Những người trẻ tìm cách sâu sắc
Một loại virus mới đang lan nhanh: virus này khiến những người trẻ biến thành các cụ già. Nhưng họ vẫn nghĩ rằng như thế tức là mình sâu sắc hơn người cùng thế hệ...
Triết lý chảy theo giọt cà phê
Cứ sau mỗi trận “alô” của nhóm bạn “cùng tổ dân phố” thời đại học là tôi hít thở sâu khi nghĩ đến buổi cà phê kinh điển lại sắp diễn ra. Căng thẳng là bởi tôi thuộc làu nội dung của các buổi offline “bớt giờ cơ quan, làm giàu chủ quán” ấy: 15 phút đầu là chuyện của công việc và tình duyên, thời gian còn lại dành cho các triết gia đăng đàn.
Hỡi ôi, vì cà phê chảy chậm hay vì bây giờ có quá nhiều người trẻ mắc bệnh triết lý, nên thời gian offline cứ lê thê, mê mải. Không gian chật chội của quán xá quánh đặc những triết lý nhân sinh, thời thế...
Tại quán cà phê có quá nhiều đèn lồng màu đỏ này thì 1 cốc chanh leo đắt hơn chanh muối đến 2000đ. Và mặc dù thích uống chanh leo nhưng vì sự chênh lệch giá cả không thoả đáng nên cậu bạn làm ở một nhà xuất bản ít tiền của tôi quyết định gọi chanh muối. Vậy là anh cựu SV Luật ngồi bên tức tốc thở một bài về “Thuyết hưởng thụ”.
Cái thuyết ấy do chính cậu ta nghĩ ra từ hồi còn nằm vắt vẻo ở giường tầng 2 ký túc xá. Thuyết ấy dài dòng lắm, nhưng túm lại là: cuộc đời ngắn ngủi, một 100 năm cũng chỉ bằng một cái hắt xì hơi của vũ trụ, cuộc đời đầy những biến ngẫu nhiên, hôm nay tồn tại ngày mai hư vô... Và kết luận là: phải sống vì mong muốn của chính mình, ngay cả cái mong muốn bản năng thích uống chanh leo hơn là chanh muối....
Đã không ít lần tôi bật khỏi ghế và sign out khỏi diễn đàn vô tiền khoáng hậu của các vị trai tráng tuổi 20 vừa rời trường ĐH một vài năm đó. Có lần họ bàn về tình yêu nhân dịp một cô bạn trong nhóm vừa “say goodbye” mối tình đầu.
Chỉ vì cô ấy lỡ mồm nói rằng: “chắc chẳng thể yêu một ai được nữa”.... thế là những người bạn trẻ tuổi được dịp bê cả “chủ nghĩa hiện sinh”, rồi nguyên lý của sự tồn tại vào câu chuyện.
Họ nói như thể được thư giãn vòm miệng chứ chẳng cần biết mình có hiểu những ngôn từ đang chảy ra. Có cậu còn cao hứng bê nguyên cả câu tuyên ngôn của một nhà thơ 8X rằng: “Đỉnh cao của sự tồn tại là tồn tại trong tình yêu”. Vậy nên: đừng bao giờ hết yêu....
Mốt của Hán tự và các mệnh đề
Cô em tôi học trường Bách khoa. Những năm đầu ĐH, dù chỉ là một câu trong “văn bản miệng” của nó kiểu gì cũng phải có ít nhất một từ là Anh ngữ được thêm thắt vào. Bây giờ nó sắp ra trường, lại sính dùng từ Hán Việt.
Vốn từ Hán Việt của nó (một cô học trò chuyên Toán lười đọc sách dày quá 200 trang) không nhiều, nên đôi khi lời nói của nó là sự sắp xếp ngôn từ vụng về. Cứ hễ online gặp các cô nàng trong box ỉn con HN của nó là y như rằng nó lại ngoạc mồm ra: “Hai mặt của một vấn đề luôn luôn tồn tại trong cuộc sống....”
Tôi bực mình thấy nó phát ra một tràng âm thanh trống rỗng chẳng ăn nhập gì nhưng bị nó cự nự: “Nói kiểu ấy mới sâu sắc, còn chíp hôi nữa đâu mà “u ra mới cả he he”. Bọn trên mạng bây giờ toàn thế cả.” Tôi thở hắt ra vì cái kiểu “tìm cách để sâu sắc” của nó.
Một cô bé khác lớp Chuyên Văn cùng trường cấp 3 với nó còn có một hình thức biểu đạt khác. Trong kho từ điển của cô bé là SV báo chí này còn có một số từ được ưu tiên đặc biệt và được dùng ở mức độ thường xuyên, trong đó đặc biệt có từ “hiện hữu” “khái niệm” và cả... “buồn nôn”.
Thay bằng việc nói câu: “Em không muốn uống sinh tố”, nó sẽ nói rằng: “Em chẳng có khái niệm nào về sinh tố.” Và nếu phải chê bai điều gì thì từ “buồn nôn” được dùng ngay lập tức “Tập thơ ấy đúng là buồn nôn số 1”. Nó bảo: “Em nói thế cho chuyên nghiệp và dạn dĩ.”
Những “triết gia”...tư duy trên bàn phím
Tôi thì vẫn cứ muốn nghĩ là những cá nhân trẻ tuổi kể trên chỉ là một thiểu số yếu ớt trong vô vàn những người trẻ khoẻ mạnh và giàu có về lối suy nghĩ cũng như ngôn ngữ. Nhưng có vẻ tôi đã nhầm sau khi dành một buổi tối rảnh rỗi để chạm mặt các triết gia trên các forum của người trẻ. Số lượng những người mắc bệnh triết gia nhiều hơn tôi tưởng.
Chẳng hạn, bạn vừa mở miệng than thở về một trục trặc nhỏ của tình yêu, ngay lập tức (bạn đừng ngạc nhiên) có ngay một đáp từ khá lớn lao kiểu thế này: “Trong thế giới có sinh có diệt này thì không thể có điều gì là vĩnh cửu cả. Trái đất này cũng có ngày không còn tồn tại. Mặt trời kia cũng có ngày lụi tàn... Mọi thứ có sinh thì ắt có diệt, mọi thứ sẽ đến rồi đi”.
Hoặc là: “Cuộc sống đầy những bất ngờ mà chúng ta không bao giờ có thể biết hết được. Chỉ có Trời mới biết chuyện gì đang xảy ra. Bạn đang gặp khó khăn để nhận biết được rằng chúng ta sống không chỉ với thể chất và tâm trí này mà còn có cả tâm linh, nơi mà bạn có thể tin vào sự vĩnh cửu”.
Tất nhiên, ở một văn cảnh nào đó, những ngôn từ triết lý là cần thiết. Nhưng trong những câu chuyện giản dị mà vẫn diễn đạt “triết lý” rắc rối đến tối nghĩa thì cũng lạ.
Đôi khi chính những người trẻ trên internet tự lý giải rằng: “Có những lúc cảm giác cô đơn, trống rỗng, bi quan... khiến tôi không có ý định kiểm soát ngón tay mình đang thao tác những gì trên bàn phím. Tôi chẳng biết mình đang nghĩ gì nữa thế nên đừng ngạc nhiên nếu câu nói của tôi... vô nghĩa.”
Còn đây là tâm sự của một “triết gia” yếu đuối: “Ta khóc bất kể lúc nào khi ta chỉ có một mình. Vậy thì ta ơi đừng làm mình thêm cô quạnh nữa. Ta hãy vui lòng đón nhận một sự thật dù làm ta đau còn hơn sống mãi trong niềm vui dối trá”.
Còn đây là một tác giả đang chứng minh chân lý “cuộc đời không đơn giản”: “Mặt trời chẳng bao giờ biết khóc, Mặt trời chỉ biết vui cười mà thôi, nhưng có ai biết rằng nước mắt của Mặt trời chính là những giọt nắng! Người ta cảm thấy Mặt trời cười thì thực ra lúc đó mặt trời đang khóc. Mặt trời đã đem những giọt nước mắt của mình sưởi ấm nhân gian. Cuộc sống đôi khi thật không đơn giản như người ta nghĩ”.
Phải chăng chính những triết gia trẻ này làm cuộc sống phức tạp hơn? Thật ra cũng không nên quá chê bai họ. Sống nghĩa là phải tư duy. Con người luôn trăn trở đi tìm ý nghĩa của sự sống. đôi khi trong bản thân ta cũng đôi lần xuất hiện bóng dáng của triết gia : thích được chiêm nghiệm, suy ngẫm và nói những điều to tát.
Trong các website mục Suy ngẫm thường thu hút nhiều vấn đề nặng ký triết học: Suy ngẫm về hiện hữu (tôn giáo, siêu hình học, vũ trụ và vật chất, con người và tâm lý), suy nghĩ về nhận thức (khoa học, ngôn ngữ, tư duy và logic), suy ngẫm về lý luận và giá trị, về thực tiễn và hành động... Những chuyên mục này thu hút số lượt người đọc và bài viết nhiều không kém các chuyên mục khác.
Chỉ riêng chuyện Tản mạn về thời gian của một trang web dành cho giới trẻ đã có 1852 lượt người đọc. Bài “Siêu hình học, tồn tại hay không tồn tại” có 2350 lượt độc giả quan tâm. Trang chủ của diễn đàn này cũng có biểu ngữ là một câu nói bất hủ của Albert Einstein. Tuổi trẻ phải biết quan tâm đến những điều như thế. Không thể sống hời hợt với hưởng thụ, với ăn, ngủ, chơi... Tuy nhiên chúng ta có thể tập diễn đạt một cách giản dị hơn.
Chân lý là sự giản dị. Nếu chỉ để hỏi là “Hai bác đến làng em có việc gì?” thì đâu cần phải xổ nho chùm thành: “Hà cớ nhị vị tráng sĩ du nhàn qua bản thôn?”, cụ đồ Cóc đã bị cười vì lối diễn đạt như thế. Đầu thế kỷ XXI phải khác chứ, phải không bạn?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn TrọngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất Thịnh"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn