Nghị luận văn hóa với ta
Trước đây, ở Huế có một nhóm trí thức mang danh là "Nhóm chịu trách nhiệm" (Les responsables), ý hẳn họ cho rằng họ có trách nhiệm trong cuộc tiến hóa của xã hội và họ phải hành động làm sao cho xứng đáng với cái thiên chức của mình.
Nhóm Responsables xuất bản được nhiều tập sách, trong đó có một tập nói về văn hóa với nhan đề như sau: "La culture et nous" (Văn hóa với ta). Tiếc rằng sách đó viết bằng chữ Pháp, phải chi nó được viết bằng quốc văn thì còn thú vị hơn và chắc có ảnh hưởng hơn.
Cũng hồi đó, tôi ra chơi Huế được tiếp chuyện hai ông giáo sư mà một ông là người "chịu trách nhiệm".
Ông này nhân bàn về văn hóa có phát biểu một vài ý kiến ngộ ngộ.
Ông nói:
"Người có culture chẳng phải là người học rộng, biết nhiều mà không có tâm hồn cao thượng. Một người vô học mà có tư cách thanh kì có thể được gọi là một người cultivé".
Những ý kiến của ông chỉ làm cho tôi thỏa mãn được một nửa.
Tôi công nhận rằng văn hóa nếu chỉ tu bổ phần trí thức mà không cảm nhiễm tới tâm hồn thì văn hóa chưa hoàn toàn bổ ích.
Nhưng một người vô học mà có lòng tốt tự nhiên không thể gọi là một người có văn hóa được.
Nhân chi sơ, tính bản thiện ư?
Nhân chi sơ, tính bản ác ư?
Chỗ này không phải là chỗ bàn tới một vấn đề mà tới nay vẫn chưa giải quyết được.
Sự thật thì ta thấy rằng ở đời vẫn có người tốt sống chung với những người xấu, mà không phải là người tốt toàn là những người được ăn học đàng hoàng hay người xấu toàn là những người vô trí thức.
Nhân đó mà ta thấy rằng nhân loại không được đồng chất mà cứu cánh của văn hóa mà phải đổi xấu ra tốt, khai dã thành văn. Đối với những người có bản chất tốt thì nó làm cho được tốt thêm. Hơn nữa nó làm cho họ khôn ngoan hơn, tài trí hơn để có thể phân biệt được những lẽ phải trái, gánh vác được những việc khó khăn. Còn đối với những người có bản chất xấu thì phải làm cho họ lần lần giác ngộ ở trí thức để biến đổi tâm hồn mà thành nên được những phần tử ưu tú trong nhân loại.
Như vậy thì văn hóa không phải chỉ cốt tạo nên những nhà trí thức, những nhà bác học mà còn phải gây nên ở những hạng người này một bản ngã phong phú, một tâm hồn cao thượng có khối óc thông minh mà cũng có khối tình thân thiết.
Cái văn hóa nào chỉ lo tu bổ tri thức mà sao lãng tinh thần là một cái văn hóa nguy hiểm, dầu có giúp cho loài người được nhiều phát minh sáng chế, nhưng chưa đủ tạo nên một bầu không khí trong sạch cho thiên hạ biết sống trong tình tương ái, tương thân.
Tuy nhiên, nói chuyện văn hóa không được nói một cách quá đơn giản.
Văn hóa bao giờ cũng đi liền với phong tục, và phong tục mỗi nước tránh sao cho khỏi có những chỗ dị, đồng.
Bởi lẽ đó cho nên chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu mà văn hóa Việt Nam không thể Tàu hết được.
Và cũng bởi lẽ đó cho nên nhiễm văn hóa Pháp, người Việt Nam không thể đồng hóa với người Pháp được.
Trước đây có một số ông nghè trẻ tuổi, học rộng tài cao, sau khi ở Pháp về đã viết ra nhiều cuốn sách để nói về sự cách biệt lớn lao giữa ông cùng hoàn cảnh đất nước.
Ông nói:
"Nhà làm là để dùng chung cho mọi người chứ không phải để tiện việc cho mỗi kẻ. Muốn đến một căn phòng thì tất phải luồng tuồng qua tất cả những phòng khác. Cá nhân bị rượt riết tới những tư tưởng riêng, những tình cảm kín không có một chỗ nào riêng biệt để có thể trốn tránh đặng khóc thầm hay cười lén.
Tôi run sợ vì cái ý nghĩ rằng sẽ có một người chết ở tôi. Tôi hãi hùng về cái tư tưởng nay mai tôi sẽ chỉ là hình ảnh tối mờ của những con ma sống và chết đã kết hợp lại thành nên một gia đình, tôi sẽ là đứa nô lệ cho những cổ tục và những thành kiến vô nghĩa nó truyền đến từ lâu đời. Ôi! Thật là đáng sợ mà vẫn cảm thấy mình chết".
Cái chết ông nghè nói ở đây là cái chết ở tinh thần vì ông sợ cái ảnh hưởng khốc hại của hoàn cảnh nó sẽ làm tiêu ma cái tính mãnh liệt mà hơi kiêu của ông. Nhưng ta sợ gì là nó có. Ta vẫn sống chung với những con ma sống là đồng bảo của ta. Ta vẫn sống chung với con ma chết là tổ tiên của ta.
Ta muốn cho ta là văn minh tiến hóa đến bực nào đi nữa, ta vẫn không tránh khỏi sự chi phối của những con ma đó.
Chi bằng ta cam chịu sự sống chung.
Ta đem những điều sở đắc ở Tây học mà cải lương cái hoàn cảnh của ta cho nó thích hợp với thời đại.
Nhưng cải lương không có nghĩa là phá tan mà làm lại, cải lương là phải giữ lấy nền mà tu bổ cho tốt hơn.
Trước đây những nhà trí thức Pháp cũng nhiều người công nhận rằng ta không thể đồng hóa với chính quốc được.
Hiện nay, thống chế Pestain lại cương quyết đề xướng rằng dân tộc thuộc địa phải sống một đời sống tinh thần thích hợp với văn hóa và phong tục của mình, nhiên hậu mới có thể hòa nhịp với nền văn minh của chính quốc.
Nói riêng về dân tộc Việt Nam, nếu ta chưa có cái gì nó đã kết tinh ở tâm hồn, tình cảm của ta, nếu ta không mắc chứa những cái gì mà ta có thể gọi được là văn minh hay văn hóa thì nhiễm gì cũng được, chịu gì cũng hay, huống hồ lại là chịu đựng một nền văn hóa tốt đẹp như nền văn hóa Pháp.
Tuy vậy nhưng t không ngang ngạnh tuyệt đối đâu. Ta vẫn sẵn sàng tiếp đón ngọn lân phong, trước là để ta thêm vào cho ta những cái gì mà ta còn thiếu, sau là nhân cái học mới mà hiểu thêm nền học xưa, rồi lần lần từ cái riêng biệt ta sẽ đi tới cái đồng nhất để có thể dung hòa hỗn hợp mà có thể tạo nên một nền văn hóa toàn bị ở tương lai.
Trong bài diễn văn đọc ở trường đại học Hà Nội, quan Toàn quyền Decoux đã có lời tuyên bố như sau:
Cái mục đích nói trên thì tôi tin rằng có thể thực hiện được. Nhưng muốn có được hoàn toàn thì nền văn hóa của hạng thượng lưu còn phải kiến thành nền văn hóa của hết thảy mọi người. Mà muốn được như vậy thì chữ Quốc ngữ lại vẫn là lợi khí duy nhất.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn