Quả táo sứt

08:23 SA @ Thứ Ba - 08 Tháng Tám, 2017

Xem thêm:Đủ là Thiếu một ít

LTS:Nhằm cải cách tình trạng lỗi thời trong môn dạy văn ở các trường trung học tại Trung Quốc, Tạp chí văn học trẻ “Mầm Non” kết hợp với 7 trường ĐH lớn của TQ đã tổ chức cuộc thi viết văn “Khái niệm mới” mỗi năm một lần, dành cho thanh thiếu niên.

Cuộc thi chia làm các bước:

Bước 1, tự chọn đề tài và thể loại, viết một bài dưới 5000 chữ gửi về Ban tổ chức - người đạt yêu cầu sẽ tập trung thi bước hai, thời gian làm bài là 3 giờ. Thí sinh trúng giải được 1 trong 7 trường nói trên nhận thẳng vào bọc, bài viết được đăng Tạp chí "Mầm Non”, được các nhà văn bình phẩm và in thành sách. Trong 2 tháng, đã có bơn 4000 bài dự thi từ khắp nơi gửi về. Ban giám khảo gồm các nhà văn, nhà báo và nhà nhân văn bọc nổi tiếng, đứng đầu là nhà văn Vương Mông, đã chọn 350 bài đưa vào bước một, rồi chọn ra 134 tác giả dự thi bước hai.

Bước 2, có 3 đề thi, thí sinh tự chọn 1, không hạn chế số chữ.Đề thi số một là viết cảm nghĩ sau khi đọc một truyện hài hước ngắn (13 dòng, in sắn). Đề số 3 chọn 1 trong 2 bài thơ cổ (mỗi bài 4 dòng, in sẵn) viết thành câu văn xuôi. Đề thi số hai rất độc đáo: hãy thả sức tưởng tượng, viết một bài văn về quả táo bị cắn mất một miếng, tự chọn đầu đề, chủ đề, thể văn. Khi ra đề, giáo viên giơ cho các thí sinh một quả táo lành lặn, lát sau, vị này cắn một miếng trên quả táo, để quả táo sứt lại trên bàn rồi đi vào, không nói gì.

Theo nhận định của Ban giám khảo, nhờ được “cởi trói” về đề tài và cách thi, nên giới trẻ đã có dịp phát huy tài năng, các tác phẩm đều đạt chất lượng rất cao, nhiều bài thật khó có thể tin là giới trẻ viết, đúng là “hậu sinh khả úy”.

Sau đây là một bài trúng giải cao. Tác giả bài dự thi này là em Dương Thiên (nữ học sinh lớp 12 trường THPT số 1 Vô Tích, tỉnh Giang Tô)


Chủ đề: Mỗi sinh mệnh là một quả táo từng bị Thượng đế cắn mất một miếng

Cách đây ít lâu, tôi thường hay lui tới hiệu sách "Vườn Táo". Hiệu sách không lớn, nhiều nhất chỉ độ hai chục mét vuông, nhưng lúc nào cũng ngào ngạt mùi thơm của sách. Không hiểu sao, mỗi lần tới hiệu sách này, tôi đều mang theo trong mình một tâm trạng nào đó không thật nhẹ nhõm nhưng lại rất trong sạch. Chủ hiệu là một nữ sinh viên mới tốt nghiệp Đại học, xem ra chị ấy không có vẻ hiếu khách lắm và cũng thiếu xởi lởi, đôi lúc tỏ ra rất thâm trầm. Bên cửa vào hiệu sách có kê một chiếc bàn viết nhỏ kiểu đáng cầu kỳ, trên bàn luôn có hoa tươi và một xấp giấy mỏng. Có lẽ đây là cách bài trí của các phụ nữ trẻ lịch sự. Trong những thứ bầy biện đầy vẻ lãng mạn mà thiếu tính thẩm mỹ ấy, bao giờ tôi cũng nhìn thấy một quả táo tươi roi rói và một vết cắn rất nghịch cảnh trên quả táo đó. Cũng vì thế mà hiệu sách này lưu lại trong tôi một ấn tượng rất sâu sắc. Mỗi lần ra vào nơi ấy, ánh mắt tôi bao giờ cũng dừng lại giây lát trên quả táo bị cắn mất một miếng kia. Nó tựa hồ như nói lên một đạo lý gì sâu xa hư ảo, là một câu đố tôi không thể nào giải nổi.

Thắc mắc ngày một lớn dần thì tôi cũng ngày càng hay lui tới hiệu sách đó. Dần dà, tôi phát hiện thấy hiệu sách này đặc biệt thích kinh doanh các tác phẩm của Sô pen hao, Căng và Vương Quốc Duy *. Đây là những loại sách rất khó tìm thấy ngoài thị trường, nhưng ở đây thì có đủ hết. Thật không hiểu bà chủ trẻ kia kinh doanh hiệu sách này với một tâm tư thế nào.

Cho dù là người không bao giờ chịu để bụng điều gì, nhưng tôi vẫn chưa lần nào dám mạo muội hỏi chị chủ hiệu về chuyện quả táo bị cắn dở một miếng kia. Tôi chỉ ra vào hiệu sách ấy thường xuyên hơn, mang theo những cuốn sách đã chọn được ở đây và liếc vội quả táo bị cắn mất một miếng ấy.

Không hiểu sao, cứ như thế tôi tiến gần đến Sô pen hao, Căng và cả Vuông Quốc Duy nữa. Tôi loáng thoáng lĩnh hội được sự bất cập và bi ai trong thuyết sinh tồn của Sô pen hao, hiểu được lý thuyết hữu hạn của Căng về quy tắc nắm biết và nhận thức thế giới, đồng thời càng cảm nhận được số phận "dì lão" ** của bậc đại nho Vương Quốc Duy dưới ảnh hưởng của hai hệ thống triết học Sô pen hao và Căng...

Vâng, tôi đang từ từ "đọc" hiểu cái hiệu sách ấy, thế nhưng, tôi vẫn chưa "đọc” hiểu quả táo kia. Cuối cùng, tôi không kìm nén nổi thắc mắc trong lòng mình! Ba tháng sau khi trở thành khách quen của hiệu sách, tôi hỏi chị chủ hiệu trẻ tuổi về quả táo ấy "Chị ơi, tại sao trên bàn chị bao giờ cũng thấy bầy một quả táo chỉ mới bị cắn mất một miếng thế? Không phải là vì bận việc nên chị không kịp ăn nốt quả táo đấy chứ?” Tôi cố ý pha trò hỏi.

"Sao lại thế nhỉ?", chị nhẹ nhàng nói, "Chị thích cứ ngước mắt lên và nhìn thấy nó".

"Thấy quả táo bị cắn mất một miếng?” Tôi không hiểu, hỏi lại.

"Đúng thế ! Nhiêu lúc chị cảm thấy nó hàm chứa nhiều ngụ ý".

"Ngụ ý ? Quả táo bị cắn mất một miếng thì có thể có ngụ ý gì kia chứ? Tôi tròn xoe mắt, đường đột hỏi.

"Thế em không cảm thấy nó giống hệt mỗi một con người chúng ta hay sao ? Ngay từ khi lọt lòng mẹ, chúng ta ai nấy đều bị Thượng đế không thương tiếc cắn mất một miếng. Không một sinh mệnh nào hoàn mỹ cả bạn có khiếm khuyết của bạn, tôi có nhược điểm của tôi. Cho dù có cố gắng đi nữa, ai cũng vẫn có lúc bất cập. Đúng là như Căng nhận thức: “sự hiểu biết của ta đối với thế giới là hữu hạn. Ngay cả những sinh mệnh mạnh mẽ hơn cũng đều giống như quả táo đã bị cắn, bao giờ cũng có lúc không đủ sức để làm một việc trót lọt tới cùng…”. Nói đến đây, chị chủ hiệu nín lặng, ánh mắt dầy vẻ bất cập và hẫng hụt.

Chẳng biết số phận đã để lại những vết thương ra sao trên con người này, nhưng tôi có thể khẳng định chị đã có thói quen dùng mớ lý luận hữu hạn của Căng và tâm trạng bất cập đau buồn của Sô pen hao để an ủi cõi lòng mình. Về vấn đề ấy, tôi không biết nói điều gì và lại càng không thể hiểu được. Rút cuộc, là kẻ ít tuổi hơn chị chủ hiệu kia, tôi tin tưởng một cách bất di bất dịch rằng quả táo Thượng đế ban cho tôi là một quả táo nguyên lành.

Tôi vẫn cứ nghiêm chỉnh làm một học sinh giỏi, vẫn cứ hồn nhiên phát huy tuổi thanh xuân và lòng tự tin của mình và vẫn cứ chẳng thể nào hiểu được quả táo không lành lặn kia của chị chủ hiệu sách; thế nhưng, tôi vẫn ra vào cái cửa hiệu lắm sách ấy như trước.

Cuối cùng thì tất cả mọi bất hạnh và tai ương định sẵn vẫn cứ từ trên trời rơi xuống, chẳng khác những giọt mưa...

Mang theo nỗi ám ảnh khó hiểu ấy, năm 1998, tôi bị một trận ốm nặng, phải vào nằm bệnh viện. Tôi đành phải xa rời vòng hào quang từng thuộc về mình, xa rời những điểm số mình từng nguyền rủa nhưng lại ngầm tự hào vì chúng. Tôi đành phải nằm trên chăn đệm trắng toát màu chết chóc, chấm dứt mọi giấc mơ huy hoàng.

Trong ốm đau, tôi trở nên nhạy cảm, và bởi thế, tự nhiên tôi nghĩ tới quả táo bị cắn kia. Từ đó, tôi nhanh chóng lĩnh hội được tất cả mọi ngụ ý của nó.

Hôm xin phép bệnh viện cho về thi học kỳ, tôi cố lê cái thân hình ốm của mình mò đến hiệu sách nọ xem xem. Nhác thấy bộ mặt trắng nhợt không chịu nổi xúc động của tôi, chị chủ hiệu vội giấu ngay quả táo sứt vào ngăn kéo. Tôi làm như không thấy gì, bảo: "Em đến đây chẳng có việc gì đâu. Chỉ muốn nói với chị rằng, người thì ai cũng như nhau cả". Nói đoạn, tôi đưa mắt nhìn chằm chằm vào cái ngăn kéo kia, rồi quay người ra về.

Mãi sau, hết mưa thì nắng. Tôi nhanh chóng khỏi ốm, rồi lao vào học với tâm trạng lo sợ. Mới đầu, thành tích học không khá lắm, ưu thế cũ của tôi dã bị mất hết cả. Nhưng, có lẽ là nhờ sự khích lệ của cha mẹ và thầy cô giáo, cũng có thể là nhờ sức mạnh của lòng hiếu thắng trong tôi, cuối cùng tôi thoát ra khỏi nỗi ám ảnh nọ, trở lại con người trước đây của mình. Câu chuyện về cái ngụ ý của quả táo bị cắn kia đã sớm biến mất tận đâu tận đâu rồi.

Vâng, tôi không tin vào sự sắp đặt của số phận, không tin rằng thực sự có một tiền đồ định sẵn. Như Bét thô ven từng nói, "Ta phải nắm lấy cổ họng của số phận”.

Một lần nữa, tôi lại đến hiệu sách ấy. Mắt tôi sục sạo, tìm kiếm trên chiếc bàn. Không phải là tìm quả táo kia, mà là tìm chỗ khuyết trên quả táo.

"Ôi ! Quả táo không còn chỗ khuyết nữa rồi !" Tôi mừng rỡ ngạc nhiên reo lên. Vị khách duy nhất trong hiệu sách khi ấy quay đầu nhìn tôi, còn chị chủ hiệu thì lắc đầu một cách bất cập rồi xoay quả táo lại : một miếng khuyết lớn hiện lên trong tầm mắt của tôi.

"Chẳng qua là em chưa nhìn thấy thôi !" Chị buồn bã trách móc

"Thế này chẳng phải là được rồi sao? Nếu trên thế giới đã không có gì hoàn mỹ cả thì cần gì còn phải theo đuổi sự hoàn mỹ nữa? Chỉ cần ta có thể phát huy ưu điểm, tránh né khuyết điểm, trưng cho người khác nhìn thấy nhiều hơn những mặt tất đẹp của ta, dùng mặt tốt đẹp để khích động và giúp đỡ người khác, như thế là chưa đủ chăng ? Tôi xúc động nói. Chị chủ hiệu mỉm cười, lạnh nhạt bảo: “ Vô ích thôi !"

“Không ! ..." tôi còn chưa nói xong, chị đã ngắt lời.

"Vẫn cứ phải cảm ơn em và chức em hạnh phúc! Chị sẽ vứt quách cái hiệu sách nhỏ này, bỏ đi nơi khác".

Lòng tôi nao nao. Bỏ đi ư, mang theo một tâm tư đầy những Căng và Sô pen hao mà đi ư? Mang theo quả táo bị cắn mất một miếng kia mà đi sao? Chẳng biết nói gì hơn, tôi lẳng lặng ra khỏi hiệu sách. Sự việc trên đọng lại trong tôi rất lâu. Nhìn thấy hiệu sách nhỏ kia đóng cửa, treo biển cho thuê nhà, rồi trở thành một cửa hàng ngũ kim, tôi như thấy có cái gì đó đè nặng trong lòng mình. Hàng ngày, mỗi khi ăn táo, bao giờ tôi cũng thích cắn một miếng trước, sau đó ngắm nghía quả táo hồi lâu rồi mới ăn tiếp, đến nỗi cả nhà đều cười giễu sự ngộ nghĩnh đáng yêu và lẩn thẩn của tôi.

Một buổi tối nọ, trong khi chăm chăm nhìn quả táo, bỗng nhiên tôi thấy trong mình trào lên một sức mạnh vô cùng xúc động, vô cùng hưng phấn. Đúng thế, mỗi sinh mệnh đều là một quả táo bị Thượng đế cắn mất một miếng, nhưng ngày nào Thượng đế cũng đều ban cho mỗi sinh mệnh ấy một quả táo, để bạn luôn luôn biết được mình còn khiếm khuyết; đồng thời lại luôn luôn đem đến cho bạn niềm mong muốn theo đuổi sự hoàn mỹ. Và như thế, cuộc đời của bạn sẽ trải qua hết lần tu sửa và hoàn thiện này đến lần tu sửa và hoàn thiện khác. Bạn có thể tuỳ ý xoay thân hình mình để trưng ra cho người khác nhìn thấy cái tự thân đẹp nhất của bạn. Điều đáng tiếc là nhiều người chưa hiểu được cái biểu tượng ám thị ấy của Thượng đế, mà cứ lội dòng sông cuộc đời mình trong sự dằn vặt, ân hận. Ví như chị chủ hiệu sách kia, ví như tôi ngày nào…

Bỗng nhiên, hiểu ra câu thơ nọ: thật ra, không lành lặn cũng là một sự lành lặn.

Rồi ngẩng đầu nhìn lên trời: ô kìa, một vầng trăng khuyết. Giống hệt quả táo bị cắn mất một miếng...

Bình luận của Triệu Trường Thiên
(Tổng biên tập tạp chí "Mầm Non”)

Dương Thiên thật là người có bản lĩnh, từ một sự việc định sẵn mà em đã triển khai dẫn tới một chủ ý sâu sắc đến thế: "Mỗi sinh mệnh đều là một quả táo bị Thượng đế cắn mất một miếng". Điều quý giá hơn cả, là em đã hư cấu ra câu chuyện qua lại sống động, hấp dẫn giữa "tôi" với cô gái mở hiệu sách, diễn tả sự cảm nhận cuộc sống một cách thân thiết, tự nhiên như nước chảy mây bay.

Ghi chú: Sau cuộc thi chung khảo viết văn này, nữ sinh lớp 12 Dương Thiên đã được trường đại học Nam Kinh nhận thẳng vào trường, không cần thi.


Chú thích của người dịch:

*Arthur Schopenhauer (1788 - 1860) triết gia Đức, tác giả Thuyết Duy ý chí. Lmmanuel Kant (1724 -1804). Ông tổ triết học Đức đưa ra Thuyêt Bất khả tri. Vương Quốc Duy (1877-1927), học giả Trung Quóc, cuối đời làm giáo sư trường Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

**Di lão: người già từng trải qua nhiều biến cố trong đời. Cũng còn dùng để chỉ người bề tôi cũ sau khi triều đại đã thay đổi vẫn còn trung thành với triều đại trước.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Để biết là mình không biết...

    13/05/2018Phan Đình DiệuChưa bao giờ việc học được toàn xã hội chúng ta quan tâm như mấy năm vừa qua. Ta đã bàn nhiều về những điều mà xã hội phải lo cho người học, nhưng còn bản thân người học phải lo thế nào cho việc học của chính mình thì có lẽ còn ít được bàn tới. Trong một đời người thì việc học ở nhà trường có thầy có lớp nhiều lắm cũng khoảng mươi, mười lăm năm, còn ngoài ra để học suốt đời thì chủ yếu là tự học.
  • Đưa vào triết học

    22/12/2005Nguyễn Văn TrungTrước khi học một môn gì tôi hỏi: Môn đó là gì? Chẳng hạn Vật lý học là gì? Vậy trước khi học triết lý, tôi cũng hỏi triết lý là gì? Và tôi coi việc hỏi như vậy là sẽ tự nhiên đã hẳn là thế, chẳng khác gì tôi hỏi về một vật gì, một việc gì chẳng hạn, cái bàn là gì?
  • Nhà triết học già dạy người đời suy nghĩ

    31/08/2005Ngọc YCó phải trên thế giới chẳng có cái gì là thiện, mà cũng chẳng có cái gì là ác! Chỉ có mỗi trí tuệ là thiện và mỗi ngu muội là ác không?
  • Sách là thức ăn không thể thiếu của trí tuệ

    24/08/2005Hiền ChươngĐó là lời mở đầu của Tiến Sỹ Nguyễn Tiến Dũng – Phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội với tạp chí Sách & Đời sống xung quanh đề tài sách và cuộc sống hôm nay...
  • Kế hoạch 500 cuốn sách

    22/08/2005Ngô Tự LậpCó một việc vô cùng quan trọng mà theo tôi chúng ta cần phải và có thể làm ngay, đó là tạo điều kiện để người Việt tiếp cận với những tác phẩm quan trọng nhất của nhân loại...
  • “(Thượng Đế) đã ban cho tôi sách vở cùng lúc với bóng tối.”

    03/08/2005Lâm Văn SangGiữa thời đại cách mạng tin học, trong chúng ta không ít người, chưa (không) mù, đứng giữa khối lượng khổng lồ của các nguồn thông tin, tài liệu, sách vở... như một người mù. Không như Borges, họ không than thở gì cả. Cũng giữa thời đại cách mạng tin học, một số người khác đã thật sự than thở. Họ không còn có đủ thì giờ để đọc.

  • Khoa học hoá cách suy nghĩ, làm việc, học tập

    13/07/2005Tác giả Đào Văn TiếnCuốn sách do nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản năm 1982 với lời tựa của tác giả: "Tặng các bạn thanh niên, niềm hy vọng của đất nước". Mở đầu là lời nói của Vladimia Cuocganop: ".... Nếu thanh niên không quan tâm tới khoa học, xã hội sẽ nhanh chóng suy thoái về văn hóa và vật chất..."
  • Người lớn tuổi có thể dạy chúng ta nhiều điều

    07/07/2005Theo Askmen
  • Văn hoá đọc trong thời đại thông tin

    13/01/2004TS. Phạm Văn TìnhSách vẫn là một kho tàng tri thức không thể thiếu được trong cuộc sống, mặc dù thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các phương tiện nghe - nhìn và mạng Internet đã làm giảm phần nào sự hứng thú đọc sách như trước. Bài viết của Tiến sĩ Phạm Văn Tình thêm một lần lý giải về vấn đề này...
  • Làm giàu tri thức của bạn

    29/06/2003Nguyễn Quang ChiểuSinh viên không dễ có ngay thu hoạch của mình nếu chỉ bằng lòng với “cua” tài liệu mình có, hoặc những gì các giáo sư giảng, mà càng cần phải suy nghĩ, so sánh, suy xét xa hơn để tìm ra thực chất vấn đề cần nghiên cứu. Chính vì lẽ đó, điều trước hết phải biết cách đọc sách có hệ thống...
  • Tẩy chay tích luỹ kiến thức?

    14/02/2003TS. Vũ Thị Phương AnhBước sang thiên niên kỷ thứ 3, nhìn lại những thành tựu của nhân loại, người ta phải thừa nhận rằng những nước đạt được nhiều thành tựu khoa học vĩ đại nhất vẫn là những nước ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. Vậy thì, chúng ta hãy điểm qua các dự báo về tương lai của nền giáo dục thế giới trong thế kỷ 21.
  • xem toàn bộ