trên thế giới ngày nay. Ban ngày ngoài đường vắng xe cộ lắm. Ở một vài con đường, hoa dâu non, hai cánh nhỏ màu đỏ, xoay xoay rơi, bay nhẹ nhàng. Mùa xuân, không khí của Sài Gòn trong lành, không bụi, nên con gái Sài Gòn ra đường không đeo khẩu trang nữa, nhìn thấy đẹp hơn. Ở nhiều ngã tư này hay ngã tư nọ, ta thấy vẫn có người dừng lại khi đèn đỏ, mặc dù ở ngã tư đó chỉ có… một người. Không hiểu do người ta ý thức tôn trọng luật giao thông hay, khi không còn ai vội vàng, đua tranh tốc độ, con người lại thích “chậm”. Còn khi thành phố sôi động, ầm ĩ, gấp gáp,... mọi người lại đua tranh, bất chấp giao thông, vượt đèn đỏ, chạy cả trên vỉa hè của người đi bộ… miễn mình “nhanh” hơn.
Sống chậm
Trong các đô thị ở Việt Nam, có lẽ tp. HCM là thành phố “chạy nhanh” nhất. Người ta ví tp. HCM như cái lò lửa, bất kể chỗ nào, không gian cũng cảm thấy hầm hập. Nóng. Cho nên, ai muốn thử sức mình trong cuộc sống, đều tới tp. HCM! Ở đây, diễn biến về cuộc sống hàng ngày chạy với tốc độ chóng mặt. Áp lực về công việc nặng nề, bởi nó là thành phố… chiếm tới 30% GDP của cả nước.
Trong quy hoạch phát triển thành phố, để cho thành phố trở thành trung tâm công nghiệp, khoa học, văn hóa, thương mại… lớn nhất nước thì ngoài các vấn đề về đất ở, giao thông, cây xanh… để cân bằng đất đai đô thị; hay các vấn đề xây dựng thành phố đa trung tâm, thành phố vệ tinh, không hiểu người ta có định hướng một triết lý gì đó về đô thị, cho thành phố. Ví dụ thành phố xanh, đô thị thông minh bền vững, hay đô thị chậm… mà qua những triết lý đó, đã tạo nên cái hồn riêng của mỗi đô thị.
Tp. HCM trong những năm gần đây, về quy hoạch, và xây dựng, thay đổi nhiều lắm. Trong đó có cái được – cái mất, cái hay – cái dở… nhưng ít người nhìn thấy bởi cả thành phố từ lúc hừng sáng cho đến lúc nửa đêm, lúc nào cũng chạy rầm rập, náo nhiệt, chen chúc. Chạy với tốc độ nhanh, nên hình ảnh chỉ loáng qua, loáng qua, không đọng lại gì cả. Nhưng nếu ta đi chậm, thật chậm, đi bộ qua những con đường, ngõ hẻm, những không gian sống của thành phố… ở đấy, ta thấy thành phố ngày càng “lớn” hơn, nhiều công trình mới hiện đại. Nhưng cũng ở không gian ấy, ta lại thấy mất đi những cái gì của ngày xưa, mà bây giờ chỉ còn lại bằng ký ức qua các trang văn hay bài hát nào đó. Những cái không gian: “trả lại em yêu… con đường Duy Tân, cây dài bóng mát” hay “con đường có lá me bay…” bây giờ có nhiều cao ốc mọc lên, phá vỡ cái không gian thơ mộng – không gian chậm.
Hãy sống chậm một nhịp, để thưởng thức cuộc sống. Có lẽ, trong cuộc đời của mỗi người, cái việc đáng làm là làm cho cuộc sống của mình bình an, hạnh phúc. Vậy, nó “đáng làm chậm rãi”.
Cuộc sống chậm, bắt đầu từ ăn chậm, đi chậm… cho tới đô thị chậm. Trong đô thị chậm, mọi người được sống thư giãn, suy tưởng. Ở đấy tiếng ồn được giảm bớt. Mọi người đi bộ nhiều, tăng không gian sinh thái, môi trường được bảo vệ, các di sản kiến trúc được bảo tồn…
Nói về nhanh, về tốc độ, người Nhật có câu: “Ăn nhanh và tống chất thải nhanh cũng là một nghệ thuật”. Nhưng bây giờ, người Nhật bắt đầu sợ cái “nhanh”. Nhiều người cho rằng nếu xây dựng đô thị chậm thì tốt hơn.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh